
Nhưng người nghiên cứu nghiêm
chỉnh là Linh Mục Lê Tôn Nghiêm. Thái độ nghiêm chỉnh này đưa đến chuyện mất
niềm tin vào một Thượng Đế giả định của lý trí. Lê Tôn Nghiêm có một phản ứng
can đảm là trả áo vì không còn niềm tin của một người chăn chiên.
Mấy triết gia Việt nam đi trước
thời đại, họ đặt vấn đề hố thẳm của tư tưởng vào thập niên 60 vì hai thập niên
sau, ở Anh Quốc có một phong trào nghiên cứu tìm hiểu tư tưởng Nietzsche một
cách rầm rộ không kém. Hội Nghiên Cứu Nietzsche được thành lập tại Anh vào năm
1990 và sách vỡ nghiên cứu Nietzsche tràn ngập thị trường chữ nghĩa. Các bài
nghiên cứu về sự liên hệ giữa tư tưởng Nietzsche và Socrate, Kant,
Schopenhauer, Heiddegger, thi sĩ Blake, Darwin ,
các nhà phê bình hậu hiện đại, thái độ của ông về Ki-to giáo, Phật giáo vân
vân...được in ra nhan nhản. Các lời phát biểu của Nietzsche thường gây ra tranh
cãi được phân tích tường tận.
Tuy nhiên không phải triết gia
nào cũng có thiện cảm với Nietzsche. Bertrand Russell nhạy cảm với chủ nghĩa
quốc xã, nên cho Nietzsche cổ vũ một thứ triết lý con người quyền lực, nhằm
loại bỏ những người hoặc chủng loại kém cỏi (như Quốc Xã đã tiêu diệt Do Thái
và thí nghiệm tạo những con người tuyệt hảo như trong phim The Boys From
Brazil) khỏi mặt địa cầu và chỉ còn lại những con người hoàn hảo theo kiểu
Nietzsche, một con người ‘không còn tình cảm, tàn nhẫn, gian trá, chỉ chuyên
nghĩ tới quyền lực’. Dĩ nhiên những ngộ nhận đó ngày nay không còn nữa.
Nói tới Nietzsche là phải nói tới
‘đối thủ’ của ông, người mà ông đã khai tử một cách gọn gàng; ‘Thượng Đế đã
chết’. Thượng Đế ngày xưa được ưa chuộng bao nhiêu thì bây giờ bị lạnh nhạt bấy
nhiêu, nhất là ở Tây phương. Ngay cả hàng ngũ chăn chiên cũng không còn mấy
người tin là Thượng Đế có thật (ít nhất là Thượng Đế hữu ngã). Tuỳ Viên báo chí
của Tổng Giám Mục Canterbury (Giáo Trưởng cao nhất của Anh Giáo) đã tuyên bố
trong tờ Independence
là có nhiều Mục Sư không còn tin tưỏng vào sự hiện diện của Thượng Đế nữa nhưng
vẫn tiếp tục chăn chiên. Nói một cách khác các ứng viên Mục Sư Anh Giáo không
còn phải xác nhận lòng tin Thượng Đế trước khi được tuyển làm Mục Sư, hay có
khi còn được phong vào hàng ngũ Tổng Giám Mục.
Cái chết của Thượng Đế
Nietzsche muốn nói gì khi tuyên
bố là Thượng Đế đã chết và còn bảo là tất cả chúng ta là những kẻ đã giết Ngài?
Xác nhận của Nietzsche không phải
là một xác nhận có tính cách thần học (nghĩa là ai muốn tin thì cứ tin).
Nietzsche cũng không đưa lý luận đầy đủ để chứng minh là Thượng Đế không hiện
diện, mà nói là Ngài chỉ hiện diện trong tâm trí của con người. Nó chỉ là một
lời kêu cứu trầm thống của triết lý và văn hoá Tây phương hiện đại. Nói một
cách khác nó nói lên sự mất mát lòng tin vào thế giới quan siêu hình cùng với
toàn thể hệ thống giá trị (nhất là các giá trị luân lý) đã được chấp nhận trong
văn hoá và tôn giáo (it refers to the complete loss of belief in the accepted
religious and metaphysical world view along with the system of values it
upholds). Lời tuyên bố này tiên đoán sự phát hiện của thời đại hư vô, một thời
đại thiếu trù phú về văn hóa do việc mất mát lòng tin này. Oái oăm thay việc
mất lòng tin vào Thượng Đế mà người Tây phương xem là tối thượng và vô giá này,
lại là một hệ quả tự nhiên và hợp luận lý của thế giới quan siêu hình và tôn
giáo đã được chấp nhận trong lịch sử văn hoá Tây phương.
Tất cả bắt đầu từ nền tảng tư
tưởng của Socrate và Plato phân chia hai thế giới, bị chia cắt riêng biệt: một
thế giới vô thường, thực tế và hiện sinh; một thế giới khác trường tồn, nền
tảng của mọi hữu thể. Chính thế giới Thực Hữu (true Reality) này mang ý nghĩa
cho mọi ý nghĩa và giá trị cho ‘đời sống’. Quê nhà đích thực của con người là
thế giới thiêng liêng này, nó giúp cho con người định hướng đời sống của mình.
