Tất cả mọi người ai cũng mang
thân này và cho đó là thân mình. Chúng ta mang thân suốt cuộc đời và nhận nó là
thân mình nhưng nếu xét kỹ thì chúng ta có thật biết rõ về nó chưa? Cho nên cần
phải nhìn thật kỹ về nó.
Lâu nay chúng ta nhìn thế nào về
thân này? Thân này gồm có: đầu, tóc, mắt, tai, mũi, miệng, má, cằm, cổ, vai,
ngực, bụng, tay, chân, eo, lưng v.v… mình cho đó là thân phải không? Thường thì
ai cũng đều thấy thân như thế, nhưng bản chất của thân chẳng lẽ là vậy sao? Đó là
chỗ chúng ta phải thấy cho thật kỹ, thật rõ. Nếu nhìn thấy thân như vậy, nhà
Phật gọi là quá hồ đồ, hời hợt, tức là chúng ta chưa thật biết gì về thân mình.
Vậy thân là cái gì? Đó chỉ là
tướng ngụy trang bên ngoài để che mắt thiên hạ, không cho người nhìn thấy cái
bản chất thật bên trong của nó. Thân tướng ngụy trang bên ngoài chẳng thật,
không phải chỉ bấy nhiêu đó, nhưng đa số con người chỉ thấy chừng ấy và cho đó
là thân vì đó là tướng dễ thấy.
Tướng ngụy trang bên ngoài che
mắt thiên hạ đúng là bấy nhiêu đó. Nhưng cần phải thấy những cái bên trong thân
này. Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Phật dạy hàng đệ tử cần phải quán xét thân trong
thân. Tức là phải quán để thấy rõ cái thân bên trong thân thể, không phải chỉ
cái tướng bên ngoài. Do vậy, với tinh thần của người học Phật, tu Phật thì phải
thấy đúng lẽ thật của nó chứ không phải chỉ nhìn hời hợt như vậy rồi chấp chặt
vào, đó là điều căn bản phải nhớ.
Con người nhìn thấy đầu, mắt,
mặt, mũi, cổ, ngực, tay, chân v.v… thì chụp bắt lấy rồi say đắm mê mệt, hoặc là
chán ghét không muốn đến gần. Hai trường hợp đó đều là cái nhân để sinh phiền
não, phiền não từ chỗ đó mà sinh. Chúng ta học Phật là phải quán xét rõ ràng để
thấy thấu đến cái thân thể bên trong thân thể này nữa? Không phải chỉ gương mặt
này mà bên trong nó còn có cái sọ dừa nữa, nhưng thường thì đâu ai dám nhìn tới
cái sọ dừa, mà nếu có nhìn thấy thì chắc bỏ chạy! Thí dụ như ban đêm đang đi,
nhìn xa xa chợt thấy cái sọ dừa thì chắc chạy không kịp! Còn những thứ khác như
tủy, não, gân, xương, tim, phổi, ruột, gan, phèo v.v… là cả một đống ruột gan
lòng thòng trong đó chứ đâu phải chỉ là một khối đặc cứng đâu.
Nếu quý vị mở được con mắt thần
thông, hoặc con mắt như máy quang tuyến thì khi nhìn vào sẽ thấy rõ đó là cả
một đống ruột gan, một bộ xương làm cái cốt. Nếu không có bộ xương làm cái cốt
thì chắc thân này không đi đâu được. Nhưng lâu nay có mấy ai thấy đến được như
vậy, nên người ta sống và làm rất nhiều điều điên đảo. Nếu con người thật sự có
chút trí tuệ thì chắc các vị bác sĩ tu mau ngộ đạo lắm, vì thường thấy rõ ràng
bản chất của thân. Nhưng bác sĩ cũng bị nó gạt, cũng bị lầm như thường, cũng
sống điên đảo.
Đó là vì con người chỉ thấy cái
dáng bên ngoài rồi nhận càn làm thân mình, chứ sự thật thì chúng ta chưa biết
gì về thân thật, về bản chất thật của mình. Chính vì cái lầm, cái điên đảo đó
mà sinh ra bao nhiêu thứ phiền não khổ đau, ai nói động đến nó một chút là chịu
không được. Nhưng nếu hiểu kỹ thì cho dù ai có nói động đến “ta” thì họ chỉ mới
thấy cái dáng ngụy trang bên ngoài, chỉ nói động đến cái đầu, mắt, mặt, mũi,
tai v.v… chứ chưa nói động đến gan, ruột, phèo, phổi v.v… bên trong thân.
