Chuyển hóa khổ đau

Nếu như có cách nào để giải thoát khỏi khổ đau thì cần phải sử dụng từng giây phút để có được cách đó. Chỉ những kẻ dốt nát mới muốn bị khổ đau hơn. Cố tình gặm nhấm thuốc độc không phải là đáng buồn hay sao?
Đức Dalai Lama thứ VII

Ngày xửa ngày xưa, hoàng tử của một ông vua Ba Tư được nuôi dưỡng cùng với con trai của Tể tướng và tình bạn của họ đã trở thành huyền thoại. Khi hoàng tử lên ngôi, chàng nói với bạn mình:

“Trong khi ta dành thời gian vào việc cai trị vương quốc, xin bạn hay viết giúp ta lịch sử về loài người và thế giới để ta có thể rút ra những bài học cần thiết và biết được nên hành động theo cách nào.”

Người bạn của nhà vua trẻ đi tham kiến những sử gia lừng danh nhất, những nhà bác học thông thái nhất và những bậc minh triết được tôn kính nhất. Năm năm sau, chàng tự hào quay lại Hoàng cung.

“Bẩm đức vua, chàng nói, đây là 36 cuốn sách nói về toàn bộ lịch sử của thế giới từ khi nó ra đời cho tới triều đại của Người.”

“Những 36 cuốn kia à! Nhà vua kêu lên. Làm sao ta có thời gian để đọc chúng được? Ta phải làm biết bao nhiêu việc để cai trị vương quốc, để chăm sóc 200 cung tần mỹ nữ trong cung. Bạn ơi, hãy viết cô đọng lại chúng đi!”

Hai năm sau, người bạn trở lại lâu đài, mang theo 10 cuốn. Nhưng lúc đó, nhà vua đang cầm quân ra trận chống lại vua nước láng giếng. Người bạn phải yết kiến Ngài ở trên một ngọn núi trong sa mạc, nơi Ngài chỉ huy trận đánh.

Số phận của vương quốc đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Ta lấy đâu ra thì giờ để đọc 10 cuốn sách bây giờ? Hãy rút ngắn phần lịch sử về loài người nữa đi!

Con trai Tể tướng lại ra đi và làm việc trong suốt ba năm trời để gói gọn bộ sách trong một cuốn hầu giúp nhà vua nhìn nhận đúng đắn về điều cơ bản. Lúc này, nhà vua đang bận thảo ra các điều luật.

“Bạn thật may mắn vì có thời gian để thong thả viết lách. Còn ta, ta đang phải thảo ra luật về thuế và thu thuế. Hãy mang lại cho ta một phần mười số trang kia để ta có thể dành một buổi tối để đọc chúng cho được bổ ích.”

Hai năm sau, điều đó được thực hiện. Song, khi người bạn trở về với sáu chục trang sách, ông thấy nhà vua nằm liệt trên long sàng, đang hấp hối sau một đợt sung huyết não trầm trọng. Chính ông khi ấy cũng đã luống tuổi, da mặt nhăn nheo và tóc đã bạc trắng. Nhà vua thều thào trong hơi thở cuối cùng:

“Thế nào? Lịch sử loài người đến đâu rồi?”

Người bạn nhìn nhà vua hồi lâu và, khi thấy Ngài sắp thở hắt ra, bèn nói:

“Họ đang đau khổ, thưa đức vua.”

Chắc chắn là loài người đang đau khổ, lúc nào cũng vậy và ở khắp nơi trên thế gian này. Có những chúng sinh lìa đời ngay khi lọt lòng mẹ, trong khi lại có người bỏ mạng lúc sinh con. Họ bị sát hại từng giây phút, bị tra tấn, đánh đập, làm cho tàn phế, xa lìa những người thân. Một số thì bị bỏ rơi, bị lừa đảo, bị trục xuất hoặc bị hắt hủi. Người nọ giết hại người kia vì thù hận, vì tham lam, vô minh, hãnh tiến, kiêu mạn hoặc ghen tức. Những người mẹ mất con, những đứa trẻ mất mẹ cha. Trong các nhà thương, bệnh nhân nhập viện không lúc nào ngừng. Một số người bị bệnh tật hành hạ, đau đớn mà không có hi vọng được chữa khỏi. Những người sắp chết sống trong tình trạng hấp hối kéo dài, còn những người sống sót thì kéo dài trạng thái tang tóc của mình. Một số chết vì đói, vì rét, vì kiệt sức; số khác thì bị chết thiêu, bị đá đè lấp hoặc bị nước cuốn trôi.

Thực ra điều đó không phải chỉ đúng với thế giới con người. Loài vật cũng giết hại lẫn nhau, trong những cánh rừng, những sa mạc, những đại dương hoặc trên không trung. Mỗi một giây phút, hàng vạn con thú bị người giết hại, băm chặt để đóng vào hộp. Những con khác chịu thống khổ triền miên dưới ách thống trị của các chủ nhân của chúng: nào chuyên chở nặng nề, nào suốt đời bị xiềng xích, bị xua đuổi, bị cắn câu, bị sập bẫy, bị chết nghẹt, bị hành xác để người ta lấy thịt, lấy xạ, lấy ngà, lấy xương, lấy bộ lông, lấy da, ninh trong nồi nước sôi hoặc lột da tươi.

Đây không phải là những ngôn từ đơn thuần, mà là thực tế gắn liền với đời sống của chúng ta, là cái chết, bản chất phù du của vạn vật và nỗi khổ đau. Dẫu chúng ta có cảm thấy choáng ngợp, bất lực trước biết bao khổ đau như thế, nhưng nếu không dám nhìn thẳng vào sự thực thì đó cũng chỉ là một thái độ bàng quan hoặc hèn nhát mà thôi. Bổn phận của chúng thấy mình có liên quan mật thiết với chúng, trong suy nghĩ cũng như trong hành động, và làm tất cả những gì có thể để giảm nhẹ những nỗi khổ niềm đau đó.

Các phương thức khổ đau

Đạo Phật nói về khổ đang hình thành, khổ đang chuyển biến và tổng hợp các loại khổ. Khổ đang hình thành được ví như một trái cây sắp chín; khổ đang chuyển biến giống như một món ăn ngon có tẩm thuốc độc; và tổng hợp các loại khổ tự như một khối u bị sưng tấy. Khổ đang hình thành làm ta chưa cảm nhận được; khổ đang biến chuyển khiến ta cảm thấy khoan khoái lúc ban đầu, sau chuyển dần sang đau đớn; tổng hợp các loại khổ làm tăng đau đớn hơn lên.

Đạo Phật cũng chia ra ba loại khổ: Khổ hiện (khổ khổ), khổ ẩn (hoại khổ), khổ tàng hình (hành khổ). Khổ hiện thì ở đâu cũng thấy được rõ ràng, có nguồn gốc từ sân hận. Khổ ẩn thì bị ngụy trang dưới vẻ ngoài vui thú, sảng khoái, vô tư, giải trí. Đó là các khổ vì thay đổi, có nguồn gốc từ tham lam. Ví dụ như người sành ăn sau khi dùng một món ngon thì bị những cơn co thắt vì ngộ độc; một gia đình đang quây quần bình yên trong bữa ăn dã ngoại thì một cháu nhỏ bị rắn cắn; những người tham dự cuộc vui đang tưng bừng nhảy múa thì chiếc lán bỗng thình lình bốc cháy. Dạng khổ như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời, nhưng lại không được nhận thấy bởi những ai dễ bị ảo ảnh bên ngoài đánh lừa, những ai một mực cho rằng con người và vạn vật luôn luôn còn đó, không bị chi phối bởi quy luật vô thường tác động lên mọi thứ.