Thế giới này cũng cho con người khả năng dùng lý trí để ‘làm hoa tiêu cho linh
hồn’ (the pilot of the soul). Trong khi thế giới tự nhiên, hiện hữu không có
một giá trị gì, không ý nghĩa tự tại nào, mà chỉ là một phản ảnh yếu ớt, một
phó bản mờ nhạt của thế giới ‘thực hữu’.
Trong nền tảng thế giới nhị
nguyên này, đời sống đích thực của con người là đời sống đi tìm thực hữu trường
cửu của thế giới ‘bên trên’, và mục tiêu của đời sống cho đến lúc qua đời là
theo đuổi con đường đạt được kiến thức, thiết lập mối liên hệ với, và cuối cùng
đi vào, thế giới ‘trường cửu’ đó. Đó là quê nhà đích thực của con người. Giá
trị nhân sinh cao cả nhất của con người về mặt tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ,
không thể tìm ở thế giới tự nhiên này, nhưng chỉ có thể tìm thấy trong một thế
giới đã được siêu nhiên hóa. Thế giới hiện hữu chỉ qua là thế giới vô thường,
vô nghĩa, vô giá trị và có thể gọi là thế giới ‘bất thiện’ (evil). Do đó những
đam mê, ước muốn và mục đích đều vô giá trị và vô nghĩa. Và những tình cảm này
phải được chế ngự bởi những thiện nhân (Good man).
Trong thế giới Tây phương, tư
tưởng của Plato đã cung cấp nền tảng thần học cho Ki-to giáo. Như Augustine
nói: ‘Ki-to giáo là tư tưởng Plato của quần chúng’ (Christianity is Platonism
for the people). Thế giới thực hữu trường tồn của Plato trở thành Vương Quốc
của Thượng Đế! Thế giới này còn được nhiều người ‘vươn tới’ hơn thế giới thuần
lý của triết gia, vì chỉ cần một điều kiện duy nhất là Lòng Tin là có thể về
với nước Chúa! Tuy nhiên đối tượng của lòng tin chỉ có thể minh chứng được khi
chết (eschatological verification).
Plato, diễn dịch tư tưởng
Socrate, theo Nietzsche là một bước ngoặt và là đỉnh cao nhất của lịch sử thế
giới. Mặc dù Ki-to giáo tuyên bố là chỉ cần lòng tin là được lên thiên đàng, tư
tưởng Plato, hay có thể nói là toàn thể lịch sử tư tưởng Tây phương, khuyến
khích con đường theo đuổi trí thức của những con người có thiên tư. Con đường
theo đuổi tri thức đã định tính và định hướng cho việc hình thành văn hoá Tây
phương cho đến ngày nay. Ngang trái thay, chính vì theo đuổi con đường đi tìm
tri thức và sự thật đã khiến cho nhãn quan thế giới nhị nguyên của Plato không
còn đứng vững nữa. Có nghĩa là đến lúc không còn mấy ai tin vào sự hiện hữu của
Thượng Đế.
Và việc mất lòng tin này đưa đến
một thời đại tràn ngập chủ nghĩa hư vô (nihilism). Việc theo đuổi đi tìm sự
thật khiến người ta khám phá ra được một chân lý là, không có một chân lý nào
cả, không có cái gọi là thế giới thực hữu trường tồn theo thị kiến của Plato.
(Phật trong 49 ngày tỉnh tọa cũng không tìm thấy gì khác hơn không có cái gì
gọi là trường tồn cả, Tất cả vô thường vì tất cả là duyên khởi). Nếu không có
thế giới bất biến trường tồn thì cũng không có vương quốc của Thượng Đế và
không có cả một Thượng Đế không có vương quốc! Cái chết của Thượng Đế có nghĩa
là sự sụp đổ toàn diện của một thế giới quan, sự giải thích về sự hiện hữu, cả
một hệ thống giá trị, đạo đức diễn dịch ra từ thế giới quan này. Tại sao chuyện
‘động trời’ như thế có thể xảy ra được?
Sự kiện này liên hệ đến toàn thể
lịch sử triết lý và thần học Tây phương, nhất là sự phát triển của khoa học
hiện đại (khoa học theo nghĩa của từ ngữ Đức Wissenschaft gồm cả khoa học chính
xác thực nghiệm lẫn khoa học nhân văn như khoa ngữ văn mà Nietzsche là một
chuyên viên).
