Người hỏi: Tôi thực muốn biết
rằng có một Thượng đế (god) hay không? Nếu không có Thượng đế thì cuộc sống trở
nên vô nghĩa. Không biết về Thượng đế nên người ta đã tạo Thượng đế thành những
niềm tin và hình ảnh. Sự phân chia và sợ hãi được sản sinh từ những niềm tin
này đã phân chia vị Thượng đế ra từ những người tôn sùng vị Thượng đế trước
đây. Để vượt thoát được sự đau thương và tinh quái của sự phân chia này ta lại
sáng tạo thêm những niềm tin, nhưng rồi sự đau khổ và rối loạn gia tăng đã nhận
chìm ta đi. Vì không biết Thượng đế nên chúng ta tin. Tôi có thể biết được
thuợng đế không? Tôi đã từng đặt câu hỏi với các vị thánh nhân ở Ấn độ cũng như
tại xứ sở này, và tất cả họ đều nhấn mạnh về niềm tin. “Tin đi rồi bạn sẽ biết;
không có niềm tin bạn không bao giờ biết được.” Chẳng hay ông nghĩ sao?
J. Krishnamurti: Niềm tin có cần
thiết phải tìm kiếm không? Tìm hiểu quan trọng hơn nhiều so với việc muốn biết.
Tìm hiểu được niềm tin thì niềm tin chấm dứt. Khi tâm trí tự do khỏi niềm tin
thì nó mới có khả năng quan sát được. Tin tưởng hay không tin tưởng, nó trói
buộc mình; vì tin hoặc không tin thì giống nhau: là hai mặt của một đồng tiền.
Vì vậy, chúng ta hãy để niềm tin tích cực hoặc tiêu cực qua một bên; kẻ tin hay
kẻ không tin thì giống nhau. Khi ta thực sự hiểu được như thế thì câu hỏi, “Có
một vị Thượng đế hay không?” có ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Cái danh từ Thượng
đế cùng với tập tục truyền thống của nó, ký ức của nó, được triển khai thêm bởi
cảm tình và tri thức của nó – tất cả các điều này không phải là thượng đế. Danh
từ không phải là điều thực. Vậy thì tâm trí có thể tự do khỏi từ ngữ hay không?
Người hỏi: Tôi không biết điều đó
có nghĩa là gì.
J. Krishnamurti: Danh từ, lời nói
là phong tục truyền thống, niềm hy vọng, sự khao khát tìm kiếm cái tuyệt đối,
sự tranh đấu theo đuổi cái tối hậu, sự vận hành của những điều này tạo nên sức
sống để tồn tại. Vì vậy, ngôn từ chính nó trở thành cái tối hậu, song chúng ta
có thể thấy rằng ngôn từ không phải là sự vật. Tâm trí là ngôn ngữ, và ngôn ngữ
là tư tưởng.
Người hỏi: Vậy là ông đòi hỏi tôi
lột bỏ từ ngữ ra khỏi bản thân mình? Làm sao tôi có thể làm được? Ngôn ngữ là
quá khứ; nó là ký ức. Vợ tôi là ngôn ngữ, ngôi nhà là ngôn ngữ. Khởi thủy là
ngôn ngữ. Vả lại, ngôn từ là phương tiện giao tiếp, nhận diện. Tên của ông
không phải là ông, nhưng mà không có tên ông thì tôi không thể hỏi han về ông.
Ông hỏi tôi rằng tâm trí có thể tự do khỏi từ ngữ - nghĩa là, có thể nào cái
trí óc này được tự do khỏi hoạt động của chính nó?
J. Krisnamurti: Trong trường hợp
của một cội cây, vật thể trước mắt ta đây thì ngôn ngữ về nó được sự đồng ý
chung (universal argeement). Bây giờ với danh từ “thượng đế” thì không có gì để
tham khảo về Thượng đế cả, cho nên mỗi người tự họ có thể sáng tạo hình ảnh
(god) riêng mà chẳng có gì dựa vào để biết được. Lý thuyết gia sáng tạo hình
ảnh Thượng đế theo đường lối này, nhà trí thức theo lối kia, và người tin tưởng
và kẻ không tin thì tạo nên theo những lối khác của chính họ.
Sự hy vọng sinh khởi một niềm
tin, rồi truy tìm. Niềm hy vọng này là kết quả của thất vọng – nỗi thất vọng
mọi thứ mà chúng ta thấy xung quanh mình ở thế giới này. Hy vọng sinh ra từ
thất vọng, chúng cũng là hai mặt của đồng tiền. Khi mà không có hy vọng thì địa
ngục có mặt, và nỗi sợ hãi địa ngục này cho chúng ta sinh khí của hy vọng. Và
rồi ảo tưởng bắt đầu. Cho nên, thế giới này dẫn chúng ta đến ảo tưởng chứ chẳng
phải Thượng đế gì cả. Thượng đế là ảo tưởng mà chúng ta tôn thờ; và kẻ không
tin tưởng cũng sáng tạo nên ảo tưởng của một Thượng đế khác mà hắn tôn sùng –
chính phủ, hoặc một chính thể không tưởng, hoặc sách vở nào đó mà hắn nghĩ là
có chứa đựng toàn bộ chân lý. Vì vậy, chúng tôi muốn hỏi bạn rằng liệu có thể
nào bạn giải thoát ra được khỏi ngôn từ với ảo tưởng của nó chăng.
