Ngăn bát thức, nén bát phong

Sống trong thế giới đầy biến động, có quá nhiều sự cám dỗ và trói buộc, con người thường hướng tâm đi tìm sự an nhiên tự tại, an lạc hạnh phúc cho chính mình. Đó là sự thật hiển nhiên xưa nay, mà con người luôn khát khao chứng đạt. Thế nên, trong Chứng đạo ca, Ngài Huyền Giác (665-713) đã khuyến cáo con người vượt thoát, bước ra khỏi thế giới hệ lụy của cuộc đời, an trú trong thế giới “tự do, giải thoát”. Ngay khi mở đầu tác phẩm của mình, Ngài viết: “Tuyệt học, vô vi, nhàn đạo nhân. Bất trừ phiền não, bất cầu chân.” (Dứt học, vô vi, ấy là bậc đạo nhân nhàn nhã, Không trừ phiền não, không cầu chân).

Thiền học đời Trần không xa lạ gì với quan niệm đó của Huyền Giác. Bởi lẽ, Tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo phú, hội 5, cũng có câu: “Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội.”

Bát thức là tám thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, mạt na thức và a lại da thức. Bát phong chỉ cho tám ngọn gió, đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Nói chung bát phong chính là tám pháp của thế gian, biểu đạt cho tám trạng thái tâm lý thường tình của con người, hay làm dao động, mê hoặc tâm thức con người. Càng đè nén chúng xuống thì chúng càng tăng trưởng lên gấp bội. Khi tám ngọn gió thổi đến, nếu ta không đứng vững thì chúng sẽ làm ta chao đảo và thậm chí có thể cuốn trôi ta theo dòng đời.

Cần có thái độ sống an nhiên, giải tỏa, buông xả, không nắm giữ bất cứ điều gì bằng chính cái “thấy biết” sự thật của mình là điều tất yếu. Nghĩa là trong cuộc sống bình nhật, khi danh lợi (lợi) kéo đến, bạn chớ vội vàng tham lam và chiếm hữu; Khi bị hao tổn thậm chí bị mất mát (suy) cái gì, bạn chớ vội tiếc nuối, khổ đau; Khi bị chỉ trích, sỉ nhục (hủy) chớ có buồn rầu và nóng giận; Khi được tôn vinh (dự), bạn cũng không nên tự đắc; Khi được ngợi khen, tâng bốc (xưng) không nên vui mừng, thỏa mãn; Khi bị chê bai, bị vu khống (cơ), bạn không nên sân hận mà thật bình tĩnh suy xét; Khi gặp chướng duyên nghịch cảnh thân tâm bị bức bách (khổ) thì bạn hãy kiên định, vượt thoát; Khi gặp thuận duyên thuận lợi, thân tâm hân hoan (lạc) thì chớ vội kiêu căng, tự mãn.

Tuy nhiên, thực tế minh chứng, cuộc sống vốn sinh động, có nhiều gam màu biến đổi, muôn âm thanh hữu tình vang vọng, những đường nét tinh tế đầy biểu cảm, hương thơm quyến rũ vô cùng tận…, con người vì thế mà khó từ chối, lắm khi hệ lụy lúc nào chẳng rõ, càng tránh né càng ức chế mạnh mẽ hay càng khởi ham muốn cùng tột. Trong Phật tâm ca, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng từng khuyến cáo: “Xả vọng tâm, thủ chân tánh, tợ nhân tầm ảnh nhi vong kính...”(Bỏ vọng tâm, giữ chân tánh, giống như người tìm bóng mà bỏ mất gương...)

Bỏ vọng cầu chân làm sao được, vì vọng chính từ trong chân hiện ra; Do đó vọng chính là cái dấu hiệu qua đó, chúng ta tìm ra được, trở về được với chân tâm. Cũng như hình ảnh bóng trăng dưới nước là phản ánh cái mặt trăng vốn có thật trên bầu trời. Đó là dấu hiệu duy nhất cho ta biết có một mặt trăng thật. Nếu không có bóng trăng dưới nước làm sao tìm thấy được mặt trăng thật?

Đối với vọng tâm, vọng tưởng cũng vậy, ta càng đè nén chúng xuống, chúng càng tăng sức mạnh lên gấp bội, đúng như lời Tổ Trúc Lâm đã dạy. Tất cả vấn đề chỉ là quán thấy, biết vọng tâm là vọng, không thực thì tự nhiên ta sẽ không còn bị vọng tâm lôi cuốn, chi phối. Con người chúng ta sẽ dần dần được tự tại, giải thoát, và chân tâm sẽ lộ rõ.