Đầu thế kỷ 18 bắt đầu với nhà tư
tưởng Ý Vico, các nhà triết lý đi đào bới lịch sử để tìm các dấu hiệu có ý
nghĩa để giải thích sự liên tục giữa quá khứ, thời đại họ đang sống và hướng đi
của lịch sử trong tương lai. Mặc dù là quan điểm khác nhau, các triết gia này
đều nhìn lịch sử qua lăng kính Plato, tất cả đều kết luận là lịch sử nhân loại
tiến hoá theo một mục đích có ý nghĩa và mục đích này phản ảnh những nỗ lực và
tiềm năng của con người. Con người và hành động là trung tâm điểm của vũ trụ và
vũ trụ này có mục đích và được cấu trúc một cách nào đó để thực hiện những mục
đích nói trên. Nhưng theo Nietzsche, vì những khám phá của các khoa học gia,
nhất là Darwin ,
cho thấy là ý nghĩa và mục tiêu chỉ là sự lừa bịp vĩ đại và chúng chỉ phát xuất
từ lòng mong ước của con người.
Với tác phẩm Về Nguồn Gốc Của Các
Chủng Loại (On the Origin of Species), các dữ kiện khoa học sẵn có cho thấy con
người bây giờ không còn là trung tâm của cái gì ngoài cuộc đời của chính họ,
không có bằng chứng gì chứng tỏ những thế lực siêu nhiên lo lắng chăm sóc cho
số phận của con người. Thế giới thiên nhiên không có cấu trúc nhằm mục đích để
‘lo’ cho sự an sinh của con người hơn là các loài vật khác. Hoàn toàn không có
bằng chứng nào để chúng ta có thể kết luận lạc quan kiểu đó. Theo Darwin con
người cũng giống như các loài vật khác và trong vũ trụ không có luật lệ cần
thiết nào để bảo đảm sự tiến bộ trong tương lai.
Nietzsche nói trong tác phẩm
Daybreak: “Trước đây người ta đi tìm cái cảm giác về sự cao cả của con người
bắt nguồn từ siêu nhiên. Con đường này nay đã trở thành ‘con đường cấm: đứng gác
cổng có mấy con vượn, bên cạnh có các loài thú dữ khác, như thể muốn nói với
con người là: đừng có đi về hướng này nữa’. Tự xem mình khác hẳn với thiên
nhiên, linh ư vạn vật, con người xem mình là một sản phẩm của một thế lực siêu
nhiên nào đó, có một linh hồn siêu nhiên hóa, không còn được mấy ai có suy nghĩ
chấp nhận nữa.” Nietzsche tự hỏi phải chăng cái cảm tưởng cao cả đó phát sinh
từ một hướng khác?
Nietzsche dĩ nhiên là không vui
vẻ gì khi thấy Thượng Dế chết vì ông không chấp nhận chủ nghĩa hư vô. Thượng Đế
được xem như là vô giá trong văn minh và văn hoá Tây phương, vốn là nguồn cội
lòng tự hào của con người, và nếu Ngài (hiểu theo lăng kính của Plato, nền tảng
triết lý và thần học Tây phương) không còn nữa, tất cả sẽ bị tràn ngập và phá
hủy bởi một thời đại tàn bạo như thú vật. Trong Những Suy Nghiệm Không Đúng
Thời (Untimely Meditations) Nietzsche cho thấy nỗi lo sợ của ông:
“Lý thuyết cho là giữa con người
và con vật không có gì khác nhau- nếu được truyền bá trong một vài thế hệ nữa,
không ai ngạc nhiên khi thấy con người chìm đắm trong lòng vị kỷ nhỏ nhen, tham
lam, tan vỡ và biến dạng không còn là con người nữa. Thay vào đó, trong tương
lai có những hệ thống cá nhân ích kỷ, nhóm người này bóc lột những nhóm người
khác.”
Cái chết của Thượng Đế và sự phát
sinh của chủ nghĩa hư vô, mặc dù là do kết quả của một sự duyệt xét thành khẩn
về những định chế mà người Tây phương tạo dựng ra, lẽ ra phải đưa đến những gì
có giá trị hơn cho nhân loại, trái lại nó tạo ra một hố thẳm về mặt văn hoá. Sự
sụp đổ của ý niệm Thượng Đế làm mở ngỏ những sức mạnh tàn hại khốc liệt cho văn
hóa nhân loại. Những gì mà chúng ta tự hào về con người đang bị tàn phá sụp đổ
mà chưa có hệ thống giá trị nào thay thế.
Tất cả những hệ thống giá trị là
sản phẩm của con người, do chính con người sáng tạo ra, và nếu chúng bị hủy bỏ
đi, cả vũ trụ chúng ta đang sống trở thành lạnh lẽo, vô nghĩa. Con người cảm
thấy mình bị lừa dối trong một thời gian quá dài và tự dưng cảm thấy hoàn toàn
vô vọng vì mất mát quá lớn này. Tuy nhiên chưa ai có thể biết chắc là cuộc đời
thực sự vô nghĩa không, hay nó có thể có ý nghĩa vượt ngoài sự suy nghĩ của con
người. Nietzsche cũng nghĩ như thế và ông ta bắt đầu đi xây dựng một thế giới
quan mới và một hệ thống giá trị mới để thay thế cho hệ thống đã bị sụp đổ. Cái
chết của Thượng Đế đặt lại một câu hỏi căn bản về ý nghĩa của đời sống và của
con người mà tất cả mọi người đều phải đi tìm ra câu giải đáp. Nietzsche ví von
điều này với một con tàu lại ra khơi trong một chuyến viễn du mới, một cuộc
hành trình mới.
