Một số ý kiến triết học và mỹ học
cho rằng: hình ảnh Odyssée và các bạn của chàng phải bịt tai, buộc chặt mình
khi đi ngang qua vùng biển có các nàng tiên cá Siren, thân hình tuyệt mỹ, giọng
hát tuyệt vời đó chính là hình ảnh con người chống lại dục vọng để nhằm trọn
hành trình hướng về lý tưởng.
Tại sao sau bao ngày lênh đênh
trên biển cả, nắng táp, mưa sa phũ phàng, cô đơn buồn chán mênh mông, vậy mà
khi có thể gặp cơ hội sướng như thần tiên, được nghe những tiếng hát ru ngọt
lịm, được chứng kiến vẻ đẹp của những nữ thần biển phi phàm đến độ sắc đẹp chim
sa cá lặn của các mỹ nhân trên đất liền không cách gì sánh nổi, mà người ta lại
tìm cách từ chối không khoan dung dù một chút với dục vọng của bản thân, tự
trói chặt, bịt lỗ tai để vượt qua vùng cám dỗ đó? Đơn giản chỉ vì, nếu sa mình
vào hưởng thụ đó con người sẽ vong thân không thể nào hoàn thành cuộc hành
trình đi đến nơi về đến chốn của mình.
Chuyện về sự vượt qua cám dỗ của
các nàng tiên cá Siren không phải chỉ có trong thần thoại Hy Lạp, mà nó diễn ra
ngay ở nước Trung Quốc rất nổi tiếng về cách vui sống những hướng thụ trần
gian. Trước kia, người Trung Quốc rất chú mục xem tử vi để biết số mệnh đời
mình. Trong một lá số tử vi, có bốn cung hệ trọng nhất:
Cung mệnh: tức sức khoẻ, sự
trường thọ.
Cung tài: tức tiền bạc
Cung quan: tức quan lại, cũng là
sự thăng quan tiến chức ở đời.
Cung thê thiếp: tức kho tàng lạc
thú ái tình.
Tất nhiên, đây là những cung
trọng yếu của hạnh phúc trần tục, mệnh có khoẻ, tiền vào như nước, quan to chức
lớn, lẽ nào không có năm thê, bảy thiếp, chín nàng hầu? Nhưng khi đạo Phật ào
tới, đột nhiên có hàng vạn thanh niên Trung Quốc bỏ lại thú vui trần gian như
tiền bạc, quyền chức và sắc đẹp ở dưới chân núi leo lên những đỉnh non cao để
ngồi thiền, bởi họ đã học biết rằng, lạc thú chỉ là chiếc vòng luân hồi luẩn
quẩn những: sinh- lão- bệnh- tử, ái- ố- hỉ- nộ. Càng yêu nhau lắm, càng ngang
trái nhiều, và khi chia ly thì càng đau đớn. Vì thế mà họ dám vứt bỏ thú vui
trần tục, tìm kiếm niềm vui thanh tịnh thuần khiết của tinh thần, vượt lên tất
cả cảm xúc được- mất bình thường.
Một cách triết lý, triết gia
Schopenhauer trong cuốn "Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết", đã
phát hiện lạc thú dục vọng chỉ là miếng mồi quyền rũ lừa phỉnh của tạo hoá nhằm
biến con người thành những công cụ truyền sinh. Mạnh hơn thế nhiều, suốt thời
ánh sáng cho đến thời hiện đại, các triết gia phương Tây tuyên ngôn một phương
ngôn mãnh liệt rằng: Con người bị cầm tù bởi bất cứ cái gì, cho dù là cả dục
vọng thì đều là những tù nhân bất hạnh. Vì thế muốn trở thành con người hạnh
phúc nhất tức có tự do cao nhất con người phải thoát khỏi cả cái ách khó nhất
là dục vọng. Người ta đưa ra bằng chứng: kẻ đầy tớ kia bị chủ phạt giam vài
ngày, liền biến đổi nhân cách. Nhưng con người bản lĩnh kia dù bị giam nhiều
năm, khi được tự do, anh ta không vì thế mà sống hèn hạ đi, nghĩa là toàn bộ
quá trình bị giam đã không thể mảy may biến đổi được cách sống trong tinh thần
của anh ta. Một tinh thần yêu tự do, và đặt tự do lên trên tất cả, những phụ
thuộc về dục vọng.
Chỉ con người là động vật có lý
tưởng cao nhất. Tại sao vậy? Theo cách nào đó có thể trả lời: vì con người có
dục vọng mạnh nhất. Và cũng có thể nói: con người có đạo đức cao nhất vì đã
vượt qua nhiều dục vọng nhất. Dục vọng của con người, đơn giản như các món ăn
thôi, chúng ta biết thực đơn của con người xum xuê nhất: từ chim trên trời, đến
thú chạy trên đất đến cá bơi dưới nước, đến tôm cua bò sát đáy biển đều trở
thành thức ăn cho con người.
