Thứ nhất, nói đến vô thường, đó
là một chân lý. Dù cho có Phật ra đời hay Phật không ra đời thì thế gian cũng
là vô thường, vẫn luôn biến dịch không đứng một chỗ. Hiểu được thế thì cuộc
sống của chúng ta bớt vướng mắc và cởi mở nhiều hơn. Lâu nay, Phật tử đã nghe,
hiểu được thế gian là vô thường, nhưng nghe mà có luôn nhớ như vậy không?
Nghe thì nghe vô thường, nhưng
gặp chuyện vô thường cũng buồn cũng khổ. Nên hôm nay đưa ra đề tài này để giúp
Phật tử nhận sâu thêm đạo lý này, tức là đem Phật pháp vào cuộc sống thế gian
luôn biến dịch thay đổi này.
Người xưa có câu nói “Thương hải
tang điền” tức là biển cả có lúc sẽ biến thành ruộng dâu, ruộng dâu cũng có thể
sẽ biến thành biển cả. Đúng là như vậy. Hiện nay, có nơi đã lấp biển thành đồng
bằng. Quý Thầy vừa viếng thăm nước Hà Lan (Holland ) thấy người ta cũng lấp biển thành
đồng bằng làm nơi cư trú. Vậy nói biển cả biến thành nương dâu quá rõ ràng. Rồi
cũng có những chỗ nương dâu biến thành biển cả. Như vậy, thế gian không hề đứng
yên một chỗ hay dừng lại mà con người lại cứ luôn muốn nắm bắt nó đứng một chỗ,
nên chúng ta khổ là vậy đó.
Ví dụ, ở đời ai sinh ra rồi cũng
phải lớn lên, già rồi chết, đó là lẽ thường. Tất cả sự biến đổi trong thế gian
này đều phải trải qua như vậy. Còn chúng ta thương mến ai thì muốn gặp hoài,
không muốn rời không muốn mất, nên khi mất thì khổ. Là Phật tử chúng ta hiểu rõ
định luật vô thường luôn chi phối tất cả, như có câu “không thể tắm hai lần
trong một dòng sông”, tức là khi vừa tắm lên rồi trở xuống nữa thì dòng nước
khác trên kia đổ xuống, không phải dòng nước lúc trước nữa rồi.
Trong đời sống hằng ngày cũng
vậy, đi đâu cảnh đẹp thì chụp hình để giữ lại, mà có giữ được không? Thấy cảnh
hay, cảnh đẹp muốn giữ lại cho lâu mà giữ không được. Bởi vì thế gian là luôn
thay đổi.
Xưa, vua Trần Nhân Tông khi đi
tu, Ngài lập ra phái Thiền Trúc Lâm nên gọi là Sơ Tổ Trúc Lâm. Trong bài kệ
“Đăng Bảo Đài Sơn” tức là “Lên núi Bảo Đài” trong đó có câu:
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm.
Dịch:
Muôn việc nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng.
Muôn việc trên đời này như nước
trôi nước. Dòng nước này đẩy dòng nước khác, cứ đẩy tới, đẩy tới không dừng,
cuộc đời cũng vậy cứ đi tới, đi tới thôi. Rồi “trăm năm lòng nhủ lòng”. Tâm
mình luôn nhắc thầm với lòng của mình, sự đời nó luôn biến đổi. Thấy đúng lẽ
thật như vậy thì sẽ bớt khổ, nhẹ khổ.
2. Khéo sống tuỳ duyên
Hiểu được ý nghĩa thế gian là vô
thường rồi thì Phật tử khéo biết sống tùy duyên, vì tùy duyên nên không cố chấp
sẽ bớt khổ rất nhiều. Người ta sở dĩ khổ vì cứ lo bám níu, cái gì qua rồi cố
giữ lại, mà giữ không được tức là bất như ý thì khổ thôi.
Và nếu ai sống như vậy là sống
với quá khứ mà quên hiện tại. Những người lớn tuổi lâu lâu ngồi nhớ lại một
thời oanh liệt của mình rồi tiếc, rồi buồn, như vậy là quên mất cuộc sống hiện
tại. Nếu người khéo biết tùy duyên thì cuộc sống trôi chảy, mới mẻ, cởi mở rất
nhiều.
Xưa, trên tỉnh cao nguyên miền
Đông Tây Tạng, có một ông lão vợ mất sớm nên sống với người con trai duy nhất
trong lều đá. Suốt ngày ông không ngừng quay bánh xe cầu nguyện rồi đọc câu chú
“Án ma ni bát di hồng”, đứa con trai thì yêu quí con ngựa duy nhất của nó.
Một hôm, con ngựa đi đâu mất, tìm
mãi không thấy, mấy người hàng xóm thấy cảm thương cho ông. Vì ông chỉ có đứa
con trai, và một con ngựa để giúp việc mà cũng mất nên họ giúp ông đi tìm. Tìm
hoài không thấy, họ cảm than cho ông đã nghèo hẩm hiu lại gặp cảnh này nữa. Tuy
vậy, ông cũng có tâm hiểu đạo nên bình thản nói với mọi người: “Các bạn thân
mến, thôi cũng đừng than thở làm gì, cái đến cái đi với tôi, tôi đều thầm cảm
tạ hết, cứ đợi đó đi rồi sẽ thấy”. Vài hôm sau con ngựa đó trở về, còn dẫn thêm
một con ngựa hoang nữa theo, vậy là được thêm con ngựa thứ hai. Mấy người hàng
xóm thấy vậy đến chia vui. Lúc trước thì chia buồn, giờ là chia vui, mừng ông
có thêm con ngựa nữa. Nhưng ông vẫn bình thường quay bánh xe như mỗi ngày, và
nói: “Tôi cũng hết lòng cảm tạ sự việc này, nhưng đâu biết được. Thôi thì hãy
đợi! Rồi sẽ thấy nữa chứ tôi không vội mừng”. Khi mất ông không vội buồn, lúc
được cũng không vội mừng, biết sống tùy duyên như vậy là đã bớt khổ rồi.