Mỗi cá nhân có những tiềm năng
chưa hề được vén mở và khi tiềm năng này được hé mở, đời sống của họ trở nên vô
giá, có ý nghĩa hơn và làm con người thỏa mãn không biết tới mức nào mà lường.
Lầm lạc một lần để đi theo viễn kiến của Plato và Thượng Đế hữu ngã của Ki-to
giáo không có nghĩa là tất cả mọi con đường tiến hóa khác trở thành những ngỏ
cụt, không có nghĩa là không còn một con đường nào khác. Nietzsche dĩ nhiên làm
chuyến viễn du mới, chỉ tiếc là ông chưa đi được xa để thấy mặt trùng dương, đề
nghị trả lời của ông khi đối mặt với chủ nghĩa hư vô, đề nghị lượng giá lại mọi
giá trị chưa đi đến đâu thì ông qua đời. Tuy nhiên ông cũng đã để lại cho chúng
ta vài dấu ấn, dù mờ nhạt. Nietzsche có nhắc tới mối lo sợ của ông là mọi người
trong cơn khủng hoảng đối mặt với hư vô, có thể tìm về Phật giáo như là một
niềm an ủi trong hố thẳm in lặng.
Phật giáo qua lăng kính của Nietzsche
Nietzsche thấy có một sự tương
đồng giữa thời đại của ông và thời đại của Đức Phật. Theo Nietzsche Đức Phật
cũng thấy hoàng hôn của những thần tượng như ông ta thấy Thượng Đế đã chết.
Nhưng thay vì tìm một con đường mới vén mở những tiềm năng của con người để đối
phó lại với hư vô, Đức Phật tạo ra một tôn giáo giúp con người ‘thích ứng’ với
hư vô một cách ‘an lạc’! Đức Phật dạy những đệ tử cùng thời làm thế nào để đối
diện với sự vô nghĩa của hữu thể và đời sống, đối diện với một vũ trụ mà trong
đó con người không có một chỗ đứng đặc biệt nào hơn những chúng sinh khác, mà
vẫn giữ được an lạc. Đó tình trạng mà theo Nietzsche PG gọi là ‘nhập niết bàn’.
Mặc dù Đức Phật đã tránh được một
thảm họa do chuyện Thượng Đế đã chết, tức là rơi vào tình trạng hỗn mang vô tổ
chức, Đức Phật đã không hiểu im lặng của hố thẳm, cái tình trạng tâm lý tuyệt
vọng khi thấy cái thế giới quan mà mình dùng làm nền tảng của tất cả hệ thống
giá trị bị hoàn toàn sụp đổ. Cái tuyệt vọng của một người khi thấy là đời sống
hoàn toàn không có một ý nghĩa nào và do đó thế giới mình sống cũng hoàn toàn
không có một giá trị hay ý nghĩa nào. Đức Phật vì không hiểu được hố thẳm đó từ
đâu, nên đã chấp nhận hố thẳm đó như là hiện trạng cuối cùng của hữu thể. Đức
Phật đã tìm cho con người một mục đích của sự sống, đó là niết bàn, một liều
thuốc cuối cùng, giúp con ngưòi an lạc, vô dục, vô cầu trong đó mọi khổ đau của
trần thế sẽ không còn nữa và cái chết được xem như là niềm an lạc tối hậu.
Do đó Nietzsche xem Phật giáo là
một tôn giáo cho một nền văn minh đã mệt mỏi đến hồi kết thúc. Mặc dù theo
Nietzsche Đức Phật đã không siêu việt hóa được cái hố thẳm hư vô, ông xem Đức
Phật như là một người y sĩ thực sự đã tìm được phương thuốc cứu chữa cho con
bệnh. Không giống như những tôn giáo khác, Phật giáo không hứa hẹn với con
người những mục tiêu giả tưởng, mà chỉ cung cấp những mục tiêu thực tế. Con
đường Phật đạo đưa tới hạnh phúc thực sự chứ không phải là một thứ hạnh phúc
hứa hẹn hoang đường. Tuy nhiên Đức Phật không vượt qua được hố thẳm hư vô và
chỉ làm tăng thêm cái vô nghĩa của một vũ trụ cứng nhắc, lạnh lẽo và vô nghĩa.
Nietzsche thấy những nhà tư tưởng đương thời mất niềm tin nơi Ki-to giáo nên
bắt đầu thấy Phật giáo quyến rũ nên lo sợ là Phật giáo sẽ lần lần lan tràn qua
Âu Châu. Phật giáo cung cấp một cách trị liệu cho tâm trạng thất vọng của thành
phần trí thức Âu Châu và giúp họ đối đầu với hố thẳm hư vô một cách an lạc.
