Lâu nay chúng ta sống ở trên đời,
nhưng Phật nói mỗi người sống ở đây mà không có thực sống. Vì chúng ta sống mà
đánh mất chính mình, sống mà đánh mất thực tại, nên thiếu đi ý nghĩa sống. Như
chúng ta đang ngồi đây nghe pháp, nhưng có thực là chúng ta đang ở đây không
hay là đang ở đâu? Có khi thân đang ngồi ở đây nhưng tâm để ở nhà, hoặc tâm
đang đi lang thang ngoài đường. Đó gọi là sống mất mình, sống với cái đã chết.
Cho nên đa số chúng ta luôn luôn đi tìm cái để sống, do thấy thiếu nên tìm cầu.
Nhà thiền gọi là cỡi trâu đi tìm trâu.
Có câu chuyện: Gần ngôi Thiền
viện có một tiệm bán đậu hũ. Ông chủ bán đậu hũ có tính hiếu kỳ, không biết ở
ngôi thiền đường mấy ông thầy làm gì ở trong đó. Nên ông năn nỉ vị sư Hương
đăng trông coi việc ở thiền đường, xếp cho ông vào trong đó. Ông cũng ngồi
thiền với quý thầy, nhưng ông ngồi một góc ở phía dưới để quan sát cho biết.
Thời gian ngồi thiền là một nén hương, khoảng một giờ. Ông tréo chân ngồi, thấy
cảnh lặng lẽ khác thường hơn ở nhà, ai cũng ngồi im không ai ngó qua ngó lại.
Ông lén lén mở mắt ra, nhìn qua
nhìn lại thấy ai cũng mắt ngó xuống, ông cũng bắt chước theo ngồi yên mắt ngó
xuống. Bình thường ông sống ở ngoài, bận rộn lăng xăng trong sinh hoạt hàng
ngày, bây giờ được một chút duyên ngồi yên trong khung cảnh trang nghiêm lặng
lẽ, tâm cũng lặng xuống chút ít. Khi tâm lắng xuống, ông thấy những chuyện quá
khứ nó trồi lên, vì lâu nay lăng xăng không có thời gian nhớ bây giờ ngồi yên
nó nhớ lại rõ ràng. Sau khi về nhà rồi, gặp ai ông cũng khen ngồi thiền hay
quá, tôi thực tập có một buổi thôi mà cảm nhận rất là sáng suốt. Hôm đó, tôi đã
nhớ ra được ông lão họ Vương kia mua đậu hũ của tôi tổng cộng còn thiếu năm
đồng mà lâu nay tôi quên, giờ nhớ là ông chưa trả.
Mọi người bình thường nghe cũng
thấy vui vẻ, nhưng với người chuyên tu thiền thì thấy ông đang ngồi thiền ở
trong thiền đường, nhưng tâm ông về nhà bán đậu hũ. Như vậy rõ ràng sống mà
đánh mất chính mình. Cũng như chúng ta ngồi đây nhưng không có thực tại sống ở
đây, chỉ sống với bóng của quá khứ hoặc ảo tưởng tương lai. Sống với thực tại
là ngay bây giờ ở đây, chúng ta phải có mặt sự tỉnh thức ngay đây, chứ không
phóng tâm lang thang, mất mình.
Thiền sư Cảnh Thanh đang ngồi,
liền hỏi vị tăng bên cạnh:
- Ở bên ngoài là tiếng gì?
Lúc đó trời đang mưa, nên ông
tăng thưa:
- Là tiếng mưa rơi.
Thiền sư Cảnh Thanh bảo:
- Chúng sinh điên đảo quên mình
theo vật.
Ông tăng hỏi:
- Còn Hòa thượng thì thế nào?
Ngài đáp:
- Vẫn chẳng quên mình.
Đa số người là sống như vậy, đang
ngồi đây, nghe tiếng mưa rơi thì chạy ra ngoài hiên, tâm nhớ theo tiếng mưa rơi
nên quên mất cái gì đang nghe, đang biết. Thiền sư hỏi bên ngoài là tiếng gì,
tức muốn nhắc ông tăng nhớ lại cái gì đang nghe, đang biết rõ ràng, đang hiện
có mặt ở đây, chứ không phải ý ngài ở ngoài mái hiên. Nhưng vị tăng quen sống
theo duyên, tâm duyên theo tiếng mưa rơi bên ngoài nên chỉ nghe tiếng mưa rơi.