Cũng có dạng khổ ngầm ẩn dưới các hoạt động bình thường nhất. Không dễ dàng nhận ra nó vì nó không lộ liễu như một cái răng nhức nhối. Cái khổ này không báo cho chúng ta biết, cũng không cản trở chúng ta hoạt động vì trái lại nó tham gia vào sự vận hành thường xuyên nhất của chúng ta. Một quả trứng trần nước sôi thì có gì là lạ? Phải công nhận rằng những con gà mái nuôi trong trang trại có số phận sướng hơn. Bạn hãy thử thâm nhập vào thế giới chăn nuôi công nghiệp mà xem: ngay từ khi mới nở, gà trống bị tách khỏi gà mái và được chuyển sang máy nghiền. Gà mái được cho ăn cả ngày lẫn đêm, dưới ánh sáng nhân tạo để ép cho lớn nhanh và đẻ nhiều trứng hơn. Không gian sống quá chật hẹp đã khiến chúng trở nên hung hãn và liên tục mổ trụi lông của nhau. Chúng bị ních trong những chiếc lồng chật đến nỗi nếu để riêng một con ra, nó sẽ lăn kềnh vì không biết chạy nữa. Nhìn quả trứng trần vào bữa điểm tâm, ta đâu biết chút nào về tất cả những chuyện trên!

Cuối cùng là dạng khổ tàng hình (hành khổ), khó nhận ra nhất bởi vì nó có nguồn gốc từ chính sự mù quáng của chúng ta. Chừng nào chúng ta còn thiếu hiểu biết (vô minh), còn ích kỷ thì chừng đó còn tồn tại. Sự nhầm lẫn do thiếu suy xét, thiếu sáng suốt khiến ta mù quáng trước điều nên làm và nên tránh để thân, khẩu và ý của chúng ta mang lại hạnh phúc và an lạc thay vì gây ra điều bất hạnh. Sự lẫn lộn kia và những khuynh hướng kèm theo nó khiến chúng ta tiếp tục duy trì những tập tính gây ra khổ đau. Để xóa bỏ sự nhầm lẫn tai hại nhường ấy, con người phải tỉnh ngộ khỏi giấc mộng vô minh và nhìn thấu những khía cạnh tinh tế nhất của tiến trình đưa tới hạnh phúc và khổ đau.

Liệu chúng ta có khả năng nhận diện “cái tôi” như là nguyên nhân gây khổ hay không? Nhìn chung là không. Vì thế mà loại khổ thứ ba này mang tên là khổ tàng hình. Nguồn gốc gây ra phần lớn những tư duy gây rối loạn là chủ nghĩa vị ngã, hoặc nói đúng hơn, suy nghĩ bệnh hoạn cho mình là cái rốn của vũ trụ - chúng tôi gọi tư tưởng này là “tư duy ngã mạn”, có nghĩa là tự cho mình là quan trọng – là nguồn gốc phát sinh đa phần những suy nghĩ gây xáo trộn. Từ tham chấp tới hận thù qua đố kỵ, loại tư duy này kéo theo đau khổ y như nam châm hút mạt sắt vậy.

Vậy dường như không có một lối thoát nào cho mọi loại khổ đau. Hết những nhà thông thái xuất hiện lại tiếp đến các vị tiên tri, hết những ông thánh lại đến những siêu cường, nhưng dòng sông khổ đau vẫn triền miên chảy. Mẹ Theresa đã làm từ thiện suốt nửa thế kỷ cho những người sống dở chết dở ở Cancutta, nhưng chỉ cần những nhà tế bần do mẹ xây dựng vừa biến đi là những kẻ khốn cùng kia lại không còn nơi nương tựa, như thể từ trước đến nay chẳng xảy ra chuyện gì. Trong những khu lân cận, họ vẫn chết gục ngoài vỉa hè. Chúng ta cảm thấy bất lực trước cái khổ hiện diện ở mọi nơi, quá nhiều và liên tục ở mọi chỗ. Các bản kinh của đạo Phật nói rằng trong cõi luân hồi (samsara) – vòng sinh tử không ngừng, người ta không thể tìm ra một nơi nào, dù chỉ nhỏ bằng đầu chiếc kim khâu mà không có khổ đau.

Một cách nhìn nhận như thế phải chăng đẩy chúng ta đến thất vọng, điên rồ, chán nản hoặc tệ hơn, thờ ơ? Cảnh tượng trên liệu có hủy hoại được chúng ta, do ta không chịu nổi áp lực của nỗi khổ đau quá lớn?

Những nguyên nhân gây khổ

Liệu chúng ta có thể nghĩ tới việc chấm dứt khổ hay không? Theo đạo Phật, khổ luôn luôn có mặt như một hiện tượng chung. Tuy nhiên, mỗi người đều có khả năng thoát khổ.
Thật vậy, người ta không thể ngờ rằng khổ đau sẽ biến khỏi vũ trụ, bởi lẽ đối với đạo Phật, thế giới là vô thủy vô chung (không có lúc khởi đầu, không có hồi kết thúc). Không thể có lúc thực sự khởi đầu, bởi vì từ không có gì không thể bỗng dưng trở thành có cái gì đó được.

Hư vô chỉ là một ngôn từ, giúp chúng ta biểu thị sự trống vắng, thậm chí sự không tồn tại của các hiện tượng trong thế gian. Nhưng một ý tưởng thuần túy không thể sản sinh ra bất cứ cái gì được. Còn về một kết thúc thực sự, tức là khi cái gì đó trở thành không còn gì cũng vậy, là điều không thể. Vậy mà ở đâu có sự sống sinh sôi nảy nở trong vũ trụ thì ở đó có khổ đau dưới dạng bệnh tật, già nua, chết chóc, chia lìa với những người mình yêu quý, bị cưỡng ép phải gắn bó với người áp bức mình, cần mà không có, buộc phải đối mặt với điều chúng ta lo ngại…

Tuy nhiên, không phải vì có cách nhìn nhận như vậy mà đạo Phật tán thành quan điểm của một số triết gia phương Tây. Theo họ, khổ là không thể tránh khỏi và hạnh phúc thì không bao giờ đạt được. Là người thuộc trường phái bi quan, Schopenhauer tin rằng con người tuyệt đối không phải sinh ra để được hạnh phúc và con người chán chường nó ngay lập tức; nói cách khác, con người không bao giờ có thể trải nghiệm được trạng thái an lạc. Bằng cách khẳng định rằng “không có trạng thái hài lòng nào có thể kéo dài” và “chắc chắn một nỗi khổ mới sẽ tới”. Schopenhauer và đồng nghiệp của ông đã thừa nhận có những triệu chứng của khổ đau và mô tả thế giới trong tình trạng bị vô minh điều khiển, cái mà đạo Phật gọi là cõi luân hồi (samsara).

Các triết gia phương Tây này quan sát thấy khổ đau luôn luôn lặp đi lặp lại, họ đã ra một chẩn đoán bệnh mà không có khả năng tiên liệu phác đồ điều trị, vì thế, họ phán xét rằng căn bệnh không thể chữa được. Cũng giống như các nhà nghiên cứu từ chối xem xét những nguyên nhân và cách chữa trị những căn bệnh nhiễm trùng, với lý do rằng chúng không ngừng xuất hiện ở mọi nơi từ trước đến nay, các triết gia kia đã quyết định rằng không thể chữa được chúng. Thế là vấn đề được giải quyết một cách chóng vánh và chủ nghĩa bi quan trở thành một triết lý, thậm chí một giáo điều, mà đỉnh cao của nó là ca ngợi nỗi buồn u uất.

Để minh chứng cho loại chủ nghĩa bi quan như vậy, nỗi khổ phải có đặc điểm cố hữu của cuộc đời và mang tính tuyệt đối. Sự thật lại không phải thế.