Vài tuần sau, đứa con trai thấy
có thêm con ngựa nữa, mừng nên leo lên cỡi. Nào ngờ nó là ngựa hoang chưa thuần
nên nhảy loạn xạ làm anh té gãy chân. Lúc này hàng xóm mới đến chia buồn an ủi:
“Mới đầu tưởng đâu là may, ngờ đâu nó làm con ông gãy chân, lại là đứa con duy
nhất nên phải cực khổ lo cho con nữa”. Ông vẫn bình thản, nói: “Cảm tạ đức Quán
Thế Âm. Dù sao con tôi vẫn còn ở bên tôi”.
Ông là cư sĩ mà hiểu lý vô thường
như vậy nên đâu có buồn, nếu là chúng ta mà gặp trường hợp giống như ông lão
chắc buồn lắm! Nhưng ông vẫn bình thản cảm tạ Bồ-tát Quán Thế Âm, vì đứa con
này còn ở gần bên ông, chưa chết là vẫn còn may mắn. Chúng ta nhìn sự việc sáng
suốt một chút thì mọi việc sẽ đổi thay.
Không lâu, có giặc xâm lăng đất
nước, lệnh vua ban xuống bắt thanh niên đi chiến đấu ở biên thùy. Những người
trai tráng trong làng đều vào quân ngũ, đứa con trai ông nhờ gãy chân nên được
miễn. Hàng xóm lại đến chia vui. Ông hát một bài kệ tặng cho đứa con về đạo lý
này, đây cũng là bài kệ cho chúng ta học luôn.
Cuộc đời mãi quay nhanh,
Lên xuống như bánh xe nước.
Thân này đã hiện hữu bao lần, quay tròn vô tận,
Thân này đã lấy hàng ngàn dạng hình khác nhau,
Mỗi vạn hình lại hủy hoại, lại hình thành
Như đất sét ướt thành hình trên bánh xe người thợ gốm.
Tức là cuộc đời cứ quay nhanh như
bánh xe nước, quay đều quay đều như vậy. Thân này đã hiện hữu nơi đây nhiều vô
tận, không biết bao nhiêu lần chứ không phải lần này. Nghĩa là trong cuộc luân
hồi thân này sinh rồi diệt, sinh rồi diệt đến hôm nay là đã vô số lần rồi,
giống như bánh xe, quay đều như vậy.
Cho nên, muôn vạn hình bị hủy
hoại lại hình thành, chết rồi lại sinh như đất sét ướt làm thành bánh xe của
người thợ gốm.
“Cái thấp sẽ lên cao, cái cao sẽ xuống thấp.
Rồi một ngày, cứ đợi đi
Cái tối tăm sẽ sáng tỏ, người lắm của sẽ mất gia sản, mọi hình thái sẽ
đổi thay”
Sự đời vô thường là như vậy đó,
không có đứng yên một chỗ. Thấp cao, tối sáng luôn thay đổi với nhau.
Nó không tối tăm mãi, cũng như
đêm rồi sẽ sáng, và người lắm của có lúc sẽ mất gia sản. Nhiều lúc lắm của bị
tai nạn nào đó, như hỏa hoạn hay nước lụt v.v... rồi cũng mất, tức là mọi hình
thái sẽ đổi thay và đổi thay v.v...
“Trong trò nhảy múa vô tận của hai mặt nhị nguyên”.
Đây là cái trò chơi tương đối mà
ông gọi là nhị nguyên.
“Con ơi, nếu con là một đứa trẻ đặc biệt
Người ta sẽ khám phá ra con thuộc một dòng tái sinh
Và cho con vào tu viện với các Lạt-ma
Nếu con khôn ngoan và ăn nói trôi chảy
Người ta sẽ cho con làm việc văn phòng
Và cột mình sau một cái bàn viết.
Mỗi con ngựa tặng cho con một đống chuyện phải làm,
Mỗi giàu sang chấm dứt bằng sự tranh chấp”.
Mỗi con ngựa tặng cho con một số
chuyện phải làm tức là phải nuôi ngựa, phải lo cho nó cái này, cái kia v.v...
một số việc. Còn mỗi giàu sang thì chấm dứt bằng sự tranh chấp. Giàu sang thì
luôn tranh chấp với nhau.
“Ai biết được, ngày mai nghiệp nào sẽ ào tới.
Ngày hôm nay gieo gì, một kiếp nào nó sẽ chín,
Sẽ gặt trọn vẹn, đó là điều chắc chắn.
Vì thế, hãy tốt với mọi điều, vô tâm không phán đoán,
Không tham cầu điều xấu ác,
Tất cả thêm hay bớt, được hay thua, đều chỉ là ảo ảnh”.
Ngày mai này việc nào sẽ tới với
mình chưa biết được. Hôm nay, mình gieo cái gì thì một kiếp nào đó nó sẽ chín,
quả đó mình sẽ hưởng. Nay gieo nhân tốt lúc nào quả chín mình sẽ hưởng quả
lành, nay gieo nhân xấu quả chín mình cũng sẽ hưởng quả đó; chưa biết chắc được
thời gian nhưng rồi sẽ gặt hái đó là điều chắc chắn. Nên ông khuyên ngay đây
hãy sống tốt với mọi điều. Muốn hưởng quả ngọt thì phải trồng cây ngọt, chứ
trồng cây chua mà đòi hưởng quả ngọt thì đâu có. Tất cả thêm hay bớt, được hay
thua đều chỉ là ảo ảnh, không phải bận tâm nhiều.
“Đừng hy vọng cũng đừng sợ hãi con ơi!
Đừng mong cầu và vì thế cũng chẳng thất vọng”.
