Đã là con người sống trong thế
gian này, cũng có một giây phút nào đó chúng ta thắc mắc là mình từ đâu mà đến?
Và mình sẽ đi về đâu? Tại sao có kẻ thì xinh đẹp, còn có người lại xấu xí? Có
người thì khỏe mạnh, sao lại có kẻ bị tật nguyền? Ai là người chịu trách nhiệm
cho tất cả những việc này?
Vậy trước hết chúng ta phải tìm
hiểu xem con người từ đâu mà có?
Những tôn giáo thờ Thượng đế, thì
con người là sản phẩm của Ngài. Chính Thượng đế là đấng Tối cao, Toàn năng,
Toàn thiện và Toàn trí, chẳng những đã tạo ra con người, mà còn sáng tạo ra cả
thế gian và vũ trụ nữa. Lý luận như vậy mới nghe qua thì thật là hữu lý, nhưng
xét cho kỹ thì bất cứ cái gì trên thế gian này cũng đều phải có thỉ có chung,
có nhân có quả. Nói thế có nghĩa là gì? Nếu nói Thượng đế đã sáng tạo ra con
người, thì ai đã sáng tạo ra Thượng đế? Thượng đế từ đâu mà ra? Không có nhân
thì làm sao có quả?
Còn Phật giáo thì trả lời như thế
nào?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi
muốn nói đến thuyết “Thập nhị nhân duyên” của Đức Phật. Vậy thế nào gọi là nhân
duyên? Nhân có nghĩa là nguyên nhân, dùng để chỉ những vật chính làm nhân và
chính nó trực tiếp sinh ra một vật khác. Chẳng hạn như hạt lúa là nhân sinh ra
cây lúa. Còn duyên là trợ duyên, chỉ cho những vật có tính cách trợ giúp dù
trực tiếp hay gián tiếp cho vật khác được thành. Chẳng hạn như phân bón, ánh
sáng, nước và công vun bón là trợ duyên cho hạt lúa trở thành cây lúa. Mười hai
nhân duyên đó là:
1) Vô minh: có nghĩa là không tỏ
ngộ chân tâm, hoặc là hiểu biết các pháp không đúng như thật do đó mà sinh ra
mê lầm. Cái thật thì cho là giả, giả thì cho là thật, điên đảo hư vọng chấp
ngã. Trong 12 nhân duyên, thì vô minh là lợi hại nhất.
2) Hành: là hành động, tạo tác.
Do vô minh phiền não nổi lên, làm cho thân, khẩu, ý tác tạo ra các nghiệp lành
hay dữ.
3) Thức: là thần thức (còn gọi là
linh hồn). Vì thân, khẩu, ý tác tạo những nghiệp lành hay dữ nên khi chết rồi,
các nghiệp dẫn dắt thần thức đi lãnh thọ quả báo khổ hay vui ở đời sau.
4) Danh sắc: là thân tâm. Trong
thân thể của con người, thì phần tinh thần (tâm) không có hình sắc nên gọi là
Danh, còn phần thể chất có hình sắc thì gọi là Sắc.
5) Lục nhập: mỗi khi lục căn
(mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp) thì lục thức được phát sinh và sự thu nhập lục thức này gọi là lục
nhập.
6) Xúc: là sự tiếp xúc của lục
căn với lục trần, như tai nghe tiếng nói, thân cảm thấy nóng lạnh…
7) Thọ: là thọ lãnh, khi lục căn
tiếp xúc với lục trần, thì thọ lãnh những cảnh vui hay cảnh buồn.
8) Ái: là ưa muốn. khi thọ lãnh
cảnh vui, thì sinh lòng tham; khi gặp cảnh khổ thì sinh tâm sân hận, buồn rầu.
Đây là cái động cơ thúc đẩy thân, khẩu, ý tạo tác ra những nghiệp.
9) Thủ: là giữ lấy. Nếu gặp cảnh
tốt thì tham cầu, gặp cảnh xấu thì phát sinh sân, si để lìa bỏ. Đây là nguyên
nhân tạo ra nghiệp sinh tử.
10) Hữu: là có. Bởi vì đời này
chính mình đã tạo ra nhân lành hay nhân dữ, thì đời sau phải chịu quả khổ hay
vui mà mình phải thọ lãnh.
11) Sinh: là sinh ra. Do ái, thủ,
hữu làm nhân hiện tại tạo ra các nghiệp, vì vậy phải sinh ra đời sau để thọ quả
báo.
