Triết lý về sự Chết

Đặt vấn đề

Chết là gì? Hình như nó vẫn còn rất xa lạ với những người trẻ tuổi đang sống bình thản và vô tư trong cuộc đời, họ chả quan tâm gì đến cái chết, ai chết thì chết nhưng ta cứ sống khỏe mạnh để hưởng thụ và bon chen trong cuộc đời, từ đó nảy sinh ý nghĩ phải chăng suy niệm về cái chết chỉ dành cho những người sắp gần đất xa trời?

Tôi đã tham dự thánh lễ tại tại các nước châu Âu và Mỹ….. thì thấy nhà thờ chỉ toàn là những ông già bà cả, nảy sinh 2 khía cạnh làm người ta suy nghĩ, một là vấn đề suy thoái tôn giáo hai là phải chăng những ông bà già sợ chết nên đến các nơi linh thiêng nhằm tìm kiếm một cái gì đó bảo hiểm cho cái chết sắp đến?

Nhưng trong thực tế thì cũng có rất nhiều tình trạng lá vàng khóc lá xanh rơi xảy ra trong cuộc sống mà người ta vô tình hay cố ý không để tâm đến? Như vậy cái chết đã đến mà không hề phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ hay địa vị xã hội...

“ Lá vàng thì ở trên cây
 Lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời”

Nhưng hễ nghĩ đến cái chết là ai cũng thấy sợ hoặc hoang mang? Tại sao thế? Nó có mang một ý nghĩa gì không?

Khi cái chết đến, không điều gì có thể ngăn cản nó. Dù bạn là ai,có loại thân thể nào, dù bạn có đắc đạo hay chưa, cái chết sẽ chắc chắn phải xảy ra .

Một quan niệm đúng đắn về cái chết có lẽ sẽ giúp ý thức rõ hơn giá trị của cuộc sống, giúp sống lành mạnh tốt hơn và hiệu quả hơn, đó là lí do của bài viết.

 Chết là gì?

- Theo quan điểm khoa học

Từ điển bách khoa Britannica ấn bản đầu tiên (một768), định nghĩa đơn giản cho cái chết là “sự chia tách giữa phần hồn và phần xác”. Định nghĩa này cho thấy mối quan hệ giữa cái chết và các yếu tố tâm linh, nhưng nó không làm thỏa mãn với những người theo chủ nghĩa duy vật, không công nhận có linh hồn.

Nhà sinh lý học người Pháp Claude Bernard phát biểu: “Sinh vật lớn lên, suy tàn và chết” phát biểu này giống như quan điểm sinh bệnh lão tử của Phật giáo, cũng chưa phải là định nghĩa rõ ràng về cái chết và đến thế kỉ thứ một9, người ta đã có thể phát biểu rõ ràng dưới góc độ khoa học là “chết là khi não gặp phải những tổn thương không thể phục hồi được, đẩy tình trạng tim phổi ngừng hoạt động thành trạng thái “chết lâm sàng”. Ở người, thân não điều khiển các hoạt động như hô hấp, cử động và nói năng. Theo như định nghĩa này, một người được xem là đã chết về mặt pháp lý nếu não của người đó mất hoàn toàn tất cả các chức năng thần kinh đối với cơ thể. Nhưng việc xác định xem một bộ não phải bị tổn thương ở mức độ nào mới được tính là đã chết cũng còn nhiều tranh cãi.

Như vậy, ngoài cái chết lâm sàng ra , còn một cái chết nữa là chết thật sự, khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân hủy, cái chết này không gây tranh cãi gì nữa cho các nhà khoa học, ở đây bài viết muốn nói đến một cái chết thật sự.

Tóm lại, có thể thấy rằng theo quan điểm y học thì một người được định nghĩa là chết khi (1) hệ thống hô hấp và tuần hoàn ngưng (2) những công năng của não bộ, kể cả vành não chấm dứt.

-Theo quan điểm tôn giáo

Phật giáo cho rằng khi hơi thở chấm dứt là con người sẽ chết, nó là một trong 4 khâu của định luật "thành, trụ, hoại, diệt". Bất cứ sự vật nào thuộc thế giới hiện tượng, nghĩa là có hình có tướng, đều phải trải qua bốn giai đoạn của hiện hữu: Thành (từ chưa có trở nên có), Trụ (tồn tại một thời gian), Hoại (bị hư hoại, yếu dần, suy thoái), và Diệt (cuối cùng bị tiêu diệt, mất đi, không còn tồn tại nữa). Chết chính là khâu cuối cùng của 4 giai đoạn hiện hữu trên cho mọi vật sống.