Không mong cầu thì đâu có thất
vọng. Sở dĩ có thất vọng là do mong cầu nhiều quá, mong cầu càng nhiều thì thất
vọng càng lắm. Ít mong cầu thì ít thất vọng.
“Chấp nhận tất cả, nó đến hay nó đi
Và sống thuận theo lẽ trời lồng lộng.
Hãy thật giản dị, chẳng lo âu
Và sống thuận theo Phật tánh đang ở trong con,
Và yên nghỉ trong niềm vui của tự tính.
Con có thể bắn bầu trời bằng bao nhiêu mũi tên,
Bao nhiêu cũng được con à!
Nhưng chúng sẽ rơi trở lại xuống đất tất cả”.
Tức là mình bắn bao nhiêu mũi tên
lên trời nó cũng sẽ rơi xuống. Ông khuyên nên chấp nhận tất cả. Nó đến hay nó
đi đều bình thản không chối bỏ, sống thuận theo nhân quả. Bởi vì mình biết rõ
mọi việc đều không phải tự nhiên đều có nhân có quả, nhân quả đến thì cứ tùy
thuận theo rồi nó sẽ qua. Ông khuyên hãy sống thật giản dị chẳng lo âu, khéo
thuận theo Phật tánh đang ở trong ta, sống trong niềm vui của tự tánh.
Vậy, Phật tử chúng ta đã rõ thế
gian là vô thường luôn biến đổi, thì phải khéo sống tùy duyên, thuận theo Phật
tánh trong chính mình, tức là tâm giác ngộ, tâm sáng suốt thì sẽ bớt khổ.
Rõ ràng cuộc đời là vô thường,
luôn luôn biến đổi, tất cả mọi thứ trên đời này chỉ là tương đối, không hề có
cái hoàn toàn tuyệt đối. Nhưng người ta ai cũng luôn muốn mọi việc hoàn hảo,
muốn cái gì cũng luôn trọn vẹn. Vì muốn mà không được nên khổ. Hiểu vậy rồi
chúng ta biết sống tùy duyên thì sẽ bớt khổ, còn muốn được hoàn toàn trọn vẹn
khi nó không được thì sẽ bất như ý và khổ thôi!
Ví dụ hai vị huynh đệ chơi thân
với nhau, thời gian lâu gặp lại người bạn cũ thì hết thân với mình rồi. Lúc ấy
chúng ta giận tức, nghĩ là đã phản bội thế này thế kia. Người này nghĩ trong
tâm là tình bạn trước sau phải trọn vẹn mà nay thay đổi nên buồn khổ. Cũng
không có gì lạ! Đó là luật tương đối của thế gian. Tâm con người luôn biến đổi
vô thường, tất cả đang sống trong mê lầm, sinh diệt và luôn đổi thay, khi thấy
nó đổi thay thì cũng hiểu là lẽ thường thôi! Chính mình cũng vậy, tâm mình cũng
vô thường. Khi mới tu nhiệt tình sẵn sàng bỏ hết để học đạo, nhưng có khi chừng
năm, bảy năm thì yếu dần dần! Đó là do tâm vô thường nên thay đổi. Hiểu rồi
khéo thuận theo nhân quả vô thường và sống với tâm sáng suốt của mình, sống với
Phật tánh sẵn có nơi mình. Đó mới là cái không mất. Nếu ở đời biết khéo sống có
đạo lý, khéo biết tùy duyên thì dù ở ngoài đời nhưng vẫn vui sống có đạo.
Như ông lão này, không vào chùa
nhưng khéo biết ứng dụng Phật pháp vào trong thế gian nên gặp cảnh nào ông cũng
vui hết. Được cũng vui, mất cũng vui, bình thản. Bài kệ Cư Trần Lạc Đạo của vua
Trần Nhân Tông: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”. Ở ngay thế gian mà biết đạo và
vui với đạo, còn không biết thì sẽ khổ.
Có câu chuyện về một bà già, là
mẹ của một vị thầy Tây Tạng. Bà không hiểu giáo lý nhiều, nhưng những gì đã
hiểu, bà đều ứng dụng được vào cuộc sống và giúp đỡ những người xung quanh sống
như vậy. Khi đó, có một bà hàng xóm chồng vừa chết nên buồn khổ khóc lóc, sang
nhà vị thầy Lạt-ma để tìm chút an ủi nhưng thầy đi vắng và gặp bà mẹ. Nhân đó,
bà an ủi rằng: “Con đau khổ như vậy cũng phải nhưng cũng không cần thiết, vì
tất cả cái gì nó có sinh thành thì phải có tan rã, hoại diệt để trở về nguồn
gốc của chúng. Không ai tránh khỏi cái chết, mọi sự đều vô thường, hiểu được
như thế cũng là may mắn lắm”. Ý nói: Vì mọi sự đều vô thường, đã có sinh ra thì
phải có chết, không ai tránh khỏi. Muốn nó không chết thì là khổ thôi! Đã không
tránh khỏi thì sợ cũng không được, biết chắc như vậy, thì tùy duyên!
Lúc đó, người đàn bà cũng chưa
hết buồn nên bà an ủi thêm: “Thôi khóc thì cứ khóc, cứ bứt tóc đi! Sau đó, con
phải biết nghĩ lại và bớt buồn, đừng quên cái tâm trạng buồn khổ này nó cũng vô
thường, nó không có thực thể, như mây như gió và nó cũng vơi đi như mọi thứ
trên đời này. Ta là một bà già, đã từng buồn từng khổ, từng thấy nhiều người
thân đến rồi đi, nên lời khuyên của ta cho con là: đừng mang vào lòng bất cứ
cái gì cả”.
Bà khuyên rằng con buồn con khổ
nhưng mà con cũng phải nghĩ lại để bớt buồn. Đúng là bà chưa phải là bậc thầy
nhưng mà những lời nói của bà đúng là bậc thầy. Bà nói rằng cái tâm trạng buồn
khổ của con cũng vô thường, có gì đâu! Buồn cách mấy đi nữa thì cũng chừng năm
ba tháng, có buồn trên một năm đi nữa cũng phải bớt buồn. Có ai buồn hoài suốt
đời không?