Rõ ràng, phương pháp “ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội” mà Tổ Trúc Lâm nêu ra là phương pháp tu tập thân tâm vượt ra ngoài sự đè nén, thay vào đó là phương pháp giải phóng, giải tỏa các năng lượng ức chế hay ham muốn bằng cái thấy như thật, bằng sự quán chiếu rõ đối tượng. Quán chiếu với mục đích để cho tự thân có cái nhìn sâu lắng về đối tượng, hiểu rõ về sự kiện, về môi trường tác động mà tự nhiên được được hóa giải, đi đến chỗ khai phóng tự do, an trú vào giải thoát.

Đó cũng chính là sức mạnh của trí tuệ quán sát, gọi tắt là tuệ quán. Sự quan sát của trí tuệ phải được chúng ta thực thi hàng ngày, với thái độ tỉnh giác, với chánh pháp làm ngọn đèn, đối với mọi sự vật, mọi sự việc tồn tại và diễn ra trong đời sống hàng ngày. Trên nguyên tắc, đó là phương pháp giải quyết ức chế, giải quyết mọi sự trói buộc một cách tốt đẹp nhất, trí tuệ nhất mà cũng là triệt để nhất.

Thật là đơn giản, nhưng khi bạn đi vào quá trình thực nghiệm thì không đơn giản chút nào. Bởi vì có những dục vọng, những phiền não mang tính chất xung động bản năng, ngay khi chúng ta sinh ra đã có (Duy Thức gọi là phiền não câu sanh), chúng luôn hiện hữu trong tâm thức của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp.

Tham lam mọi thứ, sân hận với mọi người, si mê muôn chuyện, đắm say dục lạc là những biểu hiện của những ức chế khi mình không thỏa mãn một vấn đề gì đó trong những môi trường hoàn cảnh, đối tượng nhất định. Cho nên, phương pháp hữu hiệu nhất mà Phật, Tổ dạy vẫn là tuệ quán, là một phương pháp điển hình cần thực thi mà Phật giáo chú trọng. Nếu chúng ta biết và khéo léo quan sát thì những bản năng mãnh liệt như bản năng ham muốn tiền tài, địa vị danh vọng, sắc đẹp, tình ái,…cũng sẽ dần dần (chứ không phải là một sớm một chiều) được hóa giải.

Khi nói quan sát bằng trí tuệ là nói đến sự quan sát trên cả ba mặt văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ; tức là trí tuệ có được nhờ nghe học chánh pháp (văn tuệ), trí tuệ có được nhờ suy tư sâu sắc về những điều mình đã học được ở chánh pháp cũng như về những điều quan sát được trong cuộc sống hàng ngày của mình cũng như người khác (tư tuệ). Cuối cùng là tu tuệ, là trí tuệ có được nhờ tu tập, đặc biệt là do tu tập thiền định, thiền quán, và một cách thường xuyên hơn, nhờ thực nghiệm trong cuộc sống những điều học được ở chánh pháp.

Thế nên, bạn hãy quan sát mọi sự vật và sự việc tồn tại diễn biến xung quanh mình với cả ba loại trí tuệ đó. Bạn sẽ cảm thấy con người chúng ta, cả thân tâm chúng ta ngày càng được cân bằng, hài hòa, thanh thản và an lạc...

Ở đây, chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của Phật giáo đối với sự tu tập, đối với sự an lạc và hạnh phúc hằng mong ước của chúng ta. Học Phật không phải là để thỏa mãn tánh hiếu kỳ của học hỏi, của kiến thức, mà kiến thức của Phật tử chính là chỗ nương tựa đáng tin cậy, là ngọn đèn đáng tin cậy. Tất cả là để có một nhận thức đúng đắn theo chiều sâu đối với thân tâm chúng ta, cũng như đối với mọi sự vật và sự việc đang tồn tại hay diễn biến bên ngoài thân tâm của chúng ta. Khi chúng ta quan sát bằng trí tuệ thân tâm của chúng ta mọi sự vật và sự việc bên ngoài chúng ta, thì chánh pháp, Phật pháp là ngọn đèn, là nơi nương tựa đảm bảo nhất.

Tuy nhiên, như mọi người đều biết rõ, chánh pháp, tức Phật pháp không phải là giáo điều, “chánh pháp còn bỏ đi huống hồ là phi pháp”. Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên đối chiếu lời dạy của chánh pháp với thực tế đối với thân tâm của chúng ta, với hoàn cảnh sinh động xung quanh ta. Trong thực nghiệm hành trì, nếu thấy không phù hợp, tức là rất có thể lời trong kinh hay luận chỉ có giá trị huyền biến và phương tiện, có giá trị trong một thời điểm nhất định, một hoàn cảnh nhất định nào đó thôi. Nói cách khác, cái quyết định vẫn là sự phán xét của bản thân, sức mạnh trí tuệ của bản thân, cũng tức là sức mạnh của tuệ quán. Sức mạnh đó lớn lắm, nếu chúng ta biết sử dụng nó, rèn dũa nó thì chân lý sẽ hiển lộ. Suy cho cùng, tuệ quán là phương pháp tiêu biểu của Phật giáo để giải tỏa mọi ức chế, những ham muốn sai lầm vốn có của con người trong đời sống thực tại.