12) Lão, Tử: già và chết. Đã có sinh,
tất phải chịu khổ già rồi chết.
Khi còn ở trên thế gian này, thì
vô minh đã làm cho tâm của chúng ta bị mê muội để không còn sáng suốt phân biệt
đâu là thật, đâu là giả và nhận biết sai lầm về con người và vạn vật trong vũ
trụ này. Nhận biết sai lầm chính là cội nguồn phát sinh ra tam độc Tham-Sân-Si
để tạo ra nghiệp mà dẫn họ đi lên, đi xuống lang thang lẩn thẩn trong sinh tử
Luân hồi. Những nghiệp báo này có khi thiện, có khi ác. Khi chúng ta qua đời,
thì những nghiệp báo này đi theo chúng ta như hình với bóng. Tất cả những
nghiệp báo này được gom góp lại và được gọi là “nghiệp thức”. Thân tứ đại của
chúng ta thì trở về với tứ đại, còn nghiệp thức thì tiếp tục bám theo thần thức
(linh hồn của những tôn giáo khác).
Một khi chúng ta chết, ngũ uẩn
tan rã và nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai. Nhưng dẫn dắt cái gì? Như chúng ta đã
biết Lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức)
thì sinh diệt vô thường, biến chuyển không ngừng, thì mặc dù nghiệp thức còn
đó, nhưng lấy cái gì gìn giữ những nghiệp thức đó để chuyển qua đời tương lai?
Trong thuyết nghiệp cảm duyên
khởi, chính Đức Phật đã khẳng định rằng một khi con người gây ra bất cứ một
nghiệp thức nào thì nó sẽ được bắt lấy và gìn giữ mãi mãi trong Tàng thức từ
đời này sang đời khác, không bao giờ mất. Thí dụ chúng ta vừa tạo một ác nghiệp
thì Mạt-Na thức tức thì ghi nhận hiện tượng này và sau đó chuyển cái ác nghiệp này
vào lưu giữ lại trong A-Lại-Da thức (Tàng thức). Duy thức luận gọi Mạt-Na thức
là thức thứ bảy và A-Lại-Da thức là thức thứ tám sau lục thức. Có một điểm khác
biệt là lục thức: nhãn thức, nhỉ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức
thì sinh diệt tức là nay có mai không, không có gì quan trọng. Còn Mạt-Na thức
và A-Lại-Da thức thì không bao giờ mất.
Hễ con người còn tạo nghiệp thì
nó còn giữ tất cả những chủng tử này đến khi hội đủ nhân duyên thì nó sẽ phát
khởi tạo thành quả báo và nó chính là cái vui hay cái khổ của con người trong
đời này. Vì thế tiến trình này còn được gọi là “kết nối đời sau”. Tại sao? Con
người do phiền não mà tạo nên nghiệp và vì tạo nghiệp nên mới tiếp nối đời sau
để thọ khổ. Nếu không có A-Lại-Da thức này để nắm giữ việc “kết nối đời sau”
thì chúng ta một khi chết rồi thì mất luôn, không còn gì cả. Chính Mạt-Na thức
và A-Lại-Da thức tự nó mang tính chất của cái ngã. Cái ngã vô hình để gìn giữ
lấy tất cả những nghiệp thức mà chúng ta đã tạo ra. Thêm nữa Mạt-Na thức và A-Lại-Da
thức có khả năng chất chứa những chủng tử của nghiệp thức đến vô tận và kéo từ
đời này sang đời khác, tiếp diễn không ngừng.
Nó chính là nền móng của nhân quả
luân hồi, mà cũng là căn nguyên của giải thoát. Bởi vì trong A-Lại-Da thức có
đủ chủng tử hữu lậu và chủng tử vô lậu. Chủng tử hữu lậu tức là phần phước đức
chính là những hạt giống phát sinh ra những hiện tượng vui khổ của con người.
Còn chủng tử vô lậu tức là phân công đức có khả năng không để cho tâm vọng động
tức là thanh tịnh tâm và giúp cho chúng ta tìm đến sự giải thoát.
Vậy con người từ đâu mà có?
