Chết

Người đời thường sợ cái chết. kẻ giàu có, nhiều của cải sợ chết vì chết rồi chẳng mang theo được cái cả đời họ gom góp, thu nhặt. Kẻ quyền uy sợ chết vì chết rồi cũng có nghĩa là hết quyền uy, cũng chỉ nằm một nấm mồ, còn lại một nắm xương tro rồi cũng tan vào với đất. Thế nhưng kẻ bất hạnh nghèo hèn cũng sợ chết. Họ không muốn từ bỏ cuộc sống khổ đau, bởi chưa đủ tin vào sự siêu thoát. Dù cuộc sống có như thế nào, con người cũng cố bám lấy, không muốn lìa bỏ. Cái chết là bất hạnh lớn nhất của đời người.

Người ta sợ chết bởi không muốn buông bỏ những thứ họ cho là của mình: của cải, quyền lực, và cả khổ đau, bất hạnh. Có phải càng sống lâu người ta càng sợ chết? Tôi còn quá trẻ. Chưa gia đình, chưa việc làm, chưa của cải, chưa quyền uy, và cũng chưa đủ nhiều khổ đau. Có phải bởi vậy mà bây giờ tôi vẫn chưa sợ cái chết? Tôi sẽ chẳng cuống quýt khổ đau nếu giả như tôi biết mình chỉ còn một ngày để sống. Tôi sẽ sống ngày còn lại ấy thật bình thản, an nhiên, và sẽ đón nhận cái chết như một điều tất yếu.


Để không còn sợ chết, có lẽ con người phải học buông bỏ: chẳng có cái gì là của mình, ngay cả thân xác biết suy tư, khổ đau này. Tất cả chỉ là một sự gặp gỡ. Và gặp gỡ đã là chia ly rồi. Sống ở đời ta chẳng là ai, ta chẳng là gì. Sống ở đời chẳng có gì là của ta, và ta cũng chẳng là của cái gì. Một hiện sinh đột ngột rồi biến mất thôi.

Trên đời chẳng có gì sinh ra, chẳng có gì mất đi cả. Ngọn lửa hiện ra rồi lặn tăm. Nó chỉ xuất hiện và ẩn giấu thôi. Nó luôn tồn tại, mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần hội đủ điều kiện là hiện thân. Thế giới này vô thủy vô chung. Mọi điều chỉ là một khoảng đoạn nhỏ vô cùng trong quá trình mênh mông bất tận ấy. Con người cũng thế. Những tế bào trong thân xác tôi lúc này chẳng có cớ gì mà không phải thuộc về một cái cây, một giọt nước, một con thú, một núi cao, một vực sâu, hay một thiên thạch, một mặt trời xa xăm nào đó trước khi có cái thân xác tôi này. Và một ngày tôi phải tan ra, trở về những nơi từ đó mà tôi khởi nguồn. Và cả những thứ tôi biến thành lần đầu. Có cái tôi đâu mà giữ làm gì? Tôi ham sống nhưng không sợ cái chết. Làm một giọt nước lênh đênh bốn biển, tôi thích hơn là một ốc đảo cô đơn.

Con người cứ mãi khổ đau bởi luôn băn khoăn liệu có một đời sống mới sau cái chết hay không. Và nếu có thì nó là thiên đàng hay địa ngục? Chết là hết? Hay chết chỉ là bắt đầu? Hay chết là sang một thế giới khác? Có lẽ từ khi con người xuất hiện thì mới có cái gọi là khổ đau. Bởi vũ trụ luôn hồn nhiên. Chỉ bởi con người tách mình ra khỏi vũ trụ mà già nua.

Chết không phải ra đi, cũng không phải trở về. Làm gì có nơi để mà đi, làm gì có chốn để mà về? Tất cả vẫn ở trong vũ trụ. Không có sống không có chết, không có ra đi không có trở về, không đúng không sai, không trắng không đen… Tất cả chỉ là trò lừa vĩ đại của ngôn ngữ. Ngôn ngữ sinh ra loài người, loài người tạo ra ngôn ngữ, ngôn ngữ sống trong loài người, để rồi ngôn ngữ giam cầm con người trong nó, con người phải sống trong ngôn ngữ. Tôi vẫn mơ một ngày loài người quên tiếng nói.

Sau cái chết, thân xác hoàn lại vũ trụ, linh hồn thành một dạng siêu vật chất với dao động nhanh vô cùng mà ta không thể nhìn nhận, quan sát, nghiên cứu được. Nếu ngẫu nhiên, sau cái chết ta lại được (bị) làm người, nhưng là ta không toàn vẹn như trước. Còn thường thì ta đi vào những viễn du vô định, diệu kì. Tôi vẫn nghĩ vậy, để sống an nhiên.

Tôi thấy thương cho những người sau cái chết mà xác thân không bị tan hủy vào đất, vào nước, vào khí. Những xác ướp câm lặng chắc hẳn luôn rền rĩ khổ đau vì bị ngưng đọng thay vì viễn du bất tận. Họ có quyền đi vào chu trình thiêng liêng của vũ trụ. Họ đáng thương bởi bị cộng đồng loại ra khỏi quy luật chung, dẫu có nhân danh sự tôn kính, ngưỡng vọng. Những người muốn bất tử hay bị làm cho bất tử cũng đáng thương như vậy.

Cái chết của con người không khác gì cái chết của một cái cây, một con thú. Bởi con người đâu có hơn gì một cái cây, một con thú. Tôi không hạ nhục con người bởi sự thật là như vậy. Con người là vật chất tiến hóa lên tầm tự cao tự đại, coi mình là tinh hoa, là chủ nhân của tất cả. Con người giống như Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, không bay thoát khỏi bàn tay Phật tổ. Con người là vật chất ngông cuồng, là vật chất sinh ra khổ đau cho chính mình. Con người ơi, đừng bao giờ dùng tính từ “vĩ đại” để miêu tả chính mình.

Con người ai cũng phải chết. Và có ngày sẽ là cái chết của cả loài người. Như cái chết của loài khủng long mà con người cho là mình biết. Đến rồi đi. Chẳng có gì lo sợ, chẳng có gì tiếc nuối.

Chết không có gì mới, sống không có gì lạ. Mấy ai được như vậy?

Con người có trí tưởng tượng, và tôi đang mơ về cái chết của mình, cái chết của loài người.

Cái chết cũng đẹp như một bông hoa.

Previous Post
Next Post