Trên phương diện cá nhân. Thực ra có thể diệt trừ những nguyên nhân gây ra khổ đau. Lý do rất đơn giản: bất hạnh có nhiều nguyên nhân mà ta có thể nhận ra và tìm cách đối trị lại chúng. Chỉ do nhầm lẫn về bản chất của những nguyên nhân kia mà con người trở nên nghi ngờ khả năng trị bệnh.

Sai lầm đầu tiên cho rằng bất hạnh là điều không thể tránh được, bởi vì đó là ý muốn của một đấng thánh nhân, hoặc của một nguyên lý bất di bất dịch, và do đó, ta không bao giờ kiểm soát được. Sai lầm thứ hai là vô cớ bảo vệ tư tưởng cho rằng không tìm ra được những nguyên nhân gây khổ, rằng vô tình nó giáng xuống đầu chúng ta và không phụ thuộc gì vào ta hết. Sai lầm cuối cùng đổ cho thuyết định mệnh mung lung, như Alain đã giải thích: “Kết quả vẫn là thế thôi, dù những nguyên nhân có là gì đi nữa!”.

Nếu khổ đau có những nguyên nhân cố định thì chúng ta sẽ không bao giờ tránh được, và khi đó, như Đức Dalai Lama đã nói: “Tốt hơn là đừng tự dằn vặt, than vãn hoài về khổ đau. Thà nghĩ về việc khác như đi ra bãi biển và uống một cốc bia ngon còn hơn!”. Thật vậy, nếu không có phương thuốc nào trị được bệnh khổ thì làm cho nó trầm trọng hơn bằng thái độ khốn quẫn cũng chẳng để làm gì. Tốt nhất là chấp nhận nó hoàn toàn, hoặc thư giãn trí óc để cảm thấy đỡ khổ hơn.

Phải chăng khổ đau thật sự có nguyên nhân bất biến? Theo triết học Phật giáo, bất kỳ nguyên nhân nào cũng phải tự thay đổi. Nó là một phần của dòng chảy vận động bao gồm vô vàn những nguyên nhân phụ thuộc vào nhau và chỉ có tính nhất thời. Nếu suy xét kỹ điều đó theo quan điểm thuần logic, một nguyên nhân bất biến không thể gây ra điều gì được, bởi lẽ khi tham gia vào tiến trình nhân quả kéo theo sự thay đổi, chính nó cũng bị ảnh hưởng, và vì thế, bị mất đi tính bất biến của mình. Không cái gì có thể tồn tại độc lập và thường hằng được. Do chịu ảnh hưởng của những nguyên nhân vô thường, khổ đau cũng là đối tượng của sự thay đổi và nó có thể được chuyển hóa. Vì thế, không có cái bất hạnh ban đầu, mà cũng chẳng có cái khổ đau vĩnh viễn.

Nếu ngược lại, khổ đau tác động một cách vô cơ hoặc theo một kiểu bất kỳ, thì luật Nhân Quả chẳng có ý nghĩa gì nữa: mọi thứ đều có thể xảy ra từ bất kỳ điều gì: hoa có thể mọc giữa không trung và ánh sáng có thể tạo ra bóng tối…

Đương nhiên, điều gì xảy ra cũng phải có nguyên nhân. Có đám cháy nào lại không bắt đầu từ một tia lửa, có cuộc chiến tranh nào xảy ra mà lại không xuất phát từ lòng thù hận, sợ hãi hoặc tham vọng? Có khổ đau nội tâm nào lại không tăng trưởng trên mảnh đất màu mỡ của thèm khát, hung hăng, hợm hĩnh, hoặc sâu sắc hơn, của vô minh?

Như vậy, mỗi người đều có khả năng xem xét những nguyên nhân của khổ và dần dần tự giải phóng mình ra khỏi khổ đau. Mọi người đều có tiềm năng xóa tan bức màn vô minh, rũ bỏ những độc tố trong tâm thức gây nên nỗi bất hạnh và tìm được tâm thái bình an, phụng sự cho hạnh phúc của nhân loại, và như thế, chắt lọc được phần tinh túy của kiếp làm người của mình.

Vậy điều đó có tạo nên khác biệt gì cho nỗi khổ đau triền miên của loài người? Một người bạn chuyên đi làm từ thiện đã kể cho tôi nghe một câu chuyện. Câu chuyện này đã giúp anh củng cố niềm tin vào mình mỗi khi cảm thấy việc mình làm chẳng thấm vào đâu so với khối lượng công việc từ thiện khổng lồ. Chuyện kể về một người đi trên bãi biển rải đầy những con sao biển và biết rằng chúng sẽ chết dưới ánh nắng mặt trời. Mỗi bước, anh ta lại nhặt một con sao biển và vứt nó xuống nước. Một người bạn nhìn thấy bèn lưu ý anh: “Cậu có biết là có hàng triệu con trên bãi cát không? Dù đáng khen thật, nhưng những nỗ lực của cậu có làm được gì khác đâu?” “Có đấy”, anh ta vừa đáp vừa vứt tiếp một con nữa xuống biển. “Đối với con này thì khác”. Như vậy, vấn đề quan trọng ở đây không phải là khối lượng công việc, mà là tấm gương của lòng can đảm.

Bốn sự thật về khổ (Tứ diệu đế)

Cản trở đầu tiên để đạt được hạnh phúc là không nhận diện đúng bản chất của khổ. Con người thường hay coi hạnh phúc chỉ là một dạng khổ đau trá hình. Sự thiếu sáng suốt này đã ngăn cản chúng ta tìm kiếm những nguyên nhân gây ra khổ và đối trị lại chúng. Chúng ta giống như một số người bệnh, không ý thức được căn bệnh đang hành hạ mình, không nhận ra được những triệu chứng bệnh tật và coi thường việc đi khám bệnh. Hoặc tồi tệ hơn, giống như những người biết mình bị bệnh, song lại thích tránh né hơn là điều trị nó.

Cách đây hơn 2.500 năm, bảy tuần sau khi đức Phật đạt được Giác ngộ dưới cội Bồ đề, Ngài đã thuyết giảng Giáo Pháp lần đầu tiên tại Vườn nai (Lộc Uyển) gần thành Ba la nại. Ở đó, Đức Phật đã tuyên thuyết Bốn sự thật cao cả. Sự thật thứ nhất là KHỔ. Không phải chỉ có cái khổ nhìn thấy được, mà như chúng ta biết, cả những hình tướng rất tinh vi của nó nữa. Sự thật thứ hai là nguyên nhân gây khổ (TẬP): vô minh kéo theo tham lam, độc ác, kiêu mạn và nhiều tư tưởng khác đầu độc cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người khác. Sự thật thứ ba là có thể loại trừ được những độc tố tâm thức đó (DIỆT). Sự thật thứ tư là con đường biến khả năng trên thành hiện thực (ĐẠO). Đạo là một quá trình tiến hành mọi phương pháp giúp diệt trừ được gốc rễ của khổ đau. Tóm lại, cần phải:

Nhận diện khổ
Diệt trừ gốc rễ của nó
Làm cho hết khổ
Bằng cách thực hành Đạo

Ngay từ lần thuyết Pháp đầu tiên, điều được đức Phật nhấn mạnh không hề phản ánh một cái nhìn tiêu cực về cuộc đời. Tự như một thầy thuốc giàu kinh nghiệm, Ngài khuyên chúng ta nhận diện bản chất của khổ đau để truy ra những căn nguyên của nó, tìm ra những phương thuốc và áp dụng chúng. Chính vì thế mà đức Phật thường nói rằng chúng ta nên coi mình là những người bệnh, coi đức Phật hoặc người thầy tâm linh như một thầy thuốc giỏi, xem lời giảng của Ngài như một đơn thuốc và con đường chuyển hóa bản thân như quá trình chữa bệnh.