Trong Nhập Bồ-tát Hạnh, Bồ-tát
Tịch Thiên chỉ rõ bản chất thật của thân: “Này tâm ý, lúc bầy chim kên kên háo
đói tranh nhau gặm thi thể của ngươi, ngươi cũng bỏ qua, vậy sao bây giờ ngươi
lại để ý đến thân này? Sao còn ôm giữ cái thân, xem nó là tôi? Ngươi với nó
khác nhau, nó có ích gì cho ngươi đâu? Này tâm ý ngu si kia, sao ngươi không
giữ một cái thân như cây sạch sẽ mà giữ chi cái khí cụ hư hoại ô uế này? Ngươi
cần gì thân này khi ngươi không thể ăn dơ uế trong thân, uống máu trong thân,
hút gan ruột trong thân. Lý do duy nhất để tham thân, là nó làm thực phẩm cho
chồn và kên kên, vậy thân người chỉ đáng nên chịu sự sai khiến để làm việc
thiện”. Tức là lúc bầy chim kên kên háu đói tranh nhau gặm cái thây chết thì
lúc đó ngươi bỏ qua hết, còn bây giờ thì tại sao ngươi lại để ý tới nó?
Thế nên, “Trước hãy dùng ý phân
tách da ra khỏi thịt, rồi dùng trí tuệ sắc bén mà tách thịt ra khỏi bộ xương.
Lại chẻ xương ra mà quan sát sâu vào tủy để tự hỏi, có cái gì sạch và đẹp
không? Tìm cho kỹ thì cũng không thấy được cái sạch đẹp thì sao ngươi còn tham
luyến mến giữ cái thân này?”. Đây Ngài nói rõ ràng sự si mê khi tham đắm thân
này, trong khi nó chỉ đáng dùng làm thực phẩm cho chồn, kên kên.
Do vậy, mình chỉ nên khéo dùng nó
để làm việc thiện, tạo công đức thì mới xứng đáng vì cuối cùng thì cũng phải
đưa nó ra đồng hoặc làm thức ăn cho chồn, cho kên kên hoặc là cho mấy con giòi!
Phải quán kỹ, xét sâu để thấy rõ bản chất thật của thân như vậy, chứ đừng nhìn
theo cái nhìn điên đảo bấy lâu nay. Thấy thấu như vậy tức là trừ lầm chấp về
thân và bớt chấp ngã, mà bớt chấp ngã là bớt khổ. Với tinh thần của người học
Phật, bản chất thân như thế nào thì chúng ta phải thấy đúng như thế. Đó mới là
lẽ thật, chứ không thể thấy điên đảo như bấy lâu nay nữa. Chúng ta đã bị gạt
quá nhiều, tự mình gạt chính mình.
Thứ nhất, thân là vô thường:
Vô thường tức là biến đổi, không
bền chắc, không tồn tại lâu dài, nó biến đổi và rồi sẽ hư hoại. Thân này lúc
nhỏ khác, khi lớn khác. Lúc mới sinh ra được mấy ký mà bây giờ thì mấy chục ký.
Nếu giữa chừng gặp một cơn bệnh nặng thì sụt hết mấy cân. Như vậy, nó luôn luôn
biến đổi chứ không phải dừng lặng hoài. Rồi trong mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây
thì nó cũng luôn biến đổi chứ không phải đứng dừng một chỗ.
Con người nhìn hời hợt nên chỉ
thấy cái tướng của nó như vậy là sẽ như vậy hoài, còn chúng ta phải thấy sự
thật về nó. Bản chất nó như vậy, dù cố giữ, cố chăm sóc cách mấy, hoặc tìm mọi
cách quyến rũ nó ở lại thì nó cũng bỏ chúng ta mà đi. Chắc chắn nó sẽ bỏ đi.
Làm gì thì làm, quyến rũ cách mấy đi nữa thì nó cũng bỏ đi. Dù cho nó ăn ngon,
trang điểm nó cho tốt thì nó cũng bỏ đi, nó không có tình nghĩa gì hết! Ngay
như thân ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật, cuối cùng cũng đi
theo chiều vô thường. Do vậy, khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, các thầy Tỳ-kheo
than thở và nói lên bài kệ:
Thân này như bèo bọt
Mỏng manh có gì vui
Phật được thân kim cang
Còn bị vô thường phá.
Thân kim cang chư Phật
Đều về với vô thường
Tan mau như tuyết non
Huống những chúng sinh khác.
Tức là thân Phật đẹp như vậy
nhưng theo chiều vô thường thì cũng phải bỏ lại, nên nói “tan mau như tuyết
non”. Thân Phật còn như vậy huống là thân những chúng sinh khác. Đức Phật hiện
ra đời bằng tấm thân như mọi người, đó cũng là bài học giúp cho tất cả chúng
sinh phải tỉnh ngộ. Thân Phật ba mươi hai tướng tốt, công đức như vậy mà còn
phải hoại còn thân mình thì có đáng gì! Quý vị kiểm lại xem thân mình được mấy
tướng tốt? Do chúng sinh quá tham luyến thân mình nên Phật mới ra đời để cảnh
tỉnh: “Thân Phật tốt đẹp như vậy rốt cuộc rồi cũng hư hoại, cũng phải bỏ lại
còn thân mình có đáng gì mà tham luyến!”.
Sau này ở Việt Nam, trong bài
“Nói Rộng Về Sắc Thân”, vua Trần Thái Tông diễn tả: “Chẳng luận giàu nghèo đồng
vào cõi chết, hoặc để ở trong nhà giòi đục tửa sinh, hoặc ném ra đường thì quạ
ăn, chó xé; người đời bịt mũi đi qua, con hiếu lấy mềm quấn giấu. Nhặt thu hài
cốt chôn cất thịt xương, quan quách phó cho đám lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ
giao cho muôn dặm núi sông. Khi xưa tóc đen má ửng, ngày nay xương trắng tro
đen”.
