Bi kịch nhị nguyên và số phận con người

Khái niệm Nhị nguyên luận (Dualisme) được dùng trong nhiều lĩnh vực của tri thức. Bất cứ một lý thuyết nào xác định sự phân ly không thể thu hẹp được giữa hai loại sự vật thì đều có thể gọi là thuyết nhị nguyên. Nhị nguyên Triết học xác định sự phân ly giữa thể xác và linh hồn với người khởi xướng là nhà triết học duy lý Descarte. Trong đạo đức học, thuyết nhị nguyên xác định sự tách biệt giữa Thiện và Ác. Trong tôn giáo thì thuyết nhị nguyên tách biệt cái Thiêng và cái Phàm, tồn tại song song và không phụ thuộc với nhau trong đời sống. Như vậy, ta phải lựa chọn ở đây một khái niệm nhị nguyên theo nhiều chiều kích để diễn giải vấn đề mấu chốt trong sự lý giải của tôn giáo về số phận con người.

Vấn đề ấy được đặt ra ngay từ sự hữu hạn của sinh mệnh con người, sự phân ly không thể lấp đầy giữa cái sống và cái chết. Đó là một bi kịch vĩnh hằng của nhân thế. Đó cũng là cái khả năng yếu ớt của con người trước sự giằng xé của cái Thiện và cái Ác. Rốt cuộc, con người cần đến sự cứu rỗi, sự giải tội, sự giải thoát nói chung. Và chừng nào còn có những trắc trở của mối bi kịch nhị nguyên đó, thì hầu như vẫn còn có mảnh đất cho mọi sự suy tư về tôn giáo. Có lẽ không có một lời nào diễn tả với tầm triết lý sâu xa về cái bi kịch nhị nguyên này hơn là lời của Pascal đã nói từ thế kỷ 17: “Tôi run sợ trước cái im lặng của vũ trụ, và sự lơ lửng của con người giữa hai cái vô hạn vi mô và vĩ mô”.

Câu nói này hẳn đã báo hiệu một trào lưu tư tưởng về sau này của nhiều nhà toán học, vật lý học, thiên văn học... nghĩa là các nhà khoa học tự nhiên, cùng với các triết gia, tạo ra một cuộc chuyển hướng chủ đề tranh luận về sự hiện hữu của Thượng đế và Thần linh, sang chiều kích tâm linh của con người, dù là người có tín ngưỡng hay không.

Có thể nêu một sự kiện gần đây hơn vào năm 1996 đã xuất hiện cuốn sách Dieu et La Sience (Thượng đế và khoa học), ghi lại cuộc đàm luận giữa một nhà Triết học viện sĩ Hàn lâm Pháp với hai nhà Vật lý lý thuyết và thiên văn học Nga.

Trong lời nói đầu cuốn sách đó, nhà Triết học Pháp Jean Guitton đã viết:

“Trong suốt cuộc đời mình, tôi nghĩ tới một vấn đề đặt ra cho tất cả mọi người: ý nghĩa của sự sống và cái chết. Xét đến cùng, đó là vấn đề duy nhất mà động vật biết suy nghĩ đụng phải từ buổi đầu: động vật biết suy nghĩ là động vật duy nhất nghĩ về cái chết, nghĩ về cái chết của mình. Và để soi sáng con đường của mình trong tăm tối, để thích nghi với cái chết, động vật rất thích nghi với sự sống ấy chỉ có hai ánh sáng: một gọi là tôn giáo, một gọi là khoa học”.

Rốt cuộc, chúng ta vẫn trở về với vấn đề muôn thuở mà ở phương Đông chúng ta quen diễn tả bằng hình ảnh hai cánh cửa của đời người, cửa sinh và cửa tử. Không ai thoát khỏi hai cánh cửa ấy: “sinh tử quan đầu mạc năng độ”. Sự khác nhau có lẽ tùy ở cách nhìn, và những người đạt đạo, chứ không nhất thiết là có tín ngưỡng, sẽ nhìn một cách nhẹ nhàng hơn là người “tham sinh úy tử”.

