Thiền - Con đường thể nghiệm chân lý

1. Thiền là gì?

Thiền, nói đủ là Thiền-na, Trung Hoa dịch là tĩnh lự; nghĩa là lặng lẽ những lo nghĩ lăn xăn, hay cũng dịch là định tuệ đẳng trì, tức tâm lặng và sáng đầy đủ. Tuy nhiên đó chỉ là định nghĩa theo danh từ, phương tiện mà giải thích cho người tạm hiểu, xét trên lý thật thì đó chưa phải là bản thân của Thiền.

Bởi tĩnh lự hay định tuệ đẳng trì đó, nó không nằm ở trên những ngôn từ hoặc chữ nghĩa vô tri kia, mà nó ở ngay trong tâm người. Do đó, dù ai có cố gắng giải thích thế mấy cũng không bao giờ chạm đến bản thân thiền chân thật. Cho nên thiền mà còn định nghĩa được, đó là THIỀN CHẾT, THIỀN VĂN TỰ, không phải THIỀN SỐNG. Đến chỗ cứu cánh, thiền bỏ xa văn tự. Chữ nghĩa làm sao ghi cái tâm lặng lẽ trong sáng đó? Dù máy móc điện tử tối tân cũng không ghi được chỗ này.

2. Thể nghiệm trực tiếp

Chân lý sống là cái hiện thực ngay nơi mỗi người, trong mỗi người, người đang sống trong đó chứ không ở đâu khác. Như nói thiền là tĩnh lự, là tâm lặng lẽ trong sáng, song đặt câu hỏi lại: Thế nào là tâm lặng lẽ trong sáng? Đây không còn là chuyện giải thích danh từ nữa, mà phải tự cảm nhận nơi mình mới thấu rõ thôi. Vì vậy, muốn cảm nhận chân lý Thiền là phải thể nghiệm trực tiếp, phải thẳng vào chớ không đứng bên ngoài bàn bạc, lý luận suông.

Có vị tăng hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung:

- Bạch Thượng sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp?

Thượng sĩ đáp:

- Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu sâu bọ,

Cánh bằng lướt gió ruột kiến trùng.

Hỏi:

- Như vậy học nhân làm sao được lối vào?

Đáp:

- Gãi ngứa đâu phải người khác ngứa,

Đói ăn chính thật nhà ngươi ăn.

Ông hỏi đại ý Phật pháp, ông muốn hiểu được lẽ thật đó thì ông phải quên niệm phân biệt theo thói quen suy nghĩ lâu nay đi, ông phải đích thân cảm nhận nơi mình chớ không thể đứng bên ngoài mà hỏi, mà muốn tìm hiểu biết. Gãi ngứa là tự ông ngứa, đâu phải người khác ngứa thay cho ông. Cũng vậy, đói là tự ông ăn thì mới hết đói, ai ăn thay cho ông được? Cho nên trong nhà thiền, nhất là Thiền tông luôn nhấn mạnh đến chỗ trực nhận không qua ý niệm.

Thiền sư Nghĩa Huyền, sau này là Tổ tông Lâm Tế, lúc còn đang tham thiền trong hội ngài Hoàng Bá, khi đến hỏi về “Đại ý Phật pháp”, ba lần hỏi thì ba lần đều bị ăn gậy mà không được giải thích một lời. Hoặc ông Thôi Tề Công đến hỏi thiền sư Thần Hội:

- Thiền sư ngồi thiền một phen định, về sau bao lâu mới xuất định?

Sư đáp:

- Thần không có chỗ nơi, cái gì là định?

- Đã nói không định, sao gọi là dụng tâm?

- Nay tôi định còn không lập, ai nói có dụng tâm?

-Tâm và định đều không, thế nào là đạo?

- Đạo là “đạo như thế”, không có “đạo thế nào”.

- Đã nói không có “đạo thế nào”, vậy chỗ nào có “đạo như thế” ?

- Nay nói “đạo như thế” là do có “đạo thế nào”, nếu như không có “đạo thế nào” thì “như thế” cũng không còn.

Nghĩa là, với Thiền sư thì không có giải thích dài dòng theo chữ nghĩa. Bởi do có hỏi “đạo thế nào” nên mới tạm nói “đạo như thế” để đối đáp lại. Nói “như thế” là để dừng lại chỗ suy nghĩ, tìm hiểu của ông thôi, chớ thực ra nếu ông không có hỏi thế nào, thì cũng không có nói “như thế” làm gì. Bởi vì “nó vốn như thế là như thế rồi’, khỏi phải nói thêm cái tên “như thế” nữa. Nói “như thế” là đã dán thêm cái nhãn hiệu lên nó.