Khi khổ đau thể hiện thành nỗi bất hạnh

Trên đây, chúng ta đã phân biệt hạnh phúc và khoái lạc, còn bây giờ, làm rõ sự khác nhau giữa bất hạnh hoặc chính xác hơn là “sự khó chịu” với những khổ đau nhất thời cũng là việc quan trọng. Những khổ đau nhất thời này phụ thuộc vào những tình huống khách quan: trong khi bất hạnh, hoặc khổ (doukha) là một trạng thái bất mãn sâu sắc kéo dài, dù hoàn cảnh bên ngoài có thuận lợi đi chăng nữa.

Trái lại, hãy luôn luôn tâm niệm rằng người ta có thể đau đớn về thể xác và tinh thần, có thể cảm thấy buồn chẳng hạn, mà vẫn không mất đi cảm giác an lạc (soukha), bởi vì nó được đặt trên cơ sở an lạc nội tâm và lòng vị tha. Đó là hai mức độ trải nghiệm mà ta có thể so sánh với những đợt sóng ở trên bề mặt và ở sâu dưới lòng đại dương. Khi giông tố nổi lên trên mặt biển thì dưới đáy đại dương vẫn ngự trị sự bình yên. Người thông thái bao giờ cũng gắn liền với những chiều sâu. Ngược lại, người chỉ sống với những kinh nghiệm bề nổi và không biết chiều sâu bình an của nội tâm sẽ tuyệt vọng khi bị những đợt sóng khổ đau vùi dập.

Song người ta sẽ bẻ lại rằng làm sao có thể không hoảng hốt khi đứa con của mình ốm nặng và mình biết rằng nó sẽ không qua khỏi? Làm sao không đau xé lòng khi chứng kiến hàng ngàn người dân bị đày ra nước ngoài, bị tổn thương, là nạn nhân của chiến tranh? Hay ta phải trơ ra như đá? Trên danh nghĩa gì mà chấp nhận điều đó? Ai trên thực tế không bị ảnh hưởng, ngay cả vị thanh thản nhất trong số các nhà thông thái? Biết bao lần tôi tận mắt thấy Đức Dalai Lama khóc trước nỗi khổ đau của những người Ngài vừa gặp. Bậc thông thái khác kẻ tầm thường ở chỗ họ có thể bày tỏ tình thương yêu vô điều kiện đối với những người bị đau khổ và làm tất cả mọi thứ mà mình có thể để làm vơi đi khổ đau cho những người đó, trong khi cái nhìn về cuộc đời của chính họ không hề bị lung lay. Điều cốt yếu là vì những người khác, nhưng không vì thế mà chìm đắm trong thất vọng khi những sự kiện tự nhiên của đời sống và của cái chết diễn ra hàng ngày.

Tôi có một người bạn Ấn Độ quen từ nhiều năm nay. Anh theo đạo Sikh, khoảng 60 tuổi, có bộ râu quai nón trắng như cước, làm việc tại sân bay Delhi. Mỗi lần tôi quá cảnh qua đó, chúng tôi lại cùng nhau ngồi uống trà và đàm đạo về triết học và tâm linh, tiếp tục chủ đề bàn dở lần trước, cách đó vài tháng. Có một lần, anh bạn bức xúc tâm sự với tôi: “Cha tôi vừa mất được mấy tuần nay. Tôi cảm thấy tâm trí như bị đảo lộn, bởi vì mất cha theo tôi là một điều bất công. Tôi không thể hiểu nổi và cũng không thể chấp nhận được điều này.” Tuy nhiên, không thể gọi là bất công được vì nó chỉ phản ánh những quy luật Nhân Quả và Vô thường mà thôi. Tính chất tạm bợ của vạn vật là một hiện tượng tự nhiên.

Rất nhẹ nhàng, tôi kể cho anh nghe câu chuyện về một người đàn bà điên dại trước cái chết của đứa con mình. Bà ta tới gặp đức Phật và cầu xin Ngài làm cho đứa bé sống lại. Đức Phật bảo bà mang tói cho Ngài một nắm đất của nhà nào chưa bao người có người bị chết. Sau khi đi khắp làng và nhận ra rằng nhà nào cũng có tang, bà trở về bên đức Phật và Ngài đã dùng lời yêu thương và sáng suốt để an ủi bà.

Tôi cũng kể cho anh bạn tôi nghe câu chuyện về Dza Mura Tulkou, một vị thầy tâm linh đã sống ở đầu thế kỷ XX tại miền Đông Tây Tạng. Ông đã lập gia đình, và suốt đời ông bà rất mực yêu thương nhau. Ông làm gì cũng có bà và luôn luôn bảo rằng nếu bà mất đi thì ông cũng chẳng sống thêm được bao lâu nữa. Đột nhiên bà qua đời. Những người thân và các đệ tử có mặt ngay lập tức bên vị thầy. Dù vẫn nhớ những lời thầy nói, không một ai dám báo tin dữ cho thầy. Cuối cùng, một đệ tử cho ông biết một cách ngắn gọn rằng vợ ông đã mất. Phản ứng đau buồn mà họ lo ngại đã không xảy ra. Vị thầy ngạc nhiên nhìn họ và bảo: “Cớ sao các người lại có vẻ rụng rời đến thế? Biết bao lần, ta chẳng vẫn dạy các người rằng vạn vật và con người là vô thường. Chính đức Phật cũng đã từ giã thế gian này đấy thôi!”. Dù yêu thương vợ đến mấy, và dù có chắc chắn là buồn đau ghê gớm đi nữa, quằn quại đau khổ cũng chẳng làm vị thầy có trí tuệ yêu thương vợ hơn, mà ngược lại. Đối với ông, thanh thản cầu xin cho vong linh bà siêu thoát và cúng dàng bà trạng thái thanh thản ấy còn quan trọng hơn nhiều.

Chìm đắm trong khổ đau, bị ám ảnh bởi kỷ niệm về người đã khuất tới mức tan nát cõi lòng suốt hàng tháng, hàng năm ròng không phải là bằng chứng của tình thương yêu, mà là sự chấp thủ, không mang lại lợi ích gì cho mọi người cũng như cho chính mình. Nếu có thể chấp nhận được rằng cái chết cũng là một phần của sự sống thì trạng thái tuyệt vọng sẽ dần dần nhường chỗ cho lòng cảm thông và tâm bình an. “Đừng tưởng rằng con thương tiếc mẹ nhiều khi nghĩ rằng mất mẹ là sự kiện lớn nhất của đời con! Cách báo đền mẹ hay nhất là hãy tiếp tục cuộc sống giàu sang và hạnh phúc.” Đó là lời khuyên của một bà mẹ dành cho con trai mình trước khi nhắm mắt.

Như vậy, cách thức chúng ta trải nghiệm những đợt sóng khổ đau phụ thuộc rất nhiều vào chính thái độ của chúng ta. Vì thế, tập làm quen với những khổ đau mà chúng ta dễ gặp trong đó có những điều tất yếu sẽ xảy ra như bệnh tật, già nua, tử vong, và tự chuẩn bị để đối phó với chúng còn tốt hơn là để cho mình rơi vào trạng thái bất ngờ và tuyệt vọng. Một nỗi đau thể xác hoặc tinh thần có thể nhức nhối ghê gớm, song không vì thế mà phá hủy được cái nhìn tích cực của chúng ta về cuộc đời. Một khi đã có được trạng thái bình an nội tâm nào đó, chúng ta sẽ bảo vệ được sức mạnh tâm hồn của mình, dễ dàng hơn, hoặc tìm lại được sức mạnh tâm hồn của mình dễ dàng hơn, hoặc tìm lại sức mạnh đó nhanh chóng hơn, bất chấp những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bên ngoài mà chúng ta phải đương đầu.

