Bản năng, Ý thức, Ngoại lực và Hành vi

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trên đời có những điều mà mọi người khuyên nhau rằng nên (hay phải) làm cái này cái nọ, đặc biệt là những điều mang tính luân lý trong cuộc sống, ấy vậy mà trong thực tế thì rất nhiều người lại không làm. Tại sao vậy? Ngay cả đối với bản thân chúng ta, có nhiều điều mình đã nghĩ, đã hiểu rằng nên làm, ấy thế mà sao mình lại không làm, thậm chí đi làm cái ngược lại?

Có lẽ phải đi ngược lại vấn đề rằng cái gì điều khiển hành động của chúng ta. Ví dụ như cái gì khiến con người thực hiện các hành động như ăn, uống, làm việc, học hành, đi lại,..?


Suy nghĩ của tôi là thế này: Phải chăng hành động của chúng ta luôn được điều khiển bởi ba thứ, đó là Bản năng, Ý thức và Ngoại lực?

Mình cứ để ý mà xem, khi mới chào đời, em bé đã biết khóc, đã biết bú mẹ - đó bản năng. Lớn lên, biết cười, biết nó, biết yêu biết giận – đó cũng là bản năng. Rồi con người được dạy dỗ, được học hành, được trải nghiệm để hình thành dần ý thức trong mỗi con người.

Xét về bản năng thì tôi cứ tạm chia ra làm hai loại chính, đó là bản năng bậc cao như bản năng yêu thương, hướng thiện,... và bản năng bậc thấp như tham lam, sân hận…Còn giữa hai loại đó là loại bàn năng cơ bản như bản năng ăn, uống, cười, nói, khóc,…

Xét về ý thức cũng vậy, tôi chia ra loại ý thức tích cực như ý thức làm việc, học tập, đóng góp xã hội… và cả loại ý thức tiêu cực như hủy hoại, trộm cắp…Còn giữa hai loại đó là loại ý thức bình thường như sáng thì thức dậy đi làm, đi học,..

Giả sử xã hội loài người cứ tự do, ai sinh ra bản năng thế nào thì hành động thế ấy, rồi ý thức hiểu đến đâu, biết đến đâu thì làm đến đó thì xã hội sẽ ra sao nhỉ? Đó sẽ là một xã hội hỗn loạn, pha tạp đủ các thứ tốt xấu.

Thế nên loài người mới sinh ra một thứ lực thứ ba gọi nôm na là ngoại lực để khiến con người phát huy cái bản năng bậc cao, ý thức tích cực và kiềm chế, ngăn chặn những bản năng bậc thấp, ý thức tiêu cực. Cái gọi là ngoại lực bao gồm từ những thứ lớn như nhà nước, pháp luật, tôn giáo để điều chỉnh hành vi của toàn xã hội, cho đến những ngoại lực ở mức độ nhỏ để điều chỉnh hành vi của cá nhân như sự giáo dục, bảo ban của bố mẹ, thầy cô.

Mỗi con người sống trên thế gian này đều chịu sự tác động và điều khiển của cả ba loại lực này, với các mức độ mạnh nhẹ khác nhau như những véc-tơ lực tác động đa chiều, đa hướng, khiến cho con người có những hành vi mà xã hội coi là tích cực hay tiêu cực.

Trong một môi trường hướng thiện, khi người ta thảo luận hay khuyên nhau về những việc nên làm thì cả người nói và người nghe thường nói theo cái ý thức tích cực của mình. Thế nhưng khi hành động thì thật ra cái phần bản năng nó lớn lắm. Nhất là khi thiếu vắng ngoại lực thì cái bản năng càng có cơ hội trỗi dậy.

Tại sao tôi lại giở vấn đề này ra để nói?

Bởi nhiều khi thấy mung lung, thấy lo lo. Xã hội hiện đại ngày nay người ta có thừa thông tin để quảng bá, để khuyên nhủ nhau làm những điều tốt. Nghĩa là xét về ý thức thì thấy có vẻ là hiện đại hơn xưa nhiều. Ấy vậy mà sao xét trên nhiều góc độ thì thấy nó lại đang xuống cấp: từ vấn đề tội phạm xã hội, đạo đức học đường, vệ sinh thực phẩm đến những vấn đề lớn như tham ô tham nhũng, vơ vén tư lợi,..

Xét theo cái lý thuyết mà tôi đưa ra ở trên về ba loại lực đó thì ta kết luận về nguyên nhân của những vấn đề trên sao đây? Phải chăng do phần ý thức tích cực bị teo đi; do phần bản năng cấp thấp bị kích hoạt; hay do ngoại lực (nhà nước, pháp luật, áp lực xã hội) bị suy yếu? Hay do cả ba cái cộng lại?

Tôi thì tôi thấy dường như xã hội Việt Nam ngày nay đang đi theo chiều hướng làm kích thích phần bản năng của con người, khiến phần bản năng cấp thấp trở nên sung mãn, chi phối hành vi của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Viết mấy dòng ra đây vừa để cắt nghĩa cho những điều hàng ngày mắt thấy tai nghe ngoài xã hội, vừa để tự răn mình phải luôn cảnh giác với phần bản năng trong chính mình.

Mạnh Cường
Nguồn: manhcuonglotus.blogspot.com
Xem thêm: 'Nhân quả làm người và biết sống chung hạnh phúc'; 'Con người hiện nay đang được thả lỏng bản năng'; 'Freud và Phật giáo - Sự tương đồng đến kinh ngạc'.
Previous Post
Next Post