Tâm trạng cũng là vô thường, do
chúng ta cố chấp nên thấy khổ. Nên bà nói nỗi buồn cũng như mây như gió, có lúc
nó cũng vơi đi, khỏi phải lo nhiều. Rồi bà chứng minh cụ thể là ngay chính như
bà, cũng đã từng mất cha, mất mẹ, mất người thân, gặp phải những cảnh đó cũng
đã buồn cũng đã khổ rồi, nhưng chúng đến rồi chúng cũng đi.
Vì vậy, lời khuyên tóm tắt của bà
đúng là điều chúng ta cần phải học: “Đừng mang vào lòng bất cứ cái gì” thì nhẹ
nhàng, còn ôm vào lòng càng nhiều thì càng khổ. Không nên ôm chặt vào nhiều vì
nó đến rồi nó sẽ đi, biết vậy thì nhẹ nhàng lắm. Còn cố chấp thì sẽ khổ, đơn
giản. Ai khéo ứng dụng sống được như vậy, thì đời mình là sẽ bớt khổ rất nhiều.
Bao nhiêu đó có thể tu hết cuộc đời này cũng tương đối đủ rồi: “Đừng đem vào
lòng bất cứ gì hết thì đâu có phiền não”. Kiểm lại xem có đúng vậy không?
Sở dĩ có phiền não là tại đem vào
lòng. Người ta mới nói hơi động một chút là đem vào lòng rồi phiền, còn sống
với nghĩa này, người ta có nói nặng cũng không phiền não.
Có câu chuyện vui trong nhà thiền
rất có ý nghĩa: Hai huynh đệ trong thiền viện đang đi trên đoạn đường, trời vừa
mưa xong nên đường lầy lội, phải lội qua một con suối cạn. Ngay lúc đó có một
cô gái trẻ khoác bộ kimono rất đẹp phải đi ngang qua suối. Nhưng mặc kiểu này
thì làm sao đi qua suối? Thầy sư huynh thấy vậy phát tâm từ bi: “Này cô bé! Lại
đây ta đưa qua cho”. Nói rồi sư huynh bồng cô gái qua bên kia suối đặt lên bờ,
xong đi tiếp về chùa. Người sư đệ thấy cảnh đó nên khó chịu. Từ đó, trên đường
về sư đệ không vui, không khí nặng nề. Gần đến chùa, như chịu hết nổi thầy mới
lên tiếng: “Hôm nay, huynh làm kỳ quá!”. Sư huynh hỏi: “Kỳ là sao?”. Sư đệ:
“Người tu hành không được đụng nữ nhân mà sao huynh bồng cô gái kia qua suối
vậy?”. Người sư huynh nói: “Ta đưa cô gái qua bờ suối đặt xuống đó rồi, còn sư
đệ lại bồng về tới chùa làm gì ?”.
Đó là câu chuyện nhà thiền, người
sư huynh làm một cách vô tâm, còn ông sư đệ thì đưa vào lòng nên bực bội không
vui. Tuy là câu chuyện vui nhưng mà chứa đầy đạo lý. Nhắc nhở người học đạo,
học cái hạnh xả đó, để tâm luôn rỗng lặng, không vướng mắc.
Ví dụ như khi Phật tử ra chợ hoặc
đi vô xưởng làm có ai đó nói cái gì hơi lỡ lời, xúc phạm đến mình thì mình buồn
chút thôi. Ở đây không ai là thánh hết nên chỉ buồn một chút rồi đặt ở đó luôn,
đi cho khỏe. Buồn chút trong chợ, trong sở rồi về nhà nhẹ nhàng. Còn không như
vậy thì ôm về nhà, ôm vào trong phòng ngủ, ôm vào trên gối ngủ không được luôn
thì khổ. Hiểu được ý nghĩa đó thì chúng ta sống rất nhẹ nhàng.
Nếu hiểu mọi sự vô thường khéo
sống tùy duyên thì đó là thuốc hay cứu khổ thế gian. Nên người Phật tử học đạo
cũng giống như người bệnh, còn Phật thuyết pháp như là thuốc. Người bệnh muốn
hết bệnh thì phải uống thuốc. Chứ cho thuốc mà không uống, ngồi đó đọc công
thức thuốc này, thuốc kia hay cũng không hết bệnh.
Dù cho học giáo lý của Phật
nhiều, nghe vô thường cũng đầy tai nhưng gặp vô thường đến cũng ôm vào. Cho
nên, học Phật là học uống thuốc, học giáo pháp rồi thì phải tiêu hóa giáo pháp,
mới có lợi ích thiết thực.
3. Quý tiếc thời gian
Hiểu rõ ý nghĩa và ứng dụng lời
Phật dạy về lý vô thường vào cuộc sống, thấy rõ là học vô thường không phải để
chúng ta chán đời, bi quan không muốn làm gì hết, nhiều người học đạo rồi hiểu
lầm, nghi ngờ như vậy.
Trước đây, cũng có nhiều người
hỏi đạo Phật nói cái gì cũng vô thường, khiến mọi người chán đời thì sao? Vì
biết rõ cái gì cũng vô thường thì đâu cần làm việc cho tốn công. Nghĩ như vậy
rồi chán đời, yếu đuối, đó là hiểu lầm.
Phật chỉ cho biết vô thường có
nghĩa là mọi việc qua rồi thì không thể kéo lại, nên thời gian hiện có ở đây
rất là quí báu, phải trân trọng. Tức là không thể để qua suông, phải sống cho
thật đúng ý nghĩa, biết quí hiện tại. Không thể nói vô thường thì không cần làm
gì hết, rồi bỏ thời gian này qua suông, là phí cuộc đời. Cái duyên lành chúng
ta đang có không dễ gì gặp lần thứ hai. Thế thì phải biết trân trọng, phải khéo
phát triển không nên do dự.