Đây là muốn nhắc người hỏi, phải can đảm buông xả hết mọi ý niệm hướng về nó, thì chân lý thiền hiện tiền sáng ngời đây thôi. Còn hướng đến nó tức là còn đứng ngoài nó. Từ đó mà biết, hiện có nhiều người đang tranh cãi về thực tại thế này, thế kia, là có, là không, thì rõ ngay là chưa chạm đến thực tại. Trong nhà Thiền không chấp nhận cho người cứ đứng bên ngoài mà lý luận.

Như có Thượng tọa Định thuộc dòng Lâm Tế, một hôm trên đường thọ trai nhà thí chủ đi về, gặp ba vị tọa chủ trên cây cầu, trong đó một vị mới hỏi Sư:

- Thế nào là tột đáy sông thiền?

Sư liền chộp ngực vị ấy định ném xuống sông. Hai vị kia hoảng hốt xin tha rối rít. Sư liền bảo:

- Nếu không có hai vị đây tôi đã cho ông xuống tột đáy sông thiền cho biết.

Thiền chân thật là thế! Ông muốn biết tột đáy sông thiền, hãy vào đó thì biết ngay, không phải giải thích chữ nghĩa dài dòng. Cứ đứng ngoài mà hỏi, dù có nói cho ông nghe cũng chỉ là tưởng tượng, là khái niệm thôi, đâu cảm nhận được lẽ thật ấy.

Bởi vậy tôn chỉ của Thiền tông là “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền”, tức là tự có con đường sống, vượt qua ngôn giáo, chữ nghĩa bên ngoài. Do đó nếu người không trực tiếp thể nghiệm, làm sao rõ được?

3. Tu Thiền tông phải vượt qua chữ nghĩa

Lục tổ Huệ Năng, một bậc Tổ sư phi thường của Thiền tông, hiện thân là vị tiều phu không biết chữ mà ngộ đạo được truyền y bát, kế vị Tổ thứ sáu Thiền tông Trung Hoa. Truyện kể rằng, lúc Sư ẩn ở thôn Tào Hầu, có lần bà ni Vô Tận Tạng đem kinh Niết Bàn hỏi Sư.

Sư bảo: Chữ thì tôi không biết nhưng nghĩa thì cứ hỏi.

Bà ni nói: Chữ còn không biết, làm sao biết nghĩa?

Sư bảo: Diệu lý của chư Phật không dính dáng gì đến văn tự.

Bà ngạc nhiên, biết là bậc khác thường, liền đi báo cho người trong thôn đến lễ bái cúng dường.

Đây là Lục tổ đánh thức cho người học Phật phải học thấu qua văn tự chữ nghĩa, chớ không thể bám chặt vào những dòng chữ, những nghĩa lý chết kia. Chữ nghĩa nó đâu biết ngộ đạo, đâu biết chiếu soi. Thí dụ mấy chữ bản lai diện mục, kiến tánh, minh tâm, thoại đầu, công án, tổ sư, v.v.. nó có hiểu biết gì đâu. Chính người đọc ra nó mới biết giác, biết ngộ, phải phản chiếu “con người ấy”, đó mới chính là chân thật tham thiền, là chỗ nhắm của chư Tổ ra đời. Do đó, khi vua Trần Nhân Tông hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung về “Tông chỉ của việc bổn phận”, Thượng sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình, đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác mà được”. (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tòng tha đắc).

Soi sáng lại chính mình tức là vượt qua chữ nghĩa, văn tự, lời dạy bên ngoài, mà đánh thức sức sống chân thật ngay chính mình. Mạch sống Thiền là đó. Cho nên dù trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử nhưng sức sống Thiền vẫn bất tuyệt. Còn có người thực tu là còn có người thực ngộ, và ánh sáng Thiền vẫn hiện hữu.

4. Tóm kết

Thiền là sống, là sáng tạo, luôn luôn mới mẻ tinh khôi, không nằm trong một khuôn khổ chết hay một ước lệ nào.

Vào Thiền, phải dám buông lại những kiến thức vay mượn từ bên ngoài để phát khởi trí vô sư, trí tự nhiên nơi mỗi người. Đây là con đường thể nghiệm chân lý trực tiếp nơi mình, không qua trung gian ý thức suy luận, và đây cũng chính là cội nguồn của đạo Phật. Bởi ngay từ buổi đầu, khi thành đạo đức Phật đã muốn nhập niết bàn, không muốn đi thuyết pháp, vì thấy chỗ chứng ngộ đó quá sâu xa, vượt ngoài ngôn ngữ văn tự, khó nói cho người hiểu được. Phạm Thiên thỉnh ba lần Phật mới hứa khả đi thuyết pháp giáo hóa. Vậy có nói ra là phương tiện tạm thời không phải cứu cánh. Người học Phật, tu Phật cần học, tu đến chỗ vượt qua ngôn ngữ văn tự, thể nghiệm trực tiếp ngay chính mình mới đạt được ý Phật, mới gặp Phật, gặp Tổ.

Chính đây là con đường của HÀNH GIẢ đúng ý nghĩa.

Nguồn: thuongchieu.net
Previous Post
Next Post