Còn Thiên chúa giáo thì cho rằng chết là hồn lìa khỏi xác, chờ sự phán xét của Thiên chúa và linh hồn sẽ đi vào 3 cõi: luyện ngục (nếu mang những tội nhẹ), hỏa ngục (mang tội trọng) và thiên đàng (nếu có công đức trong khi sống). Trong ngày tận thế thì xác con người sẽ sống lại gắn liền với linh hồn con người trong 3 cõi nói trên.

Điều gì xảy ra sau khi chết?

Không ai có kinh nghiệm về cái chết nên cũng chẳng ai dám khẳng định về điều này, người ta chỉ có thể có những kinh nghiệm về cận tử (Near death ) mà thôi, có thể tóm tắt những kinh nghiệm lâm tử như sau: ý thức là đã chết, cảm thấy đã rời khỏi thân xác và từ bên trên nhìn xuống thể xác của mình, đi vào đường hầm hun hút, thấy ánh sáng cuối đường hầm, gặp lại những người thân yêu…..thấy lâng hạnh phúc….sau đó quay trở lại thân xác và hồi tỉnh. Nhưng cũng chẳng có gì là đảm bảo những kinh nghiệm cận tử này sẽ thật sự xảy ra khi con người chết, nó có thể do tình trạng thiếu oxy não tạo ra những ảo giác vừa kể?

Tất cả các quan điểm thuộc loại này đều phải tìm từ các tôn giáo.

Thiên chúa giáo tin rằng chết không phải là hết mà chỉ là một chuyển tiếp để bước vào đời sống vĩnh cửu, kinh Tiền tụng lễ cầu cho người chết đã diễn tả niềm tin này: “Lạy Chúa, đối với những người tin kính Chúa, sự sống không bị hủy diệt nhưng được biến đổi, và khi thời gian sống của họ trên trái đất này chấm dứt, họ có được một nơi cư ngụ vĩnh viễn trên trời”, do vậy người Công giáo cho rằng chết là được gọi về nhà Cha. Sách giáo lý Công giáo đã khẳng định rằng: "Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và xót thương để mỗi người thực hiện cuộc sống theo ý định của ngài, và sẽ không trở lại những kiếp sống khác nơi trần gian này nữa. Con người sẽ được phục sinh vào ngày tận thế.

Theo thánh Phao Lô, mặc dù chết là số phận đau khổ chung của loài người nhưng nó không nằm trong kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, mà là kết quả của tội lỗi của Adam và Eva trong vườn địa đàng, chính 2 người này đã để tội lỗi xâm nhập trần gian gây nên cái chết. Và qua cái chết trên thập giá, Đức Giê Su Ki tô đã giải thoát con người khỏi tội lỗi.

Phật Giáo quan niệm chết không phải là chấm dứt, và đau khổ không chấm dứt sau khi chết, nhưng vẫn tiếp tục cho đến khi nào giải được tất cả ác nghiệp. Luân hồi trả nghiệp là quan điểm không những của Phật giáo mà còn là quan điểm của các tôn giáo Ấn Độ khác trước khi đạo Phật ra đời (Ấn Độ, Bà La Môn giáo). Chết không phải là hết mà chỉ là sự thay đổi cảnh giới từ người sang những cảnh giới khác (Thiên đàng, địa ngục, A tu La, Người, Ngạ quỷ, súc sinh- gọi chung là Lục đạo)

Tại sao người ta sợ chết?

Cũng bắt nguồn từ các quan điểm trên thì việc sợ chết do các nguyên nhân sau:

- Sợ thân xác đau đớn trước khi chết

Các nhà khoa học đã tìm thấy nguyên nhân làm cho não bị chết là do không được cung cấp đủ oxy dẫn đến một sự đau đớn cho một con người sắp ra đi vĩnh viễn- bị mất cảm giác và dường như không thể hít thở được. Hơi thở người đó sẽ trở nên nặng nhọc và xen giữa là các khoảng dừng có vẻ rất đau đớn khổ sở.