Tức là khi chết để trong nhà thì
sinh ra giòi đục, còn nếu ném ra đường thì quạ ăn, chó xé. Bản chất của thân
cuối cùng là đi đến chỗ đó. Đến lúc ấy người thân dù thương mến cách mấy cũng
lo tránh hoặc bịt mũi đi qua, con có hiếu thì lấy chiếu mền quấn lại mà giấu!
Bản chất thân cuối cùng là như thế, nên một ông vua sống trong cảnh chung quanh
mà cái gì cũng tô điểm, cũng trang sức thật đẹp che hết những cái xấu, nhưng
ông vẫn thấy đến chỗ đó, thì quả đây là ông vua đặc biệt. Ông vua mà còn thấy
được như vậy còn chúng ta thì sao? Sống trong cảnh mà cái xấu chung quanh được
che hết, nhưng ông còn thấy đến cái bản chất thật như thế, còn chúng ta thì tại
sao không thấy đến lẽ thật của thân vô thường như vậy? Thiền sư Tông Mật (Ngài
Long Nha) có lần thượng đường nói bài kệ cảnh tỉnh đại chúng:
Hưu bả đình hoa loại thử thân
Đình hoa lạc hậu cánh phùng xuân
Thử thân nhất vãng tri hà xứ?
Tam giới mang mang sấu xác nhân.
Tạm dịch:
Thôi sánh hoa sân với thân này
Hoa đã rụng rồi xuân lại thay
Thân một phen đi đâu là chỗ
Mịt mờ ba cõi sầu chết người.
Ngài nhắc là chớ có đem cái hoa ở
trước sân đó để so sánh với thân này. Bởi vì hoa ở sân tuy rụng rồi nhưng khi
gặp lại mùa xuân thì nó sẽ nở tiếp. Năm nay nó nở rồi rụng, nhưng đến mùa xuân
năm sau thì nó lại nở hoa nữa. Còn thân này thì sao? Thân này một khi ra đi rồi
thì không biết sẽ đi đâu? Đâu là chỗ đi của nó trong ba cõi mịt mờ? Đó là lẽ
thật của thân này. Bản chất vô thường là như vậy, nên thấy được lẽ vô thường
thì bớt bám chấp vào nó.
Thứ hai, thân là khổ:
Vô thường tức là khổ, là không có
toại nguyện, không như ý. Bản chất của nó là luôn đem đến điều bất toại nguyện.
Đang trẻ đẹp, muốn nó trẻ đẹp hoài cũng không được, bị một cơn bệnh là thân
biến đổi rồi! Khi nó đang mạnh khỏe, muốn khỏe hoài nhưng cũng không được, nó
cũng bệnh, không được như ý. Hoặc là có khi bị những cái vô thường, tai nạn
chết chóc đến, không thể ngờ trước được cái gì hết! Còn trẻ mà tóc bạc sớm thì
có vui không? Phải nhuộm tóc. Thân này không có như ý gì hết, bản chất nó là
như vậy.
Trong nhà Thiền có câu chuyện,
gần Tết có một bà nhà giàu đến nhờ ông thầy đồ viết cho câu liễn, bà nói: “Thầy
ráng nghiệm viết cho câu thật hay, làm sao chúc phúc cho gia đình của tôi, tôi
sẽ đến thưởng thầy nữa”. Ông thầy này có học đạo, khi viết xong, ông gói lại
đàng hoàng và đưa bà mang về.
Về đến nhà, mở ra để treo thì bà
thấy: “Ông nội chết, cha chết, con chết, cháu chết”! Nổi sân, bà liền đi nhanh
đến ông thầy, sừng sộ và nói:
- Tôi hết sức tin tưởng thầy, gần
Tết đến xin thầy viết cho câu liễn tốt lành đem đến những điều an vui cho tôi,
mà sao thầy ghét, thầy hận tôi cái gì mà thầy nguyền rủa như vậy?
Thầy đồ hỏi:
- Nguyền rủa làm sao?
Bà liền đưa tấm liễn ra và nói:
- Thầy viết vậy coi có được
không?!
Thầy đồ nói:
- Hãy từ từ, đừng vội nóng, hãy
nghe tôi giải thích. Bà muốn gia đình suông sẻ, vui vẻ, hạnh phúc nhưng nếu
trong gia đình bà, lỡ ông cha chết trước ông nội thì bà có thích không?
Bà đáp lại:
- Đúng phép thì ông nội già phải
chết trước, còn cha mà chết trước ông nội thì bất thường rồi.
Thầy nói tiếp:
- Rồi trường hợp con hoặc cháu
chết trước cha thì sao?
Bà nói:
- Đó là sự bất hạnh.
Thầy nói:
- Như vậy, tôi đã chúc tốt cho bà
rồi, không phải sao?