Nhìn chung, do chúng ta có thói quen không những tư duy hời hợt, thiếu hệ thống và đào sâu, mà còn có cái nhìn sự vật xung quanh ta cũng hời hợt, thiếu chính kiến. Cho nên, chúng ta hay bị sự vật hào nhoáng bên ngoài lừa phỉnh. Trong đời sống kinh tế thị trường, nghệ thuật quảng cáo hiện đại đạt tới sự hoàn hảo, đánh vào tâm lý “bắt mắt” và ham muốn của con người. Chẳng hạn, khi quảng quảng cho một sản phẩm tiêu dùng nào đó, người ta thường mượn hình ảnh cô gái nổi tiếng “tài sắc vẹn toàn” khiến người ta chú ý nhiều đến cô gái đẹp giới thiệu món hàng hơn là bản thân món hàng!

Nghĩ tới cô gái tức là nghĩ tới món hàng. Nghĩ tới món hàng tức là nghĩ tới cô gái, hay là một lúc nghĩ tới cả hai. Tính khôn khéo của nghệ thuật quảng cáo hiện đại là tác động thường xuyên hàng ngày đến cảm quan của người tiêu thụ, với những hình ảnh và màu sắc nổi bật nhất, hấp dẫn nhất, lôi cuốn người ta đến cửa hàng, không đến không được. Không phải ngẫu nhiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:“Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, Chỉ tìm những chỗ đoạn trường mà đi.”. Thì ngày nay, do tác động của cơ chế thị trường, lại có câu:“Quảng cáo đưa lối, quảng cáo dẫn đường, Kéo chúng ta đến, chỗ đắt tiền mà mua!”

Rõ ràng, sống trong một xã hội kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa càng cao, sự tỉnh giác càng phải lớn, không nên để cho màu sắc lung linh huyền ảo làm lu mờ đôi mắt vốn trong sáng cuả mình; âm thanh vi vu không thể làm cho đôi tai chúng ta câm điếc đôi phần; những hào nhoáng bề ngoài không thể làm tâm thức chúng ta thêm tán loạn. Thật ra, vấn đề tác nhân ngoại cảnh bện ngoài làm lung lạc tâm người không phải là cái gì mới mẻ, nó đã từng được đức Lão Tử thời xa xưa bên Trung Quốc phải quan tâm lo lắng, chỉ dạy với những câu như sau trong chương 12 cuốn Đạo đức kinh: “Ngũ sắc linh nhân mục manh, Ngũ âm linh nhân nhĩ lung, Ngũ vị linh nhân khẩu sáng... Nan đắc chi hóa linh nhân hành phường.” (Năm màu sắc khiến mắt người mù, Năm âm thanh khiến tai người điếc, Năm mùi vị khiến lưỡi người bị tê...Hàng quý hiếm khiến người làm bậy).

Vì vậy, Thiền Phật giáo khuyến cáo mọi người hãy luôn luôn chánh niệm tỉnh giác, tỉnh thức, như đức Phật dạy trong kinh tạng Pali: “Chánh niệm tỉnh giác, hộ trì các căn.” Nghĩa là con người cần giữ chánh niệm, tỉnh giác, bảo vệ các căn; không để cho ngoại cảnh với màu sắc, âm thanh... xâm nhập vào khiến cho tâm điên đảo, cuồng loạn. Con người Phật tử tu hành, rèn luyện mình được như vậy thì đã tiến bộ lắm rồi. Các Thiền sư Việt Nam đắc đạo ngày trước cũng chỉ khuyên người hậu học nên làm được như vậy thôi. Trong bài Phật Tâm ca nổi tiếng, Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhà Phật học đời Trần lớn tiếng khuyên: “Tỉnh tỉnh trước! Trước tỉnh tỉnh!” (Hãy tỉnh táo! Hãy tỉnh táo!). Còn Tổ Trúc lâm, kết thúc bài Cư trần lạc đạo phú lại khẳng định rằng, nếu con người đối với ngoại cảnh mà giữ thái độ vô tâm được thì cũng không cần học Thiền mà làm gì. “Đối cảnh vô tâm mặc vấn thiền” (Lặng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền).

Xem ra, đó cũng là kết thúc phương thức tu tập “Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội” mà Tổ Trúc Lâm chỉ dạy. Mong sao mỗi cá nhân tự thân hãy thực tập và trải nghiệm hành trì trong thực tại vốn luôn trôi chảy trong đời sống hiện đại của thời đại hội nhập phát triển toàn cầu./.

Thích Phước Đạt
Nguồn: phathoc.net
Previous Post
Next Post