
Hôm qua, đứa con nhỏ 4 tuổi đã
khiến tôi thực sự bối rối khi yêu cầu tôi dạy nó vẽ một bông hoa cho bức tranh
về thiên nhiên của mình. Nguyên do là buổi sáng ở trường, cô giáo đã dạy nó về
đề tài thiên nhiên, về hoa lá, về ông mặt trời, về những đám mây, về mưa. Thế
giới ấy được mô tả sinh động đến mức đứa trẻ quyết định tự vẽ cho mình một bức
tranh. Nhưng nó còn lúng túng với việc vẽ nên một bông hoa. Bởi vậy, nó đã nhờ
đến tôi.
Mải ngồi lướt web, say sưa với
những tin thời sự giật gân, tôi đã vẽ rất nhanh những đường tròn bện vào nhau,
để thành một bông hoa năm cánh vô hồn vô nghĩa. Vẽ để cho xong. Đúng nghĩa là
như thế. Một bông hoa cho một đứa trẻ 4 tuổi thì cần gì phải cầu kì cơ chứ. Tôi
đã nghĩ như vậy. Rất nhiều người đã nghĩ như vậy. Và đó mới chính là sai lầm
của những người lớn chúng ta.
Chúng ta chăm lo cho bọn trẻ theo
cách sắm cho chúng những bộ quần áo mới, nấu cho chúng những món ăn bổ dưỡng
nhất. Chúng ta suýt xoa đau đớn khi chúng vấp ngã. Thay bằng việc để trẻ tự đi,
chúng ta bế ẵm, nâng niu chúng một cách thái quá. Chúng ta cố giữ cho lũ trẻ
những bàn tay không dây bẩn, những mái tóc luôn buộc tết gọn gàng và xinh xắn.
Chúng ta hài lòng về những gì tốt nhất mà mình đã làm cho đứa con của mình. Và
cảm thấy thế là lũ trẻ đã đủ đầy, bởi vậy chúng ta cũng hài lòng với chính
mình.
Tôi cũng đã bảo bọc đứa trẻ của
mình trong vòng nôi ấm như thế. Không mảy may hỏi xem chúng có hạnh phúc không.
Tệ hơn, mỗi khi chúng phản ứng lại lập trình mà cha mẹ lập ra cho mình, tôi đã
quát mắng chúng. Rằng chúng đang được sung sướng mà không biết cảm ơn bố mẹ.
Chúng ta dằn dỗi, bực dọc trong nỗi sợ hãi và hoang mang của đứa trẻ. Để rồi
sau đó, chúng sẽ không còn dám thổ lộ về nhu cầu sống của mình với người lớn
chúng ta. Thậm chí, chúng tự triệt tiêu những ham muốn của mình.
Suy nghĩ của chúng ta về nhu cầu
của một đứa trẻ - thật giản đơn vô cùng. Chúng được ăn no, được mặc ấm, được
khỏe mạnh, thế là đủ. Chúng ta, thậm chí không dám đưa chúng ra ngoài trời vì
sợ nắng, sợ gió khiến chúng có thể bị đau ốm. Rồi chính chúng ta lại ngạc nhiên
vì sao những đứa trẻ thành phố được chăm sóc chu đáo như thế mà vẫn ốm đau suốt
ngày, còi cọc quanh năm. Tại sao những đứa trẻ quê, chân trần, áo mỏng, ăn uống
tuềnh toàng nhưng cả năm không hề biết đến ốm đau và chúng có thể lớn nhanh đến
vậy.
Tôi cũng đã “gói ghém” đứa con
của mình kĩ càng đến mức tốt nhất có thế. Và nghĩ rằng nó không còn gì phải
phàn nàn. Nó – đương nhiên - phải hài lòng đón nhận những gì tôi mang lại cho
chúng, sắp đặt cho chúng, dạy chúng.