Do đó, Thiền sư nói: "Chúng sinh điên đảo quên mình theo vật", quên
chính mình đây mà chạy theo bên ngoài. Vị tăng hỏi lại: "Còn Hòa thượng
thì thế nào?", Ngài đáp: "Vẫn chẳng quên mình". Thiền sư cũng
nghe tiếng mưa rơi, biết rõ tiếng mưa rơi nhưng vẫn không quên mình. Sống như
vậy mới gọi là không mất mình, chứ còn ngồi đây mà chạy theo tiếng là quên mất
chính mình, là đánh mất thực tại đang hiện hữu.
2. Sống ngay thực tại, bây giờ
Trong nhà thiền luôn nhắc mọi
người, phải sống trở về với cái thực tại đang hiện hữu sáng ngời, đó là thiền
chân thật. Thiền dạy hành giả là sống trở về ngay thực tại, bây giờ và ở đây.
Mặt trời tâm phải luôn luôn mọc ngay đây, luôn chiếu sáng không cho mây che
khuất. Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, có lần
ngài Pháp Loa hỏi Tổ Trúc Lâm:
- Khi muôn dặm mây tạnh thì thế
nào?
Tổ Trúc Lâm đáp:
- Mưa tầm tã.
Lại hỏi:
- Khi muôn dặm mây che kín hết
thì thế nào?
Đáp:
- Trăng vằng vặc.
Theo tâm lý thế gian nghe vậy là
không hiểu gì hết, nói chuyện ngược đời. Muôn dặm mây tạnh tức là trời trong
sáng, không có vết mây thì làm sao mưa, đây Ngài lại đáp: "Mưa tầm
tã". Còn hỏi: "Muôn dặm mây che kín hết" là đang mưa, mà Ngài
lại đáp: "Trăng sáng ngời". Theo thế gian thấy giống như nghịch lý,
nhưng trong nhà thiền là đánh thức cho hành giả sống trở về ngay thực tại sáng
ngời, phải sống "ngay bây giờ đây".
Muôn dặm mây tạnh, tức là trời
trong sáng, trời trong sáng đây có hai ý: Thiền sư vừa mượn hình ảnh trời trong
sáng, nhưng cũng muốn nói bầu trời tâm của mình trong sáng không có vết mây, mà
ông còn hỏi chi cho động niệm, động niệm là mây mưa tầm tã rồi. Câu thứ hai
hỏi: "Muôn dặm mây che kín thì sao?". Nếu nói tâm mình bị che kín,
không còn chỗ nào để ló đầu. Vậy ai biết hỏi đây, đã biết hỏi thì đâu có che,
nên Sơ Tổ đáp: "Trăng sáng ngời". Tâm vẫn hiện hữu sao còn chưa tỏ
ngộ? Chúng ta thấy Thiền sư đáp, mới nghe dường như nghịch lý, nhưng hiểu ra
thì rất chí lý.
Quả thật, tâm thiền của Ngài luôn
luôn hiện hữu sáng ngời, chưa từng vắng mặt bao giờ. Ngay lúc đang hỏi đáp, tâm
của Ngài vẫn sáng nên đáp một cách trực tiếp bén nhạy. Chân lý thiền rất đơn
giản, gần gũi đâu có gì xa lạ. Ngay thực tại đây thôi. Ngay chỗ chúng ta ngồi
đây, biết sống trở về là thiền là đạo. Nhưng do con người quen thêm vào, quen
tưởng tượng nên thành ra rắc rối, khó hiểu. Nếu chúng ta buông bỏ những tưởng
tượng thì thiền rất đơn giản.
Như câu chuyện trà Triệu Châu. Có
vị tăng đến chỗ Thiền sư Triệu Châu. Ngài Triệu Châu liền hỏi:
- Ông từng đến đây chăng?
