Con người sinh ra vốn đã có tâm
thức hiền lành. Họ thường là những người yêu khoa học công nghệ, nghiên cứu học
thuật. Lao động chất xám còn nặng nhọc hơn nhiều lần thế, nhưng sự cảm nhận giá
trị không phải ai cũng tự mình nhận ra được. Còn vật chất là những gì bề ngoài
… dễ nắm, dễ kiếm và dễ sử dụng và thường cho cảm giác ngay. Vậy mà dân mình
chỉ thích cảm giác ngay thôi và thường có thói quen thích như vậy đang là trào
lưu.
Trong cuộc sống, hạnh phúc là một
cảm giác chủ quan của con người, vì thế mọi người cảm nhận hạnh phúc khác nhau.
Không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo, bất kỳ ai
cũng có thể cảm nhận được hạnh phúc. Một người cảm thấy hạnh phúc nhiều hay ít
tùy thuộc vào suy nghĩ, quan niệm của người đó về nó.
Đọc bài viết “Đâu là của riêng
ai” của Nguyễn Duy Nhiên, có đoạn rất đáng suy ngẫm “Chúng ta chỉ có thể trao
tặng những gì mình thật sự có mà thôi. Ví dụ, ta chỉ có thể tặng cho người khác
niềm vui nếu như ta có sự an vui, ta chỉ có thể giúp cho người khác không sợ
hãi nếu như trong ta có được một sự vô úy. Đó là một điều rất thật. Nhưng bạn
biết không, nếu nhìn sâu sắc hơn thì ta cũng sẽ thấy rằng, thật ra chúng ta có
gì để ban cho hay tiếp nhận, mà chỉ làm điều kiện giúp nhau tiếp xúc lại một
thực tánh trong sáng đang sẵn có trong mỗi người mà thôi. Như một bà mẹ ôm đứa
con đang khóc của mình vào lòng và dỗ cho nó. Khi đứa bé nín khóc và ngủ yên,
bà mẹ cũng cảm thấy một niềm an vui và hạnh phúc. Ai là người cho và ai là kẻ
nhận bạn hả?”.
Mới nhận được tâm sự riêng của
bạn (Lynda Dương) mạn đàm về thế nào là hạnh phúc rất đáng suy ngẫm. Con người
được may mắn cha, mẹ sinh ra và không được quyền lựa chọn thời khắc được sinh
ra. Con người ngay từ khi sinh ra đã là một sinh vật tuyệt hảo nhất trên trần
gian. Ngày từ lúc sinh ra họ đã đã có số mệnh mà vũ trụ ban tặng đó là niềm
khát khao cuộc sống. Khát khao lớn nhất của con người là hạnh phúc. Chặng đường
gian nan con người từ lúc sinh ra và chết đi họ vật lộn với bao thử thách của
trần gian cũng chỉ là cái đích cuối cùng của cuộc đời là đi tìm hạnh phúc.
Có nhiều quan niệm khác nhau về
hạnh phúc trong cuộc đời. Cách chung, người ta coi hạnh phúc như một cái gì bên
ngoài mà mình phải có được: như tiền tài, danh lợi, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị.
uy thế, quyền lực, thành công theo phong trào, thỏa mãn ước muốn vật chất ngay
lập tức,…v.v…
Mỗi người theo góc độ của mình,
tùy thuộc vào nhu cầu thiết yếu của thể chất và tâm linh mà hình thành một quan
niệm về hạnh phúc. Nhưng nếu thế thì hạnh phúc là một cái gì chủ quan, phiến
diện, tạm thời, và cứ phải săn đuổi, tìm kiếm, chẳng biết bao giờ cho có, và
cho cùng. Hạnh phúc như thế đồng nghĩa với sở hữu, sở hữu càng nhiều, hạnh phúc
càng lớn, chiếm cứ càng lớn hạnh phúc càng nhiều. Kinh nghiệm thực tế cho thấy
không phải thế. Có thể nói trái lại, theo đạo Phật răn dạy, sở hữu càng nhiều,
càng khổ tâm, chiếm cứ càng lớn, càng khốn đốn. Không nen lẫn lộn phương tiện
với mục đích: “Con dao và cái nĩa không làm cho người ta ngon miệng” (De
Sirvy).
Có những phương tiện không cần
thiết, không cách này thì cách khác. Hạnh phúc không phải là cái gì bên ngoài
mà mình cần phải có, nhưng nhiều khi lại là điều mà mình không có, và không cần
phải có. Hạnh phúc không lệ thuộc vào những gì ta có, cũng không nằm trong
những gì ta được. Không thể luận bàn về hạnh phúc trên cái có hay không có,
được hay không được. Nó nằm trên bình diện khác của đời sống con người, trong
chính tâm hồn con người.