Giải pháp của Nietzsche để đối đầu với hố thẳm hư vô
Nietzsche đi tìm câu trả lời cho
câu hỏi căn bản: Nếu nguồn cội của chân lý, thế giới tuyệt đối thường hằng của
Plato không có thực, thế giới hiện sinh vô thường mà chúng ta đang sống thì
sao? Câu trả lời của Nietzsche, ngạc nhiên thay, không khác câu trả lời của Phật
giáo Đại Thừa là bao nhiêu:
Khi chúng ta hủy bỏ thế giới
‘thực’ thì còn lại thế giới nào? Có lẽ là thế giới hiện sinh? NHƯNG KHÔNG! Hủy
bỏ thế giới thường hằng có nghĩa là chúng ta cũng hủy bỏ luôn thế giới hiện
sinh, vô thường.
Để độc giả thấy cái nhìn của
Nietzsche gần gũi với Phật giáo tới mức nào, câu khẳng định của Đại Thừa có lẽ
nên được nhắc tới đây: Ta Bà tức Tịnh Độ. Thiền bẻ gãy cái nhìn nhị nguyên để
đạt tới cái khởi đầu của vòng khâu Bát Chánh Đạo: Chánh kiến. Nietzsche cũng
thấp thóang nhìn thấy chính kiến. Cái còn lại với chúng ta chỉ giản dị là ‘thế
giới’, khi thế giới giao lưu với cuộc đời và được giải thích qua thị kiến của
con người. Theo Nietzsche tới đây chúng ta không còn ai ngạc nhiên khi thấy Ông
đã quá gần gũi với lý giải duy thức và cuối cùng đến cái mà Phật xem là chân lý
căn bản và tột cùng: duyên khởi. Ai thấy được duyên khởi tức là thấy chánh pháp
và ai có được chánh kiến về pháp tức là thấy được lý duyên khởi.
Thế giới được mô tả và định nghĩa
một cách có thể hiểu được: đó là ‘ý chí quyền lực (will to power) chứ không là
gì khác’. Cái ý niệm ‘ý chí quyền lực’ của Nietzsche thay thế cho ‘ý niệm’ niệm
về Thượng Đế và ý niệm này ‘rút ra được từ thế giới hiện sinh’ (nói theo Phật
giáo, thế giới ở đây và bây giờ). Nhờ cái ý chí quyền lực này mà thế giới và
cuộc đời lại một lần nữa có ý nghĩa và con người có được một thị kiến mới, đầy
ý nghĩa về hữu thể hiện sinh được và giúp chúng ta vượt qua hố thẳm hư vô. Qua
bờ bên kia. Yết Đế Ba La Yết Đế.
Làm thế nào Nietzsche đạt được chánh kiến này?
Theo quan điểm văn hóa của
Nietzsche, trong toàn thể lịch sử văn hoá Tây phương, chỉ có một dân tộc đạt
đến hình thức tuyệt hảo này: dân Hy Lạp cổ đại. Họ là một dân tộc thiên tài
‘độc nhất’ trong lịch sử nhân loại bởi vì họ đã tạo ra nhiều nhân vật cao cả
nhất. Để thấy thấp thoáng là nhân loại sẽ ‘đi về đâu’, Nietzsche trở về với
hình ảnh của dân Hy Lạp. Đi tìm nguyên nhân tại sao dân Hy Lạp có thể tạo ra nhiều
hình ảnh cao cả như vậy, Nietzsche khám phá ra là nhờ thái độ của người Hy Lạp
đối với dục vọng và đam mê (desires and passions; để cho độc giả có cảm tưởng
gần gũi, đó là thái độ đối với tham và sân).
Người nhìn thấy những tàn hại ghê
gớm của ‘bản tính’ con người có thể gây ra, nhưng khác với Plato họ không tách
con người ra khỏi bản tính. Họ không có ý định giải thích cái này là có giá trị
hơn cái kia bằng cách dựa vào những nguồn gốc siêu nhiên ‘chỉ có trong trí
tưởng tượng’, nhưng họ thấy được những gì cao đẹp nhất ở ngay trong bản tính
con người (trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật!), ngay trong thế giới ta bà
này. Người Hy Lạp nhận là trong con người có cả những chủng tử xấu xa và ‘vô
nhân’, nhưng thiên tài của họ nằm ở chỗ là họ tạo ra những phương cách đối trị
lại những chủng tử xấu xa đó.
Trong tác phẩm của thi sĩ Hy Lạp,
Hesiod, một trong những tính chất căn bản của con người là xung đột, tranh chấp
mà ông gọi là Eris. Hesiod nhân cách hoá Eris thành hai ông thần: một ông ‘Ác’
luôn gây chiến tranh và một ông ‘Thiện’ luôn là hiệp sĩ khuyên khích mọi người
cạnh tranh (chứ không phải xung đột) nhau. Nietzsche phê bình đây là điểm sáng
giá nhất trong tư tưởng Hy Lạp. Điều quan trọng là, ‘bản tính’ của con người có
thể được uốn nắn không phải để đưa đến những hành động chiến tranh, mà khiến
mọi người tranh nhau để hướng thượng thăng hoa.