Vị tăng thưa:
- Đã từng đến.
Triệu Châu liền bảo:
- Vậy thì uống trà đi!
Vị tăng khác đến, Sư hỏi:
- Ông từng đến đây chăng?
Vị tăng thưa:
- Chưa từng đến.
Sư cũng bảo:
- Uống trà đi.
Vị viện chủ thấy vậy thắc mắc
hỏi:
- Từng đến cũng bảo uống trà đi,
chưa từng đến cũng bảo uống trà đi, vậy là sao?
Ngài Triệu Châu liền gọi:
- Viện chủ.
Viện chủ đáp:
- Dạ.
Sư cũng bảo:
- Uống trà đi!
Mới nghe thấy giống như thầy trò
đùa chơi, nhưng đó chính là đánh thức cho người học sống trở về ngay thực tại
đang hiện hữu, không khởi thêm niệm gì khác. Ông đã từng đến đây, có mặt tại
đây thì còn hỏi gì nữa, uống trà đi là xong. Vị tăng kia bảo ông chưa từng đến,
chưa từng đến vậy ai đang đứng đây? Đang đứng đây tức là đã đến rồi, mà nói
chưa từng đến là ông đang nhớ về chuyện quá khứ hôm qua, hôm kia. Hiện tại đang
đứng đây thì ông đang ở đây, cho nên cũng uống trà đi, là xong. Vị viện chủ
cũng giống như mình, chuyện đến hay chưa đến là việc của người ta, không dính
dáng gì tới ông hết. Gọi thì ông biết dạ, ngay đó đủ rồi khỏi phải hỏi thêm
chuyện của người chi nữa, cũng uống trà đi là xong.
Chúng ta thấy các Thiền sư rất
thực tế, đang ở đây thì có mặt ở đây, nghĩ cái khác là quên mất thực tại đang
hiện hữu gọi là mất mình, là mặt trời bị mây che, cần phải tỉnh lại là xong. Có
lần Thiền sư Huyền Sa đang ngồi chỉ một điểm trắng ở dưới nền đất, Ngài hỏi ông
tăng kế bên:
- Ông có thấy không?
Vị tăng thưa:
- Dạ thấy.
Ngài nhấn mạnh trở lại:
- Ông có thật thấy không?
Vị tăng nói:
- Dạ thấy.
Ngài hỏi thêm lần thứ ba nữa:
- Ông thấy thật không?
Vị tăng nói:
- Dạ thấy.
Ngài Huyền Sa mới bảo:
- Ông cũng thấy, ta cũng thấy. Vì
sao nói là chẳng hội?
Như bây giờ bình hoa ở đây, ai
cũng thấy mà sao có người ngộ có người chẳng ngộ? Hai người đồng thấy một điểm
trắng rõ ràng, nhưng Thiền sư thì ngộ còn vị tăng chẳng ngộ, là vì vị tăng thấy
nó nhưng lại chạy theo nó nên quên mất chính mình. Chúng ta ở đây cũng vậy,
nhìn thấy bình hoa rồi đồng hóa mình với bình hoa nên quên mất thực tại. Học
thiền rất đơn giản, thực tế ngay trong cuộc sống, ngay nơi thực tại đây thôi.
Nhưng chúng ta không thấy được là do tâm mình quen tưởng tượng xa xôi.
Có lần một học giả đến học đạo
với Thiền sư Việt Khê, người Nhật Bản. Ông tha thiết hỏi về thiền đạo:
- Bạch thầy! Con đã nghiên cứu về
Phật học, Nho học hơn hai mươi năm. Những điều đó con hiểu rất nhiều, nhưng còn
một điểm con chưa rõ biết là thiền đạo. Xin thầy giải thích cho con hiểu về
thiền đạo.
Ngay đó Thiền sư Việt Khê tát cho
một tát tay. Ông bực tức bỏ đi, đến gặp vị thủ tọa ở trong chùa. Vị thủ tọa
thấy vẻ bực bội của ông, biết có chuyện nên Ngài cũng nhẹ nhàng bảo:
- Có việc gì vậy? Người học thiền
cần phải bình tĩnh, có việc gì mà phải bực bội, thôi ông hãy ngồi đây uống tách
trà đi.