Khi có sự giao hợp giữa nam và
nữ, thì Thân Trung Ấm (thần thức) của người chết được thác sinh vào thai mẹ để
làm người. Trong thai mẹ, gom góp tinh huyết làm nhục thể và sau đó tâm thức
cùng nhục thể hòa hợp với nhau gọi là Danh Sắc (Danh là tâm thức, sắc là nhục
thể). Với thời gian, Danh Sắc lần lần tượng đủ lục căn (mắt, mũi, tai, lưỡi,
thân, ý). Khi thai nhi được sinh ra, thì lục căn của hài nhi bắt đầu tiếp xúc
với lục trần, do đó hài nhi biết nóng, lạnh, đau, êm…Bởi vì sự xúc chạm này, mà
tâm của hài nhi dần dần phát sinh ra sự phân biệt rồi từ đó có những cảm giác
thọ vui, hay khổ…Chính sự cảm thọ vui, khổ này mà phát sinh ra những khởi niệm
ưa ghét. Cũng chính vì sự tham ái đó nên nó cố bám vào cái hay cái tốt, cái nó
ưa thích và dĩ nhiên vì muốn thỏa mãn những chỗ ưa thích đó, nên nó tạo ra
nghiệp căn. Mà tạo nghiệp thì phải chịu quả báo.
Đã có sinh, thì chúng sẽ già và
sau cùng là chết. Như thế, một khi chúng ta tạo nhân trong quá khứ, thì nó sẽ
là quả của hiện tại và quả của hiện tại sẽ là nhân cho quả của tương lai. Con
người cứ như thế mà xoay vần mãi mãi không ngừng, đời này tan thì đời khác đến.
Từ đấy mà suy ra thì chúng ta thấy rằng con người chẳng những sống một đời
trong hiện tại này, mà trong quá khứ đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc đời
rồi. Và sau này, trong tương lai chúng ta sẽ còn nối tiếp biết bao cuộc sống
khác.
Nói một cách khác, chết là để
thay đổi thân mới và sinh là để thế thân cũ. Nó xoay vần nối vòng sinh và chết,
chết và sinh, thay thân cũ lấy thân mới, rồi lấy thân mới để thế thân cũ, như
chúng ta thay đổi áo quần hàng ngày. Vậy thân thể của chúng ta ngày nay chỉ là
một thân trong số vô lượng thân. Chúng ta đã thay bỏ không biết bao nhiêu thân
về trước và sau này chúng ta cũng sẽ thay đổi không biết bao nhiêu thân nữa.
Khi đã hiểu sinh tử như thế thì
chúng ta, đối với sự sinh không tham cầu bởi vì nó là vô thường không lâu không
bền và đối với cái chết không sợ hãi bởi vì chết không phải mất hẳn đi, mà chỉ
là sự thay cũ đổi mới mà thôi.
Sự sinh hiện tại, chỉ là một lần sinh
trong vô lượng lần sinh, và sự chết ngày nay chỉ là một cái chết trong vô lượng
lần chết mà thôi. Chúng ta đã thấy mười hai nhân duyên chẳng khác nào như mười
hai vòng xích nối liền nhau làm thành một chuỗi xích, không biết đâu là đầu,
đâu là cuối. Nếu cắt được một vòng xích, thì chúng ta sẽ phá được chuỗi xích này.
Theo giáo lý nhà Phật thì sinh tử luân hồi là hiện tiền của nghiệp báo, là oan
gia, là thê lương đối với con người. Nhưng làm thế nào để trừ phá cái vòng xích
oan nghiệt kia? Trong mười hai nhân duyên, thì chữ “Ái” là quan trọng nhất. Ái
là luyến ái, là cội nguồn của tham dục. Vì luyến ái nên chúng ta làm mọi thứ để
giữ lấy (thủ) cho mình, rồi sau đó thủ sẽ sinh ra hữu (có). Vậy nếu không có ái
thì không có hữu, không có hữu thì không có sinh, không có sinh thì không có
lão tử và cuối cùng thì không còn đau khổ luân hồi.
Nhưng tại sao chúng ta lại đầu
thai vào làm con của cha mẹ chúng ta mà không vào gia đình của người khác?
Sự quan hệ giữa cha mẹ và chúng
ta có bốn loại: Báo ơn, Báo oán, Đòi nợ, và Trả nợ.
Trong đời quá khứ, nếu chúng ta
kết duyên với cha mẹ của chúng ta, thì đời này chúng ta sẽ gặp lại họ. Nếu là ác
duyên, thì chúng ta đến để đòi nợ và đôi khi còn tệ hại hơn nữa là chúng ta đến
để báo oán bởi vì kiếp trước họ đã gây ra đau khổ cho chúng ta. Nợ càng lớn thì
chúng ta đòi càng nhiều. Vì thế cổ nhân thường nói đây là oan gia nghiệp báo.