Người Hy Lạp không có phán đoán
‘nhân tâm’ là thiện hay bất thiện, bởi vì đó chỉ là phản ảnh thiên nhiên, phi
thiện-phi ác. ‘Chân tâm’ chỉ là ‘tự nhiên nhi nhiên’. Tùy con người đi hướng
nào thì chừng đó mới có thiện ác. Nếu dùng theo hướng sáng tạo, cạnh tranh con
người có thể thăng hoa và theo đuổi sự tuyệt hảo. Những bi kịch ngày nay mà mọi
người còn thưởng thức như Sophocles, Aeschylus và Euripides, cũng được sáng tạo
từ tinh thần Agon này. Người Hy Lạp biết nghệ sĩ là người luôn luôn dấn thân
trong một cuộc đấu tranh cá nhân.
Qua những thí dụ về chủng tử tốt
qua thi sỉ Hesiod, người Hy Lạp tạo ra một mẫu mực đấu tranh (agon) để theo
đưổi sự tuyệt hảo và mẫu mực này đã trở thành câu trả lời cho hố thẳm hư vô.
Eris của Hesiod đã trở thành ý chí quyền lực của Nietzsche. Cũng như Eris của
Hy lạp, will power này cũng có thể là chủng tử thiện hay ác. Nhưng cuộc tranh
đấu này, thay vì tranh đấu với những người khác nhau, nó là một cuộc tranh đấu
trong chính bản thân con người.
Kẻ thù ta đâu có phải là người.
Kẻ thù ta tên nó là gian ác, thù hận. Khả năng tự chế dục vọng, si mê Nietzsche
gọi là khả năng tự chế (Self overcoming- Selbstuberwindung). Con đường tự chế
ngự dục vọng-si mê là con đường vượt qua hố thẳm. Ý chí quyền lực trong mỗi cá
nhân được Nietzsche đề nghị thay thế cho nỗ lực tôn giáo (Ki-to giáo). Mục tiêu
của đời người không phải là hướng về một thế giới khác, mà là nỗ lực tái tạo cá
nhân trên thế giới này để thăng hoa, đi tìm cái tối hảo (exellence-Ubermensch).
Mục đích tạo ra Ubermensch trở thành ý nghĩa của cuộc đời.
Khuôn mẫu persuit for excellence
do văn hoá Hy Lạp cung cấp vẫn chưa đủ trong thế giới hiện nay. Một thị kiến
mới về con người và cuộc đời nếu muốn được mọi người tin tưởng và chấp nhận
phải khế hợp với những tiến bộ về khoa học. Tuy nhiên một thái độ máy móc về
khoa học cũng sẽ đưa con người về hố thẳm hư vô. Cái nhìn phân tích máy móc
không giúp ích gì trong việc đi tìm ý nghĩa của con người và cuộc đời.
Khi đọc tác phẩm Lịch Sử Chủ
Nghĩa Duy Vật (History of Materialism) của Friedrich Lange, Nietzsche tìm ra
một phương tiện để phản bác chủ nghĩa duy vật máy móc: đó là lý thuyết sinh
động của một toán học gia, Roger Boscovitch. Vật thể thay vì chỉ là một khối ù
lì bất động, cứng nhắc, được thay thế bởi puncta, những lực vô hình, không định
hướng, trung tâm của lực, mà các khoa học gia gọi là Những Trung Tâm Lực
(Force-centres-Kraftcentren). Cái mà chúng ta gọi là một khối rắn chắc thật ra
các chùm-lực. Cái mà chúng ta nghĩ là không châm thủng được, thực ra chỉ là
những phản lực. Tất cả những hiện tượng tự nhiên từ một vi tử đến con người
theo mô thức này, là tổng hợp của những lực.
Con người cũng tiến hóa như thiên
nhiên, dùng những hình ảnh mà chúng ta có về chính bản thân của ta, là tổng thể
của những lực ‘bên trong’ chúng ta như nhu cầu, bản năng, tình cảm, đam mê. Ai
am hiểu giáo lý Duy Thức đều biết là ‘tư tưởng’ và cảm giác chỉ là kết quả của
sự giao lưu giữa tâm vương và tâm sở và ý thức chỉ là một ‘điều hợp viên’, Con
người chấp vào ngã hữu vì nghĩ là phải có một ngã hữu điều hợp tư tưởng và tình
cảm này.
Tuy nhiên trong Phật giáo có thể
có tư tưởng nhưng không có người suy nghĩ (Thoughts without a thinker).