Vậy mà thật bất ngờ, khi đứa trẻ
4 tuổi nhìn thấy bông hoa năm cánh tôi vẽ cho nó, nó đã nhìn tôi với ánh mắt lạ
lẫm chưa từng có. Đôi mắt trong veo của nó chứa những câu hỏi đầy nghi hoặc,
đầy thất vọng: đây mà là hoa ư? Thế nó là hoa gì? Đôi mắt của đứa trẻ khiến tôi
bàng hoàng và xấu hổ khôn xiết. Tôi nhìn bông hoa mình vừa vẽ, lòng tái tê. Nếu
gọi những nét vẽ nguệch ngoạc, vô thức ấy là bông hoa, thì đó là một sự xúc
phạm nặng nề cho những bông hoa được mọc lên từ đất mẹ và hít thở khí
trời. Sự vô duyên ấy không tồn tại ở
loài hoa.
Đã lâu, rất lâu rồi, tôi không có
thời gian để ngắm một bông hoa thực sự. Một bông hoa e ấp trong một buổi
sớm còn ướt sương, run rẩy đón những tia
nắng đầu ngày. Trong cái tinh khiết tĩnh lặng của buổi sớm mai ấy, một làn
hương rất dịu nhẹ khe khẽ ngân lên, làm tâm hồn chúng ta như muốn cất cánh.
Tôi không còn nhớ được lần cuối
cùng, khi tôi đối diện với một bông hoa, giữa thiên nhiên trong lành là từ bao
giờ. Tất cả những hình ảnh ấy chỉ còn vọng ngân lại từ một thưở xa xưa. Rất xa.
Nhưng dù sao, thật may, những kí
ức tuyệt diệu ấy vẫn còn lưu dấu trong trí tưởng của tôi. Nó khiến tôi – lúc tự
ti hay nản lòng, còn có những niềm an ủi, vỗ về. Nhưng chưa bao giờ tôi tự hỏi,
liệu những đứa trẻ của tôi, đã bao giờ thực sự hạnh phúc với những gì tôi đang
làm cho chúng?
Tôi luôn khiến thời gian sống của
mình trở nên bận rộn một cách thái quá, bởi những việc không tên và có tên, có
lý và vô lý. Thay vì một buổi tối ngồi quây quần cùng những đứa trẻ, trò chuyện
với chúng, tôi lại không thể rời mắt ra khỏi màn hình ti vi, với những bộ phim
kinh dị, đầu rơi máu chảy. Thay vì một ngày cuối tuần thư giãn, có thể dắt
những đứa trẻ đi dạo ngoài công viên, hít thở
không khí trong lành thì tôi lôi chúng vào siêu thị, mân mê những thứ
hàng hóa xa xỉ hàng tiếng đồng hồ.
Tôi đã không thể quên được cái
ngày tôi cho lũ trẻ về quê. Không quên được vẻ mặt hân hoan của chúng khi lao
ra vườn, reo lên sung sướng. Lần đầu tiên trong đời, chúng được tận mắt chứng
kiến một đàn gà bằng xương bằng thịt, đang cần mẫn kiếm mồi. Những con gà trong
sách vở không làm cho chúng thỏa mãn. Và chúng cũng chỉ có thể tưởng tượng ra
tiếng gà kêu trong sự hình dung quá đỗi mơ hồ. Còn ở đó, hiển hiện trước mặt
chúng, sống động vô cùng, những con gà chân sần mỏ nhọn, mắt đen ướt long lanh.
Đám trẻ sấn vào giữa đàn gà để được vuốt ve những con vật đáng yêu ấy. Nhưng
những con gà thấy đám trẻ có phần quá khích thì bỏ chạy toán loạn. Chỉ sau khi
thấy đám trẻ không phải là mối hiểm nguy thì chúng mới lại tiếp tục quay trở
lại vườn, nhẩn nha kiếm ăn.
Đêm ấy, những đứa trẻ đã ngủ muộn
hơn thường lệ. Chúng nói với nhau không dứt về những con gà, những ngọn rau vừa
nhú, những con bướm bay chấp chới. Thậm chí là chuyện về những viên sỏi lăn
trong vườn nhà. Đó là cả một thế giới kì diệu mà chúng chưa từng biết đến.