Hôm nay, nhờ có duyên lành được
gần chùa học Phật pháp, chúng ta phải phát triển căn lành để đời sau tăng gấp
rưỡi, gấp hai. Lỡ sau này sinh vào các loài khác thì sao? Đó là hiểu được ý
nghĩa vô thường, không để duyên lành này trôi qua, rồi sau tìm lại không có. Rõ
ràng người hiểu được ý nghĩa đó thì đời sống tích cực thêm chứ không tiêu cực.
Truyện cổ Ấn Độ, có một người mua
miếng đất của người láng giềng, lại mua nhằm ngày chót của thời hoàng kim
chuyển qua thời hắc ám. Sau khi mua xong, người này đào được cái hũ vàng trong
miếng đất mới mua. Ông này có tâm tốt vội vàng đem trả lại cho người chủ. Ông
nói: “Tôi mua đất của anh chứ không mua vàng, nên bây giờ tôi đem vàng trả cho
anh”.
Người kia nói: “Tôi cũng mừng cho
anh, khi bán đất là bán tất cả, tôi đâu nghĩ có vàng dưới đất. Bán là bán hết.
Vậy đây là cái duyên may của anh, anh có quyền nhận”. Hai người cứ nhường qua
nhường lại hoài, vì đây còn thời đại hoàng kim. Nhưng bây giờ đã sắp chuyển qua
thời hắc ám, nên cả hai nói: “Thôi tối rồi để mai tính sau”. Ngờ đâu, tối mỗi
người nằm suy nghĩ rồi thấy tiếc. Sáng hôm sau, ông mua đất nói: “Tôi về nghĩ
lại rồi, anh nói đúng. Tôi đã mua đất thì ở đưới đất là của tôi, thôi tôi
nhận”. Người bán đất nói: “Không phải vậy! Tối này tôi cũng nghĩ kỹ, đúng như
lời anh nói hôm qua, anh chỉ mua đất, còn vàng là của tôi, thôi bây giờ tôi
nhận vàng”. Hai bên cãi nhau, cuối cùng đưa ra tòa thành thù địch. Mới thấy sự
vô thường của tâm tánh con người. Hôm qua quá đẹp, quá tốt, sáng hôm sau chuyển
rồi.
Như thế, chúng ta thấy từ thân
tâm đến hoàn cảnh bên ngoài đều biến đổi vô thường, nên gặp thời hoàng kim phải
chộp lấy cơ hội làm ngay, gặp việc lành làm mau vì nếu không làm sẽ đổi ý.
Trong thời Phật cũng có câu
chuyện: Hai vợ chồng anh đó rất nghèo chỉ có miếng vải khoác thân ngoài thôi.
Hàng ngày, hai người phải thay nhau đi xin. Hễ người vợ khoác vải đi thì người
chồng ở nhà, về đổi lại. Một hôm, người chồng gặp đệ tử Phật và phát tâm nghe
pháp, nhờ duyên lành mới cảm được và muốn phát tâm cúng dường, nhưng nghèo quá
đâu có gì để cúng nên về bàn với vợ: “Chắc kiếp trước vợ chồng mình đã tạo
nghiệp xấu gì nên đời nay nghèo đói khổ sở. Thôi, mình chỉ có miếng vải này,
nên phát tâm cúng dường tạo công đức, để đời sau không còn khổ nữa”.
Cô vợ nói: “Chúng ta chỉ có miếng
vải này mà cúng dường làm sao mai đi xin ăn đây?”. Anh chồng nói: “Cúng dường
là có phước thôi”. Bàn qua bàn lại, nhờ tâm mạnh mẽ cuối cùng cả hai quyết định
cúng dường.
Lúc đó, có vị Tỳ-kheo đi khất
thực ngang qua nhà, người chồng muốn cúng dường nên bò lại gần cửa sổ dâng
miếng vải cho vị Tỳ-kheo đó. Dâng lên với cả lòng thành để cúng dường. Cúng
dường xong, anh mới la lên: “Tôi thắng rồi! Tôi thắng rồi!”.
Đúng là anh đã thắng, thắng tâm
niệm nghèo thiếu, ích kỷ của mình. Sau đó vị Tỳ-kheo này nghe anh la thế liền
tìm hiểu và biết gia đình anh thật nghèo khổ nhưng tâm đạo mạnh mẽ đáng quí nên
về thuật lại với Phật. Các vị Tỳ-kheo, nhà vua cùng nhiều vị thí chủ có mặt tại
tinh xá nghe được đều cảm động. Nhà vua sai quân lính đem quần áo, vàng bạc đến
tặng cho hai vợ chồng. Sau đó, hai vợ chồng cùng đến nghe Phật thuyết pháp và
cùng chuyển hóa đời sống của họ trở nên tốt đẹp.
Đó là nhân quả hiện tiền. Khi gặp
điều thiện, điều tốt thì phải chộp lấy thời cơ làm liền, nếu lúc đó mà đợi đến
ngày hôm sau chắc khó cúng dường. Đây là điểm chúng ta cần học và ứng dụng vào
cuộc sống.
Mỗi vị phải nhớ tất cả thế gian
là vô thường, ngay cả thân và tâm của chúng ta cũng vô thường, đổi thay, không
dừng một chỗ, cho nên gặp duyên lành tốt thì phải làm liền, không thì, duyên
xấu ác sẽ dẫn đi. Chính trong kinh có dạy:
“Hãy gấp rút làm việc thiện, hãy
chế ngự điều dữ trong tâm, ai chậm tạo việc lành, sẽ ưa thích làm điều dữ”
(Pháp Cú 116). Đức Phật dạy chúng ta như thế. Tức là mình chậm làm điều lành
một chút thì điều dữ chen vào, nên phải chộp lấy thời cơ làm lành ngay thì sẽ
bớt điều dữ. Hiểu vô thường rồi thì cuộc sống không tiêu cực, lại rất tích cực
và lúc nào cũng phải sẵn sàng làm các việc lành trong khả năng.
