Yêu chân lý có nghĩa là chịu đựng
được hư không, và do đó, chấp nhận cả cái chết. Chân lý luôn nằm cận kề bên cái
chết.[Aimer la vérité signifie supporter le vide, et par la suite accepter la
mort. La vérité est du côté de la mort - Simone Weil]
Triết học Phật giáo cho rằng đời
là bể khổ. Kinh điển chép rằng ngay sau khi giác ngộ, trong bài giảng đầu tiên,
Đức Phật đã giảng về Tứ diệu đế, mà trong đó Khổ đế là chân lý được nêu lên
trước tiên. Bài viết nhỏ này không bàn về ý nghĩa chữ khổ trong tư tưởng Phật
giáo vì nội hàm rộng lớn của nó, mà chỉ muốn nói đến một khía cạnh nhỏ: Khổ
không chỉ có nghĩa đơn thuần là khổ đau về vật chất mà nó có một ý nghĩa lớn
hơn, đó là sự đấu tranh giữa cái tất yếu và khát vọng tự do. Cái chết là một
điều tất yếu, nhưng ý chí con người lại khao khát đến sự vĩnh cửu trường tồn
nên muốn kéo sinh mệnh dài đến vô tận, vô biên. Trường sinh bất tử - một khát
vọng gây nên nỗi khổ căn nguyên cho cõi thế - vẫn mãi mãi là giấc mơ hư ảo của
con người, giống như giấc mơ tìm ra một loại động cơ vĩnh cửu của các nhà vật
lý trong những thế kỷ trước.
Con người không ai muốn chấp
nhận, thậm chí không muốn nghe nói đến cái chết; dù chính cái chết là một trong
những điều kỳ diệu nhất trong thế giới tự nhiên của cõi nhân sinh, vì nó đem
lại cho cuộc đời toàn bộ vẻ đẹp bi tráng và ý nghĩa của sự hằng cửu thiên thu.
Chỉ có cái chết là điều duy nhất khiến tất cả con người đều được hoàn toàn bình
đẳng trong cái thế giới đa thù sai biệt này. Từ vô lượng A tăng kỳ kiếp, cuộc
đời sở dĩ vẫn còn đẹp, vẫn còn mang một ý nghĩa là nhờ cái chết.
Hãy thử tưởng tượng cuộc sống
trường sinh bất lão của các vị thần tiên trong truyện Trung Quốc, nếu sống cả
mấy ngàn năm mà chỉ cứ quanh quẩn mãi chuyện cưỡi hạc đến thăm nhau, rồi đánh
cờ, ngâm thơ, uống rượu thì đó quả là cuộc sống đầy cực hình. Một cuộc sống lờ
đờ tẻ nhạt đôi khi còn đáng sợ hơn cả cuộc sống nhọc nhằn. Trong mấy ngàn năm
qua, con người luôn cố công đi tìm cho ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời, chính
điều đó cho thấy dường như cuộc đời tự bản chất đã không có mang một ý nghĩa
nào, ngoài ý nghĩa mà ta cố gán cho nó, để mong thấy được rằng cái tham vọng
muốn kéo dài sinh mệnh của mình trên cõi đời cũng không phải là điều vô nghĩa.
Cái chết không phải là cái gì đó
đến với chúng ta từ bên ngoài, mà là một thuộc tính nội tại trong ta, ngay khi
ta vừa mở mắt chào đời. Cái chết vẫn luôn tồn tại song đôi với sự hiện hữu của
mỗi chúng ta. Vừa mở mắt chào đời là ta đã lên đường đi đến với cái chết, với
hư không. Song, con người chỉ muốn tồn tại trong cõi Hữu, luôn mang hoang tưởng
rằng đó là chỗ trú ẩn an toàn duy nhất cho mình, mà không ai dám nghĩ đến sự
tồn tại trong cõi Không. Đối diện với cõi Không xa lạ, con người đâm ra hoang
mang hoảng sợ, nên phải tìm đủ cách để cố gắng kéo dài sự hiện hữu của mình
trên cõi thế. Có người mong được bất tử bằng cách dùng quyền lực và tiền bạc để
khắc thơ đề tên mình trên đá, hoặc tạc tượng chính mình khi còn sống. Nhưng có
lẽ cách đơn giản nhất là sinh con trai để “nối dõi tông đường”, do đó mà có
quan niệm “trọng nam khinh nữ” nặng nề ở phương Đông, để cố níu kéo sự tồn tại
của mình thông qua một cái tên, cái họ.