Trạng thái an lạc nội tâm tự nhiên đến khi chúng ta muốn nó hay sao? Khó có thể như vậy. Ta không thể chỉ kiếm sống bằng cách cầu xin. Cũng như vậy, bình an là một kho báu của tâm, không phải bỗng dưng mà có được. Nếu chúng ta để mình bị chìm ngợp bởi những vấn đề riêng tư – dù có thê thảm tới đâu đi chăng nữa điều đó chỉ làm tăng thêm khó khăn cho chúng ta và trở thành gánh nặng cho những người xung quanh.

Nếu tâm trí chúng ta quen chỉ xem trọng những sự kiện và những con người làm cho nó đau khổ thì sẽ có một ngày bất luận một trục trặc nhỏ nào cũng đẩy tâm vào tình trạng khổ não triền miên. Cường độ cảm xúc ấy sẽ lớn dần theo thói quen, bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta rốt cục cũng làm cho ta sầu não: chúng ta không còn chỗ cho trạng thái bình an nữa. Mọi hiện tượng đều tỏ ra thù địch, chúng ta cay đắng chống chọi với số phận của mình đến mức nghi ngờ luôn cả ý nghĩa của cuộc đời. Vì thế, điều cốt lõi là phải đạt cho được một trạng thái an lạc nội tâm nào đó, sao cho chúng ta biết cách thâm nhập vào chiều sâu bản thể của mình, mà vẫn không giảm thiểu chút nào cảm xúc nhạy bén, tình yêu thương và lòng vị tha nơi mình.

Những khía cạnh khủng khiếp nhất của khổ đau như bần cùng, nạn đói, giết chóc thường ít thấy hơn ở các nước dân chủ, nơi tiến bộ vật chất đã giúp cải thiện rất nhiều tệ nạn xã hội, nhưng chúng vẫn tiếp tục giáng xuống các nước nghèo và bất ổn định về chính trị. Song dân chúng ở nơi được gọi là “tốt nhất trong các thế giới” dường như mất đi khả năng chấp nhận những khổ đau tất yếu của bệnh tật và chết chóc. Ở phương Tây, người dân thường xem khổ đau như một điều không bình thường, bất công hoặc thất bại. Ở phương Đông, khổ đau ít bị trầm trọng hóa hơn và con người ở đây nhìn nhận khổ đau một cách can đảm và bao dung hơn.

Trong xã hội Tây Tạng, cảnh tượng người dân cười đùa trong đám tang không phải là hiếm, trong khi phương Tây lại cho đó là điều khó coi. Không phải người Tây Tạng không thương xót người quá cố, nhưng họ hiểu được rằng những thử thách như vậy tất yếu phải xảy ra, và chắc chắn phải có một phương thuốc nội tâm để đối trị lại đau khổ, đối trị với nỗi lo âu khi chỉ còn lại một mình. Người phương Tây có tính ích kỷ mạnh hơn, đối với họ, tất cả những gì làm đảo lộn, đe dọa và hủy diệt con người đều được coi như một tấn thảm kịch tuyệt đối, bởi vì chỉ mỗi cá thể con người cũng đã là cả một thế giới riêng biệt. Ở phương Đông, cái chết không phải là một sự phá hủy, mà chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, bởi lẽ người ta có cái nhìn toàn diện hơn về thế giới, coi trọng quan hệ cộng đồng hơn và tin vào một dòng tâm thức liên tục tái sinh.

Rút ra bài học tốt nhất từ khổ đau

Theo đạo Phật, không bao giờ con người muốn khổ đau. Điều đó không có nghĩa là họ không thể làm được gì với khổ đau một khi nó là điều tất yếu xảy ra để phát triển về nhân cách và tâm linh. Giống như Đức Dalai Lama giải thích: “Một nỗi khổ sâu sắc có thể khiến tâm thức và trái tim chúng ta mở ra và cởi mở với mọi người”. Đau khổ có thể là người thầy tuyệt vời, có khả năng giúp chúng ta ý thức được tính chất phù phiếm của rất nhiều công việc hàng ngày, ý thức được rằng không thể đảo ngược được dòng chảy của thời gian, rằng chính chúng ta cũng quá mong manh và nhất là ý thức được điều mà chúng ta coi là giá trị nhất trong thâm tâm mình.

Sau vài tháng sống cận kề với tử thần trong tình trạng đau đớn khủng khiếp, Guy Corneau – một bác sĩ tâm thần người Canada – đã quyết định “buông xuôi”. Ông thôi cưỡng lại một chứng bệnh khó chữa và cởi mở tấm lòng với kho tiềm năng an lạc luôn luôn có mặt ở sâu thẳm nội tâm mình: “Mỗi ngày, mỗi tuần, trái tim tôi thêm rộng mở. Tôi ngợp trong trạng thái an lạc không tên. Trong tôi bùng cháy một ngọn lửa yêu thương đầy cao thượng. Tôi chỉ việc khép mắt lại để uống đầy đủ, no nê và thoải mái nguồn suối yêu thương ấy… Thêm nữa, tôi nhận thức ra rằng tình yêu thương chính là chất liệu dệt nên vũ trụ này, nó là bản sắc chung của mỗi người và mỗi vật. Chỉ có tình thương yêu chứ không còn gì khác… Về lâu dài, khổ đau tạo điều kiện thuận lợi để khám phá ra một thế giới không có ranh giới thật sự giữa bên trong và bên ngoài, giữa thể xác và tinh thần, giữa tôi và những người khác”.

Như vậy, sẽ là phi lý khi phủ nhận rằng khổ đau có thể có những giá trị giáo dục nếu ta sử dụng đúng mục đích. Trái lại, cam chịu khổ vì nghĩ một cách đơn giản rằng “Đời là thế!” cũng có nghĩa là khước từ khả năng chuyển hóa nội tâm của mỗi người, cái khả năng giúp ta không để khổ đau biến thành bất hạnh một cách có hệ thống. Không bị ngợp bởi các chướng ngại như bệnh tật, hiềm khích, phản bội, phê phán hoặc những chuyện trái khoáy không hề có nghĩa là những sự cố đó không ảnh hưởng đến chúng ta, là chúng ta sẽ loại từ được chúng mãi mãi; nhưng có nghĩa là chúng không còn cản trở được chúng ta tiến tới tự do nội tâm. Muốn cho khổ đau không đánh quỵ được mình và sử dụng nó một cách tốt nhất như một chất xúc tác, cần phải không để cho lo âu phiền muộn và chán nản choán hết tâm trí mình. Ngài Tịch Thiên đã nói: “Nếu đã có thuốc thì bất mãn để làm gì? Còn không có thuốc thì bất mãn phỏng có ích gì?”

Tránh quở trách người khác

Nếu như lúc nào ta cũng trách người khác làm cho mình đau khổ và coi họ là những người duy nhất chịu trách nhiệm về nỗi khổ của mình thì dứt khoát điều đó sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên đớn hèn. Không nên coi thường hậu quả của những việc mình làm, những lời mình nói và những điều mình suy nghĩ. Nếu chúng ta gieo lẫn hạt hoa và cây độc thì đừng ngạc nhiêu khi gặt được cả hai. Nếu chúng ta ứng xử vừa bằng lòng vị tha, vừa bằng việc đi hại người khác thì đừng ngạc nhiên khi thu hoạch được một hỗn hợp có cả những niềm vui và nỗi buồn.