Bardo của một người đang chết rất đau đớn bởi vì tiến trình của cái chết liên hệ đến đau đớn và đau khổ. Mặc dù tiến trình của sự chết nhiều khi rất nhanh chóng và chúng ta nghĩ người chết không có cảm thấy gì, nhưng chắc chắn là luôn có sự đau đớn. Ngay cả khi người chết trong khi còn hôn mê hay trong lúc bất tỉnh, tâm não băo giờ cũng kinh nghiệm đau đớn tế vi trong một biến cố thường được gọi là sự ngắt quãng của dòng sinh lực (Chokyi Nyima Rinpoche). Nhưng đây không phải là nguyên nhân chính của cái gọi là sợ chết.

- Sợ mất đi sự hiện hữu (cái có), để trở về cái không

Tôi đang có gia đình, bạn bè, tài sản rồi bỗng dưng tôi mất hết đề chết và tôi không biết được chết sẽ ra sao? phải chăng là trở về hư không cát bụi, ngay khi sống mà vẫn tưởng tượng ra chết rồi mà cũng có thể nối lại liên lạc với người sống, như ca từ của cố nhạc sĩ TCS.

“Người chết nối linh thiêng vào đời….” (nối vòng tay lớn), chết vẫn còn hy vọng mang theo nhà cửa, xe cộ, tiền bạc,…. (tập tục đốt vàng mã trong dân gian đã thể hiện điều này).

- Sợ cô độc và cô đơn, chết ra nghĩa địa nằm một mình cô đơn vắng lặng, cái cô đơn luôn ám ảnh con người, con người luôn sợ nó ngay cả khi lúc còn sống, vì thế mà công nghệ giải trí đua nhau mọc lên nhằm khỏa lấp sự cô đơn của con người. Tâm thức của con người chỉ ưa thích những cái đã biết và quen thuộc, còn những cái chưa biết thì thường là nó sẽ thấy hoảng sợ, chết là một khái niệm rất xa lạ và không thể kinh nghiệm nên người ta cảm thấy lo sợ khi đối diện với nó.

- Người ta chưa hoàn thành được trách nhiệm với một ai đó trong cuộc sống thì cái sợ chết sẽ gia tăng hơn nữa, người mẹ trẻ bị ung thư sợ chết sớm để con thơ bơ vơ trên cuộc đời không nơi nương tựa……

- Con người bị ám ảnh bởi tôn giáo, khái niệm địa ngục, hỏa ngục càng làm gia tăng sự sợ hãi của con người trước cái chết, ai mà không có tội, chết thì phải xuống địa ngục thì sao? những hình ảnh tra tấn linh hồn trong một8 tầng địa ngục, khái niệm hỏa ngục vĩnh viễn không mấy thích thú cho con người khi cái chết gần đến.

Ý nghĩa của sự chết

Có sợ hay không thì cuối cùng con người cũng phải chết, vậy thay vì sợ chết ta nên đi tìm ý nghĩa của nó.

Sự chết luôn gắn liền với con người, nên cái chết đã mang một ý nghĩa nhân bản. Trước sự ra đi của người thân yêu, con người ta trở nên sầu muộn và đau khổ, Triết gia Heidegger coi cái chết là một hiện tượng mang tính cá nhân nhất, không ai chết 2 lần mà cũng chẳng ai chết thay được cho ai mỗi người phải chết cho cái chết riêng tư của mình trong sự cô quạnh, đìu hiu. Sự sống đã mang một giá trị đến nỗi con người ta thà chấp nhận sống đau khổ còn hơn là chết, vẫn thích án chung thân hơn là tử hình, Albert Camus cho rằng “sự sống là giá trị của mọi giá trị”, nếu không có sự sống làm sao có tình yêu, có trí tuệ có tranh đấu, cho nên bằng mọi giá con người níu kéo sự sống, bệnh sắp chết cũng ráng chữa với quan niệm còn nước còn tát. Một hình ảnh của con người bằng mọi cách giữ lại tính mạng của những người thân yêu không thể không làm xúc động lòng người

Dưới góc độ của tiến hóa tâm linh thì sự chết tạo cơ hội cho con người ta tiến vào những cảnh giới tốt đẹp hơn (thiên đàng, niết bàn….), nếu ta sống hoài không chết thì còn gì là ý nghĩa cuộc đời, tất cả các giá trị đạo đức sẽ sụp đổ, còn ai sợ gì đâu mà không tranh giành, bon chen, lấn lướt trên tinh thần mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé…

Krishnamurti cho rằng ta phải để quá khứ chết đi, tập trung sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, chỉ như vậy mới cảm nhận được cái bao la khôn cùng của cảnh giới niết bàn nơi trần thế, sống hôm nay là chết đi với những cái hôm qua, sống giây phút này là chết đi với giây phút trước, sống và chết giao nhau trong từng giây phút. Hạnh phúc thực sự sẽ xuất hiện khi con người biết chết đi với quá khứ.