Nghe nói như vậy, bà thấy có lý!
Thầy đồ chúc ông nội chết rồi mới
tới cha chết, cha chết rồi mới tới con chết, con chết rồi mới tới cháu chết,
trong gia đình mà được tuần tự theo nhau ra đi như vậy thì đó là quá hạnh phúc
rồi còn gì nữa! Nếu trong gia đình lỡ con mà chết trước cha thì đúng là quá bất
hạnh. Câu chuyện đó nói lên lẽ thật: cuộc đời này luôn có những điều bất hạnh
xảy ra. Ai cũng muốn nó đi theo chiều thuận nhưng không hẳn như vậy.
Có những trường hợp con chết trước
cha, có khi là cháu chết trước ông nữa, nếu thế thì đúng là bất hạnh. Cho nên ở
đây, ông thầy đồ viết như vậy là để chúc mừng, mà hễ có chúc mừng tức là biết
nó luôn luôn có sự bất hạnh trong đó. Đó là lẽ khổ của thân này. Cuộc sống con
người không có gì bảo đảm là chắc chắn an vui, bởi vậy mới phải cầu nguyện.
Luôn luôn có nỗi lo sợ là nó sẽ thay đổi bất thường, mà có sự bất thường tức là
có bất hạnh. Vì thế, khi gặp nhau người ta thường chúc hạnh phúc, chúc an vui,
chúc khỏe mạnh v.v… Nếu đã thật sự hạnh phúc rồi thì cần chúc chi nữa, hoặc là
nó khỏe mạnh an vui rồi thì đâu cần phải chúc. Đó để thấy rằng, bản chất của nó
là luôn luôn có sự bất thường, không hẳn là an vui, là khỏe mạnh hoài.
Như vậy, bản chất thực của thân
là khổ, là bất toại nguyện. Đó là bản chất thật của thân nhưng người đời thì cứ
nhắm mắt lờ qua không dám nhìn đến sự thật của nó, không dám thấy rõ nên luôn
gặp khổ. Vì con người không dám nhìn thẳng vào sự thật nên đến khi gặp thì bất
ngờ! Còn nếu nhìn thẳng thấu rõ lẽ thật rồi thì khi nó xảy ra, biết rõ nó vốn
là như vậy nên bớt khổ. Trong nhà Thiền có câu chuyện, Thiền sư Thiên Ưng - Đạo
Ngô thường ngày hay nói: “Sống vui, sống vui” nhưng khi sắp tịch thì Ngài kêu
lên: “Khổ! Khổ! Diêm vương tới bắt ta”. Viện chủ nghe vậy mới hỏi: “Đương thời
Hòa thượng bị Tiết sử ném xuống sông mà thần sắc chẳng động, còn hôm nay sao
lại thế này?”.
Tức là lúc đương thời có lần quan
Tiết sử đến hỏi chuyện, Ngài đáp câu gì đó quan không vừa ý nên sai lính đem
Ngài quăng xuống sông, lát sau thấy Ngài ngồi xếp bằng trên nước tự nhiên! Thấy
như vậy, quan hối hận mới sai người vớt lên và sám hối với Ngài.
Do vậy, Viện chủ mới hỏi Ngài câu
này. Lúc đó, Ngài đưa chiếc gối lên và bảo: “Ngươi nói đương thời là phải hay
hôm nay là phải?”. Viện chủ không đáp được! Quý vị đáp được không? Đó là lời
cảnh tỉnh mọi người phải thấy rõ bản chất thật của thân này, cuối cùng phải đi
đến chỗ này. Bình thường nói vui vẻ vậy nhưng đến đây thì mới biết vui hay
không vui. Thí dụ như bình thường chúng ta nói: “Tôi không sợ chết”, nhưng đi
khám bệnh thì bác sĩ nói: “Anh bị bệnh ung thư, hai tháng nữa chết!” thì mới
biết sợ khi cái lẽ thật này bày ra.
Cũng một câu chuyện trong nhà
Thiền, có bà lão lớn tuổi thường đi đến lễ Phật và cầu: “Nam mô A-di-đà Phật,
cầu Phật mau rước con về cõi Cực Lạc. Con bây giờ già khổ nên ra đi cũng vừa, ở
đây thêm là khổ thêm, mong Ngài rước con đi sớm chừng nào thì đỡ chừng ấy”.
Có ông Sa-di nghe được, nói thầm:
“Để ta thử bà này một chuyến”. Sau đó, ông rình, từ xa vừa thấy bà cụ đi đến
chùa thì ông vào núp sau lưng Phật không cho bà cụ thấy. Đến khi lễ Phật, bà
cầu nguyện như mọi ngày: “Nam mô A-di-đà Phật, cầu Phật mau rước con về cõi Cực
Lạc. Con bây giờ già khổ nên ra đi cũng vừa, ở đây thêm là khổ thêm, mong Ngài
rước con đi sớm chừng nào thì đỡ chừng ấy”. Khi đó, trên tượng Phật phát ra
tiếng: “Tốt lắm! Bà có lòng thành, vậy thì hay lắm! Hãy về chuẩn bị, chiều nay
ta đến rước”. Nghe vậy, bà té xỉu!
