Nhờ thường xuyên tỉnh giác trong quá trình tu tập tâm mà mọi người lắng nghe được tiếng nói chân thật của con người thật, của cái Ta thật, vốn là bản chất đích thực của con người. Tiếng nói đó càng ngày càng rõ, nhờ sự tỉnh giác của chúng ta ngày càng có chiều sâu, nhờ đó mà dần dần dẹp yên được tiếng gào thét dục vọng của cái Ta giả, con người giả, trước đây vốn từng thao túng và chi phối mình. Tiếng nói của nội tâm là sự yên lặng, một sự yên lặng giúp cho tâm thấy tất cả, biết tất cả, Thiền sư Suzuki từng nói: “Khi bạn tự chiêm nghiệm mình, bạn sẽ thấy tất cả”.
Rõ ràng, yên lặng ở đây không có nghĩa là không có tiếng ồn. Yên lặng ở đây là nội tâm ta trở nên bình lặng, không còn bức xua và mặc cảm, dù là tự tôn hay tự ti đi nữa. Mọi niệm đều dứt. Trong tâm hoàn toàn trống vắng, không có ý niệm nào cả. Vì còn có niệm là còn có ức chế, bức xúc, khiến chúng ta hao phí năng lượng một cách vô ích. Trái lại, với nội tâm hoàn toàn yên lặng, chúng ta sẽ cảm nhận một trạng thái thư thái và hỷ lạc tuyệt vời. Lúc bấy giờ, năng lượng vận động một cách tự do trong toàn thân, đem lại cho chúng ta một sức mạnh, một sức sống mới.
Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên đời Trần, từng ngồi một mình lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình mà quyết định trở thành Thiền sư, đặt nền tảng tư tưởng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời được diễn trình trong Khóa hư lục “Tâm tịnh nhi tri, thị danh chân Phật” (lòng lặng mà biết, đó là Phật thật ). Hóa ra tiếng nói nội tâm là tiếng nói Phật tâm, được xuất phát từ cõi lòng mình.
Còn Thiền sư Kiều Trí Huyền thì mô tả tiếng nói nội tâm thật huyền bí, kỳ diệu và thật cụ thể cho mọi người: “Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm, Cá trung mãn mục thị thiền tâm, Hà sa cảnh thị Bồ-đề cảnh, Nghĩ cách Bồ-đề cách vạn tầm”. (Trong viên ngọc phát ra âm thanh huyền bí kỳ diệu, Ở đó khắp nơi là tâm thiền, Tất cả cảnh giới đều là cảnh giới giác ngộ (Bồ-đề). Ấy thế mà lại đi tìm Bồ-đề cách xa hàng vạn dặm). Ngọc ở đây là nội tâm, âm thanh kỳ diệu huyền bí ở đây là sự im lặng. Thiền tâm là tâm giác ngộ. Cảnh Bồ-đề là cảnh giác ngộ. Giác ngộ và giải thoát đều ở trong thế giới thực tại này cả, đâu cần đi tìm cách xa đây hàng vạn dặm?
Con người hiện đại dường như không có thời gian cho việc lắng nghe tiếng nói nội tâm và suy nghiệm về đời sống của chính mình. Xung quanh ta, thật sự có quá nhiều tiếng nói, âm thanh ngôn ngữ khác nhau, buộc con người phải nghe, để giải trình cho quan điểm của mình về một đời sống đầy biến động và thay đổi qua tư duy khái niệm được xem như là công cụ để trao đổi; nhưng vướng mắc, bám víu vào chúng thì đó chính là hàng rào ngăn cách không cho chúng ta thực nghiệm nội tâm theo chiều sâu.
Sách Phật có câu: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, ý tứ của câu trên là mỗi người muốn lắng nghe tiếng nói nội tâm đích thực, muốn hòa mình vào sự im lặng của nội tâm sâu thẳm thì phải biết cắt đứt ngôn ngữ và diệt trừ tư duy khái niệm. Chính sự an trú vào tâm tỉnh lặng trong một thế giới bình an nội tại sẽ khiến chúng ta có cái nhìn chánh kiến, thiết thực hiện tại:
“Thở vào tâm tĩnh lặng.
Thở ra miệng mỉm cười.
An trú trong hiện tại.
Giây phút thật tuyệt vời”
Thích Nhất Hạnh
Người Phật tử hiểu đạo thì phải thường xuyên lắng nghe sự im lặng của nội tâm, âm thanh huyền bí và kỳ diệu của sự im lặng đó. Đây chính là giá trị đích thực của cuộc sống khi chúng ta thực thi tiếng nói đích thực của lòng mình trong sự tìm cầu hạnh phúc an lạc.
Trên đây là chân giá trị mà kho báu Phật giáo cung cấp cho chúng ta. Tất cả đã được Đức Phật Thích Ca và các bậc Thánh, các Thiền sư và cả những con người tu tập minh chứng giải trình. Bất cứ ai lãnh hội giá trị đích thực của cuộc sống này, tin chắc rằng sẽ có một đời sống hiện tại lạc trú, thậm chí cánh cửa vô sinh bất tử sẽ mở ra ngay trong cõi đời trần tục này.
Thích Phước Đạt
Nguồn: yenlang.net