Câu hỏi quá ngô nghê! Bà chị nhầm
to! Đây là câu hỏi cao siêu nhất của loài người, cổ sơ nhất và thời sự nhất.
Thời đại càng biến động thì câu hỏi này càng thú vị và nan giải.
Triết học từ thượng cổ đã có hai
phái kình nhau. Phái thứ nhất nói: Cơ thể cần được thỏa mãn các nhu cầu của nó.
Người ta phải hưởng lạc. Các giác quan và tình dục phải được mỹ mãn. Phái này
bị đổ tội đã làm con người suy đồi để bị thượng đế trừng phạt bằng thiên tai và
dịch họa. Phái thứ hai nói: Thân thể là cái chuồng nhốt cái ác, cái xấu. Cần
xiềng xích cẩn thận không được để chúng “xổng ra”. Tuy nhiên sống ép xác, diệt
dục là quá khó với mọi người trừ những vị chán đời 100%! Các thầy đạo đức dạy:
Sống hài hòa với cơ thể mình là hạnh phúc. Nhưng các thánh nhân ấy cũng chịu
không tìm ra đường đến sự hài hòa ấy.
Về kinh tế, cơ thể là công cụ lao
động nguyên thuỷ, là sức sản xuất làm động lực phát triển xã hội. Cơ khí, công
nghiệp mới ra đời có mấy trăm năm. Mấy vạn năm chỉ có chân tay là công cụ. Chân
tay lại chế ra mọi thứ cho chân tay sử dụng. Xin nhớ VN tới 2020 ta mới căn bản
chuyển sang lao động công nghiệp bà chị nhé. Thoát khỏi việc dùng cơ thể làm
công cụ sản xuất là thoát được nghèo. Lúc đó cơ thể được hưởng thụ.
Nó ăn uống, làm tình, giải trí,
vui chơi để sướng chứ không chỉ để tồn nữa. Người ta tìm hiểu, chăm sóc, nâng
niu, tôn thờ cơ thể mình, làm tăng sức mua. Xã hội sẽ chỉ còn mỗi việc tiêu thụ
các sản phẩm sản xuất ra phục vụ cơ thể. Gọi là xã hội tiêu thụ. Lớp nhà giàu
và “trung lưu lớp trên” ở ta đang lao vào cơn sốt tiêu thụ này còn nhiều nước
giàu đang vật lộn với những cái nhảm nhí, cái suy đồi, méo mó do “tiêu thụ”
sinh ra.
Tỉ như ăn quá ca-lo sinh béo phì,
huyết áp, gút và tiểu đường...! Công nghệ tình dục là lĩnh vực ở ranh giới giữa
lao động bằng vốn tự có, cực nhọc để xoá nghèo của bên bán và thỏa mãn nhu cầu
(nhiều khi vô đạo đức, bệnh hoạn...) của bên mua. Nơi đây diễn ra các bi kịch
tiêu biểu của triết học, đạo đức học và kinh tế học trong xã hội khủng hoảng.
Xin chuyển sang vai trò thẩm mỹ
của cơ thể. Với cái đẹp thì nó là đối tượng đầu tiên và số một. Không biết
chuồn chuồn, sư tử, cá sấu, hà mã có tự thấy chúng đẹp không chứ con người thì
tự khai thiên lập địa đã thấy mình - thân thể mình (nhất là thân thể người khác
giới mình) là đẹp nhất trong hoàn vũ.
Về thẩm mỹ học cũng có hai phái
kình nhau. Một phái che giấu cơ thể, cấm đoán người ta chiêm ngưỡng, tôn thờ
cái đẹp của nó. Cơ thể lõa lồ là xấu xa, độc hại. Nghề dùng cơ thể là hạ đẳng.
Nghệ thuật biểu diễn là “vô loài”, nghệ sĩ biểu diễn là “con hát”. Phái kia thì
nâng vẻ đẹp cơ thể lên tầng nữ thần, nam thánh thiêng liêng. Đòi giải phóng nó
100%! Từ các họa sĩ Phục hưng, bà Hồ Xuân Hương nhà ta tới các văn sĩ, nghệ sĩ
nữ quyền đang hot trên toàn cầu đã có hàng vạn, triệu tác phẩm ca ngợi tự do
thân thể - cũng là đấu tranh cho tự do tinh thần và tự do cá nhân.
Hôm nay cô dông dài, khó theo
quá. Xin cập nhật ngay: Nghệ thuật quốc ngoại và quốc nội rộ lên chuyện dùng
thân thể “phi truyền thống” để đánh động về tự do cá nhân, về nữ quyền, về tệ
nạn xã hội, thậm chí về môi trường v.v và v.v... nữa kìa. Nuy và body rất ồn ào
truyền thông.
Cô người mẫu tênh hênh giữa lâm
tuyền cùng bác thợ ảnh muốn gửi một thông điệp bắt mắt và gay gắt về việc bảo
vệ thiên nhiên. Comment: Cái đó rất truyền thống, từ trước thời Đông Sơn các cụ
tổ ta cũng từng tung tăng như thế nơi rừng núi, sông biển rồi. Nữ nghệ sĩ trình
diễn cởi xiêm y. Triết lý là: Xé bỏ mọi trói buộc thân phận nữ giới. Bôi keo,
gắn lông chim lên người - ý là muốn bay tới tự do! Nghệ sĩ hành hạ thân thể bằng
dao lam, bàn là, roi mây, tự hút máu...
Câu hỏi là thân thể ta có thể
chịu đựng vô hạn (hay có hạn) các khổ đau? Trả lời có thể là Yes or No nhưng tự
thách thức mình là lối sống đáng cổ vũ! Lại có vẽ thân thể - Body painting rất
vui với các người mẫu uốn éo và các họa sĩ vung bút “đầy ma lực”. Comment: Quá
dân tộc! Văn Lang là tên nước của những người vẽ thân thể mình. Khi đánh giặc
Nguyên - Mông binh sĩ từng khắc chữ Sát Thát lên cánh tay kìa.
Cũng có những việc khó thẩm định
là kinh doanh, khiêu dâm hay nghệ thuật như việc “lộ hàng” của các “sao”!
Tóm lại việc dùng thân thể mình
hành nghề, kinh doanh, kiếm tiền và tiếng đang ngày càng phổ biến. Một xu hướng
văn hoá chăng?