Đó để thấy, chúng ta nói như vậy
chứ không phải như vậy. Bình thường thì nói nghe hay vậy, nhưng gặp chuyện thì
không được vậy, đó là lẽ thật. Ở đây, Thiền sư Thiên Ưng - Đạo Ngô cảnh tỉnh
cho mọi người, nên bình thường nói “Sống vui, sống vui” nhưng đến lúc đó thì
mới biết làm chủ được hay không? Bản chất khổ của thân này vốn là như vậy. Đối
với việc này, chúng ta phải có sự thực tu, thực chứng đàng hoàng chứ không thể
lý luận hay nói suông được. Nhà Phật thường nhắc nhở người học Phật là phải
khéo tiêu hóa được những lời Phật dạy là như vậy. Khi nghe nói về vô thường thì
quý vị hiểu rõ nhiều nhưng gặp chuyện mới thấy nó thực vô thường hay không, lẽ
thật là như vậy.
Thứ ba, nó là vô ngã:
Bản chất của thân là vô thường,
là khổ, là vô ngã, tức không có tự tại, không được gì ở nó hết. Thân này không
có chủ tể, không có tự tại. Khi nó già, chúng ta bảo nó đừng già được không?
Nếu nó thực có chủ tể, nó thuộc về mình thì khi mình bảo: “Tôi ra lệnh cho mày
là không được già” mà nó không già thì đó mới thật là thuộc về mình. Còn đây
bảo nó đừng già cũng không được, bảo nó đừng bệnh cũng không được v.v… Bảo nó:
“Mày phải mạnh hoài, không được đau nghe không!” mà nó đâu có nghe lời.
Trong thân này, tóc mọc dài ra,
móng tay dài ra, nhịp tim đập v.v… chúng ta nào có hay biết gì đâu? Nó làm gì
làm, mình không hay biết gì hết. Nếu nó thực là mình thì khi mình bảo: “Hãy dài
từ từ, đừng có ra sớm, mất công cắt móng tay!” thì nó phải nghe lời. Trái tim
cũng vậy, nếu là của mình thì khi bảo nó: “Mày đập chậm chậm, đừng có đập mau
quá thở không kịp!”, nó phải nghe lời chứ!
Cho nên, thân này đúng là không
có ngã, không thuộc về ta, không có cái ta gì trong đó hết. Nó chỉ làm chuyện
của nó, mình không thể xen vào được gì hết. Khi suy tìm, phân tích đến tột thân
thể bên trong này thì tìm không ra cái ngã, cái ta. Cái ngã, cái ta mình đã
chấp bấy lâu nay chỉ là tưởng tượng thôi. Trong tim, gan, phèo, phổi, tủy, não,
máu, thịt v.v…, phân tích kỹ thì tìm đâu ra cái ta trong đó?
Mình nói: “Động đến ta rồi đó!”,
mà tìm đâu ra cái ta bị nói động đó? Cho đến cuối cùng, đem thiêu nó đi, những
phần da thịt bị thiêu này thì khi đó tìm cái ta ở chỗ nào? Cũng tìm không ra
luôn. Như vậy, cái mà mỗi ngày chúng ta nghĩ là ta đó thì thật sự ở đâu? Phải
tìm cho ra nó, mà cuối cùng tìm không ra thì sao? Thì đó đều từ điên đảo vọng
tưởng chấp mà thôi, hiểu kỹ như vậy thì chúng ta nhẹ bớt tâm bám chấp vào nó.
Có câu chuyện, một bà già ở gần
Thiền viện của ngài Achan Chah đến xin Ngài một bài pháp ngắn gọn để bà về thực
hành vì bà lớn tuổi học nhiều không nhớ. Thiền sư mới bảo: “Này bà cụ! Bà hãy
lắng nghe, ở đây không có ai hết, chỉ vậy thôi! Không có ai là chủ nhân, không
có ai là già, không có ai là trẻ, không có ai tốt, không có ai xấu, không có ai
mạnh, không có ai yếu, chỉ vậy thôi! Tất cả đều trống rỗng, chỉ là các yếu tố
khác nhau của thiên nhiên tác dụng hỗ tương vậy thôi.” Tức là thân trong đây
không có ai hết, không có ai già, không có ai trẻ, đều là vô ngã, không có ta
gì trong đó hết. Đơn giản, ngắn gọn, bà về ngẫm kỹ điều đó thì đó là chỗ tu
ngắn gọn nhất, hiểu được vậy rồi thì bà khỏi sợ chết.
Một lần khác, Ngài dạy trong
chúng: “Người ta không ai chịu nghiên cứu, học hỏi cái vượt ra ngoài tốt xấu;
mà họ lại thường cứ nói rằng: ‘Tôi sẽ như thế này, tôi sẽ như thế kia” nhưng
chẳng hề nghe ai nói: “Tôi sẽ chẳng là cái gì cả”. Thật sự là chẳng có tôi, đó
là điều mà họ cần phải học mà lại không chịu học”. Quý vị thấy, ở đây Ngài nói
thẳng sự thật không sợ mích lòng. Ngài nói cái đáng học hỏi vượt ra ngoài tốt
xấu nhưng thường thì người ta luôn nói là: “Tôi sẽ như thế này, tôi sẽ như thế
kia”, luôn đưa cái tôi lên. Vì tôi sẽ như thế này, sẽ như thế kia, mà không
phải như thế thì khổ.