Chúng lập tức quên ngay lời cảnh báo
trong những bài học vệ sinh hàng ngày mà tôi cố nhồi nhét cho chúng, đó là việc
giữ chân tay sạch sẽ, nếu không vi khuẩn sẽ xâm nhập cơ thể, có thể làm cho
chúng bị ốm. Chúng bất chấp những viên sỏi có thể làm cho chân mình bị đau.
Thay vào đó, chúng được chạm làm mặt đất mát mềm, được khỏa chân xuống làn nước
ao trong xanh, được nhìn những đám lục bình trôi lờ lững. Và lớn hơn hết thảy,
là chúng được tận mắt, tận tay khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới, vô cùng
sống động chứ không phải là thế giới mà người lớn sắp đặt ra cho chúng.
Thế giới hàng ngày của chúng là
những khối hộp vuông vức và chật hẹp. Một thế giới mà mọi thứ đều được lập
trình sẵn, giờ nào ăn, giờ nào đến trường, giờ nào chơi. Nó nhàm chán đến mức
những người lớn chúng ta cũng tự cảm
thấy chán sự tẻ nhạt, đơn điệu trong cuộc sống của mình. Chúng ta không thể
hiểu nổi tại sau những đứa trẻ sẵn sàng khước từ đống đồ chơi mầu mè vừa được
tặng trong ngày sinh nhật để ngồi hàng giờ với đống đất nặn nhem nhuốc, để tự
sáng tạo cho mình vô số đồ vật mà chúng tự nghĩ ra.
Và thực ra có gì lạ khi một đứa
trẻ 4 tuổi, đã không giấu được sự thất vọng của mình trước một bông hoa năm
cánh … chẳng giống hoa! Trong khi người lớn vẽ ra những thứ vô hồn thì đám trẻ
lại biết vẽ lên những đám mây có mắt có
mũi, có những mái tóc lượn sóng. Những đám mây ấy – thực sự là những sinh linh,
những người bạn của chúng. Và đứa trẻ không thể chấp nhận một bông hoa vô duyên
mà tôi đã dạy cho nó.
Sự khước từ ấy, khiến tôi xấu hổ.
Người lớn chúng ta, hóa ra không
bằng trẻ nhỏ. Chúng ta biến cuộc sống của mình trở nên nhàm chán và rỗng tuếch.
Thay bằng việc bước ra ngoài thiên nhiên, tận hưởng những bông hoa rạng rỡ khoe
sắc trong nắng, bung nở những hương thơm quyến rũ, chúng ta sắm về nhà những
bình hoa giả vô hồn và tốn kém. Ngay cả những bó hoa chúng ta tặng nhau ngày
tình nhân, dù chúng đắt đỏ đến mức khó tin, nhưng những bông hoa được gói gém
trong ấy cũng bị nhồi nhét giữa đủ thứ giấy mầu sặc sỡ. Bởi vậy những bông hoa
ấy, nó có cái vẻ lộng lẫy giả tạo, sang trọng giả tạo. Không cần đến những thứ
phục trang cầu kỳ, thì những bông hoa đã là một thứ nhan sắc của trời, quà tặng
vô giá của thiên nhiên.
Chỉ có chúng ta vì nông cạn, vì
dốt nát, vì thích phô trương, vì thiếu tự tin, chúng ta đã khiến cho những bông
hoa trở nên kệch cỡm và lố bịch. Chúng ta rắc vào những bông hoa ấy đủ loại kim
tuyến óng ánh, chằng buộc cho chúng đủ mầu ruy băng; thậm chí cả đính cả ngọc trai giả vào hoa, vì
tưởng rằng thế mới là đẹp. Than ôi, sự ngu ngốc của chúng ta đang chà xiết lên
những giá trị mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho chúng ta.
Những đứa trẻ rồi sẽ ra sao, nếu
chúng cũng suốt ngày chìm ngập trong thế giới của những bông hoa kệch cỡm vô
hồn, những khối nhà chật hẹp và những lộ trình cứng nhắc mà người lớn chúng ta
áp đặt cho chúng? Chúng đang phản ứng lại với chính chúng ta.
Hóa ra đôi khi chính những đứa
trẻ mới thực sự biết Sống và đang dạy cho chúng ta cách sống.
Nguồn: phongdiep.net