Cái còn lại sau bất lực là ảo tưởng

Sách Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng có đoạn viết về một sự việc xảy ra thời Trịnh Doanh:

“Doanh để tâm xem xét mọi việc, đặt ống đồng ở cửa phủ, cho ai có việc gì, hoặc bị oan khuất, được bỏ thư vào đó, cứ năm ngày một lần trình lên chúa. Nhưng sau đó điều tra lại những điều dân chúng mật cáo quan lại tham nhũng, thấy phần nhiều không đúng. Một viên quan là Lê Trọng Thứ, cha Lê Quý Đôn khải rằng: Lòng người ngày nay khác xưa, yêu ghét khen chê chưa chắc đã công bằng cả … Nếu muốn phân biệt hay hèn, thì nên cho trình bày bằng lời nói, thử tài bằng việc làm, khảo sát thực tế bằng công trạng, chứ không nên làm lối cáo giác bí mật, vì chỉ tăng thêm cái tệ kèn cựa nhau”.

Theo ngôn ngữ hiện đại, trước mắt chúng ta là một quá trình dân chủ, nhà cầm quyền muốn được nghe ý dân để tiện quản lý xã hội. Nhưng người dân không đủ tư cách. Họ làm hỏng nó một cách hồn nhiên. Đằng sau thất vọng về một sáng kiến là nỗi thất vọng chung về những con người.

Sự tình nói trên vốn không phải là câu chuyện riêng của thời Lê Trịnh. Vài nhà viết sử đôi khi từng đưa ra khái niệm dân chủ ở nông thôn. Nhưng các công trình nghiên cứu kỹ càng hơn cho biết làng xóm người Việt chủ yếu do các dòng họ thao túng, cái gọi là dân chủ ở đây chỉ làm phép. Bản thân người dân không đủ trình độ tham gia công việc của cộng đồng. Thường họ chỉ nhìn ra rất nhanh cái gì có lợi là trụ bám thật kiên trì để giành phần hơn ngoài ra sẵn sàng dửng dưng chây bừa. Không ai bảo ai mà tự nhiên ai cũng tự nhủ trốn được việc gì hay việc ấy. Cha chung không ai khóc, ngại đóng góp vào việc chung đã thành một lẽ sống. Những cuộc bàn cãi ở làng xưa thường diễn ra vô nghĩa, nhiều khi những ý kiến lăng nhăng tùy tiện lại trở thành tiếng nói cuối cùng.

Đây cũng là tình trạng chi phối xã hội. Càng sống càng tiếp xúc với thiên hạ, các thế hệ nối tiếp đặt ra cho mình biết bao hoài vọng. Song sự nhân từ nhiều khi lại là một cách “diệu” nhất để khuyến khích lười biếng, sự tin cậy biến thành chỗ dựa cho dối lừa, và lòng tốt thì không bao giờ đủ sức đương đầu với thói vụ lợi. Cứ thế biết bao sáng kiến bị chôn vùi, các phần tử tinh hoa càng cục cựa càng sầy vẩy và cảm giác bất lực đến cả với những người còn rất trẻ.

Học là gì? Nói cho gọn, học là cách con người muốn sống một cách có ý thức, muốn vượt lên những tầm thường dại dột để tự đào tạo, để bản thân trưởng thành mà xã hội ngày một thịnh trị. “Người mình ai cũng ham học”, một nhận xét như thế đã thành câu cửa miệng. Nhưng nhìn kỹ thấy quan niệm chung về học lại quá sơ sài, người ta chỉ cầu nhàn và bằng lòng dừng lại ở những kiến thức sơ đảng. Ham học nhất chỉ là những người muốn đi làm quan. Chuyện sôi kinh nấu sử cũng như quên mình thi cử rút cục là động tác của kẻ muốn có mảnh bằng để gõ cửa quan trường, còn như con người ham học ngày càng mất hút.

Dân tộc nào thì cũng vậy thôi, bi kịch chung của nhân loại là sự phân ly thường trực giữa nguyện vọng và khả năng thực tế. Nhưng ở người Việt, tấn bi kịch này có một sắc thái riêng mà câu tục ngữ Miệng khôn trôn dại đã nói được gần đủ. Thế nào là đẹp thế nào là hay nhiều khi không phải ta không biết. Nhưng còi cọc yếu ớt, con người lý trí ở ta nhanh chóng bị con người bản năng tầm thường kéo lùi trở lại. Miệng thì khôn mà trôn thì dại, ta bị cuốn vào những hành động tầm thường hư hỏng. Để tan vỡ mọi ước ao. Để trôi tuột khỏi tay mọi cơ hội.

Sau bao bất lực, con người có nản lòng cũng không lạ. Một sự bi quan bao trùm dai dẳng. Nó ngấm sâu vào tâm trí, nó âm thầm di truyền, và trong một ít trường hợp hiếm hoi làm nên sự biết điều, sự nhẫn nhục rất đáng vì nể.

Song phổ biến hơn, là sự xuất hiện thường trực của ảo tưởng. Ta sẵn sàng khoác cho những công việc bé nhỏ những ý nghĩa đâu đâu. Những mỹ từ thật kêu được lạm phát để phong tặng cho những con người và đồ vật loàng xoàng. Khái niệm sáng tạo bị hạ giá. Nhiều người trở nên thích làm bộ làm tịch phô trương khoe mẽ. Họ sống như diễn trò. Họ kỳ công tìm kiếm và khoác cho mình những danh hiệu hão hiền chỉ cốt lừa mị chung quanh. Thói sĩ diện đang được tha bổng vì ngày một phổ biến.

Khi đi vào nông thôn VN, cả các nhà xã hội học lẫn các nhà văn hiện đại từng ghi lại một hủ tục: người Việt ở các làng xóm thường hám danh. Họ sẵn sàng dốc tiền cả đời dành dụm và bán nhà bán cửa để mua nhiêu mua xã; sau một lần khao vọng đẩy vợ con đi làm thuê.

Còn tệ làm hồ sơ giả để vinh danh cho quê hương thì kéo dài đến hiện nay, xưa là xin sắc chỉ vua ban và ngày nay là xin bằng di sản văn hóa. Lúc này cái gì người ta cũng sẵn sàng làm, sự dối trá bao phủ khiến cho thiện chí và ảo tưởng chỉ còn hiện ra với bộ mặt thảm hại.

Vương Trí Nhàn
Nguồn: vuongtrinhan.blogspot.com
Previous Post
Next Post