“Ít nghe ai nói: “Tôi chẳng là
cái gì cả””. Sự thật thì cái tôi không thật có, nếu hiểu được như vậy thì cuộc
đời chúng ta sẽ bớt nhiều phiền não, khổ đau. Nghĩ: ‘Tôi không là gì cả’ nên
khi có ai nói động đến thì khỏi động lòng. Nếu không vậy sẽ nghĩ: ‘Tôi là bác
sĩ mà nói như thế sao?’ thì có chuyện. Vì cho tôi là cái này, cái kia thì chính
những cái tôi đó đưa đến phiền não. Đây Ngài nói sự thật: “Không có gì là tôi
hết”, đó chính là điều mọi người cần phải học, nhưng lại ít ai chịu học. Học
Phật là học lẽ thật mà sao thấy ít ai học lẽ thật. Điều này không phải Phật bày
ra cho chúng ta học, không phải như vậy. Phật chỉ chỉ ra cho chúng ta thấy đúng
như vậy thôi, chứ không phải Phật đặt ra để bắt mình phải học. Do vậy, nếu hiểu
rõõ, quán kỹ lẽ thật trong thân đây: “Không có gì thật là tôi hết” thì sẽ nhẹ
nhàng bớt khổ nhiều.
Ngoài thế gian, người hay tự ái
khổ nhiều là vậy, nói động một chút là tự ái, mà tự ái là động tới “tôi” chứ gì
nữa! Còn ở đây, không có gì là tôi hết thì ai tự ái? Nhờø vậy thì ngay đó là
bớt khổ. Cho nên, Phật dạy các đệ tử của mình phải khéo đặt gánh nặng khổ đau
này xuống thì nó sẽ nhẹ bớt. Mà tại sao chúng ta cứ gánh lên hoài rồi cầu Phật
cứu khổ! Chúng ta phải chịu đặt nó xuống, gánh hoài làm gì! Gánh nặng này ai
bảo chúng ta gánh đây? Không ai bảo gánh hết, Phật còn bảo chúng ta buông bỏ
xuống nữa, mà chúng ta lại không chịu đặt xuống, rồi cứ than khổ hoài. Vậy là
chính mình làm khổ mình mà không hay, chỉ cần chịu khó đặt nó xuống thì nhẹ
nhàng. Học Phật cũng là học để đặt gánh nặng xuống, quán rõ bản chất thật của
thân là như vậy, thấy đúng như vậy thì sẽ rất nhẹ nhàng, là bớt khổ liền.
Thứ tư, là xả vọng chấp.
Khi chúng ta thấy rõ bản chất của
thân thì phải bớt vọng chấp vào nó, nhờ vậy mà bớt khổ, cởi mở được phiền não.
Có ai trong đó để chấp, để phiền não. Giả như thật có “ai” trong đó cho mình
chấp thì cũng tạm được đi, còn đây tìm không ra cái “ai” đó thì chấp là chấp
cái gì? Mà mình thì lại chấp nên việc không đáng khổ mà phải khổ. Tất cả mọi
thứ buồn, vui, giận, ghét, hơn, thua v.v… ở thế gian này đều được xây dựng trên
nền tảng của cái “ta” chứ không có hết.
Nếu cái “ta” nền tảng đó bị sụp
đổ thì mọi thứ kia bám vào đâu? Quý vị nghe hiểu điều đó rõ chưa? Tuy nghe rồi
có nhận hiểu điều này thì cũng có thể được đó, nhưng ý nghĩa thật này thì không
nằm trên ngôn từ, lời lẽ. Vậy nó ở đâu? Nó nằm ở trong tâm mỗi người. Đó là lẽ
thật. Nghĩa là vô thường, khổ, vô ngã ở trong đây khác với nghĩa vô thường,
khổ, vô ngã mà chúng ta diễn đạt nãy giờ. Đây là mới diễn tả trên ngôn từ thôi,
còn những bậc thấy đạo thì thấy trực tiếp nên sự cảm nhận sẽ khác hơn những lời
này, không thể diễn tả trên ngôn từ.
Quý vị phải nhớ kỹ điều này.
Nghĩa là cái vô ngã được trình bày với cái vô ngã ở nơi tâm của mỗi người mà
mình cảm nhận được thì sẽ thấy có khác, không phải như lời lẽ diễn tả. Nói như
vậy là vì muốn nhắn nhủ tất cả: “Mỗi người phải có thực hành, phải có đặt chân
đi thật sự để khi cảm nhận được lẽ thật thì chúng ta sẽ thấy rằng Phật pháp
hiện hữu ngay trong cuộc sống hàng ngày, ở tất cả mọi nơi chứ không phải chỉ ở
trong bộ kinh này, bộ kinh kia”.
