Có lẽ thành công nào đó chỉ là ảo mộng …

Tham vọng là phải thành công bằng mọi cách, phải có cho được bằng mọi giá đối với những mong muốn, những khát khao…của mình. Sự tham vọng này, quan niệm sống này, không tốt cũng không xấu, duy chỉ là: Phải đánh đổi cuộc đời, sức khỏe, gia đình…để chạy theo một thành công nào đó, một thành công mà sau này thiếu vắng sự hạnh phúc thì thành công đó chưa hẳn là thành công.

Mặc dầu vậy, ít ra họ, những ngưởi tham vọng cũng có mục tiêu để theo đuổi. Người có tham vọng luôn luôn không bằng lòng với những gì mình đang có. Dù xấu xa hay vĩ đại, dù bình thường hay tham vọng điên cuồng, họ cũng đã và đang được sống!

Chỉ tiếc cho cuộc đời của những ai đó, bình lặng, tẻ nhạt hầu như vô nghĩa; phí hoài tuổi trẻ đầy ước mơ và khát vọng. Chỉ biết mơ tưởng mà không bao giờ thực hiện, đây mới thực sự là ảo mộng, ảo mộng thành công.

Hầu hết những người thành công bắt đầu sự nghiệp của mình không chỉ bằng say mê và tâm huyết, mà chính là sự dám nghĩ, dám làm. Bất kể tài năng tuyệt diệu, lý tưởng cao cả như thế nào, nếu chỉ biết mơ tưởng mà không bắt tay vào thực hiện thì cũng không là gì cả, chỉ uổng công vô ích, đó không phải là ảo mộng sao?

Bạn chưa làm được việc gì, không phải vì thiếu năng lực, mà bởi thói quen chỉ biết làm khi "bị " hoặc "được" yêu cầu. Trong khi sở trường của mình, hứng thú của mình, mơ ước của mình, những việc mình muốn làm thì lại không dám thể hiện, không làm được do sợ hãi, do thiếu tin tưởng vào bản thân, do tự mình khinh rẻ mình.

Bạn chưa làm được việc gì cũng bởi bạn quá cầu toàn, sợ sai lầm, sợ trách nhiệm, lấy cớ phải cẩn thận để chờ đợi cấp trên, nương dựa vào tập thể, đùn đẩy cho người khác. Sự thật chỉ có một người có trách nhiệm cho giá trị của cuộc sống mà bạn đang sống – sống một cách đáng sống - người đó chính là bạn.

Bạn chưa làm được việc gì chỉ vì bạn thích ở “vùng an toàn”. Mơ ước thành công, khát khao danh vọng, mong muốn bạc tiền nhưng lại dối lòng tìm vui hạnh phúc với những điều “giản dị” như ngắm cảnh đẹp buổi hoàng hôn, khi nấu được một bửa ăn cho gia đình (!). Bạn có thật lòng, thật lòng thấy đó là thành công?

Bạn cũng chưa làm được việc gì bởi bịnh “đổ thừa”: tại xã hội, tại hoàn cảnh, tại tôi không muốn nhưng vì vâng lời cha mẹ, tại vì gánh nặng gia đình phải lo, tại vì, tại vì và tại vì…Nhưng bạn không biết: tại vì sao mình đánh mất mình?

Không an phận, không tự ti, không trốn tránh, cũng đừng dính mắc vào sự khiêm nhu giả tạo. Nghỉ được, làm được, đạt cho được thành tựu tương xứng với khả năng trong hoàn cảnh của mình. Sau đó, có thành công thực sự mới có thể có đức khiêm nhường. Người được nể trọng về sự thanh liêm chẳng hạn, ít nhất phải từng có chức có quyền. Một thường dân, chức vụ cao nhất từng có là tổ trưởng dân phố thì bàn đến sự liêm chính của người đó làm gì?

Không so bì với ai, từng bước bạn tìm thấy chính mình và chiến thắng chính mình. Đừng nghĩ những việc nhỏ nhặt bạn đang làm không có ý nghĩa, không mang tác dụng gì. Hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ và thực hiện nó, những mục tiêu lớn hơn sẽ đến rất nhẹ nhàng và tự nhiên. Nắm vững một nghề. Giỏi một nghề sẽ làm cho cuộc đời của bạn thiết thực hơn và cũng đủ để nuôi sống gia đình bạn. Đừng xem nhẹ những việc nhỏ mọn. Nhỏ nhưng độc đáo cũng trở thành có giá trị.

Tất cả những việc cần làm, muốn làm: bạn đang làm và sẽ tiếp tục làm, bạn sống đúng với mình, với cuộc đời này. Can đảm hay liều lĩnh? Điều này, câu trả lời chỉ có sau thành công của bạn. Có thể là gian nan, nhưng “Thương lắm cuộc đời này!”, bạn được sống trọn vẹn, thực sự sống.

Cho dù hoàn cảnh có lúc phải là người làm thuê chăng nữa, nhưng phong độ dám nghĩ, dám làm sẽ giải phóng cho bạn khỏi mặc cảm tự ti nô lệ. Bằng không, tất cả các kế hoạch tuyệt vời của bạn chỉ là những thành công nào đó trong ảo mộng.

Nguồn tin Hiếu học
Previous Post
Next Post