Theo hai cha con Luca và Francesco Cavalli-Sforza, cha là nhà di truyền học về nòi giống các dân tộc, giáo sư Đại học Stanford, con là một triết gia, thì: “Những hậu quả của một hành động, bất kể như thế nào, cũng chín dần theo thời gian. Và không sớm thì muộn cũng rơi xuống đầu người gây ra nó: đó không phải là sự can thiệp của công lý thánh thần, mà chỉ là một thực tế giản đơn”. Thực vậy, nếu coi khổ đau là do ý muốn của thánh thần thì người ta sẽ hoàn toàn không thể hiểu được tại sao các thiên tại lại liên tục dồn dập đổ xuống đầu một số người và một số dân tộc. Tại sao một Đấng Toàn năng lại có thể tạo ra những điều kiện đưa tới nhiều khổ đau như thế? Theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta là kết quả của vô số những hành động thiếu suy nghĩ mà chúng ta phải gánh chịu trách nhiệm. Đức Dalai Lama thứ VII đã viết:

“Một trái tim bị băng giá bởi dòng nước khổ đau
Là kết quả của nhiều hành vi phá hủy
Kết quả của chính sự điên rồ của chúng ta
Không đáng buồn sao khi đổ lỗi cho người khác?”

Cách tiếp cận này liên quan đến khái niệm về Nghiệp báo (karma) của đạo Phật mà phương Tây thường hiểu sai. Nghiệp có nghĩa là “hành động”, nhưng cũng chỉ mối quan hệ năng động tồn tại giữa một hành động và kết quả nó mang lại. Mỗi một hành động – bao hàm ý thức ở đằng sau nó được coi là tích cực hay tiêu cực tùy theo tác động của nó tới hạnh phúc và đau khổ. Muốn sống hạnh phúc mà lại không từ bỏ hành động gây hại thì cũng vô lý như cho tay vào lửa mà lại hi vọng không bị bỏng vậy. Cũng như thế, người ta không thể mua, ăn cắp, hoặc ngẫu nhiên tìm được hạnh phúc. Chính mình phải vun trồng hạnh phúc.

Như vậy, đối với đạo Phật, khổ đau không phải là điều gì khác thường, hoặc bất công; nó là bản chất của thế gian bị điều kiện hóa mà người ta gọi là luân hồi. Đó là kết quả logic và tất yếu của luật Nhân Quả. Đạo Phật xem thế giới là “bị điều kiện hóa” khi mọi yếu tố cấu thành nó là kết quả của vô lượng những nguyên nhân và tình huống (duyên) chịu sự chi phối của vô thường và hủy diệt.

Đạo Phật nhìn nhận ra sao về thảm kịch của những người vô tội bị tra tấn, giết hại hoặc bỏ đói? Trước hết, nỗi đau khổ của họ có nguyên nhân khốc liệt, mạnh mẽ hơn là những suy nghĩ tiêu cực đơn thuần. Tuy nhiên, chính thái độ lãnh cảm của những kẻ bỏ đói người khác, hoặc lòng hận thù của những kẻ tra tấn họ là nguyên nhân của những khổ đau vô bờ mà phần lớn loài người phải chịu đựng. Cách đối trị duy nhất đối với những lệch lạc kia là cần phải thấy rõ những khổ đau của người, sau đó hiểu sâu trong tâm khảm của mình rằng không ai trên đời lại muốn khổ đau cả. Theo Đức Dalai Lama: “Đi tìm hạnh phúc mà lại bàng quan trước khổ đau của người khác là một sai lầm thê thảm”.

Quản trị khổ đau

Nếu có thể giảm đau khổ tinh thần bằng cách chuyển hóa tâm thức thì làm thế nào để áp dụng tiến trình này đối với đau đớn về thể xác? Làm thế nào để có thể đương đầu với một cơn đau đẩy chúng ta tới ngưỡng cùng của sự chịu đựng? Ở đây cũng vậy, cần phân biệt hai loại khổ: khổ về sinh lý và khổ về tinh thần do cái khổ sinh lý đưa lại. Có nhiều cách trải nghiệm cùng một loại khổ.

Về phương diện thần kinh học, ta biết rằng mỗi người có phản ứng xúc cảm khác nhau đối với khổ, nhưng với ai cũng vậy, phần lớn cảm giác khổ đi liền với bức xúc muốn diệt khổ. Nếu để tình trạng lo lắng đó choán hết tâm trí thì cái khổ nhẹ nhất cũng sẽ nhanh chóng trở nên không thể chịu nổi. Như vậy, cảm nhận của chúng ta về khổ phụ thuộc vào tâm của chúng ta: chính tâm phản ứng với khổ qua lo sợ, chống đối (phản kháng), nản chí, không hiểu biết hoặc qua cảm giác bất lực, khiến cho lẽ ra chỉ phải gánh chịu một nỗi khổ, chúng ta lại tích lũy thêm những khổ đau khác nữa.

Từ đó, làm cách nào để làm chủ nỗi khổ, thay vì trở thành nạn nhân của nó? Nếu đằng nào cũng khổ thì hiểu rõ nó còn hơn là có ý định gạt bỏ nó. Dù người ta có rơi vào tình trạng nản chí hoàn toàn, hoặc giữ được sức mạnh tâm hồn và lòng ham sống thì trong cả hai trường hợp, đau khổ vẫn có mặt; tuy nhiên, trong trường hợp sau, con người có khả năng giữ được nhân phẩm và tự tin của mình. Khác nhau lớn chính là ở chỗ đó.

Vì mục đích ấy mà đạo Phật soạn ra nhiều phương pháp. Phương pháp thứ nhất dựa vào hình ảnh trong tâm thức, phương pháp thứ hai giúp ta chuyển hóa khổ đau, ngộ ra tình thương yêu và lòng cảm thông, phương pháp thứ ba là xem xét bản chất của khổ, và qua đó, bản chất của tâm.

Quyền năng của hình ảnh

Trong truyền thống của đạo Phật, người ta hay dùng tới cái mà tâm lý học hiện đại gọi là hình ảnh trong tâm thức để làm thay đổi cảm nhận về đau đớn. Chẳng hạn người ta quán chiếu rõ ràng một loại mật hoa thơm lành, óng ánh đang thấm dần vào chỗ đau nhất và từ từ cái đau bị tan biến thành một cảm giác an lạc. Sau đó, mật hoa ngấm đầy cơ thể và cảm giác nhức nhối giảm dần.

Theo kết quả tổng hợp từ khoảng 50 bài báo khoa học, trong 85% trường hợp, phương pháp tâm lý giúp tăng khả năng chịu đựng đau đớn. Trong số các kỹ thuật trên, hình ảnh trong tâm thức tỏ ra hữu hiệu hơn cả; cũng cần nói rõ rằng hiệu quả đó còn thay đổi tùy theo những hình ảnh cụ thể được dùng để quán chiếu. Vì thế, người ta có thể quán chiếu một tình huống trung tính (tưởng tượng rằng mình đang chăm chú nghe một bài thuyết trình) hoặc dễ chịu (thấy mình đang ở trong một nơi vui chơi giải trí, trước một phong cảnh tuyệt đẹp).

Có những phương pháp khác giúp người bệnh giảm đau, như tập trung vào một vật ở bên ngoài (xem chiếu ảnh lên màn hình), thực hành một bài tập lặp đi lặp lại (đếm từ 0 đến 100, đếm tuần tự các số hàng trăm), hoặc chấp nhận đau đớn một cách có ý thức; tuy nhiên, cả ba phương pháp vừa rồi đều đưa lại những kết quả không tốt lắm. Có thể giải thích sự chênh lệch này như sau: hình ảnh tâm thức buộc người bệnh phải chú tâm nhiều hơn, vì thế có khả năng giảm đau tốt hơn so với các phương pháp dựa trên những hình ảnh bên ngoài, trên một bài tập trí óc, hoặc dựa trên ý chí. Một nhà nghiên cứu đã kết luận rằng sau một tháng được thực hành có hướng dẫn phương pháp hình ảnh của tâm thức, 21% người có bệnh đau đầu mãn tính thừa nhận đã giảm đau đáng kể so với 7% của nhóm bệnh nhân không áp dụng phương pháp trên.