Thật là chí lý. Còn nếu là phước duyên, thì chúng ta đến để báo ơn, để đền đáp
lại những gì họ đã giúp đỡ cho chúng ta trong tiền kiếp. Đây chính là cảnh”phụ
từ, tử hiếu”.
Có người lại thắc mắc là tại sao
ở đời có người thì đẹp đẻ, còn có kẻ bị tật nguyền?
Trong kinh Thiên Sinh, Đức Phật
đã dạy rằng:”Khi còn sinh tiền, thân, khẩu, ý thì thọ điều lành hay gây ra điều
dữ. Nếu tạo nghiệp lành, thì cảm thân tốt đẹp; nhân dữ chiêu cảm quả xấu xa, do
từ tâm tạo ra rồi tự thọ. Nếu chúng sinh muốn được thân thể tốt đẹp khỏe mạnh
để hưởng hạnh phúc, thì phải lấy năm giới cấm làm căn bản”.
Muốn được thân thể khỏe mạnh,
sống lâu trong tương lai, thì đừng bao giờ sát sinh. Muốn có giọng nói điều hòa
trong trẻo, thì đừng nên vọng ngữ. Muốn thân hình được đoan trang, đẹp đẻ, thì
đừng đụng đến việc tà dâm. Muốn gia đình được ấm no thì đừng trộm cắp, gian
tham.
Lúc bình sinh, thì thân, khẩu, ý
của chúng ta tạo tác lắm điều ác nghiệp, thì quả tương lai chúng ta phải gánh
chịu những hậu quả này. Một trong những quả báo nhản tiền là thân thể của chúng
ta trở thành xấu xí. Và đôi khi nếu ác nghiệp này thuộc loại nặng, thì chúng ta
có thể bị tật nguyền. Còn kẻ kia thì họ biết giữ gìn trì giới, làm lành tránh
dữ, thì đời sau chắc chắn họ sẽ được giàu sang phú quý, và thân thể thì xinh
đẹp. Nên nhớ rằng chúng ta tạo nghiệp nhân gì thì tự tâm sẽ gìn giữ nghiệp nhân
ấy và sẽ chuyển hiện ra quả đời sau.
Con người cũng như mọi vật, sở dĩ
có là do nhân duyên hòa hợp. Con người chỉ là một cái tên, là một giả danh để
gọi cái kết hợp của ngũ uẩn. Khi đủ nhân duyên chúng nó tập hợp lại thì gọi là
sống, khi nó tan rã thì là chết. Chính ngũ uẩn cũng vô thường và không thuần
nhất.
Vô thường mà tưởng là thường,
không ngã mà tưởng là có ngã. Đó là sự si mê lớn nhất của con người và chính do
cái si mê này đã làm cho con người đang đau khổ lại càng khổ đau thêm.
Sau cùng, chúng ta thấy luật nhân
quả đóng một vai trò tối quan trọng trong vấn đề sinh tử của con người. Thậy
vậy, thân hiện giờ của chúng ta chính là cái quả của nghiệp thân mà mình đã tạo
ra từ trườc. Và thân sẽ có sau này là tùy theo sự tạo nghiệp bây giờ. Khi mà đã
hiểu như thế, thì cuộc đời của chúng ta hiện tại dù có khổ đau hay sung sướng
thì cũng chỉ là cái quả của cái nhân đời trước mà thôi. Có than khóc hay vui
buồn cũng chỉ thế, không thể thay đổi được gì. Có thay đổi chăng là chúng ta
phải cố gắng giữ gìn trì giới, phát huy tâm Bồ-đề, tạo dựng thập thiện nghiệp,
thì chúng ta đã tạo được cái nhân lành hiện tại. Do đó cái quả tương lai chắc
chắn sẽ vô cùng khả quan và viên mãn.
Phật dạy rằng: “Niết Bàn là đối
với sinh tử mà có, trong tánh Phật, sinh tử đã không, cho nên Niết Bàn cũng như
mộng”.
“Người phàm phu nhìn nhận tứ đại
sắc thân cho là của Ta và tham sống sợ chết thì gọi là ngã tướng. Lòng còn
thương ghét, ý chẳng bình đẳng thì gọi là nhân tướng. Niệm tưởng theo cái lòng
muốn của phàm phu nó dẫn dắt chẳng cần giải thoát thì gọi là chúng sinh tướng. Tâm
thức chưa diệt trừ, nghiệp chướng thường phát động, chẳng ngộ được cái pháp vô sinh
chân không thật tánh thì gọi là thọ giả tướng”.