Người hỏi: Có phải ý niệm hình thành như là một sự phòng vệ chống đau
hay không? Hài nhi bắt đầu tư duy để có thể tách rời nó với nỗi đau đớn phát sinh
thân vật lý. Có phải ý niệm – kiến thức có tính cách tâm lý – kết quả của sự
đau đớn, hoặc là sự đau đớn là kết quả của ý niệm? Làm sao ta có thể vượt trên
mọi phòng vệ phát triển từ tuổi ấu thơ?
Jiddu Krishnamurti: Đâm một cây
kim vào chân thì ở đó có sự đau đớn. Sau đó là sự căng thẳng là sự đau đớn này
cần phải chấm dứt. Đó là xung lượng của ý niệm, sự phản ứng của thần kinh hệ;
rồi thì đồng hóa với sự phản ứng đó, ta nói, “Tôi hy vọng nó sẽ chấm dứt và tôi
sẽ không còn bị đau đớn trong tương lai.” Tất cả hiện tượng đó là một phần xung
lượng của ý niệm. Sự sợ hãi là một phần của đau đớn. Có sợ hãi ngoài ý niệm hay
không?
Bạn có từng thí nghiệm bằng cách
tách rời ý niệm qua đau đớn hay không? Hãy ngồi trên ghế nha sĩ một lúc nào đó
và quan sát mọi diễn tiến: Tâm trí bạn đang quan sát mà không đồng hóa. Bạn có
thể làm được việc này. Tôi ngồi trên ghế nha sĩ trong bốn giờ đồng hồ, không
một ý niệm nào khởi lên trong tâm trí tôi.
Làm sao ta vượt trên mọi phòng
thủ được trau dồi từ tuổi ấu thơ? Ta có nên tìm tới bác sĩ phân tâm hay không?
Ta có lẽ nghĩ đó là cách dễ nhất và ta có lẽ cho là họ sẽ điều trị được tất cả
mọi vấn đề nảy sinh từ tuổi ấu thơ đó. Họ không thể. Có lẽ họ sẽ làm dịu đi một
cách nhẹ nhàng. Nếu vậy thì ta sẽ làm gì? Không có người nào mà ta có thể tìm
đến. Ta sẽ đối diện với điều đó? Chẳng có một ai. Ta có bao giờ trực diện với
sự thật là không có một người nào ta có thể tìm tới? Nếu ta mang bệnh ung thư
ta có thể tìm đến bác sĩ, khác với kiến thức tâm lý mà ta đã phát triển từ tuổi
ấu thơ khiến ta bị loạn thần kinh, và đa số mọi người đều bị loạn thần kinh.
Nếu vậy, ta phải làm gì? Làm sao
ta biết, trong thế giới vốn đã điên loạn, tất cả thân hữu của ta và thân quyến
đều mất thăng bằng, khiến ta cũng mất thăng bằng? Ta không thể tìm đến bất kỳ
người nào; cho nên những gì diễn ra trong tâm trí của ta bây giờ là ta không
còn có thể nương tựa trên một ai khác, trên sách vở, trên các bác sĩ tâm lý,
trên chính phủ? Chuyện gì diễn ra trong tâm trí của ta nếu ta thật sự nhận thức
rằng ta không thể tìm đến bất kỳ một ai? Bệnh loạn thần kinh là kết quả của sự
phụ thuộc. Ta phụ thuộc vào vợ của ta, vào bác sĩ. Ta phụ thuộc vào Thượng Đế
hoặc vào các các nhà tâm lý gia.
Ta phải thiết lập một chuỗi phụ
thuộc quanh ta, hy vọng là qua sự phụ thuộc đó ta sẽ an ổn. Và khi ta khám phá
ra rằng ta không thể nương dựa bất kỳ ai cả, chuyện gì xảy ra? Ta mang lại một
cuộc cách mạng tâm lý to lớn; Ta thường không sẵn sàng trực diện nó. Ta nương
tựa vào vợ ta; Cô khuyến khích ta nên nương dựa vào cô; và ngược lại. Đó là một
phần bệnh loạn thần kinh của ta. Ta không ném nó đi. Ta xem xét nó. Ta có thể
nào thoát ly khỏi nó, không phụ thuộc vào vợ ta - ở tính cách tâm lý, tất nhiên
rồi? Ta sẽ không như vậy bởi vì ta sợ hãi; Ta muốn một cái gì đó từ cô, dục
hoặc là cái này cái nọ. Hoặc là cô khuyến khích ta qua ý niệm của ta, giúp ta
khống chế, tham vọng, hoặc bảo ta là một triết gia xuất chúng.
Nhưng thấy biết chính trạng thái
phụ thuộc trên kẻ khác có lẽ là nguyên nhân của căn bệnh thần kinh tâm lý sâu
xa. Khi ta cắt đứt khuôn mẫu đó, chuyện gì diễn ra? Ta lành mạnh! Ta chắc chắn
phải có sự lành mạnh như thế để khám phá chân lý là gì. Sự phụ thuộc chắc chắn
là phát xuất từ tuổi ấu thơ. Nó là một yếu tố chống lại đau đớn và thương tổn,
một yếu tố để khỏa khuây, bồi dưỡng cảm xúc và khuyến khích – Tất cả điều đó đã
được xây dựng trong ta, ta là một phần của điều đó. Tâm trí điều kiện hoá này
không bao giờ có thể khám phá chân lý là gì. Không phụ thuộc vào tất cả có
nghĩa là ta đơn độc; Tất cả cái ta, tổng thể - đó là sự lành mạnh. Sự lành mạnh
đó sản sinh lý trí, sự sáng suốt, và trong sạch.
Tác Giả: Jiddu Krishnamurti
Dịch: Minh Nguyệt
Nguồn: hoagiacngo.com