Ông nghe vậy cũng hơi cởi mở,
ngồi xuống uống trà với Ngài thủ tọa. Trong khi ngồi uống trà thì ông liền tuôn
ra những lời bực bội về Thiền sư Việt Khê, đến hỏi đạo chưa gì bị tát cho một
bạt tay. Bất chợt, vị thủ tọa cũng đánh vào tay ông, tách trà rơi xuống đất vỡ
tan.
Vị thủ tọa mới nói:
- Vừa rồi ông nói là hiểu được
Phật học, Nho học chỉ còn có chút thiền đạo là ông chưa hiểu thôi. Bây giờ đây
tôi đã đem thiền đạo cúng dường cho ông rồi, ông có biết cái gì là thiền đạo
chăng?
Lúc đó ông ngơ ngẩn không biết
gì. Ông nghĩ Thiền đạo gì đâu, chưa chi đã bị đánh, tách trà rớt xuống đất. Vậy
là cái gì chứ?
Vị thủ tọa hỏi lại lần nữa, ông
cũng không biết. Vị thủ tọa mới nói:
- Thật là không xứng cho ông thấy
thiền đạo của chúng ta.
Vị thủ tọa bèn cúi xuống nhặt
những mảnh vỡ của tách trà lên, lấy giẻ lau khô nước trà ở trên nền đất. Rồi
bảo:
- Ngoài những thứ này ra còn có
thiền đạo nào nữa không?
Ngay đó ông liền tỉnh ngộ. Ông ở
lại tham thiền với Thiền sư Việt Khê.
Vậy thiền đạo ở chỗ nào? Đa số
người đi học thiền, cứ nghĩ thiền đạo là cái gì cao siêu trên trời trên mây.
Trong khi đó Thiền sư chỉ rất là đơn giản, ngay chỗ việc làm hàng ngày của mình
đây, như tách trà rớt xuống, lượm lên lau khô nước. Mọi cử chỉ chúng ta làm
trong tỉnh giác, sáng suốt thì đó là thiền đạo. Sống ngay thực tại hiện tiền
sáng ngời đó là thiền đạo. Như chúng ta đang làm bếp nấu nướng, làm trong tâm
sáng suốt tỉnh táo đó là thiền đạo.
3. Buông chổ duyên
Do tâm con người cứ đuổi theo
duyên bên ngoài, nhớ cảnh nhớ đối tượng, tâm luôn bám víu nên quên mất thực
tại. Bây giờ khéo buông những chỗ tâm duyên theo đó thì sống trở về thực tại.
Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: "Những người tu hành chẳng thể thành tựu được
Vô thượng Bồ-đề, cho đến thành Thanh văn, Duyên giác hay làm quyến thuộc của
ma, là đều do không biết được hai thứ căn bản, nên tu học lầm lộn.
Thứ nhất là căn bản sanh tử từ vô
thủy đến nay, tức các ông cùng chúng sinh dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Thứ
hai là thể Bồ-đề Niết-bàn thanh tịnh sẵn có từ vô thủy, là thức tinh nguyên
minh hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót. Do chúng sinh bỏ sót cái sáng
suốt sẵn có nên trọn ngày tu hành mà không tự giác được".
Cái biết nguyên vẹn, sáng ngời
(thức tinh nguyên minh) hay sanh các duyên tức là nó biết cái này, biết cái
kia, biết đủ thứ hết. Nhưng khi nó biết cái nào rồi thì nó chỉ nhớ cái đó thôi,
mà quên mất chính nó gọi là các duyên bỏ sót. Cũng như nó biết bình hoa thì nó
chỉ nhớ bình hoa mà quên mất chính nó, tức bị các duyên bỏ sót. Cho nên, tu
hành trọn ngày mà không có giác ngộ. Bây giờ chúng ta khéo tu chỉ chuyển lại,
nó biết cái này, biết cái kia, biết tất cả hết, nhưng không bỏ sót chính nó.