Sức mạnh của lòng từ bi

Phương pháp thứ hai giúp chúng ta khống chế được đau đớn thể chất lẫn tinh thần. Phương pháp này gắn liền với sự thực hành lòng từ bi. Từ bi là một trạng thái của tâm dựa trên mong ước cho các chúng sinh thoát khỏi khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ. Nó là kết quả của tình yêu thương, ý thức trách nhiệm và tôn trọng đối với muôn loài. Nhờ lòng từ bi, chúng ta chấp nhận nỗi đau của chính mình trong nỗi đau của muôn loài và tự nhủ: “Những người khác cũng bị khổ đau phiền não như mình, đôi khi còn hơn mình. Mong sao họ cũng thoát được!” Khi ấy, chúng ta sẽ không còn cảm thấy cái đau như một sự suy sụp đè nặng lên mình. Đầy lòng vị tha, chúng ta sẽ thôi cay đắng tự chất vấn: “Cớ sao lại là mình kia chứ?”

Nhưng tại sao nghĩ quá nhiều về nỗi đau của người khác, trong khi lại trốn tránh bằng mọi giá đau khổ của chính mình? Xử sự như vậy phải chăng là đã chồng chất thêm gánh nặng cho mình một cách vô bổ? Khi hoàn toàn bị cuốn hút vào những vấn đề của bản thân, chúng ta trở nên dễ bị tổn thương và dễ dàng làm mồi cho trạng thái rối loạn, bất lực và lo âu. Nhưng với lòng từ bi, chúng ta cảm thấy có lòng giác tha mạnh mẽ trước những khổ đau của người khác. Khi đó, thái độ cam chịu bất lực phải nhường chỗ cho lòng can đảm, trạng thái trầm uất phải nhường chỗ cho tình thương yêu và tâm địa hẹp hòi phải nhường chỗ cho trái tim rộng mở với tất cả những người sống xung quanh chúng ta.

Chiêm nghiệm chính bản chất của tâm chúng ta

Phương pháp thứ ba là chiêm nghiệm. Chắc chắn đây là phương pháp khó thực hiện nhất, song nhờ nó, chúng ta có thể giảm bớt được khổ đau về thân và về tâm. Phương pháp này tập trung vào việc quán chiếu bản chất của tâm khi nó đang đau khổ. Các vị thầy trong đạo Phật dạy cách thực hành như sau: khi ta bị đau ghê gớm ở thân hoặc ở tâm, chỉ cần đơn giản nhìn rõ nó. Ngay cả khi cái đau có nhức nhối đi nữa, hãy tự hỏi màu sắc, hình dáng của nó, hoặc tất cả những tính chất khác không thay đổi của nó là gì. Làm như vậy, càng khoanh vùng gần với cái đau, chúng ta càng nhận thấy ranh giới của nó dần bị xóa nhòa.

Rốt cuộc, ta nhận ra rằng ý thức đứng đằng sau cái đau; chính ý thức là nguồn gốc của mọi cảm giác và mọi ý niệm. Bản chất cốt lõi của tâm là khả năng thấy biết thuần túy đó. Hãy thư giãn đầu óc và cố gắng để cái đau nghỉ ngơi trong bản chất trong sáng và không bao giờ bị biến chất này! Điều đó sẽ khiến chúng ta không còn là nạn nhân thụ động của khổ đau nữa, mà dần dần giúp chúng ta đương đầu và khống chế được sự tàn phá của khổ đau trong tâm thức.

Bản chất của tâm

Tâm thức có thể cho ta biết được những gì về bản chất của nó khi tâm thức tự quan sát chính nó? Điều đầu tiên có thể nhận thấy rõ là những dòng suy nghĩ không ngừng xuất hiện, gần như độc lập với ý thức của chúng ta. Dù muốn hay không, vô vàn ý nghĩ vẫn đi qua tâm trí chúng ta, và được duy trì do ta cảm nhận, ghi nhớ và tưởng tượng về chúng. Nhưng phải chăng cũng có một đặc tính luôn luôn hiện hữu, bất kể các ý nghĩ kia có nội dung ra sao? Đặc tính ấy chính là THỨC đầu tiên bao hàm mọi ý nghĩ; nó có mặt lúc tâm bình yên, như bất động mặc dù vẫn giữ nguyên khả năng nhận biết của mình. Khả năng này, hay sự “có mặt tỉnh thức” đơn giản này, được gọi là “thức thanh tịnh”, bởi vì nó có thể tồn tại khi không có tạo dựng của tâm thức.

Nếu tiếp tục để tâm tự quan sát chính nó, chúng ta chắc chắn sẽ kinh nghiệm được “thức thanh tịnh” cùng với những ý niệm khởi lên trong nó. Vậy là thức này tồn tại. Song trừ điều đó ra, người ta còn có thể nói gì thêm nữa? Nếu ta xem xét các ý nghĩ, liệu có thể gán cho chúng một đặc tính nào đó không? Có định vị được chúng không? Không. Chúng có màu sắc hay hình thù gì không? Không có nốt. Người ta chỉ tìm ra ở đó một đặc tính: “thấy biết”, và không có một đặc tính nào khác tự tồn tại và có thật cả. Chính theo nghĩa này mà đạo Phật nói rằng tâm là “không có sự tồn tại của chính nó” (hay nói cách khác, không có tự tính).

Khái niệm trống rỗng của các ý nghĩ chắc chắn rất xa lạ đối với tâm lý phương Tây. Khái niệm này dùng để làm gì? Trước hết, thường thường điều gì xảy ra khi một xúc cảm hay một ý nghĩ mãnh liệt khởi lên, như tức giận chẳng hạn? Chúng ta rất dễ bị cảm xúc này chi phối, nó ngày càng bốc mạnh và nhân lên thành bao nhiêu ý nghĩ khác, khiến chúng ta điên đảo, mất phương hướng. Nó kích động chúng ta bật ra những lời nói và gây ra những hành động đôi khi bạo lực, làm đau khổ những người khác và ngay sau đó làm mình hối tiếc. Để tránh xảy ra tai biến như vậy, chúng ta cần mổ xẻ cảm xúc này để xác định ngay từ đầu rằng đó “chỉ là một cơn gió thoảng” mà thôi.

Cũng có cách khắc phục giúp ta nắm bắt rõ hơn bản chất sâu xa của tâm. Khi chúng ta hiểu được rằng các ý nghĩ khởi lên từ tâm thanh tịnh rồi lại trở về đó, giống như những đợt sóng trào trên mặt đại dương để rút cục lại trở về với biển, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tiến được một bước dài tới sự an lạc của tâm. Và như vậy, các ý nghĩ đã mất đi khá nhiều sức mạnh quyền năng khiến chúng ta chao đảo. Để làm quen với phương pháp đó, mỗi khi một ý nghĩ dấy lên, hãy cố quan sát nguồn gốc của nó; khi nó biến đi, hãy tự hỏi xem nó lặn đi đâu.

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi thì tâm trí chúng ta không bị choán đầy bởi những ý nghĩ tản mạn, hãy chiêm ngưỡng bản chất của tâm. Ở khoảng trống giữa lúc những suy nghĩ về quá khứ đã dừng lại và những suy nghĩ về tương lai chưa khởi lên, lẽ nào ta lại không nhận ra một tâm thức thanh tịnh trong sáng, không bị biến chất bởi các định kiến của chúng ta? Trong khi tiến hành như vậy, bằng sự trải nghiệm trực tiếp sẽ dần dần học được cách hiểu rõ hơn cái mà đạo Phật cho là “bản chất của tâm thức”.