Jean Lacroix nói: "Ở đâu bản
năng nghèo nàn, nhân cách cũng nghèo nàn". Quả vậy, chính vì bản năng của
con người sung túc nhất, với nhiều dục vọng nhất, mà đã trở thành vừa là động
năng, vừa là thách thức để con người nhảy vọt đến những lý tưởng cao nhất. Luận
điểm này càng được xác tín khá . đầy đủ với nhà phân tâm học lừng danh Freud,
ông cho rằng dục vọng libido được xem như năng lực khoái lạc vừa hun đúc vừa
thăng hoa con người. Năng lực khoái lạc giúp người ta trước khoái lạc thì khao
khát, sau khoái lạc thì hân hoan. Và giờ đây, chúng ta thử bàn tạo hoá đã hào
phóng cho con người nhiều dục vọng đến mức nào.
Đa số các loại vật chỉ có một mùa
ái tình và sinh sản kéo dài trong một tháng mùa hạ, loài sư tử kia có khi chỉ
ái tình trong vài ngày, loài chuột thì sau vài hôm truyền sinh con chuột đực
phải chết để nhường thức ăn cho thế hệ con cháu, loại sóc kia mỗi năm chỉ ái
tình trong một ngày, nó dù là loài có vú thích lang chạ, nhưng kể cả "nội
tình" và ngoại tình cũng chỉ diễn ra trong một ngày duy nhất đó thôi. Còn
con người thì sao? Ái tình diễn ra bất kể xuân- hạ- thu- đông, quả là món quà
rất hào phóng của tạo hóa! Chưa hết, con người vừa có được khả năng lang chạ
của loài có vú, vừa được thành lập tổ ấm chung thủy lý tưởng như loài chim. Quả
đúng là con người là trung tâm vũ trụ, là đại diện nhận các đặc ân của tạo hóa.
Triết gia Hegel nói rằng: làn da
của con người là đẹp nhất, bởi lẽ nó đồng nghĩa với ánh sáng. Quả vậy, con công
hoặc nhiều con cá vàng có làn da sặc sỡ hơn con người nhiều lần nhưng không đẹp
bằng làn da con người theo tiêu chí ánh sáng. Đã thế làn da của con người còn
rất mỏng và rất nhạy cảm. Triết gia Sartre đã bàn về thuỷ tinh như sau: thủy
tinh dù dày bao nhiêu đều trong suốt và không ẩn giấu bên trong nó bất cứ điều
gì, nó có mà như không có. Làn da của con người vừa hắt sáng vừa trong như thuỷ
tinh, vừa mỏng đến độ chẳng thể nào mỏng hơn được, đến nỗi ngay cả các mạch máu
bên dưới cũng hiện cả lên (trong khi đó các con vật phải cạo đi một lớp lỏng
rất dày mới thấy làn da). Có lẽ chúng ta đều hơi giật mình nhớ lại bài ca của
nhóm Smoking: "skin by skin” tức là "da chạm làn da".
Làn da tức vừa là ăng ten vừa là
môi trường cho ái tình đã được tạo hoá cơi nới cho con người ngay từ cái nhìn
đầu tiên. Chưa hết, giờ chúng ta sẽ đi vào bài học kiến thức giới tính của con
người. Tất cả các con vật giống đực đều có hai túi kho để sản xuất và tích trữ
hạt giống. Hai kho này phải nằm ngoài cơ thể để chúng biến thành nhà máy lạnh
tự nhiên giúp việc bảo quản hạt giống. Nhưng ở các con vật, ống gieo hạt phải
nằm sâu trong cơ thể, nhưng tạo hoá đã ưu liên hẳn cho con người không chỉ kho
chứa hạt nằm ngoài, mà ống gieo hạt cũng nằm ngay ngoài. Nó chẳng khác gì súng
nằm ngoài bao. Xem các bộ phim cao bồi, chúng ta thấy, súng nằm ở bao trễ dễ
lấy và bắn thế nào, thì súng nằm ngoài bao còn bắn nhanh đến đâu. Chưa hết, ở
nhiều thành phố người ta thấy các tấm biển quảng cáo: "Chữa ra
nhanh".
Vậy đấy, con người quả là rất
biết cách vòi vĩnh món quả của tạo hoá: súng thì muốn bắn nhanh, nhưng lại muốn
ra đạn chậm, thật là nghịch lý! (đây là cách trình bày kiến thức giới tính được
văn học hoá, xin đừng hiểu sai sang mục đích khác). Chúng ta vẫn biết, quả tên
lửa sở dĩ bay và khỏi sức hút trái đất là vì nó phải tích luỹ trong buồng đốt
một sức dồn nén mãnh liệt. Dục vọng của con người theo cách nói của phân tâm
học cũng chính là năng lực được dồn nén trong buồng đốt. Chính nhờ năng lực đó
mà loài người xây nên nền văn minh tiến bộ. Đó cũng chính là nguyên lý vận động
của dục vọng và lý tưởng. Chính vì thế mà cuộc leo núi của các thầy tu, các nhà
thám hiểm, các con người mang giá trị tinh thần cũng là một hướng đi của khát
vọng con người.
Nguyễn Hoàng Đức
Nguồn: phathoc.net