Chúng ta học thiền, chỉ khéo buông những chỗ duyên đó, luôn luôn nhớ lại chính
nó để nhận trở lại cái "gốc biết". Như vậy, chúng ta cũng thấy nghe,
hiểu, biết rõ ràng nhưng luôn luôn sáng ngời, đó gọi là trở về nguồn, sống với
thực tại. Ngược lại, chúng ta sống mà đánh mất chính mình gọi là sống mà giống
như chết, sống thiếu chủ.
Hàng ngày chúng ta sống là ai
sống? Mình sống, nhưng hỏi cái gì là mình thì không biết, đó gọi là sống thiếu
hồn. Có vị thầy Tây Tạng, khi qua Tây phương thấy trong nghĩa địa có những ngôi
mộ xây cho người chết rất khang trang, tốt đẹp. Vị thầy Tây Tạng mới nói với
những người đi theo: "Ở đây người ta xây những ngôi nhà rất tốt đẹp cho
những xác chết. Rồi cũng xây những ngôi nhà rất sang trọng cho những xác
sống". Qua đây vị thầy Tây Tạng muốn nhắn nhủ cho chúng ta điều gì?
Ngoài nghĩa địa là những xác
chết, còn đây là những xác sống. Tức là những người còn sống mà thiếu đi cái
hồn thì giống như xác, cái xác biết đi, biết đứng, biết cử động, tới lui nhưng
thiếu cái hồn nên gọi là xác sống. Như vậy nếu có mặt ngay chỗ đó, nghe vậy
chúng ta thấy cũng hổ thẹn. Vì chúng ta sống mà giống như những cái xác biết cử
động, biết tới lui nhưng thiếu cái hồn. Vậy chúng ta phải sống sao để thật sự
gọi là có hồn, nếu không thì là những xác sống. Chúng ta sống có chủ thì cuộc
sống mới sinh động đầy đủ ý nghĩa sống.
Có người phê bình đạo Phật là
chán đời nói cái gì cũng vô thường, giả dối không thật. Đó là vì người nghiên
cứu chưa tới, chỉ thấy trên lý thuyết Phật nói mọi thứ là giả nhưng không thấy
được cái chân thật mà Phật muốn chỉ bày cho con người. Sống với cái chân thật
đó mới thấy đời sống chúng ta có giá trị, nếu không thì cuộc đời này vô vị lắm.
Người tu mà hiểu đúng ý nghĩa Phật pháp thì rất vui vẻ tươi sáng. Hình ảnh các
vị Bồ-tát như Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền các ngài đâu có
buồn. Nghi dung các ngài rất trang nghiêm thanh tịnh ai nhìn vào cũng muốn phát
tâm tu theo. Do đó, chúng ta tu Phật phải biết được giá trị của Phật pháp, dạy
con người khéo sống trở về ý nghĩa chân thật, đừng tìm kiếm xa xôi.
Tổ Lâm Tế khai thị cho học nhân
như sau: "Người học hiện nay chẳng nhận được, là bệnh ở chỗ nào? Bệnh ở
chỗ chẳng tự tin. Nếu các ông tự tin chẳng kịp, liền lăn xăn theo tất cả cảnh
chuyển, bị muôn cảnh khác chi phối chẳng được tự do. Còn nếu các ông hay thôi
những niệm rong ruổi, thì liền cùng Phật Tổ không khác". Chúng ta cũng
luôn đang đi tìm tâm phải không? Nếu là tâm mình thì sao lại đi tìm? Vậy ai đi
tìm? Đó gọi là đem tâm đi tìm tâm. Như Diễn-nhã-đạt-đa ôm đầu mà chạy la lên
tôi mất đầu rồi, giống như người điên. Vậy thì chúng ta có làm chuyện này
không? Nếu không điên thì khỏi đi tìm. Nhiều khi chúng ta thấy người khác làm
giống như chuyện điên, nhưng kiểm lại không ngờ mình cũng điên theo. Tâm chúng
ta do mê lâu đời quá nên quên, bây giờ lại đem tâm đi tìm tâm. Đến khi tỉnh trở
lại, mới thấy chúng ta xưa nay đầy đủ hết, đâu có thiếu gì.