Tất nhiên, điều đó không phải là dễ, song kinh nghiệm chứng minh là có thể làm được. Bản thân tôi quen rất nhiều thiền sinh đã sử dụng phương pháp này ở giai đoạn cuối của căn bệnh, lúc họ đặc biệt đau đớn. Họ tỏ ra vô cùng thanh thản và ít cảm thấy bị cơn đau hành hạ. Francisco Varela, anh bạn quá cố của tôi, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về khoa học nhận thức đã thực hành thiền Phật giáo và tâm sự với tôi rằng vài tuần trước khi anh mất vì chứng ung thư di căn rằng, anh đã có thể ở trong “trạng thái tỉnh thức đó” hầu như liên tục. Khi ấy, nỗi đau về thể xác hầu như rất xa xôi và không gây ảnh hưởng tới việc anh giữ cho tâm bình lặng. Vả lại, anh cũng chỉ cần những liều thuốc giảm đau rất nhỏ. Amy, vợ anh, kể với tôi rằng anh đã giữ được trạng thái minh mẫn và thanh thản trầm lắng ấy tới hơi thở cuối cùng.

Tại một hội nghị bàn về chủ đề khổ đau mà tôi đã tham dự, một số đại biểu quyết liệt phủ nhận rằng người ta có thể giữ được thái độ thanh thản trong lúc bị đau đớn về thể xác và trong những điều kiện tồi tệ như bị tra tấn chẳng hạn. Tôi bèn trình bày những kinh nghiệm của một số người mà tôi biết rất rõ, những người đã trải qua những thử thách về thân thể khó mà tưởng tượng nổi.

Ani Patchèn, là một nàng công chúa Tây Tạng, một sư cô tham gia kháng chiến. Suốt chín tháng đầu tiên của 21 năm tù đày, cô bị giam giữ trong ngục tối, và chỉ phân biệt được ngày và đêm nhờ nghe tiếng chim hót. Có thể kể thêm tấm gương của Tendzin Tcheudrak, vị thầy thuốc của Đức Dalai Lama, hoặc của Palden Gyatso. Tất cả những người ấy đều phải chịu những cuộc tra tấn khủng khiếp và trải qua nhiều năm bị cầm tù, bị đày tại các trại khổ sai. Ấy vậy mà họ khẳng định rằng, dù không được “sung sướng” theo nghĩa ta thường hiểu, những họ đã biết cách giữ gìn anh lạc (soukha), tức là hòa hợp vào bản chất của tâm, hiểu biết đúng về vạn vật và con người.

Lúc đầu, Tendzin Tcheudrak cùng với khoảng 100 người bạn bị đày tới một trại lao động khổ sai ở phía Đông Bắc Tây Tạng. Chỉ còn năm người, trong đó có ông, sống sót. Sau đó, ông bị chuyển tiếp từ trại này sang trại khác trong suốt 20 năm ròng và không biết bao lần ông tưởng là mình sẽ chết vì đói hoặc do bị hành hạ tàn nhẫn. Một chuyên gia tâm thần về di chứng sau chấn thương đã nói chuyện với ông và kinh ngạc khi thấy Tendzin Tcheudrak ra khỏi thử thách mà không hề mắc phải di chứng này: ông không cay đắng chua xót, không hề tỏ ra oán hận, mà lại toát lên vẻ hiền hậu thanh thản và không có những biểu hiện tâm lý thường gặp như lo âu, ác mộng. Tendzng Tcheudrak và Palden Gyatso đã chứng tỏ rằng ngay cả khi căm thù kẻ tra tấn mình, họ vẫn luôn luôn quay lại thiền quán về tâm bình yên và lòng cảm thông. Chính chúng đã nuôi dướng ý chí được sống nơi họ và rốt cuộc đã cứu sống họ.

“Nhà sư nổi loạn” Tenzin Kunchap đã vài lần tìm cách vượt ngục, song lần nào cũng bị bắt lại. Trong một lần trốn, ông đã ngâm mình dưới hố phần hòng mong thoát cuộc truy đuổi. Cuối cùng, ông vẫn bị bắt, bị vòi rồng phun nước xối xả và bỏ mặc trong trạng thái ngất xỉu đi vì lạnh ở giữa sân nhà tù . Sau đó, ông được làm cho tỉnh lại để tiếp tục bị đánh đập cho tới lúc lại bị ngất đi . Sau những lần bị tra tấn bằng dùi cui điện, ông liên tục tự nhủ rằng: “Mình phải vượt lên trên hận thù và không được thối trí”. Đây không phải là việc thể hiện quan điểm tri thức và đạo đức khác với quan điểm của chúng ta về phương diện văn hóa và triết học có thể chúng ta còn tranh luận nhiều về chủ đề này. Những con người đó có quyền nói rằng có thể giữ được trạng thái an lạc ngay cả khi thường xuyên bị tra tấn, bởi vì họ đã trải nghiệm điều đó hàng năm trời và tính chất chân thực của những trải nghiệm họ kinh qua vượt hẳn mọi lý thuyết.

Tôi bỗng nhớ tới một kỷ niệm khác, về một người đàn ông mà tôi quen biết 20 năm nay. Ông đang sống tại tỉnh Bumthang, trung tâm của vương quốc Bhutan, vùng Himalaya. Đó là một người đàn ông sinh ra đã như một khúc gỗ. Ông sống ở rìa làng, trong một chiếc lán lợp bằng tre nứa, rộng vài thước vuông, không bao giờ ra ngoài và ít cử động trên tấm đệm đặt ngay dưới sàn. Ông đi tiểu bằng một ống dẫn nhỏ và đại tiện vào một cái lỗ đục ngay bên dưới sàn, bên trên một dòng suối chảy dưới chân chiếc lán được dựng như một nhà sàn. Được những người di tản cõng từ Tây Tạng sang từ 40 năm trước, từ đó đến nay, ông vẫn sống ở đây. Chỉ riêng việc ông còn sống cũng đã là điều khá khác thường, song điều gây ấn tượng mạnh chính là niềm vui sống từ ông tỏa ra.

Mỗi lần tôi gặp lại ông, bao giờ ông cũng thanh thản, giản dị, hiền từ và chân thật. Khi ai đó tặng ông những món quà nho nhỏ (đồ ăn uống, một tấm chăn, một chiếc đài nhỏ…), ông bảo rằng chẳng cần mang bất cứ thứ gì cho ông hết: “Tôi sẽ còn cần gì nữa nhỉ?”, vừa hỏi ông vừa mỉm cười. Trong chiếc lán chật hẹp, người ta thường bắt gặp ai đó trong làng, một cháu bé, một cụ già, một người đàn ông hoặc đàn bà xách nước tới cho ông, đem biếu ông các món ăn và hàn huyên với ông. Nhưng họ nói rằng lý do khiến họ thích tới nhất vì họ thấy thoải mái khi ở bên ông. Họ xin ông lời khuyên. Khi trong làng xảy ra chuyện gì, chính ông là người được họ hỏi ý kiến nhiều nhất. Và vì thế, ông còn có thể có mối quan tâm nào khác ngoài mọi người? Khi đại sư Dilgo Khyentsé Rinpoché, người cha tâm linh của tôi tới Bumthang, đôi khi Ngài có đến thăm ông. Ngài ban phúc lành theo lời ông thỉnh cầu, song Ngài biết rằng điều đó đối với ông chắc chắn là không cần thiết bằng đối với đa số chúng ta. Người đàn ông kia đã tìm thấy hạnh phúc trong tâm mình và không gì có thể tước đi niềm phúc lạc nơi ông, kể cả sự sống và cái chết.

Matthieu Ricard
Previous Post
Next Post