Nietzsche thấy là thuyết vật thể sinh động của Boscovitch phải được bổ khuyết
thêm bằng ‘ý chí bên trong’ (inner-will), những động lực từ bên trong khiến
chúng ta suy nghĩ hay hành động- và ngay cả một nguyên tử cũng có một wille zur
Match này. Có thể gọi những động lực tiên khởi (nisus) này là ‘bản năng’ thêm
vào thuyết khối- lực của Boscovitch thành Willen-Punktationen hay các điểm-lực
(Will points), Đây là nỗ lực của Nietzsche đi tìm nền tảng khoa học cho tư
tưởng về bản chất nhân loại (nhân tâm-chân tâm) một nền tảng khoa học.
Tất cả những nhu cầu, bản năng,
dục vọng là thành quả của sự giao tiếp của những lực trong hiện tượng vật lý.
Do đó không có cái gọi là vật chất, và do đó cũng không có cái chủ nghĩa duy
vật máy móc. nhưng chỉ có những cuộc tranh chấp giữa những lực, giữa ý chí này
và ý chí khác. Nietzsche do đó tuyên bố ‘thế giới nhìn từ bên trong, thế gìới
được định nghĩa bằng những tính chất có ý nghĩa, không có gì khác hơn là ý chí
quyền lực. Dựa trên mô thức các lực sinh động tạo ra vật chất, ngay cả đất đá,
nếu con người có một hy vọng nào tìm điều gì có thể thay thế cho khát khao về
tôn giáo đã bị sụp đổ (Thượng Đế-thế giới ý niệm của Plato).
Con người phải hướng nội để ‘làm
việc’ với những ‘lực’ bên trong chúng ta như nhu cầu, tình cảm, đam mê bằng quá
trình ‘tự chế ngự’ (self-overcoming- Selbstuberwindung). Phật Tử hẳn ai cũng
nhớ lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: tự thắng mình mới là chiến thắng lớn nhất!
Nếu Nietzsche sinh ra là một người Phương Đông, nghiên cứu Phật giáo bằng
Pali-Sankrit-Hán-Tạng hay cả Việt ngữ, ông khỏi cần phải lập thuyết dông dài
mất thì giờ, vì những điều ông nói là những giáo pháp căn bản của Đức Phật:
Duyên Khởi. Vô minh-tương đương với cái mà Nietzsche gọi là primitive nisus-
volitional actions và trăm ngàn pháp của tâm. Bắt đầu từ hành là bắt đầu tạo
nghiệp- nghĩa là từ lúc có will to power. Và lời tuyên bố sau đây không có khác
một chút nào về quan niệm giải nghiệp của Phật giáo:
Chúng ra có hoàn toàn tự do để
tái tạo chúng ta và khai mở khả năng tiềm ẩn mà mỗi người chúng ta đều có. Chỉ
khi nào chúng ta đi theo con đường đó chúng ta mới có thể thấy đời sống lại có
ý nghĩa và có thể được thỏa mãn sâu xa. Chúng ta sẽ cảm nghiệm chính chúng ta
như một cuộc đời sống động, một cuộc đời nên sống và có thể sống. (We are free
to re-create ourselves and release the potential that we each have. It is only
by following such a path that we can once find more meaningful and deeply
satisfying lives. We will come to experience ourselves as living life as it
should be and can be lived)
Nói suông chuyện chuyển nghiệp,
tu hành, giải thoát thì ai cũng nói được, nhưng làm thế nào để sống đạo, thực
hành con đường giải thoát mới là chuyện khó. Về điểm này Nietzsche không giúp
ích được gì nhiều. Chỉ thấy rãi rác một vài lời khuyên trong các tác phẩm
Daybreak, The Wanderer and His Shadow (Hoài Khanh đã dịch tác phẩm này trước
75) và The Twilight of the Idols (đã làm cho Lê Tôn Nghiêm hết tin Chúa),
Nietzsche nói là tự chế cũng giống như một người làm vườn, tỉa cỏ dại, cắt cành
cây, ươm cây...Nietzsche nói:
Huân tập các chủng tử tâm linh
tốt trong mảnh đất mà đam mê đã được tiết chế là một công việc khẩn cấp và tức
thời (To sow the seeds of good spiritual work in the soil of the subdued
passions is then the immediate urgent task).
Nietzsche chỉ giơ tay chỉ mặt
trăng, nhưng không nói cho chúng ta biết bằng cách nào để lên mặt trăng. Chúng
ta phải quay về phi thuyền Phật giáo.
Ý chí quyền lực và vô minh
Nietzsche đi tìm một con đường để
vượt qua cái hố thẳm hư vô do sự sụp đổ của cả nền tảng của tư tưởng Tây phương,
nhất là tư tưởng độc thần của Ki-to giáo, khiến cho đời sống lại có ý nghĩa.
Hứng khởi từ con đường đi tìm sự tuyệt hảo của tư tưởng Hy Lạp, sử dụng lý
thuyết về vũ trụ của Boscovitch để có một nền tảng khoa học và sau đó thêm vào
ý tưởng ý chí quyền lực để tự thắng tình cảm để thăng hoa khiến người đời và
đời người có ý nghĩa.