Cứ theo chiều hướng đó, thì cuộc thảo luận về tôn giáo sẽ hướng về vai trò, hoặc là hiệu năng của nó, đối với sinh hoạt của con người ở trần thế này, hơn là về những bí ẩn siêu nhiên. Đơn giản hơn, có lẽ con người có thái độ như thế nào với tôn giáo, không phải là do sự phán đoán rằng các tín điều là đúng hay sai, mà là suy nghĩ rằng tôn giáo đem lại điều gì cho con người ở đời này, về mặt cá nhân cũng như xã hội.

Ở đây, chúng ta chưa thảo luận về những điều có lợi hay bất lợi của các tôn giáo, nhất là các nghi thức, các qui tắc hành vi, tập tục đi kèm với các tín ngưỡng này hay khác. Phải mất cả mấy ngàn trang viết cũng không nói hết được khía cạnh này. Giữa các tôn giáo lại có rất nhiều cách khác nhau (ngay giữa Hòa Hảo và Cao Đài cũng khác nhau nhiều trong các nghi lễ về cái chết chẳng hạn).

Ta hãy thảo luận chủ đề này trên lĩnh vực thuần túy triết học để thấy rằng, cái bi kịch nhị nguyên rốt cuộc, đã bao trùm lên chính những tranh cãi bất tận về hữu thần hay vô thần, về Thiện và Ác, về cuộc sống là có nghĩa hay vô nghĩa... Ta có thể tóm tắt cuộc tranh cãi này như sau:

Những người đánh giá tôn giáo một cách tích cực thì nghiêng về chỗ cho rằng, tôn giáo thực sự là một nhu cầu do bản năng sinh tồn của nhân loại mà ra, nhu cầu khẳng định sự sống và ý nghĩa cuộc sống, dù rằng rốt cuộc vẫn có cái chết. Có lẽ H.Bergson là người nói rõ quan điểm này hơn cả khi ông nhấn mạnh rằng, nếu chỉ suy luận theo lý trí, thì một đầu óc sáng suốt sẽ thấy rằng, cuối cùng, vũ trụ, nhân sinh là một cái gì đó vô nghĩa. Nếu thế thì mỗi người nên tự hủy cuộc sống của mình, mà cũng nên chấm dứt sự tồn tại của nhân loại càng sớm càng hay. Không nên để cho cái bi kịch nhị nguyên đùa dai mãi.

Ví biết phù sinh đời có thế
Thông minh tài bộ thế gia chi
Công thành danh toại chung qui hão
Nhắm mắt buông tay giữ được gì.

Vấn đề không phải là được mất cái gì mà là một ý nghĩa nào đó để sống và nhất là để vượt lên cái bi kịch nhị nguyên của cuộc sống. Ý nghĩa ấy có thể là tình thương yêu, là tự giác giác tha, tự ngộ ngộ tha, là từ bi, là bất tranh, là bất hại, là vô vi trong cái thế giới hữu vi... Tóm lại, là sự lựa chọn một thái độ sống đến mức chí thiện, và bằng cách đó, đẩy lùi cái Ác trong chừng mực nào đó có thể, tuy không tiêu trừ được nó hoàn toàn, vì nó cũng là một phần của thân phận làm người.

Những người đánh giá tôn giáo một cách tiêu cực về mặt Triết học thì cho rằng, tôn giáo là sự phản ánh hư ảo trong đầu óc con người, những lực lượng bên ngoài thống trị họ trong cuộc sống, sự phản ảnh trong đó, các lực lượng trần thế mang hình thức các lực lượng siêu phàm.