Ngài Lâm Tế nhắc thêm: "Các
ông muốn biết được Phật Tổ chăng, chỉ là người đang nghe pháp ở trước mặt ông
đó. Người học tin chẳng kịp liền hướng ra ngoài chạy tìm kiếm, dù cho tìm kiếm
được đều là tướng thù thắng của văn tự, trọn chẳng được ý Tổ sống". Ngài
Lâm Tế nhắc chúng ta muốn biết được lẽ thật cùng Phật Tổ không khác, thì chính
là "người đang nghe pháp ở trước mặt" thôi. Chính đó là lẽ thật.
Phật Tổ giác ngộ cũng giác ngộ
ngay chỗ đó, không đâu khác. Do người học tin chẳng kịp, mới hướng ra ngoài
chạy tìm kiếm, lo học Phật, học Bồ-tát, tìm thấy Phật, Bồ-tát v.v... nhưng học
được những cái đó là Phật, Bồ-tát gì? Phật, Bồ-tát trong kinh điển, trong sách
vở; học Phật trong kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa. Còn Phật, Bồ-tát sống là đang
ngồi nghe đây. Chúng ta có giải nghĩa được Phật, Bồ-tát thế này thế kia cũng là
tướng thù thắng của văn tự. Như Phật là giác, giác gồm có tự giác, giác tha,
giác hạnh viên mãn. Bồ-tát là hữu tình giác, vừa giác cho mình rồi giác hữu
tình, là giác cho người. Giải thích rất hay nhưng hỏi Phật, Bồ-tát ở đâu thì
không biết.
Có lần Quốc sư Huệ Trung nói
chuyện với một pháp sư thời Đường, là Cung Phụng Tử Lân.
Quốc sư hỏi:
- Phật nghĩa là gì?
Ông giải thích:
- Phật nghĩa là giác.
Ngài hỏi lại:
- Vậy Phật có từng mê hay không?
Ông đáp:
- Chẳng từng mê.
Quốc sư Huệ Trung gạn lại:
- Vậy thì dùng giác để làm gì?
Ông trả lời không được.
Như vậy, vị pháp sư chỉ hiểu trên
văn tự, nên chưa thấy Phật. Đó là muốn nhắc cho những người học Phật, phải học
sao cho thấu được ý nghĩa sống của Phật, chứ không phải chỉ học trên văn tự.
Phật chẳng từng mê, vậy dùng giác để làm gì? Nếu người khéo thì cũng có câu trả
lời: do chúng sinh mê nên dùng giác để giác ngộ cho chúng sinh. Chúng ta học
Phật là học đến những cái gọi là Phật pháp sống, chứ không phải chỉ học trong
văn tự, chữ nghĩa.
4. Tóm kết
Thiền là sống ngay thực tại, trả
về cho niệm hiện tiền sáng ngời đây thôi, chứ không gì khác. Nhiều người nghe
nói thiền tưởng đâu xa xôi, nên nghe học thiền rồi sợ nắm bắt không tới. Nhưng
hiểu kỹ rồi thiền đâu có xa, ngay chỗ chúng ta ngồi hiện thực nơi đây. Có lần
Mã Tổ đi dạo ngoài vườn cùng với ngài Hoài Hải, thấy bầy vịt trời bay ngang
qua, Mã Tổ liền hỏi:
- Đó là cái gì?
Hoài Hải thưa:
- Bầy vịt trời.
Mã Tổ hỏi:
- Bay đi đâu?
Hoài Hải đáp:
- Bay qua mất rồi.
Mã Tổ liền nắm lỗ mũi Hoài Hải
nhéo mạnh một cái. Hoài Hải đau quá la lên. Mã Tổ bảo:
- Sao không nói bay qua đi!
Ngay đó Hoài Hải liền tỉnh ngộ.
Thông thường chúng ta thấy bầy
vịt trời, chỉ nhớ bầy vịt trời, cho nên nó bay qua mình cũng nhớ nó bay qua.
Vậy thì còn cái gì "đang biết", "đang thấy" hiện hữu đây?