Có một câu chuyện của vị tổ của
Tông Tịnh Độ là ngài Thân Loan. Ngài là bậc tái sinh có chủng tử Phật pháp sâu
dày. Do đời trước có tu nên khi sinh ra liền nhớ. Khi lên chín tuổi đến lễ hòa
thượng Từ Trấn xin xuất gia.
Hòa Thượng hỏi: “Con còn nhỏ tuổi
sao lại muốn xuất gia?”.
Ngài Thân Loan thưa: “Con còn nhỏ
nhưng cha mẹ mất sớm, con không hiểu vì sao người ta nhất định phải chết, vì
sao con lại phải xa lìa cha mẹ? Vì muốn tìm hiểu đạo lý này nên con xin xuất
gia”.
Chúng ta thấy nhỏ tuổi mà trả lời
thật hay? Đây là hảo tâm xuất gia đó.
Hòa thượng Từ Trấn bảo: “À tốt!
Ta đã hiểu. Giờ Ta nhận con làm đệ tử nhưng trời sắp tối, thôi để sáng mai ta
cạo tóc cho con”.
Ngài Thân Loan nghe vậy không
chịu, thưa: “Bạch Thầy! Thầy bảo là sáng mai mới cạo tóc cho con nhưng tuổi con
còn nhỏ, con không bảo đảm tâm xuất gia của con còn tới ngày mai không nữa; mà
tuổi của Thầy lại cao, Thầy cũng không đảm bảo sáng mai Thầy có thể thức dậy để
xuất gia cho con, nên xin Thầy xuất gia cho con ngay bây giờ”.
Ngài Từ Trấn nghe xong vỗ tay
cười, rất hoan hỷ: “Đúng như vậy! Lời của con nói không sai, thôi bây giờ Ta sẽ
cạo tóc cho con ngay.” Sau đó, Ngài tu và trở thành vị tổ của Tông Tịnh Độ.
Ngài Thân Loan đời trước cũng tu
nên chủng tử sâu khi sinh ra nhớ lại sớm và hiểu, thấy đúng được lẽ vô thường.
Mới chín tuổi mà Ngài biết nói thế, còn chúng ta biết nói vậy chưa?
Tuổi còn nhỏ mà Ngài quyết tâm
xuất gia mạnh, lại còn nói là không biết có giữ được tới sáng mai không nên xin
Thầy xuất gia ngay đi. Thứ hai là Thầy tuổi cũng đã cao, không biết có sống nổi
tới ngày mai không? Rõ ràng đúng như vậy. Đó là lẽ vô thường.
Trước kia, có những vị thầy Tây
Tạng buổi tối trước khi đi ngủ đều lau rửa sạch sẽ bình trà, tách trà, gói lại
cẩn thận, bởi vì ngày mai sau khi ngủ dậy không chắc là sẽ dùng tách trà đó
nữa. Nên các vị làm trước như thế xem như không nghĩ tới ngày mai. Hiểu vô
thường đến như vậy, nên các ngài tu mau đắc đạo.
Nếu chúng ta được như các ngài
thì chắc cũng tu mau đắc đạo, cũng bớt phiền não nữa. Mỗi khi có ai làm chúng
ta phiền não thì nghĩ sao? À! chết tới nơi mà phiền não cái gì? Hít hơi thở vô
không biết có thở ra không nữa thì còn gì mà phiền não. Nhờ vậy sẽ bớt phiền
não. Còn nghĩ mình sống tới bảy tám chục năm thì có thời gian để phiền não.
Đối với nghĩa vô thường mà hiểu
kỹ, hiểu sâu rồi chúng ta thấy an vui, giảm được phiền não rất nhiều. Mới thấy
Phật pháp thiết thực, có giá trị và cao quí; bằng không khi nghe nói Phật pháp
là Pháp bảo cao quí mà lâu nay không thấy nó “Bảo” ở chỗ nào? Khi hiểu kỹ, ứng
dụng được vào cuộc sống thì niềm tin càng sâu, vững thêm.
4. Nghĩa sâu của vô thường
Từ trước đến đây chỉ nói về mặt
vô thường giả tạm, nếu chúng ta khéo tiến thêm bước nữa tỏ ngộ được lẽ thật
trong cái vô thường. Nói vô thường để giúp người tỏ ngộ được lẽ thật để vươn
lên, để sống được với cái chân thật, chứ không phải nói vô thường rồi chỉ thấy
vô thường tạm bợ, đó là ý nghĩa sâu của vô thường.
Lý vô thường không phải làm cho
con người bi quan, khi rõ tất cả là vô thường thì chúng ta không mê lầm, sống
trở lại nguồn gốc chân thật mà chúng ta đã bỏ quên. Tức là Phật tánh, là bản
tâm, là lẽ thật nơi chính mình.
Nói tất cả chúng sinh đều có Phật
tánh mà Phật tánh đó vô thường không chạm tới được. Chúng sinh bị vô thường chi
phối nhưng cũng không mất Phật tánh, nên người khéo tu, giác ngộ được thì sẽ
chuyển chúng sinh thành Phật.
Đức Phật, Bồ-tát, các vị Thánh
Hiền, cũng từ chúng sinh giác ngộ mà thành. Khi còn mê thì là chúng sinh, khi
giác ngộ rồi thì chuyển thành Phật. Phật cũng từ chúng sinh tiến lên, Bồ-tát,
các vị A-la-hán, các vị Thánh Hiền cũng vậy. Vậy thì trong chúng sinh có cái
phi chúng sinh, nên nói vô thường để chúng ta không lầm cái giả này, khéo sống
trở về với chân lý giác ngộ đó.
