Tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài
mình cũng giống như chờ mặt trời lên trong một cái hang quay về hướng Bắc vậy.
Ngạn ngữ Tây Tạng.
Ai cũng tìm kiếm hạnh phúc bằng
cách này hay cách khác nhưng từ khát vọng tới việc thực hiện được nó là cả một
chặng đường dài. Đó cũng chính là bi kịch của loài người. Họ rất sợ khổ đau,
song lại vẫn lao vào nó. Họ ước muốn hạnh phúc, nhưng vẫn quay lưng lại với nó.
Thậm chí những phương tiện làm giảm bớt khổ đau thường lại làm cho con người
đau khổ hơn. Vì sao người ta có thể lầm lẫn như vậy? Bởi vì chúng ta không biết
cách. Chúng ta dại dột đi kiếm tìm hạnh phúc ở bên ngoài bản thân mình, trong
khi hạnh phúc cơ bản lại là một tâm trạng ở trong nội tâm. Nếu hạnh phúc có
nguồn gốc từ bên ngoài thì có lẽ không bao giờ ta đạt được nó. Những ham muốn
của chúng ta thì vô cùng, trong khi khả năng kiểm soát thế giới của chúng ta
lại có hạn, nhất thời và thường là hão huyền.
Chúng ta kết nối những mối quan
hệ bè bạn, lập gia đình, sống trong xã hội, nỗ lực cải thiện những điều kiện
vật chất trong đời sống của mình… Điều đó liệu có đủ để định nghĩa hạnh phúc
hay không? Không. Người ta có thể vô cùng đau khổ trong khi nhìn bề ngoài lại
“có tất cả để sung sướng” và ngược lại, có thể thanh thản trước nỗi bất hạnh.
Thật quá ngây thơ khi tưởng rằng chỉ những điều kiện ngoại cảnh mới đảm bảo
được hạnh phúc cho chúng ta. Sự thức tỉnh có nguy cơ là khó.
Như Đức Dalai Lama đã nói: “Ai
dọn tới một căn hộ sang trọng trên tầng lầu thứ 100 của một tòa nhà mới xây mà
không thấy sung sướng thì người đó chỉ còn nước tìm một cửa sổ để nhảy qua
thôi”. Chúng ta đã chẳng xa xả nói rằng tiền bạc không làm nên hạnh phúc, rằng
quyền lực làm hư hỏng cả những con người lương thiện nhất, rằng những kẻ tán
gái thường hay chán những người đàn bà mình đã chinh phục được và danh tiếng
thường làm mất đi ý nghĩa của cuộc sống riêng tư đó sao? Sự thất bại, tàn lụi,
chia tay, bệnh tật và cái chết xảy ra vào bất cứ lúc nào đều sẵn sàng phá trụi
góc thiên đường bé nhỏ của chúng ta.
Chúng ta không ngần ngại học tập
suốt 15 năm, sau đó tiếp tục học nghề đôi khi vài năm nữa, rồi tập thể dục để
có sức khỏe tốt, dành phần lớn thời gian để cải thiện tiện nghi, của cải và địa
vị xã hội cho mình. Chúng ta nỗ lực rất nhiều cho những việc đó. Cớ sao lại
dành quá ít sức lực để cải thiện các điều kiện nội tâm của mình? Phải chăng nó
mới là cái quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta? Thái độ lưỡng lự kỳ lạ
nào, sự e ngại nào hoặc sức ỳ nào đang ngăn cản chúng ta nhìn sâu vào bên trong
chính mình, ngăn cản chúng ta tìm hiểu bản chất sâu xa của niềm vui và nỗi
buồn, của ham muốn và thù hận?
Nỗi sợ hãi trước điều xa lạ đã
thắng thế, và lòng can đảm đi thám hiểm thế giới nội tâm đã dừng lại ở biên
giới của tâm thức. Một nhà thiên văn học người Nhật một hôm đã tâm sự với tôi:
“Cần phải rất can đảm mới nhìn nhận được bản thân mình”. Lời nhận xét của một
bậc hiền nhân đã luống tuổi, tính tình ổn định và cởi mở đã khiến tôi sinh tò
mò. Tại sao lại lưỡng lự, rụt rè đến thế trước một cuộc thám hiểm thuộc loại
hấp dẫn nhất như vậy? Như Marc Aurèle đã viết: “Hãy nhìn vào bên trong bạn! Đó
chính là nguồn lợi lạc không khi nào vơi cạn”.