Nên Mã Tổ liền nhéo lỗ mũi ngài Hoài Hải một cái. Đau quá, Hoài Hải la lên. Mã
Tổ nói: "Sao không nói bay qua đi!". Bầy vịt trời bay qua, nhưng cái
gì đang biết đau, la lên đây, nó đâu có bay? Ngay đó Hoài Hải liền tỉnh ngộ.
Chính đó là cái đang hiện hữu nơi mình, nó đâu có bay đi.
Cũng như chúng ta ngồi nghe pháp
đây, cái gì đang nghe? Chúng ta chăm chú nghe thầy giảng, rồi chỉ nhớ theo
tiếng thầy mà quên mất chính mình lúc nào không hay. Cho nên học thiền là phải
học trở lại, chứ không phải cứ lo nghe tiếng này tiếng kia rồi quên mất chính
mình. Đây là phải khéo sống trở về với thực tại luôn hiện hữu. Nhưng do con
người có thói quen tưởng tượng, suy lường nhiều quá thành ra thấy thiền xa lạ.
Chính Hòa thượng Tôn sư cũng nói: "Thiền tông thực tế đến không ngờ",
tức là sát với chúng ta đến không ngờ. Chúng ta đang ngồi có mặt đây, vậy còn
phải tìm gì nữa? Lẽ thực là vậy, nhưng vì "quá thực" thành ra chúng
ta cho đó là lạ. Bây giờ hiểu rõ được lẽ thực, luôn soi trở về chính mình để
sống với lẽ thực đó thì không còn bị lầm nữa.
Đây xin kết thúc bằng câu chuyện
thiền: Thiền sư Vô Trụ phó chúc cho người đệ tử tên Vô Hữu một công án thiền
như sau:
Ngày xưa có một người đang đứng ở
trên một ngọn đồi cao. Ở dưới có ba người du khách đi ngang qua đường nhìn lên
thấy người kia đang đứng ở trên đồi. Ba người đi ở dưới mới bàn với nhau.
Một người nói:
- Chắc là anh ta đang mất vật gì
thân yêu, cho nên anh đứng đó kiếm.
Một người khác nói:
- Theo tôi, chắc là anh ta đang
đợi một người bạn thân nào đó.
Người nọ nói:
- Tôi trông thấy dáng vẻ của anh
ta giống như đang đứng thưởng thức không khí mát mẻ trên cao.
Ba người tranh luận hoài không ra
lẽ, mới đi lên trên đỉnh đồi gặp ngay anh đó hỏi.
Người thứ nhất hỏi:
- Này anh bạn, có phải anh đang
mất một vật gì quý hay không?
Người kia đáp:
- Không, tôi không có mất gì hết.
Người thứ hai hỏi:
- Vậy là anh đang chờ người bạn
thân nào đó phải không?
Anh ta nói:
- Không, tôi cũng không có chờ ai
hết.
Người thứ ba hỏi:
- Vậy thì anh đang đứng đây hóng
mát chớ gì?
Anh ta nói:
- Cũng không phải luôn.
Ba người mới cùng gạn hỏi:
- Vậy thì tại sao anh bạn đứng
đây, mà chúng tôi hỏi cái gì anh cũng nói không phải hết?
Anh kia nói:
- Tôi đứng đây chỉ là đứng đây
thôi!
Rất là đơn giản, đứng đây chỉ
đứng đây thôi. Những người kia là đại diện cho chúng ta đang ngồi đây. Bởi vì
trong đầu của chúng ta luôn luôn có vấn đề, cho nên nghĩ người ta đứng đó cũng
phải có vấn đề, gọi là suy bụng ta ra bụng người. Như vậy là sống mà quên mất
thực tại, lẽ thật người đứng đó là đứng đó thôi, nhưng theo thói quen chúng ta
nghĩ đứng đó là phải có vấn đề gì, nên bàn theo những vấn đề do ta suy diễn.
Đây là một công án thiền, để nhắc nhở đánh thức cho tất cả người học thiền thấy
rõ trong tư tưởng của mình nó quen suy nghĩ, quen có vấn đề, sống mất mình là
chỗ đó.