Thuyết vô thần là lập trường triết học của thái độ phê phán tôn giáo. Đặc biệt là trong xã hội có giai cấp, mà việc thờ tôn giáo gắn liền với sự bóc lột và cảnh bần cùng của quần chúng. Xóa bỏ được chế độ người bóc lột, áp bức người, thì tôn giáo mất đi một cơ sở quan trọng để đứng được trong lịch sử. Vậy tôn giáo rồi sẽ mất đi. Nhưng việc tôn giáo mất đi không phải là một quá trình tự động, mà phải trải qua quá trình giáo dục lâu dài cho quần chúng. Tác dụng tiêu cực của tôn giáo là ở chỗ nó làm phương hại cho việc tự thể hiện chính mình của con người, lại thêm cái tác hại là làm cho con người sao nhãng những việc đem lại hạnh phúc thiết thực bằng cuộc đấu tranh thực tế để đi tìm sự an ủi bằng ảo tưởng, nhất là ở các tầng lớp bị áp bức. “Hạnh phúc là đấu tranh” đó là một châm ngôn trang bị một nghị lực phi thường cho con người trong đời sống trần thế.

Thật ra, một đường lối “giải thoát” và một đường lối “giải phóng” không tự chúng là đối nghịch với nhau. Cả hai đều có một mục tiêu ít nhiều gặp nhau trong sự giảm thiểu những đau khổ, dù nhấn mạnh vào nguồn gốc tâm linh hay nguồn gốc xã hội của các đau khổ ấy. Chỗ khó khăn có thể là ở những khái niệm “hữu thần” và “vô thần”. Phần nào, khái niệm Thần luận mà chúng tôi đã cố ý bàn nhiều từ trước đến giờ, có thể là một quan điểm nhận thức luận giúp giải tỏa các khó khăn ấy.

Nhưng đến đây, chúng ta đã vượt khỏi ranh giới của nhận thức luận để bước qua ranh giới của Đức tin, mà với Đức tin thì không thể hoàn toàn lấy lý trí mà phán xét được. Sự thỏa thuận giữa tin và không tin, giữa các niềm tin khác nhau, nhiều lúc chỉ có thể là sự dung hòa, tôn trọng lẫn nhau và tránh mọi điều kì thị.

Thiết tưởng, cũng nên nhắc đến một tiếng nói rất đáng nể trong bất cứ cuộc tranh luận nào khi chứng minh cho sự tồn tại của Chúa-đó là tiếng nói của B. Pascal- nhà toán học và là một nhà sáng lập ra Thuyết xác suất. Trong cuốn “Những suy tưởng”, ông đưa ra một sự đánh cuộc nổi tiếng của mình khi chỉ ra rằng: nếu bạn không có khả năng giải quyết vấn đề tồn tại của Chúa, thì hãy xem xét thận trọng rằng, chúng ta có thể có lợi hay có hại gì nhờ niềm tin hay không có niềm tin.

-Nếu bạn tin vào Chúa và Chúa tồn tại, thì cái lợi của bạn sẽ là hạnh phúc vĩnh cửu.

-Nếu bạn tin vào Chúa, còn Chúa không tồn tại thì bạn không mất gì.

-Nếu bạn phủ định sự tồn tại của Chúa, và Chúa thật sự tồn tại thì bạn đánh mất khả năng có hạnh phúc vĩnh cửu.

-Nếu bạn phủ định sự tồn tại của Chúa và Chúa không tồn tại, bạn không có lợi gì.

Trong những lập luận hơi vẻ bông đùa của Pascal, ta có thể thấy rằng tự do đức tin là một vấn đề hoàn toàn của cá nhân, mỗi người tự quyết định lấy từ lợi ích thuần túy tâm lý của mình, mà không bắt buộc phải chứng minh theo bất cứ một nguồn tri thức nào.
Như vậy, gắn liền với Chúa, có nhiều cách thể hiện đức tin ấy trong hành động. Và ta không nên hỏi đâu là lôgíc trong đức tin mà cần hiểu hành động ấy thế nào.     

Previous Post
Next Post