Bài kệ dạy chúng của thiền sư Mãn
Giác: “Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai, Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi
mai” là nói lên điều này: Trong cái vô thường có cái chân thật.
Tức là Xuân đi thì trăm hoa rơi
rụng, xuân đến trăm hoa đua nở, sự đời cứ trôi qua trước mắt như nước trôi,
nước cứ trôi, trôi qua hết. Lâu lâu nhìn lại thì cái già nó đến trên đầu rồi,
tóc đã bạc rồi.
Bài kệ nhắc rằng sự đời vô
thường, từ hoàn cảnh bên ngoài cho đến bản thân đều bị vô thường biến đổi.
Nhưng tại sao không nói xuân đến trước mà lại nói xuân đi trước? Thường người
ta nói đến rồi mới đi, có đến mới có đi, xuân đến hoa nở, xuân đi hoa tàn, có
nở có tàn. Ở đây, Sư nói ngược lại: “Xuân đi thì trăm hoa rụng, xuân đến thì
trăm hoa nở”.
Vì đây là bài kệ thị chúng của Sư
lúc sắp tịch, nhắc nhở để đại chúng bớt buồn. Sắp tịch tức là sắp đi, Sư nói
rằng thân này cũng vậy. Có mặt trên đời này đến lúc hết duyên thì đi, giống như
xuân đi thì hoa rụng tàn. Tuy vậy, nhưng gặp duyên đến thì hoa nở, tức là có
rụng có tàn có nở. Đó là tướng vô thường của thế gian. Nhưng trong đó “Chớ bảo
xuân tàn hoa rụng hết”, nghĩa là trong mùa xuân hoa tàn rụng đó vẫn còn: “Đêm
qua, trước sân còn một cành mai”. Nghĩa là sao? Là cũng còn có mùa xuân.
Sư dùng chữ rất tế nhị. Sư không
nói là còn một chùm mai mà nói là một cành mai. Vì nếu là một chùm mai thì nó
sẽ rụng nữa, còn cành mai thì nó vẫn còn đó, tới mùa xuân đến nó lại nở nữa,
hoa có rụng có tàn nhưng cành thì vẫn còn đó. Ở đây nói rõ cuộc đời là vô
thường đổi thay, thân này cũng theo đó mà hủy hoại. Cũng như Sư có sinh ra rồi
cũng có tịch. Nhưng Sư đi đó mà Sư có mất không? Gặp duyên thì Sư cũng hiện nơi
khác. Cũng như cành mai này, tới mùa xuân năm sau cũng nở nữa, tức là cái này vô
thường biến diệt nhưng trong đó có cái chân thật.
Vậy, Phật nói vô thường để con
người sống trở lại với lẽ thật của chính mình chứ không phải nói vô thường là
vô thường. Hiểu vậy thì thấy ý nghĩa vô thường rất sâu đâu phải chỉ dừng ở
nghĩa vô thường thôi. Qua đó, chúng ta mới thấy Phật pháp sâu xa, không thể
nghĩ bàn.
Phật dạy trong kinh Đại thừa thì
thân này gọi là huyễn thân, thân sinh diệt giả có. Nhưng còn có pháp thân, mà
pháp thân thì không sinh diệt. Nên phẩm Như Lai Thọ Lượng trong kinh Pháp Hoa,
Phật bảo là Ngài thành Phật bao lâu rồi? Ngài nói từ khi ta thành Phật đến nay
số kiếp vô lượng vô biên, nhiều như cát bụi không thể kể được.
Ngài ví dụ như đem nghiền cả cái
khối tam thiên đại thiên thế giới này thành bụi, rồi đi qua trăm ngàn thế giới
để rơi một hạt bụi, rơi hết các số bụi đó rồi mới cộng lại hết số thế giới đã
đi qua có để rơi bụi và không rơi bụi, đem nghiền hết thành bụi nữa, rồi mỗi
hạt bụi là một kiếp.
Ngài nói từ khi Ngài thành Phật
đến nay còn lâu xa hơn số bụi đó nữa. Vậy tuổi thọ Ngài bao nhiêu? Thường chúng
ta hiểu tuổi thọ của Phật là tám mươi năm rồi nhập Niết-bàn. Nếu hiểu theo như
Phật nói trong kinh thì Phật có nhập Niết-bàn không? Vậy Phật đâu có nhập
Niết-bàn theo nghĩa thường hiểu là diệt.
Vì mê nên chúng ta thấy Phật nhập
Niết-bàn, nếu giác ngộ chúng ta thấy Phật không có nhập Niết-bàn. Bởi tuổi thọ
của Phật đã nói như trên, nên đức Phật đã nhập Niết-bàn là Phật ứng thân, vì là
ứng thân nên có sinh ra rồi nhập Niết-bàn. Còn đức Phật kia vẫn mãi còn hiện
hữu. Nếu hiểu được như vậy thì lúc nào cũng thấy Phật ra đời với chúng ta chứ
không nhập Niết-bàn. Mỗi người ai cũng có Phật tánh nhưng Phật trong chính mình
cũng nhập Niết-bàn không biết bao nhiêu kiếp rồi, bây giờ phải làm sao cho Phật
ra đời trở lại đây?
Hãy giác ngộ trở lại thì thấy
Phật ra đời thôi! Nếu thấy Phật ra đời thì ngay đây cũng vượt qua cả vô lượng
kiếp đã nhập Niết-bàn rồi đó. Mới thấy được lẽ thật, vòng luân hồi sinh tử đúng
như là giấc mộng. Chúng ta tưởng Phật nhập Niết-bàn nhưng Phật vẫn còn với mình.
Hiểu như vậy mới thấy được lý sâu trong lẽ vô thường, chứ không phải nói vô
thường chỉ dừng trên cái vô thường thôi.