Bây giờ, chúng ta tập sống trở về
thực tại, "ngay đây và bây giờ" đây. Cửa giác ngộ đang mở sẵn cho
mình. Chúng ta nghe nói giác ngộ tưởng đâu xa xôi, nghĩ đó là chuyện dành cho
Phật, còn mình chắc không có phần. Nhưng Phật ra đời để giác cho chúng sinh,
kinh Pháp Hoa Phật nói: "Bản hoài của Phật ra đời, là để khai thị cho tất
cả chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật". Bản hoài của chư Phật ra đời là để
đánh thức cho chúng sinh chân lý giác ngộ có sẵn nơi mình. Ngay nơi tâm là
Phật, Phật cũng từ tâm mà Ngài giác ngộ, chúng ta cũng từ tâm mình mà mình giác
ngộ. Giác ngộ ở nơi tâm chứ không phải ở chỗ khác. Cho nên, không phải tìm giác
ngộ ở trong bộ kinh này, bộ kinh kia. Nhiều người cứ tìm giác ngộ ở trong kinh
Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết Bàn v.v... mà quên mất giác
ngộ thực là ở ngay nơi tâm mình. Chính đó mới là lẽ thực, là sức sống chân thật
có sẵn nơi mỗi người.
Vậy trong đây có ai không có tâm?
Ai cũng có tâm tức là có giác. Phật Tổ thấy được lẽ thật đó, nên thương xót
chúng sinh tìm mọi cách để nhắc nhở, đánh thức cho tất cả đồng giác ngộ, sáng
lên lẽ thật của chính mình. Ngài Lâm Tế nói: "Người học hiện nay sở dĩ không
nhận được, là bệnh ở chỗ thiếu tự tin". Đó là đem lại một sức mạnh cho
chúng sinh, mỗi người đều có tâm, đều có chân lý giác ngộ sẵn nơi mình. Gốc của
chúng ta là giác ngộ chứ không phải là chúng sinh. Chúng sinh là tên gọi tạm
lúc còn mê, khi giác rồi chúng ta là Phật. Chúng ta có đủ niềm tin để vươn lên,
không nên mặc cảm mình là chúng sinh nghiệp nặng, khó mong giác ngộ. Phật đã
chỉ rõ tất cả đều có Phật tánh, đều có tánh giác. Trong kinh Kim Cang, Phật
nhấn mạnh: "Chúng sinh tức chẳng phải chúng sinh, đó gọi là chúng
sinh". Phật không nói chúng sinh cố định là chúng sinh, mà ngài nói chúng
sinh tức chẳng phải chúng sinh, đó tạm gọi là chúng sinh thôi.
Như vậy, Mình là Phật tánh sáng
suốt, nên phải vươn lên, tiến lên. Học thiền là sống trở về với thực tại đang
sáng ngời, trở về với cái "ngay đây, bây giờ". Có những triết lý của
thế gian bàn cãi về thực tại thế này thực tại thế kia, nhưng còn bàn cãi về
thực tại thì chưa thấy thực tại. Nếu đã thấy rồi thì không còn gì để bàn nữa.
Còn bàn cãi là còn suy tưởng nên xa rời thực tại. Thí dụ có hai người đang nói
về anh A, người nói là anh A đó cao lớn, trắng trẻo. Người nói anh A đó cũng
hơi lùn lùn, da ngâm ngâm. Rồi cãi nhau hoài không ra lẽ, là vì lúc đó anh A
không có mặt ở đó. Nếu thực sự anh A có mặt, chỉ cần chỉ ngay anh bảo:
"Đây này!" là xong, không cần cãi. Cũng vậy, người đã thấy rõ thực
tại ngay đây thì không phải cãi, còn cãi nhau về thực tại là chưa thấy thực
tại. Vì vậy người học thiền cứ lo cãi nhau về thiền thì cũng chưa thấy thiền.
Thực tế, "thiền là ngay đây,
bây giờ". Mong tất cả nhận được lẽ thật này, thật sống với thiền sống, chứ
không phải sống với thiền chết, để quên mất thực tại sáng ngời ngay đây!
Nguồn: thuongchieu.net