Tuy thế, khi bị hoang mang trước
một số khổ đau nội tâm, chúng ta không biết làm cách nào để giảm nhẹ chúng và
chúng ta phản ứng theo bản năng là hướng ra bên ngoài. Suốt cuộc đời, chúng ta
chỉ “chắp vá” những cách thức tạm bợ, cố gắng tập hợp các điều kiện khả dĩ
khiến chúng ta hạnh phúc mà thôi. Sức mạnh của thói quen khiến cho cách xử sự
như vậy trở thành chuẩn mực và câu nói: “Đời là thế!” đã trở thành khẩu hiệu.
Thậm chí, nếu đôi khi, hi vọng tìm thấy sự an lạc nhất thời có thành sự thật đi
nữa thì con người cũng vẫn không bao giờ có thể làm chủ được những hoàn cảnh
khách quan về mặt số lượng, chất lượng và thời gian. Điều này đúng với hầu hết
mọi lĩnh vực của đời sống như tình yêu, gia đình, sức khỏe, của cải, quyền lực,
tiện nghi và các thú vui giải trí.
Anh bạn triết gia người Mỹ Alan
Wallace của tôi đã viết: “Nếu bạn đánh cuộc là mình đã hạnh phúc khi gặp được
người chồng hoàn hảo, khi có nhà lầu rộng, xe hơi đẹp, có hợp đồng bảo hiểm tối
ưu, có tiếng tăm mỹ mãn và một hoàn cảnh mà ai ai cũng ao ước, nếu những ưu
tiên của bạn là như vậy thì bạn cũng cần phải tha thiết hi vọng trúng được giải
thưởng lớn của xổ số cuộc đời!”. Trong khi giết thì giờ của mình bằng những
công việc như dã tràng xe cát, ta lại coi nhẹ các phương pháp và nhất là cách
sống, giúp ta phát hiện ra hạnh phúc ở bên trong mình.
Sai lầm chính ở đây là chúng ta
đã nhầm lẫn về động thái của hạnh phúc và khổ đau. Ai cũng đồng ý rằng sống thọ
và khỏe mạnh, được tự do trong một đất nước hòa bình, nơi công lý được tôn
trọng, yêu thương và được thương yêu, được học hành và hiểu biết, được hưởng
những tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, có thể đi du lịch khắp nơi trên thế giới,
được đóng góp nhiều nhất có thể cho hạnh phúc của mọi người và bảo vệ môi
trường là những điều mong ước tuyệt vời. Kết quả những công trình nghiên cứu xã
hội học về đủ các chủng tộc khác nhau cho thấy con người đánh giá cuộc sống có
chất lượng hơn trong những điều kiện nêu trên. Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề
này. Ai mong muốn điều ngược lại kia chứ? Nhưng nếu chúng ta hi vọng tìm được
hạnh phúc ở bên ngoài thì chỉ gặt hái thất vọng mà thôi.
Ví dụ như chúng ta sẽ nỗ lực để có
nhiều của cải với hi vọng rằng chúng sẽ giúp cho đời ta sung sướng hơn; một khi
có nhiều rồi, chúng ta lại quan tâm tới các phương tiện để làm cho của cải sinh
sôi và chúng ta sẽ đau khổ nếu cuối cùng bị mất chúng. Một hôm, một người bạn ở
Hồng Kông nói với tôi rằng anh ta đã tự hứa với mình là sẽ kiếm một triệu đô la
rồi nghỉ việc để tận hưởng cuộc sống, và như vậy, anh sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Mười năm sau, anh đã có không phải một, mà là ba triệu đô la. Thế còn hạnh phúc
thì sao? Anh trả lời cụt lủn: “Tôi đã mất toi mười năm trong cuộc đời!”