Tôi muốn ghi lại đây một lần nữa
câu nói cực kỳ minh tuệ của Homer: “Thần thánh ghen tỵ với chúng ta. Họ ghen tỵ
với chúng ta vì chúng ta sẽ phải chết, bởi vì đối với chúng ta bất kỳ giây phút
nào cũng có thể là những giây phút cuối cùng trong đời. Mọi thứ đều trở nên
tươi đẹp hơn bởi vì chúng ta đều phải chết”.[1]
Trong suốt dòng lịch sử nhân
loại, mọi tham vọng kéo dài đế chế đến ngàn năm, mọi hoài bão xây dựng sự bất
tử trường tồn trên bạo quyền để thực hiện ý chí hùng bá đều sụp đổ nhãn tiền,
và trở thành hư không mộng ảo. Tần Thủy Hoàng, sau khi dùng máu lửa để thống
nhất Trung Quốc, liền có tham vọng muốn xây dựng một đế chế ngàn năm, bắt đầu
từ Thủy Hoàng cho đến Nhị thế rồi Vạn thế. Ông vua tàn bạo này cho bọn phương
sĩ ra khơi để tìm thuốc trường sinh. Rốt cuộc tấm thân vạn thặng phải nằm lẫn
cùng đám cá thối ở Sa Khâu[2], còn nhà Tần chỉ truyền được hai đời thì mất.
Hán Vũ Đế lại muốn luyện thuốc
trường sinh bằng cách dựng một tượng tiên nhân bằng đồng, hai tay bưng một mâm
vàng hứng sương khuya từ mặt trăng rơi xuống. Sương rơi chưa đầy mâm vàng thì
vị vua hùng tài đại lược kia đã qua đời, mang theo cả khối hùng tâm vạn trượng
về bên kia thế giới. Sử chép rằng hàng đêm vẫn nghe tiếng ngựa hí nơi nấm mộ
của ông ở Mậu Lăng, sáng ra không còn dấu vết. Cảnh tượng bi thương biết bao
cho những tham vọng hư huyền của một kẻ từng một thời đứng trên đỉnh cao chói
lọi của quyền lực. Ở phương Tây, đế chế La Mã hùng cường cũng sụp đổ, rồi đến
chế độ Quốc xã của Hitler. Đó là quy luật vô thường của tự nhiên, tất cả đều sẽ
qua đi theo những sóng lớp phế hưng. Tham vọng, hoài bão càng lớn thì sự sụp đổ
càng bi thương và chóng vánh.
Đời hưng vong bao thành quách lâu đài
Tự thiên cổ đứng buồn soi đáy nước.
[Đinh Hùng]
Gần như là một điều nghịch lý,
trong khi mọi tham vọng cuồng điên của con người muốn xây dựng một nền bá quyền
trường cửu đều bị cơn lốc vô thường của cuộc sống quét sạch đi tất cả, thì một
tôn giáo dạy con người luôn quán chiếu sự vô thường của cõi thế cùng sự vô ngã
của chư pháp, như Phật giáo, lại thường tồn một cách lặng lẽ tịch nhiên đến hơn
mấy ngàn năm, mà không cần đến bất kỳ một thế lực nào. Không cần đến lửa và
thanh gươm, không cần đến bất kỳ một lực lượng thần quyền hay thế quyền nào,
chỉ với một câu “Nhất thiết giai Không” đã khiến Phật giáo trường tồn qua bao
cảnh dâu bể tang thương một cách an nhiên tự tại. Chân lý đó cho thấy chính vì
buông bỏ tất cả nên nắm bắt được tất cả. Vạn pháp do tham luyến mà bị hư hoại,
nhờ buông xả mà được thường tồn.
Kinh Dịch nói "Sinh sinh chi
vị dịch"[sinh rồi sinh không dứt, đó là đạo dịch]. Chúng ta thường chỉ
nghĩ đến chữ “sinh” mà quên mất giữa hai chữ “sinh” đó phải có chữ “diệt”. Nhờ
có diệt mà sinh mới nối tiếp được sinh. Heidegger có lẽ là triết gia phương Tây
đầu tiên suy tư về Không[Néant] như là căn cơ cho Hữu[Être], khi bàn về Siêu
hình học phương Tây[3]. Diệu dụng của chữ Vô cũng được Lão Tử nói rất nhiều
trong Đạo đức kinh. Tột điểm tư tưởng võ học trong những tác phẩm của Kim Dung
là “vô chiêu thắng hữu chiêu”, thông qua nhân vật Lệnh Hồ Xung với Độc cô cửu
kiếm. Theo tinh thần Trung luận của tổ Long Thọ thì “Dĩ hữu Không nghĩa cố,
Nhất thiết pháp đắc thành”[Do có nghĩa của Không mà các pháp mới được thành tựu].
Người phương Tây có một câu ngạn
ngữ rất hay, đại khái như vầy: “Những gì ta đang có sẽ phải thuộc về kẻ khác,
những gì ta tiêu xài sẽ mất đi, nhưng những gì ta cho đi sẽ còn lại mãi mãi”.
Cõi thế vốn vô thường, không ai có thể nắm giữ mãi những gì mình đang có trong
tay. Tôi muốn hiểu chữ “cho” ở đây có nghĩa là “buông xả” theo tinh thần Phật
giáo. Phải buông xả tất cả thì mới có thể an nhiên tồn tại trong cõi Không.
“Buông xả” vẫn là điệp khúc, tự mấy ngàn năm qua, vang rền trong tòa lâu đài
minh triết của phương Đông.