Người hỏi: Tôi phải chiêm nghiệm
vấn đề này mới được.
J. Krisnamurti: Nếu không còn ảo
tưởng thì cái gì còn lại?
Người hỏi: Chỉ còn cái-đang-là
(what is).
J. Krishnamurti: “Cái đang là” là
cái thiêng liêng nhất.
Người hỏi: Nếu “cái đang là” là
linh thiêng nhất, thế thì chiến tranh thiêng liêng nhất, và lòng căm hờn, hỗn
loạn, đau đớn, tính hám lợi và cướp bóc cũng vậy rồi. Thế nên chúng ta không
cần phải nói về bất cứ sự thay đổi nào cả. Nếu “cái hiện đang là” là linh
thiêng, thế thì mỗi kẻ cướp, mưu sát và bóc lột có thể nói, “Đừng chạm đến tôi,
cái điều tôi đang làm là linh thiêng đó”.
J. Krishnamurti: Sự diễn đạt hết
sức mộc mạc này, “‘cái đang là’ linh thiêng nhất” dẫn đến sự hiểu lầm to lớn,
bởi vì chúng không thấy được sự thật của nó. Nếu bạn nhận thấy rằng ‘cái đang
là’ là linh thánh, bạn sẽ không mưu hại ai, bạn không tạo ra chiến tranh, bạn
không hy vọng, bạn không lợi dụng. Bạn đã làm những điều đó rồi thì không được
miễn trừ khỏi sự thật vì bạn đã xâm phạm nó. Một người da trắng đã không nhận
thấy được khi nói với người da đen gây náo loạn thế này, “‘Cái đang là’ thì
linh thiêng, đừng gây phiền nhiễu, đừng đốt phá”, vì nếu anh ta nhận hiểu thì
người Da Đen (Negro) hẳn là linh thiêng với anh ta, và sẽ không nhu cầu gì để
đốt phá. Vì vậy, nếu mỗi chúng ta nhận hiểu được sự thật này thì sẽ phải có
thay đổi. Sự thấy hiểu sự thật này là thay đổi.
Người hỏi: Tôi đến đây để tìm
hiểu xem có Thượng đế hay chăng, và ông đã khiến tôi bị rối rắm hoàn toàn.
J. Krishnamurti: Bạn đã hỏi rằng
liệu có Thượng đế hay không? Chúng tôi mới nói: thế giới dẫn đến ảo tưởng mà
chúng ta tôn thờ, và vì ảo tưởng này chúng ta sẵn lòng tiêu diệt lẫn nhau. Khi
nào không có ảo tưởng thì “cái đang là” là thiêng liêng nhất. Bây giờ chúng ta
hãy nhìn xem cái đang là thực sự là gì. Vào một khoảnh khắc nào đó thì “cái
đang là” rất có thể là nỗi lo sợ, hay sự tuyệt vọng, hoặc niềm vui thoáng qua.
Những trạng thái này thay đổi không ngừng. Và người quan sát cũng có mặt cho
rằng, “Những trạng huống này thay đổi quanh tôi toàn bộ, nhưng tôi duy trì bất
biến.” Đó là một sự kiện thật, đó có phải cái đang là thực sự không? Phải chăng
hắn ta (kẻ quan sát) cũng không có đang thay đổi, bổ sung thêm vào hoặc lấy bớt
đi từ hắn ta, sửa đổi và điều chỉnh hắn ta, trở thành hoặc không trở thành? Vậy
nên, cả hai kẻ quan sát và sự vật được quan sát đều đang liên tục biến đổi.
“Cái đang là” là sự biến đổi. Đó là sự kiện (a fact). Đó là cái-đang-là.
Người hỏi: Thế thì tình yêu có
thể thay đổi? Nếu mọi sự đều là một dòng biến đổi, thế tình yêu không là phần
của dòng biến đổi đó hay sao? Vả lại, nếu tình yêu có thể thay đổi, thế thì hôm
nay tôi có thể yêu một phụ nữ này và ngày mai ngủ với một phụ nữ khác.
J. Krishnamurti: Đó là tình yêu
sao? Bạn cho rằng tình yêu thì khác với sự biểu lộ của nó? Hoặc bạn cho rằng sự
biểu lộ này quan trọng hơn tình yêu, và vì vậy tạo nên mâu thuẫn và xung đột.
Tình yêu có thể nào bị vướng vào vòng biến đổi? Nếu thế thì tình yêu cũng có
thể là sự hờn ghét; vậy tình yêu là hờn ghét. “Cái đang là” là linh thiêng nhất
chỉ khi nào không còn ảo tưởng. Khi không còn ảo tưởng thì “cái đang là” là Thượng
đế hoặc bất cứ tên có thể được dùng. Vậy, Thượng đế, hoặc bất kỳ tên gì đi nữa
bạn đặt cho nó, hiện bày khi bạn không là gì. Khi bạn là gì thì nó không hiện
bày. Khi bạn không là gì, thì có tình yêu. Khi bạn biểu hiện là gì, thì tình
yêu không hiển bày.
“The Urgency of Change” của J.
Krishnamurti
Nguồn: hoagiacngo.com