Khi cảm nghiệm thường xuyên cái chết của chính mình hay của những người thân quen sẽ giúp ý thức sâu sắc hơn về tính vô thường của cuộc sống, nó có thể làm giảm bớt sự bám víu vật chất nơi con người.

Thái độ của con người trước cái chết

Có rất nhiều thái độ trước cái chết. Theo dòng Lịch sử Triết học, có một số triết gia duy vật cho rằng, chết là hết, không có gì để nói hay suy tư gì nữa. Triết gia Hy Lạp Epicure nhìn cái chết theo một chiều hướng rất lạnh lùng: "Khi chúng ta sống cái chết vắng mặt, và khi chết là ta không còn sống nữa", vậy chả có gì phải lo lắng suy nghĩ, thật đơn giản. Còn triết gia Socrates bình thản uống chén thuốc độc trong lúc tranh luận về tính bất tử của linh hồn

Ông bà ta thì cho rằng, chết là một cuộc hành trình trở về quê hương đích thực (sinh ký tử quy), không sử dụng từ chết mà sử dụng từ qui tiên, qua đời, từ trần, tạ thế...., khoác một chiếc áo đẹp cho những khái niệm chẳng đẹp gì cả, đây là tính chất tế nhị của dân ta chăng? có nhiều cụ thản nhiên chờ giờ về với ông bà, thậm chí mua hòm để sẵn trong nhà, rồi thỉnh thoảng vào nằm thử xem ra sao? từ đó có thể thấy, chết không quan trọng mà sống ngay lành, trong sạch, hoàn tất trách nhiệm mới là vấn đề để có thể an nghỉ nhắm mắt ngàn thu.

Lại có người có thái độ bất mãn với cái chết, nhà thơ Du Tử Lê trước sự chứng kiến cái chết của những người thân đã đặt ra những câu hỏi vô cùng thống khổ: "Chưa bao giờ tôi thấy kiếp sống con người lại có thể vô nghĩa đến thế?"

Thái độ của người Ki Tô giáo thì luôn dọn mình sạch sẽ trước phút ra đi, càng sạch càng tốt, vì sợ phải vào luyện ngục hay hỏa ngục, đây cũng là một thái độ mang tính nhân bản, giúp cho xã hội được tốt hơn, đẹp hơn, làm đẹp xã hội sẽ là phương tiện giúp cho người Ki Tô giáo thẳng bước lên thiên cung đời đời hạnh phúc.

Còn Phật tử cũng thế, cố gắng tạo nhiều công đức để sinh thiên, để đầu thai trong những cảnh giới tốt đẹp và thuận lợi hơn. Đó cũng là mặt tích cực của việc sợ chết, suy niệm về cái chết có thể giúp con người sống tốt hơn.

Kết luận

Bài viết không đề cập tới sự đúng sai của các quan niệm về cái chết mà chỉ muốn hướng tới thái độ tích cực của con người khi triết lý về nó. Qua suy nghĩ về cái chết con người sẽ nhận ra giới hạn của kiếp người, tính bất định của sự sống, qua đó có thể sống tốt hơn, làm lợi cho tha nhân nhiều hơn, và bình thản đón nhận cái chết, mặc dù chưa biết nó sẽ đi về đâu, chỉ hy vọng là được lên thiên đàng, hay vào những cảnh giới tốt đẹp hơn sau khi chết, bao nhiêu đó cũng quá đủ để giảm thiểu sự đau khổ của kiếp người. Tuy nhiên, cần phải ý thức rằng hạnh phúc thiên đàng hay niết bàn không phải là một thứ hạnh phúc được lập trình sẵn, trong đó con người như là những robot, mà cần thiết phải hành động và dấn thân trong niềm thương yêu con người thật sự, không nên coi   con người như là một công cụ để đạp lên trên con đường tiến tới niết bàn hay thiên đàng gì đó sau khi chết....

Hoangnguyen
Nguồn: sachxua.net
Previous Post
Next Post