"Cứ tìm đi, bạn sẽ thấy
bạn". Đúng! Chẳng những trên phương diện văn chương mà cả trên phương diện
tính tình, bạn phải tự tìm ra bạn, mà việc đó không phải dễ đâu. Hồi xưa tôi
quen thân văn hào Pỉandello mà vở kịch nào cũng lấy những sự thay đổi cá tính
của con người làm chủ đề. Ông bảo tôi: "Từ hồi còn đi học tôi đã bị ý này
ám ảnh: vẽ chân dung nhất trí của con người là vẽ bậy, không đúng sự thực.
Trước một số người nào đó ta đóng
một vai trò này, trước một số người khác ta lại đóng một vai trò khác. Điều đó
rất đúng đến nổi đôi khi ta thấy khó chịu khi ngồi trước mặt hai người bạn;
phải mời một trong hai người đó đi rồi mới thấy thảnh thơi được. Vợ chồng nhiều
khi phải lẩn trốn nhau một ít lâu vì không thể tiếp tục đóng một vai trò mà hồi
mới cưới hai bên thành thực chấp nhận. Một người đàn ông đã khoác cái vẽ đạo
đức giả. Người đó làm ra một thái độ mà thái độ đó không giữ hoài được. Người
đó phải trốn đi, nghĩa là bắt đầu lại cuộc sống với một người đàn bà khác, đóng
một vai trò khác với người này và vai trò này hợp cho người đó hơn... Bảo rằng
ở trên tất cả những vai trò đó, có một cái bản ngã duy nhất nó trùm lên, điều
đó tôi cho là một ảo tưởng!...
Đời sống là sự thay đổi. Khi
không còn chuyển biến, thay đổi nữa thì con người hóa già rồi chết!
Pỉandello có lý. Trong một con
người có thể có cả trăm con người được. Người đó tốt không? Người đó xấu không?
Cả hai. Bạn biết rằng bạn có thể âu yếm và độc ác, biết điều và tàn bạo, có thể
khôn ngoan mà lại có thể điên khùng, cái đó tùy hoàn cảnh, tùy sách bạn đọc,
tùy người khuyên bảo bạn, tùy người bạn chơi của bạn. Chẳng hạn, chúng ta xét
trường hợp Chateaubriand. Trong bản chất ông ta có một con người tu hành, tin
Chúa, rất mộ đạo Ki Tô do nhiều kỷ niệm hồi thơ ấu và hồi thiếu niên; nhưng
cũng có một người nữa rất dễ sa ngã vào những sự quyến rũ mà đạo Ki Tô cấm kỵ,
một con người kiêu ngạo, phóng đãng. Hai con người đó, người nào thật là
Chateaubriand?
Không có con người nào cả, nếu
bạn tách riêng ra khỏi con người kia. Chateaubriand là một toàn bộ. Rồi bạn lại
xét Napoléon. Có một vị quốc trưởng nào nhiều tham vọng hơn ông không? Có nhà
chinh phục đất đai nào tham lam vô độ như ông không? Vậy mà khi ông suy nghĩ về
con người của ông, về cuộc đời của ông thì ông có tiết độ ra sao! Người ta gần
như có thể khen ông: Con người nhũn nhặn quá! Ở đảo thánh Hélène, khi đã lột
cái mặt nạ hoàng đế ra rồi, ông ta tìm lại được cái tâm hồn một chú thiếu úy,
một cậu sinh viên chỉ mơ ước được sống ở Paris
với ba cắc mỗi ngày và được coi Talma đóng kịch Corneille.
Thế thì người nào mới thật sự là
Napoléon? Hết thảy. Và trong con mắt của ông thì người nào cũng thành thực cả.
Chúng ta đóng trò cho chúng ta cũng như cho những người khác. Khi đi qua dưới
những ngọn đèn rọi của tình cảm và tuổi tác thì chúng ta thay đổi màu sắc y như
các vũ nữ bận áo trắng mà hóa ra lúc thì vàng, lúc thì hồng, lúc thì xanh. Cái
bản ngã còn trẻ trung của bạn bây giờ chê cười các đam mê của các ông già,
nhưng sau này khi đi qua vùng ánh sáng của ngọn đèn rọi lão niên thì bạn cũng
có những đam mê đó. Chức vụ cũng thay đổi con người nữa. Một thanh niên ngỗ
nghịch nọ sau kỳ thi tú tài, đi diễn hàng một với bạn bè, nghênh ngang ngoài
đường, thoi một cái bể quai hàm một thày cảnh sát, có thể sau này thành một
viên Chưởng ấn hay Chánh án tòa Thượng thẩm. Một thi sĩ trẻ nọ cay độc chế giễu
Viện Hàn lâm có thể một ngày kia mê mẩn tâm hồn bước vào Viện trong tiếng trống
thùng thùng và đọc bài diễn văn cảm ơn.