Phật giáo chính là con đường tâm
linh mà Nietzsche đã khổ tâm tìm kiếm để vượt qua hố thẳm hư vô. Phật giáo gọi
là đáo bỉ ngạn, qua bên kia bờ, giải thoát, tịnh độ, ngộ, tùy pháp môn mà người
Phật Tử hành trì. Phật giáo không phải chỉ muốn cho chúng sinh an lạc bên bờ
này của hư vô. Không không phải là không mà là có, Không cũng không phải là có,
mà là không. Không cũng không phải là không không, mà cũng không phải là không
không có. Sở dĩ Phật phải dài dòng vì sợ mấy ông Tiến Sĩ PG ở các đại học Tây
phương ‘y kinh giải nghĩa’ thành ra Phật mắc oan ba đời!
Kim Dung viết kiếm hiệp ‘nói láo
mà chơi nói láo chơi’ nhưng tâm đầy đạo vị. Ông nói: Viên cũng là Không mà Không
cũng là Không! Chỉ những con khỉ con vượn nào trong tiến trình của Darwin như
‘Ngộ Không’, mới theo phò được Tam Tạng. Không phải chỉ là Đường Tam Tạng của
Ngô Thừa Ân mà thôi, đó còn là Sutras của Phật. Và trong Tam Tạng Phật nói gì?
Tự mình thắp đuốc lên mà đi. Cúng dường chư Tăng thì cứ cúng dường chư Tăng, ký
ca ký cóp phước điền thì cứ ký ca ký cóp để chuyển nghiệp chừng nào hay chừng
đó. Nhưng Huệ Năng nói trong Pháp Bảo Đàn Kinh: không tu thì không bao giờ giải
thoát.
Nói như Nietzsch không tự chế thì
không qua được bên kia bờ. Nếu muốn làm một cuộc hành trình tâm linh như
Nietzsch thì chúng ta phải dừng lại cái quan niệm cốt lõi nhất của Đạo Phật;
Duyên Khởi. Sở dĩ Phật có thể đứng dậy khỏi gốc cậy Bồ Đề là vì Ngài đã thấy
Duyên Khởi. Thấy Duyên Khởi là thấy Pháp. Và bước đầu duyên khởi là Vô Minh
(trsna- Thirst). Vô Minh không có gì khác hơn là ‘Will to power’ của Nietzsche.
Đó là bước đầu của tác nghiệp như Ông đã định nghĩa: The most primitive form of
affect. Từ đó mà sinh ra những tình cảm khác mà Phật giáo nói rõ: hành, thức,
danh sắc...Vô minh thúc đẩy bản năng, dục vọng, ham muốn...để đạt đến mức làm
con người...hài lòng hơn. Các chủng tử bất thiện thúc đẩy con người chinh phục
kẻ khác, tàn ác, độc tài, thù hận. Tuy nhiên nếu được huân tập đúng cách các
chủng tử này trở thành chủng tử Thiện và có thể biến con người thành từ bi hỷ
xã (tứ vô lượng tâm).
Vô minh thúc đẩy con người tham
và sân. Vô minh vì nghĩ rằng thân mình có thật nên si mê tự ngã. Và Hoà Thượng
Thanh Từ lý giải sở dĩ con người tham và sân là vì si, chấp thân này là có
thật. Si là nguổn cội của các hành động tác nghiệp xấu. Nietzsch nhận xét là vì
Will of Power thúc đẩy nên con người đi tìm hạnh phúc theo những phương cách mà
con người dần dần bị buộc chặt vào khổ đau và khiến họ trở nên hung ác, bạo
động và tuyệt vọng (will to power seeks happiness and fulfilment in ways that
are inextricably link to pain and frustration which in turn, create such
secondary effects as cruelty, violence and despair...).
Nietzsche nói câu này như một Sa
Môn nói pháp, không có gì khác. Khi con người biết tự thắng mình, biết huân tập
những chủng tử thiện, Trsna vô minh có thể thăng hoa thành một con đường tâm
linh dharma chanda (sublimation- Sublimierung). Chúng ta có thể nhìn cuộc đời
với con mắt khác, từ nhãn thị chúng sinh, nhìn thấy bổn lai diện mục của mình
và một chân trời mới mở ra cao rộng đến mức nào, chưa ai có thể biết được. Đó
là điều mà Nietzsche nói là khai mở tiềm năng mà ai cũng có. Có chánh kiến thì
chúng ta mới có được những ‘chánh’ khác. Con người do đó sống một đời có ý
nghĩa, thoả mãn, không còn bận tâm về cái lưới sinh tử nữa. Quan niệm Dharma
Chanda là phương tiện giúp chúng ta đáo bỉ ngạn, Hố thẳm hư vô đã bị lấp kín.
Không ai còn bận tâm về Thượng Đế giả tưởng, như Nietzsche than phiền, đã lường
gạt nhân loại trong một thời gian quá dài.
Quán Như (chuyenluan.net)
Nguồn: reds.vn