Chúng ta học Phật pháp là học
kinh này kinh kia nhưng Phật pháp thực sự thì hiện hữu khắp mọi nơi trong cuộc
sống hàng ngày của mọi người. Thí dụ, quý vị đi đường lỡ đạp phải cây gai thì
Phật pháp là ngay chỗ đó, là hiện chỗ đó, không cần phải giải thích dài dòng.
Là vì sao? Đang đi đường mà đạp trúng cây gai là thấy khổ rồi! Vô thường, khổ
ngay đó thôi! Phật pháp là ở ngay chỗ đó chứ đâu phải ở trong sách vở này. Đang
mạnh khỏe, nay trùm mềm nằm, cảm rồi. Ngay đó vô ngã lộ ra liền! Thấy được như
vậy thì mới thấy được lẽ thật, nên chúng ta học đây là học để đi vào thực tế
chứ không phải học trên chữ nghĩa. Học được như vậy thì chúng ta sẽ thấy cuộc
đời bớt dần những vướng mắc, những khổ đau. Đó là thực tế, là lẽ thực chứ không
phải chỉ là lý luận suông.
Có câu chuyện, một người đàn bà
có chồng vừa mới chết nên liền đến một vị Lạt-ma để cầu mong sự an ủi. Gặp lúc
vị này đi vắng, bà mẹ của vị ấy đang ở nhà thấy vậy thì kêu lại an ủi: “Con
nghe đây! Chuyện đó là chuyện vô thường, là chuyện phải đến thôi. Con có khổ
nhưng mà con phải biết dừng lại bớt. Bây giờ có thể là con khóc, rồi con bứt
tóc bứt tai nhưng con cũng phải biết nghĩ lại và bớt buồn. Con đừng quên rằng
ngay cái tâm trạng buồn khổ của con đây cũng vô thường, không có thực thể gì.
Nó cũng như gió như mây vậy thôi, rồi nó cũng sẽ tan, sẽ vơi đi như mọi thứ ở
trên đời. Cũng như ta đây là một bà già và ta cũng đã từng buồn, từng khổ, từng
thấy nhiều người thân đến rồi ra đi, nên lời khuyên của ta cho con là đừng có
mang vào lòng bất cứ thứ gì hết”.
Đó là lời khuyên thiết thực, bởi
vì tất cả đều là vô thường biến đổi, không có gì là thực hết nên đừng mang vào
lòng cái gì thì sẽ bớt khổ. Người mang càng nhiều thì càng nặng, mà càng nặng
thì càng khổ vậy nên đừng có mang gì hết thì bớt khổ.
Khi trở về, nghe được lời khuyên
ấy, vị Lạt-ma bèn giảng nghĩa với nhóm học trò: “Đối với tôi thì chẳng có giáo
pháp nào cao hơn lời nói của bà mẹ là phải tự nhận ra tính vô thường của sự
vật, thấy chúng không có tự ngã và đừng mang bất cứ cái gì vào lòng cả”. Tức là
thấy đúng lẽ thật về tính vô thường của sự vật, tất cả đều không có tự ngã nên
không mang cái gì vào trong lòng thì sẽ bớt khổ đau. Đó là lời dạy tóm tắt về
giáo pháp của Đức Phật, quý vị chịu khó ứng dụng để sống thì bớt khổ đau liền.
Như có ai đó nói nặng một câu mà mình nghĩ cái đó cũng vô thường thì tiếng nặng
đó cũng không có gì chắc chắn hết.
Thí dụ như họ nói “Anh như
trâu!”, nói xong thì tiếng đó tan vào trong hư không rồi đâu còn gì! Nhưng
trong đầu chúng ta thì cứ ghi nhớ cái tiếng đó hoài. Nó tan mất rồi nhưng trong
này cứ nhớ, cứ lãng vãng hoài “Anh như trâu!”, “Anh như trâu!”, “Anh như trâu!”
… Khổ là ở cái chỗ đó. Cứ y như vậy mà mang nó, nhẩm tới nhẩm lui giống như
người viết chữ. Đồ tới đồ lui càng đậm thêm nữa, đến tối lên giường ngủ lại đồ
thêm thì ngủ không yên, trằn trọc suốt đêm thành tự làm khổ chính mình, trong
khi câu đó thì tan mất tiêu từ lâu rồi! Do vậy, khi hiểu lẽ thật thì phải buông
bớt bám chấp vào đó, thì sẽ bớt phiền não, bớt khổ đau, lẽ thật là như vậy.
Tóm kết lại, lâu nay chúng ta đã
quen nhìn theo thói quen hồ đồ nên chưa gì thì chụp bắt liền mà không cần biết
thực hư gì hết. Cứ thấy là bắt nên khổ là chỗ đó. Bây giờ học Phật rồi thì phải
tập nhìn chín chắn trở lại, thấy cho đúng bản chất thật của thân này: nó như
thế nào thì phải thấy đúng như vậy. Phật không bắt buộc chúng ta khi nghe nói
là tin ngay, mà cần phải quán sát kỹ, không phải chỉ thấy cái tướng ngụy trang
bên ngoài này mà cần phải thấy thấu đến cái thân bên trong nó.