Ngược lại, nếu hạnh phúc là một
trạng thái phụ thuộc vào các điều kiện nội tâm thì mỗi người phải có trách
nhiệm nhận ra và tập hợp các điều kiện đó lại. Không ai ban phúc hay giáng họa
cho chúng ta cả. Chúng ta luôn luôn đứng trước ngã tư đường và có quyền lựa
chọn cho mình một hướng đi.
Có thể vun trồng hạnh phúc được không?
“Vun trồng hạnh phúc ư? Tôi dằn
giọng với ông bác sĩ. Thế còn ông, ông có vun trồng hạnh phúc không? Và bằng
cách nào?... Hạnh phúc chứ đâu phải một củ khoai tây người ta trồng trong đất
và dùng phân để bón!”. Câu văn đó của Charlotte Bronte mang đầy vẻ giễu cợt.
Tuy nhiên, tốt hơn cả là không nên coi thường khả năng chuyển hóa của tâm thức.
Nếu nó được thực hành trong nhiều năm, với sự chuyên chú, kiên nhẫn, xét đoán,
kiểm soát những suy nghĩ khi chúng xuất hiện để sử dụng các đối trị phù hợp với
các loại cảm xúc tiêu cực và phát triển các cảm xúc tích cực, chắc chắn những
nỗ lực của chúng ta sẽ mang lại kết quả thoạt nhìn tưởng như ngoài tầm tay.
Chúng ta kinh ngạc khi nghĩ rằng
một vận động viên điền kinh có thể nhảy cao tới 2,4m, nhưng chúng ta sẽ không
thể tin vào thành tích đó nếu không tận mắt nhìn thấy trên màn hình vô tuyến.
Bởi vì vượt qua 1,2m đã là khó khăn đối với đa số chúng ta. Ấy vậy mà, nếu như
người ta nhanh chóng vấp phải những giới hạn hầu như không thể vượt qua trong
việc rèn luyện thể lực thì tâm thức lại linh hoạt, uyển chuyển và dễ uốn nắn
hơn rất nhiều. Làm sao có thể giới hạn tình yêu và lòng nhân ái được nhỉ?
Pascal Bruckner chống lại quan
điểm “xây dựng bản thân là một nhiệm vụ lâu dài, vô thời hạn”. Bởi vì nếu như
chúng ta phải từ bỏ bất cứ một công việc có tính chất lâu dài nào thì ngay cả
khái niệm học hành, giáo dục, văn hóa hoặc bồi dưỡng kiến thức cá nhân cũng
chẳng còn một ý nghĩa nào nữa. Vậy tại sao người ta vẫn phải tiếp tục đọc sách,
nghiên cứu khoa học, tìm hiểu thông tin về thế giới, đấy là chưa nói đến con đường
tìm hiểu về tâm linh? Thu lượm kiến thức cũng là một công việc vô thời hạn. Cớ
sao chấp nhận điều này mà lại coi nhẹ việc xây dựng bản thân, trong khi chính
nó quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta? Hay tốt hơn là sống buôn thả?
Và phải chăng vì thế mà con người kết thúc cuộc đời một cách phiêu dạt như vậy?
Như bác sĩ tâm thần Christophe
André đã viết: “Những niềm hạnh phúc lặp đi lặp lại thường là kết quả của sự tu
luyện khổ hạnh. Theo nguyên căn, askésis có nghĩa là “tập luyện” trong tiếng Hy
Lạp, không phải hiểu theo nghĩa “thiếu thốn” của Thiên chúa giáo. Hạnh phúc
không tự tuyên bố, không tự đến, mà được vun bổi và xây đắp dần dần, theo thời
gian”.
Phải chăng nên tự bằng lòng về bản thân?