Cố giáo sư Kim Định, trong tác
phẩm “Những dị biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây” có nhắc đến một câu nói của
Thánh Gandhi “Je me réduis à zéro”[Tôi tự giảm trừ bản thân đến mức thành con
số không]. Nhà văn Xô-viết Azhaev, trong tác phẩm “Xa Mạc Tư Khoa”, có viết
rằng giá trị của con người giống như một phân số, trong đó tử số mới là giá trị
thực của mình, còn mẫu số chỉ là giá trị do mình tưởng tượng ra. Kiến thức sơ
đẳng về phân số cho ta biết khi mẫu số càng lớn thì giá trị phân số càng bé
lại, và nếu mẫu số tiến đến vô cực thì giá trị phân số tiến đến không; ngược
lại khi giá trị mẫu số càng bé thì giá trị phân số càng lớn, nếu mẫu số tiến về
không thì giá trị phân số tiến về vô cực. Thánh Gandhi trở thành một biểu tượng
vĩ đại của nền minh triết Á châu do đã buông bỏ tất cả tư dục để “Je me réduis
à zéro”, nghĩa là đưa mẫu số về giá trị bằng không!
Chỉ khi cảm nhận được cái Không,
có được “Je me réduis à zéro” thì chúng ta mới hiểu thêm về cái Hữu, nói theo
Simone Weil thì phải cảm nhận được hư không, và do đó phải cận kề với cái chết
thì mới thể hội được chân lý. Chỉ khi chúng ta thấy mình không là gì cả, thì
mình mới được là mình theo tinh thần “Ngã thuyết... tức phi... thị danh” của
kinh Kim Cương. Tồn tại trong cõi Không mới là sự tồn tại vô ngại, giữ được cái
Tâm không thì mặt trời trí huệ sẽ tự nhiên chiếu sáng[4], và mới có thể “viễn
ly điên đảo, mộng tưởng”.
Trong Bát nhã tâm kinh, toàn bộ
thế giới vật lý và tâm lý với lục căn, lục trần, lục thức, cho đến thuyết Tứ
diệu đế và Thập nhị nhân duyên - nền tảng của tư tưởng Phật giáo - đều bị quét
sạch trong cơn lốc phủ định toàn triệt của hai chữ Bất và Vô.
“Sắc bất dị Không, Không bất dị
sắc; sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục
như thị. Xá-Lợi-Tử! Thị chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất
tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức;
vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn
giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão
tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc”.
Nhưng phủ định toàn triệt theo
tinh thần Bát nhã là thể cách vi diệu để đưa đến sự khẳng định toàn triệt trong
cảnh giới tự do tuyệt đối. Trong cảnh giới thù thắng đó thì khẳng định là phủ
định, và phủ định là khẳng định. Mọi mâu thuẫn đều dung thông vô ngại. Theo
kinh điển ghi lại thì khi vừa mới sinh ra đời, Đức Phật đã bước đi bảy bước
trên tòa sen và cất tiếng như sư tử hống: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc
tôn”.[Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là tôn quý]. Đó có lẽ là ngày đầu tiên
trong lịch sử tư tưởng nhân loại, cái Tôi được khẳng định một cách minh triết
và hùng hồn nhất. Một tôn giáo khởi đầu bằng cách khẳng định một cách tuyệt đối
cái Tôi, thì chính tôn giáo đó lại xiển dương quan điểm “Sắc tức thị Không,
Không tức thị Sắc” và dùng một loạt mười tám loại “Không”, từ “Nội không” cho
đến “Vô pháp hữu pháp không” trong kinh Bát Nhã, để đẩy toàn bộ cái thế giới
hữu sắc này đến chỗ tận cùng của chân không, của phủ định.
Và hơn ai hết, chính Đức Phật là
người đã “Je me réduis à zéro” đến chỗ toàn triệt, nên khi từ cõi Không bước
vào cõi Hữu để thuyết pháp, thì tư tưởng Ngài mãi mãi chói lọi trong ánh sáng
giác ngộ của Đấng Không Vương! .
Huỳnh Ngọc Chiến
[1] Lời thoại của nhân vật
Achille trong cuốn phim Troy :
“The Gods envy us. They envy us because we're mortal, because any moment might
be our last. Everything is more beautiful because we're doomed”.[2] Theo Sử ký
Tư Mã Thiên thì Tần Thủy Hoàng, khi đi tuần thú, đột ngột mất ở Sa Khâu. Thừa
tướng Lý Tư sợ thiên hạ sinh biến bèn không cho phát tang, mà đưa xe về cung.
Dọc đường, Lý Tư sai lính gánh cá thối đi kèm theo xe để lẫn lộn với mùi người
chết. Các quan vẫn hàng ngày tham kiến trước xe như khi vua còn sống![3] Xin
xem “Qu'est-ce que la métaphysique?”[Siêu hình học là gì?].[4] Tâm địa nhược
không, tuệ nhật tự chiếu - Tổ Bách Trượng.