Lẽ thật này luôn luôn sáng ngời,
không có gì phải che giấu hết. Việc này chúng ta có thể quán xét thấy rõ, không
phải khó khăn tìm kiếm đâu xa ở trên núi, trên non hoặc học pháp xuất hồn lên
cõi Trời để thấy nó, mà lẽ thật này ở ngay nơi mình, trong thân mình. Người ta
thích những cái lạ còn cái thực ngay nơi mình đây thì không chịu làm nên chúng
ta phải tập, phải nhìn cho rõ để thấy đúng lẽ thật. Có thấy đúng mới có nhìn
đúng, mới có suy nghĩ đúng, thì mới có nói đúng, sống đúng, làm đúng thì đó mới
là con đường chân chánh đưa đến giải thoát khỏi đau khổ.
Phải nhớ, người học Phật là học sự
chân thật, học lẽ thật để thấy đúng như thật về các pháp. Nó như thế nào thì
phải thấy đúng như thế ấy, không thể phủ lấp được. Đó chính là con đường trí
tuệ, lối đi giác ngộ mà chính Đức Phật đã ra đời để khai sáng cho chúng sinh đi
theo. Bây giờ chúng ta tu khỏe quá, Đức Phật đã vạch đường đi sẵn cho rồi.
Chính Đức Phật mới khó khăn vì Ngài phải tự đi tìm lối đi, rất là khổ sở. Bây
giờ chúng ta chỉ có đi thôi mà còn không chịu đi nữa thì lỗi tại mình rồi. Điểm
căn bản là ở ngay nơi cái “ta” này thôi chứ không đâu khác, đây là then chốt
của mê và giác, của phiền não và giải thoát. Chúng ta cột trói là ngay chỗ đó,
khéo mở là cũng ngay chỗ đó. Do vậy, mình phải ngay đây mà lên đường chứ không
phải tìm đâu khác.
Phải khéo nhớ kỹ, quán sâu chỗ
này, luôn luôn nhớ kỹ lẽ thật này. Cái “ta” này quyết chắc chắn không phải là
ta, dù nó có là cái gì đi nữa: “Ta là thân này”, “Ta là đẹp”, “Ta là xấu”, hoặc
“Ta là sư cô”, “Ta là sư trưởng”, hoặc “Ta là bác sĩ”, “Ta là kỹ sư” gì đó
v.v…. Phải hiểu kỹ: “Nó không phải là ta!”. Nhớ kỹ vậy, luôn luôn không lầm chứ
đừng nghĩ rằng: “Ta là nó”. Cái đó là nguy! “Cái ta này quyết chắc chắn không
phải là ta”, đây là chân lý muôn đời không đổi thay. Chúng ta không thể chết
chìm trong đó mà chịu khổ lâu dài, không phải là khổ một ngày hai ngày, mà là
khổ từ kiếp này qua kiếp khác, luân hồi trong sinh tử vì mê lầm theo nó. Cái
này Phật gọi là sống trong điên đảo: không phải thực mà chấp là thực. Mình chấp
nó là thân ta nhưng sự thật thì mình không biết rõ về nó.
Thiền sư Achan Chah nói: “Nếu cơ
thể này biết nói thì suốt ngày nó sẽ nói với chúng ta như thế này: “Bạn không
phải là chủ của tôi đâu, bạn có biết không?””. Tức là thân mình nếu biết nói nó
sẽ nói như vậy, mình cứ nói: “Tôi là chủ của nó” nhưng nếu biết nói thì nó sẽ
nói ngược lại.
“Thật ra nó đang nói với chúng ta
đấy, nhưng nó dùng ngôn ngữ giáo pháp để nói nên chúng ta không hiểu được”. Tức
là hằng ngày nó vẫn đang nói với chúng ta, nhưng nó không nói bằng ngôn ngữ thế
gian này mà nó đang nói bằng ngôn ngữ của giáo pháp, mà mình thì không nghe,
không chịu nghe. Ở đây quý vị có ai nghe được tiếng nói của nó chưa?
Nghe được tiếng nói này thì ghi
nhận để sống, để tu thì không phải nhọc nhằn mỗi tháng đến nghe pháp nữa, nó
nói với mình hàng ngày rồi. Vì không chịu nghe nó nên cứ phải đi nghe pháp
hoài. Đây quả đúng là lời của những bậc đã hiểu rõ, sống thực thì nói thực, chỉ
ra lẽ thực. Ngoài đời, người ta không dám nói thực như vậy nhưng trong đạo thì
phải nói thực, nó như vậy thì phải nói như vậy, không che lấp gì hết vì đó là
lẽ thực.
Mong rằng tất cả đều học, đều
sáng tỏ được lẽ thật này, bước đi vững trên đường giải thoát thì Phật pháp vẫn
luôn hiện hữu ở trong đây chứ không đâu xa xôi hết.
Nguồn: thuongchieu.net