Tuy nhiên, một số người cho rằng
không cần phải xây dựng hạnh phúc, bởi vì muốn thật sự sung sướng, chỉ cần mình
như thế nào thì yêu thương mình như vậy. Mọi thứ đều phụ thuộc vào cái mà người
ta gọi là “là chính mình”. Liên tục chạy theo những trạng thái tâm lý giữa thỏa
mãn và khó chịu, thản nhiên và nóng nảy, hứng khởi và lãnh đạm ư? Nhà văn Alain
đã viết: “Ngay cả khi không phải là những nhà phù thủy, chúng ta cũng vẫn yểm
chính mình trong lúc nói rằng: “Tôi là như vậy, tôi không thể làm gì được”. Cam chịu suy nghĩ như thế và để mặc những xung năng, những
khuynh hướng của mình tự bộc lộ dễ đưa tới một giải pháp dễ dàng, thỏa hiệp,
thậm chí thất bại.
Nhiều phương pháp để đạt được
hạnh phúc đã khẳng định một điều: “Cần biết cách chấp nhận những mặt ưu cũng
như những mặt khuyết của mình”. Bằng cách thôi cưỡng lại những hạn chế của mình
và sống hòa bình với bản thân, ta có thể giải quyết được phần lớn những xung
đột nội tâm và mỗi ngày thêm tự tin và thoải mái. Để tính tự nhiên thể hiện là
cách hay nhất đối với chúng ta; kìm hãm nó chỉ làm trầm trọng hơn mọi vấn đề.
Nếu được chọn, chắc chắn ai cũng
thích sống bộc trực hơn là suốt ngày day dứt, rầu rĩ hoặc tự ghét bỏ mình.
Nhưng điều đó tóm lại phải chăng là khoe mẽ cho những thói quen của mình? Khi
cho rằng để cho những xung năng của mình “thể hiện” thoải mái sẽ giúp giải tỏa
trong chốc lát những căng thẳng nội tâm, người ta vẫn cảm thấy tù túng trong
cách kết hợp thiếu phần bóng bẩy những khuynh hướng của chính mình. Thái độ
khoan hòa chủ nghĩa ấy không giải quyết được cơ bản vấn đề nào, bởi vì khi thể
hiện một cách tầm thường chính bản thân mình, người ta cũng chỉ là người tầm
thường mà thôi.
Chúng ta rất giống những con
chim, do bị nhốt ở trong lồng quá lâu nên ngay cả khi có thể bay ra ngoài không
trung, chúng vẫn quay lại lồng cũ. Chúng ta đã quen thuộc quá lâu với những
khiếm khuyết của mình, tới mức khó có thể tưởng tượng ra cuộc sống khi thiếu
chúng: vũ trụ đổi thay làm cho chúng ta chóng mặt.
Tuy nhiên, không phải chúng ta
thiếu nghị lực. Như trên đã nói, chúng ta không ngừng cố gắng trong biết bao
nhiêu lĩnh vực. Có một câu ngạn ngữ Tây Tạng nói về những người chạy đôn chạy
đáo suốt đêm ngày để làm tròn vô số những hoạt động của mình như sau: “Những
người đó đầu đội trời đầy sao và chân đạp sâu trong tuyết”, bởi vì khuya rồi họ
vẫn còn thức để rồi lại dậy trước cả bình minh. Nhưng khi chúng ta nghĩ: “Có lẽ
mình phải phát triển lòng vị tha , tính kiên nhẫn và thái độ khiêm nhường”,
chúng ta lại lưỡng lự và rốt cuộc tự nhủ rằng, những phẩm chất đó đằng nào rồi
cũng tự nhiên đến cùng thời gian. Hoặc, cũng chẳng quan trọng đến thế, bởi vì
không có chúng, ta vẫn sống được cho đến tận ngày nay.
Chắc chắn chúng ta còn phải học
rất nhiều từ những thử thách của cuộc đời, nhưng nếu không nỗ lực, người ta sẽ
không biết thể hiện tuyệt vời các tác phẩm âm nhạc của Mozart, mà chỉ biết vụng
về gõ bằng hai ngón tay trên bàn phím piano. Hạnh phúc là một cách sống, mà đã
là cách thức thì đều phải học cả. Như một câu tục ngữ Ba Tư đã nói: “Có lòng
kiên nhẫn thì vườn cây cũng biến thành mứt ngọt”.
Matthieu Ricard
Nguồn: luonhanhphuc.com