Chẳng những trong bản chất của
bạn có cả mười, cả trăm người nó đợi giờ phút nào đó, gặp những mối tình nào
đó, tới tuổi nào đó, lãnh những chức vụ nào đó mới xuất hiện, mà còn nhiều con
người khác nữa không bao giờ biết được. Có những người ngay từ hồi trẻ đã làm
ra một thái độ, một bộ tịch và giữ hoài được thái độ, bộ tịch đó. Đôi khi thái
độ, bộ tịch đó đẹp đẽ. Chẳng hạn thái độ, bộ tịch của con người minh triết,
nghiêm nghị, trung tín, từ bỏ mọi thú vui mà hoàn toàn hy sinh cho hạnh phúc kẻ
khác. Nhưng nghệ sĩ đóng cái vai trò lớn đó (và đóng một cách hoàn hảo) thỉnh
thoảng cũng nghe thấy trong thâm tâm có tiếng nhủ thầm: "Này cậu, bộ cậu
tính làm tình làm tội cậu, suốt đời phải đóng cái vai đó sao? Cậu mà đóng cái
vai Don Juan và vai bọn vô luân cũng khéo như người khác chứ đâu có kém - nếu
cậu muốn... Mà như vậy thú vị hơn nhiều. Biết đâu chừng? Có lẽ vai đó mà lại
giống hệt hơn nữa đấy".
Lúc đó người ta mới lờ mờ nghĩ
rằng đã làm hỏng đời mình, đã phải nhịn biết bao cái vui nhộn. Tại sao vậy? Tại
bạn không còn dám lột mặt nạ ra, cái mặt nạ mà mọi người đã quen nhìn và nhận
ra bạn rồi, mà nó lại biểu hiện một phương diện đúng với con người của bạn. Chỉ
có mỗi một phương diện được thực hiện, còn biết bao phương diện có thể thực
hiện được thì phải bỏ đi.
Hồi xưa, ở bên Anh, tôi được quen
một thiếu phụ rất đẹp, e lệ gần như thành tật. Chồng bà ta rất thông minh làm
cho sự lanh lợi của bà ta gần như tắt hẳn. Nhiều ông mê vẽ đẹp của bà, hăng hái
ve vãn bà; họ thất vọng vì thấy bà làm thinh và có vẻ lạnh lùng. Một buổi tối,
một nữ chủ nhân ở Londres tổ chức một cuộc khiêu vũ giả trang. Do ngẫu nhiên
tôi được ngồi cạnh một thiếu phụ thân thể tuyệt mỹ mà không vũ. Do phép lịch
sự, tôi gợi chuyện với bà; bà đáp, rất thông minh và bạo dạn, đến nỗi tôi ngồi
lại một lúc lâu, bị bà ta chinh phục. Khi biết chắc rằng đã làm cho tôi mê mẩn
vì vẽ đẹp của thân thể và cái duyên của câu chuyện, bà ta mới cười, nâng cái
mặt nạ lên. Tôi ngạc nhiên nhận ra bà bạn diễm lệ và rất ít nói của tôi. Nhờ
đeo mặt nạ mà bà đã đóng vai một người khác được. Mà người khác đó cũng chính
là bà. Có lẽ vì những lý do như vậy mà các cuộc khiêu vũ giả trang ở Đại kịch
trường hồi xưa rất được hoan nghênh. Còn gì thích thú bằng được quên mình trong
một lúc để tìm lại được ở mình một con người khác hẳn con người thường ngày.
Đời sống là một cuộc khiêu vũ giả
trang. Trong cuộc khiêu vũ đó có nên đeo hoài một mặt nạ không? Cái đó còn tùy
thứ mặt nạ - và tùy bạn nữa. Nếu mặt nạ nào đó không hợp với bạn, nếu nó làm
bạn đau khổ, khó chịu, nếu bạn có cảm tưởng rằng nó buộc bạn phải đóng một vai
trò không thích hợp với bạn, thì cứ thử những mặt nạ khác. Cái món hàng đó ê hề
ra đó. Bên cạnh cái mặt nạ nghiêm nghị của một ông lớn tương lại, đây là cái
mặt nạ của một nghệ sĩ bận một chiếc áo sơ mi banh ngực lèo loét ô đỏ, ô trắng;
rồi đây là một mặt nạ của bác sĩ tương lai cặp mắt soi mói sau đôi mục kỉnh.
Muốn thay đổi, còn kịp đấy. Nhưng này, coi chừng nhé! Hễ đeo mặt nạ thì là vào
cuộc vũ đấy. Vì các mặt nạ khác sẽ tùy theo bề ngoài của bạn mà xét bạn. Bạn
đương vô cuộc khiêu vũ của đời sống, nên lựa cho kỹ mặt nạ đi.
Nguồn: hoclamnguoi.org