Cái tư duy thực dụng

Tai họa đến với con người chúng ta, không phải từ những suy tưởng siêu hình mà từ những suy tư thực dụng của khoa học.

Các nước phương Tây đã biến những suy tư khoa học, thành tư duy thực dụng, khiến cho môi trường sống của con người và loài vật càng ngày càng trở nên ô nhiễm và độc hại.

Khoa học thực dụng của Tây phương đã biến con người trở thành vô dụng của sự sống và đã khiến cho con người chạy đua và bám lấy sự sống một cách tội nghiệp, như những bầy thú chạy đua và bám lấy những khúc xương khô để khới gặm.

Trong xã hội thực dụng ấy, con người không còn là người nữa, con người là những dụng cụ giây chuyền để sản xuất, là một bộ phận sản xuất của nhà máy, của xí nghiệp, của nông trại. Với một xã hội như vậy, con người không còn có thì giờ để làm cha, làm mẹ, làm vợ chồng, làm anh em với nhau; không còn có thì giờ để suy tư về tốt và xấu; công việc cá nhân, gia đình, tình cảm, thể hiện đức tin, tất cả đều dồn vào ngày chủ nhật.

Và tất cả cuộc sống con người chỉ là vậy, thì những tư duy thực dụng của khoa học Tây phương đưa con người chúng ta đi về đâu? Phải chăng, chúng đang đẩy con người đi đến với đời sống vô cảm.

Bệnh vô cảm là cơn bệnh khủng khiếp nhất của con người, nó còn nguy hiểm hơn cả ngàn lần bệnh HIV.

Do bị mắc bệnh vô cảm, nên con người không còn biết sống là gì, không còn biết thiên nhiên là gì, có đâu mà có được những suy tư về sự sống, để có khả năng tiếp nhận sự sống một cách có ý nghĩa.

Vì tham lam, vì tư duy thực dụng, con người đã sử dụng khoa học kỹ thuật để bóc lột thiên nhiên, bóc lột loài vật, thực vật, đất đai và bóc lột đồng loại, khiến cho thế giới con người ngày càng trở nên bệnh hoạn và điên dại, và người chủ trương bóc lột ấy lại càng bệnh hoạn và điên dại hơn.

Biết lập đức

Càng văn minh vật chất, con người lại càng sinh ra những sinh hoạt hưởng thụ thấp kém và phiền toái.

Càng giàu có vật chất, con người lại càng sinh ra những lo lắng, sợ hãi, thất vọng và khổ đau.

Trong mọi sự sinh hoạt của xã hội con người, ta hiếm thấy xảy ra ở nơi một người, vừa giàu có vật chất mà lại vừa giàu có tâm hồn. Phần nhiều, người giàu có vật chất là người rất nghèo nàn về tâm hồn và rất dễ khiếm đức.

Nên, những bậc có trí trong đời, thường trọng đức mà khinh tài, nhưng những kẻ vô trí trong đời thì coi trọng tiền tài mà coi thường đức hạnh và nhân nghĩa.

Đức hạnh bị khinh thường, thì xảo trá điêu ngoa, gian dối phát triển, đạo đức xuống cấp, nhân cách hủ bại, thuần phong rách nát.

Nên, những bậc có trí trong đời dùng đức để lập thân. Họ biết lập đức trước khi lập thân và lập ngôn; kẻ ngu trong đời thì lập ngôn trên xảo trá và lập thân trên gian tà, khiến cho thân càng ngày càng sa đọa, và ngôn càng ngày càng trở nên nham hiểm và vô luân.

Bàn tay thảnh thơi

Một người thương ta có gốc rễ từ lòng tham của họ, khiến cho ta không an lạc, không thảnh thơi và nếu ta thiếu chánh niệm tỉnh giác, năng lượng của sự thương yêu ấy thẩm thấu vào trong ta, làm cho ta sống trong giẫy giụa và chết trong thất vọng, khổ đau.

Và một người thương ta có gốc rễ từ hỷ và xả, khiến sự an lạc của ta sinh khởi một cách tự nhiên; giúp ta sinh khởi niềm tin, và khiến tuệ giác trong ta càng ngày càng sáng ngời, nên mỗi ngày đi qua là mỗi ngày làm cho sự tự do trong ta lớn lên, khiến cho ta nhìn cuộc đời bằng con mắt tự do, và mọi vật đều có sự thảnh thơi khi bàn tay ta chạm đến.

Phật và Thượng đế

Ta đã có thể gọi danh hiệu Đức Phật với một ngày cả ngàn lần, và ta cũng đã gọi tên Thượng Đế qua những đêm thâu cầu nguyện, nhưng tất cả các Ngài đều im lặng đối với ta, để cho hạt giống Phật trong tâm hồn ta sinh khởi và quyền năng sáng tạo của Thượng Đế trong ta biến thành hiện thực.

Khi trong đời sống của ta không còn vô minh, hận thù và quyết đoán sai lầm, thì ta là Phật. Và trong cuộc sống, ta có chủ quyền và có khả năng sáng tạo thì ta là Thượng Đế.

Như vậy, Phật và Thượng Đế không phải là ai xa lạ mà chính là tâm hồn trong sạch và khả năng sáng tạo trong mỗi chúng ta!

Previous Post
Next Post