Như vậy, hiểu sâu lý này là đủ
cho chúng ta tu cả đời. Có lẽ, từ đời này qua đời sau vẫn chưa xong nữa. Nhưng
vì học đạo quen rồi xem lờn. Nghe nói đến lý vô thường là chán nghe, vì đã học
nhiều, muốn nghe cái gì cao siêu hơn.
Nếu như hiểu đúng, hiểu sâu nghĩa
vô thường, biết ứng dụng tu tập thì tu suốt đời không hết, cũng có thể tu tiến
thành Phật, không phải chuyện thường.
5. Tóm kết
Hiểu rõ thế gian là vô thường để
chúng ta bớt vướng mắc, để phát tâm Bồ-đề, để không trôi theo mê lầm và tích
cực sống vươn lên chứ không tiêu cực buông xuôi theo nó. Phải luôn chộp lấy
thời cơ hoàng kim để tiến lên.
Vậy, tất cả thế gian là vô thường
không có gì bền chắc, không có gì để nắm bắt, chấp chặt, thấy được như vậy thì
cuộc sống chúng ta cởi mở và gần với nhau hơn. Biết cuộc đời vô thường thì bớt
làm khổ nhau. Tất cả cùng sống chung trong cuộc vô thường, nên đem an vui cho
nhau hơn là đem đau khổ cho nhau. Là cuộc sống vui hơn, và bình tĩnh với sự đời
vô thường. Giống như bà già khuyên người đàn bà kia, nên nhớ tất cả là vô
thường rồi cái tâm buồn khổ nó cũng vô thường luôn. Nên mỗi lần buồn thì nhớ
cái tâm cũng vô thường, nó không có dừng.
Như vậy, khéo biết ứng dụng để
luôn tiến trên đường học đạo, để bớt khổ thì đó là uống thuốc. Một lý vô thường
này quán kỹ, quán sâu là có thể đắc đạo. Ngày xưa thời Phật có những vị quán vô
thường mà chứng A-la-hán. Quán thân mình vô thường thì cũng thấy là vô ngã,
không có ngã thì ai buồn phiền, ai phiền não, ai sinh tử, phá được cái mê đó là
chứng A-la-hán.
Có vị Tỳ-kheo vào buổi sáng ngồi
gần bên bờ ao thấy hoa sen nở đầy ao tươi đẹp, tới trưa có một nhóm cô gái lội
xuống hái hoa sen. Do hái bừa bãi, hái vội nên làm bầm dập các hoa sen còn lại,
các lá sen xung quanh. Sau đó, thầy nhìn lại thì thấy ao sen điêu tàn. Buổi
sáng thấy ao sen tươi đẹp, ánh mặt trời rọi xuống rất là nên thơ, nhưng trưa
thì trở nên điêu tàn.
Thầy quán kỹ mọi sự mọi việc
trong cuộc đời thật vô thường, và chứng A-la-hán. Ở đây, các Phật tử nên khéo
quán kỹ vô thường và ứng dụng vào cuộc sống và sống được với ý nghĩa đó, đừng
chỉ hiểu vô thường qua loa trên chữ nghĩa.
Qua những điều trình bày trên
chắc quý Phật tử cũng hiểu rồi, nhưng cái hiểu này có phải là cái hiểu của mình
chưa hay còn là cái hiểu của thầy? Phải làm sao chuyển nó thành cái hiểu của
mình.
Để tóm kết bài giảng này cho tất
cả luôn ghi nhớ, có một bậc thầy Tây Tạng dạy rằng: “Bạn có bao giờ thật sự
hiểu và thật chứng lý vô thường hay chưa? Bạn đã thâm nhập nó trong từng ý
tưởng, từng hơi thở và từng động tác đến nỗi cuộc đời của bạn nhờ vậy mà được
đổi mới hay chưa?”.
Tức là hiểu và thực chứng lý vô
thường trong từng hơi thở, từng bước đi, từng lời nói, nhờ vậy mà cuộc đời của
mình chuyển đổi, có làm được vậy không? Và hãy tự hỏi bạn hai câu này, nếu bạn
trả lời được thì bạn mới thật sự hiểu vô thường:
- Câu thứ nhất là: “Tôi có nhớ
rằng lúc nào tôi cũng đang chết hay không? Và mọi người, mọi vật khác cũng đang
chết hay không? Bởi vậy, tôi đối xử với mọi chúng sinh với lòng bi mẫn trong
mọi lúc.”
Ngồi ở đây có nhớ mình đang chết
dần hay không? Nhớ mình đang chết, mọi người cũng đang chết, vậy là đồng cảnh
ngộ. Thấy tất cả cùng hoàn cảnh nên có lòng bi mẫn thương xót với nhau trong
mọi lúc.
Nghĩa là chúng ta đang sống trong
vô thường, trong sự biến đổi, đau khổ, thấy người khác cũng đang sống trong vô
thường thì có sự cảm thông nên có lòng bi mẫn thương xót với nhau trong mọi
lúc, có thể trả lời được câu đó chưa?
- Câu thứ hai là: “Sự hiểu biết
về cái chết và vô thường nơi tôi có trở nên bén nhạy, cấp thiết đến độ là tôi
đang dành mọi giây phút còn lại của đời tôi để theo đuổi sự nghiệp giác ngộ hay
không?”.
Nếu bạn có thể trả lời hai câu
hỏi ấy thì thật sự bạn mới hiểu lý vô thường. Ở đây có ai trả lời cho hai câu
hỏi này chưa? Nếu chưa thì phải làm sao? Chỉ chừng đó thôi mới thấy rõ, phải
học lý vô thường suốt đời rồi.
Ngay bây giờ ngồi đây cũng vậy,
hiểu được điều đó thì cuộc sống của chúng ta được chuyển hóa, đổi mới rất là
nhiều, phiền não sẽ bớt. Cho nên đó là thuốc cho tất cả. Giờ thì mọi người khéo
uống thôi!
Nguồn: thuongchieu.net