Hồi nhỏ tôi sợ ông Chà Và. Chưa
từng nhìn thấy, nhưng ông hung thần đó sống động bằng những thêu dệt của người
lớn. Đen nhẻm, cao lớn dị thường, ông quảy theo cái túi to, có thể chưa được
vài ba đứa con nít mà lão tóm được ở dọc đường đi. Những đứa ham chơi dang
nắng, những đứa hay khóc, những đứa quậy phá, nghịch dại… Người lớn luôn có
cách trị đám con nít bằng những truyền thuyết mù mờ và ly kỳ. Không phải tự
dưng mà nơi nguy hiểm cho trẻ con luôn là chỗ các loại ma trú ẩn. Riêng ông Chà
Và không chỉ náu trong bóng đêm, rờ rỡ dưới
mặt trời ông hiện diện khắp nơi, ông bắt trẻ hư đi bán, lão mổ bụng dồn
trấu chúng nó…
Mười năm sau nỗi sợ trẻ con ấy đã
được hóa giải bằng những cuốn sách, những hình vẽ về người Java trong thư viện
thị xã, những giả thuyết về Chà Và. Họ là những người Ấn, người Phi có đầy đủ
chân tay, mắt mũi. Lấy họ để dọa trẻ con không hẳn vì kỳ thị, mà vào cái thời
giao lưu với bên ngoài còn hiếm, những người nước ngoài vượt biển không cùng
màu da, ngôn ngữ đến đây được xem như đến từ trời khác, thế giới khác. Họ, cùng
với ma, trở thành khắc tinh của trẻ hư.
Mười năm, vài ba nỗi sợ hoang
đường đủ để đứa trẻ tự điều chỉnh sự hoang dã bản năng của chính mình, hình
thành nhân cách một cách cơ bản nhất. Ngay khi người ta chưa biết đến những điều
khoản trên giấy tờ của luật pháp, họ đã được nhen lên trong đầu mình những thứ
luật tục riêng, những đạo lý riêng. Khi cắt cổ con gà, nghe bà ngoại tôi thì
thầm “gà mày đừng có oán tao, tao hóa kiếp cho mày để đi đầu thai mau mau”, con
bé bảy tuổi là tôi bắt đầu tin có cái – gì – đó sau cái chết. Tôi tin có thần
có phật, có những linh hồn dõi theo mình dù mình không nhìn thấy. Đi cùng nỗi
sợ là đức tin, rằng làm điều xấu quấy sẽ bị trừng phạt.
Nỗi sợ hồi ấy cũng đầy mơ mộng,
mông lung. Giờ thì con chị bán cá chợ trời sợ công an, vì ông hay đuổi má nó
chạy dài vào những ngày lễ lớn. Con chị bán bánh sợ bà cho vay bạc góp nặng lãi
ở xóp vẫn hay chửi xói vào nhà. Con anh thợ hồ sợ chính ba nó những ngày say
rượu về gây gỗ đuổi đánh vợ con. Bọn nhỏ còn sợ cô giáo hay vớ lấy tất cả những
thứ cô lấy được trong tay để làm roi.
Nỗi sợ bây giờ mang nhác mang
gương mặt người thân thích. Gọi nỗi sợ bằng những cái tên mà từng chữ cái ghép
nên chúng tưởng như chỉ gợi thương yêu, không phải là phập phồng, rón rén. Người
ta có thể vẽ lên mà không cần tưởng tượng, hình dung. Nên nỗi sợ giải thiêng
cũng nhanh. Những đứa bé nhanh chóng nhận ra chú công an, bà cho vay, ông cha
say hay cô giáo… không phải ai cũng sợ. Và không phải lúc nào cũng đáng sợ.
Chiếc xe đạp - gia tài quý giá của chị bán cá đã bị đánh cắp, và đứa trẻ ngộ ra
thằng ăn trộm không sợ chú công an, nếu sợ thì chúng đã không đánh cắp, và nếu
sợ mẹ nó đã chạy đến đồn để méc. Chú ta chỉ giỏi rượt đuổi mẹ nó thôi.
Trên nỗi sợ đã hết phép màu là
một khoảng hoàn toàn trống trãi, không còn nỗi sợ nào tồn tại để chế ngự bản
năng. Người ta bắt đầu tự do như cỏ dại trước nhà.
Những bụi cỏ cao nhất đám hay lấn
lướt đè bẹp những bụi gần nó nhất. Con người bắt đầu có dấu hiệu sống như cỏ.
Những tội ác ngày càng dày, càng bất ngờ khó tưởng tượng khi lần lượt cha, mẹ,
vợ, chồng, con trở thành nạn nhân của chính người thân của mình. Không ngoại
trừ nhiều nhân vật thủ ác trong những câu chuyện tương tàn trên trang bốn,
trang bảy của các báo, đã từng là đứa trẻ nắm vạt áo người lớn gánh giấy bạc đi
mua lộc của thánh thần, và nó thấy những pho tượng cổ có vẻ mặt thần bí kia, có
phép màu gì mà thân giắt đầy tiền lẻ nom như ông già ăn mày ngoài chợ. Nó thấy
những bậc chân tu – người đang làm sứ giả của thần thánh cũng chơi game trên
điện thoại di động và miệng ngúc ngoắc cây tăm.
Cả thánh thần cũng giải thiêng
rồi, cũng gây cho người ta cái cảm giác “có thể mua được”, “bình thường thôi,
không đáng tin”…giống như pháp luật đã yếu mà còn mua được, lệ làng đã cũ mà
còn mua được… chúng ta còn gì để tự điều chỉnh hành vi của mình những lúc bản
năng tà ác ngoi lên, biết lấy nỗi sợ nào để chế ngự nó?
Nỗi sợ lớn nhất là không biết sợ
gì, tôi ngờ quá.