Hạnh phúc thật vốn sẵn có trong một
tâm hồn mỗi chúng ta. Đó là trạng thái hồn nhiên của các trẻ thơ, mà Nước Trời
thuộc về chúng, cho tới khi chúng bị khuynh đảo và bị đầu độc bởi những ảnh
hưởng xấu xa và tiêu cực của xã hội và văn hóa. Bởi vậy, hạnh phúc không phải
là cái gì chúng đạt được, nhưng nó đã sẵn có. Nó chỉ bị thất lạc, bị chôn vùi,
hoặc bị mai một. Ta không cảm nghiệm được hạnh phúc trong mọi lúc là vì ta sai
lạc và náo loạn trong tâm trí cũng như trong tính cách của mình, làm mất đi
hạnh phúc. Ta không cảm thấy hạnh phúc lan tỏa là vì ta còn chôn chặt hạnh phúc
dưới nhiều tầng lớp của ham muốn, thèm khát, tham lam, ảo tưởng, tự cao, tự
đại, cao ngạo và tự hào quá thái….
Nguyên nhân gây nên sai lạc và
tạo nên những tầng lớp ngu muội đó là do ta muốn tự đồng hóa mình với những
quan niệm, danh hiệu, tên tuổi, nghề nghiệp, chức tước, địa vị…được người ta
gán cho. Theo đúng quy luật phát triển xã hội, sự tự hào chính đáng đó chỉ đến
do nỗ lực chính đáng từ sức lao động và trí tuệ khi ta biến ước mong thành hiện
thực làm cho con người và xã hội được tốt đẹp lên.
Ngày nay, trong xã hội ta bằng
nhiều từ mỹ từ trọng vọng và có khi rất kiêu kỳ, không chỉ trong những hình
thức sinh hoạt văn hóa và xã hội, mà còn ngay trong truyền thống của các tôn
giáo. Chúng ta bị nhồi sọ vì những từ ngữ và quan niệm mua phong bán tước,
tranh quyền đoạt lợi do khôn lỏi, mưu mô và tiếm quyền, và coi nó như là điều
thiết yếu làm nên chính mình, hoặc làm nên giá trị của một con người,
Những sai lạc đó gây nên mù
quáng, tạo nên một tình trạng an thân giả tạo, và ru ngủ mình trên những sở hữu
tạm bợ, mà xã hội coi đó như một danh phận, hay một ý thức hệ hợp thời. Cần
phải tức tỉnh để nhận ra chính mình trong những thứ bung xung và hỗn độn đó.
Cần phải giũ bỏ những ảo tưởng để thoát ra khỏi “mê hồn trận”, tìm lại hạnh
phúc đang bị phủ che; cũng như phá vỡ mọi tầng lớp dầy đặc của những thanh thế
và danh hiệu mà người đời gán cho, để từ đó khơi lên nguồn hạnh phúc đang bị
vùi lấp dưới bùn nhơ của dục vọng thấp hèn.
Không dễ gì phá vỡ những rào cản
hạnh phúc đó, vì ta đã thấm nhiễm với những kiểu cách đó trong đời thường.
Chính R.Tagore cũng đã nói lên như vậy. “Chướng ngại trong tôi thường dai dẳng,
nhưng khi rắp tâm đập tan, tôi lại thấy lòng dạ nhói đau. Tôi chỉ muốn có tự do
giải thoát, nhưng lại thấy hổ thẹn khi mong đợi ngóng chờ… Bao quanh tôi là
khăn liệm bụi bặm và chết chóc; tôi ghét vô cùng, ấy thế mà vẫn cứ yêu thương
ôm ấp vào lòng…”.
Ý thức được những mâu thuẫn tự
cõi lòng mình, Khi khốn khó ta thương nương nhờ cửa Phật hoặc cửa Chúa và cầu
khẩn: “Thượng Đế, đây lời tôi cầu nguyện: xin tận diệt trong tim tôi mọi biển
lận tầm thường. Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui. Xin
cho tôi sức mạnh hiên ngang để đem tình yêu gánh vác việc đời. Xin cho tôi sức mạnh
ngoan cường để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó hay cúi đầu khuất phục
ngạo mạn, quyền uy. Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng hồn lên khỏi những ti
tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý Người
muốn.”
Vậy hy vọng được Giải thoát và
được Đấng Tối cao che chở là nguồn hoan lạc cho mọi tâm hồn, là đích điểm và
cội nguồn hạnh phúc trong ta. Tức là thời khắc chính ta tự nhận diện lại tinh
thần và tâm linh của bản thân với bản ngã “lương thiện”. Và nói cho cùng, ta sợ
mất đi nguồn sống của bản thân trên cõi đời này, ta hy vọng với sức mạnh cầu
khẩn phá vỡ mọi tầng lớp hỗn độn đang bít kín tâm hồn, để làm sáng lên nguồn
hạnh phúc cho đời mình.
Tối hồi hôm, người bạn Lê Mạnh
Hùng trước mặt “bà xã” và đám bạn hữu không biết có phải rượu vào lời ra, kể
rất thật các lần dối vợ để rồi bảo vệ quan điểm “hạnh phúc là dành cho nhau
khoảng trời riêng”. Anh chàng tên HÙNG này có thể bị tiểu đường, bụng bự, yếu
về khoản ấy, nên mạnh miệng thế thôi. Để nâng quan điểm, anh ta còn vận dụng
đến câu nói của Lê Nin đại ý Hạnh phúc chính là ban phát hay làm người khác
hạnh phúc.
Bạn Lynda Duong lập luận chắc
chắn hạnh phúc không phải là cái gì từ bên ngoài đi vào trong chúng ta, nhưng
từ bên trong ta lan tỏa ra bên ngoài để gặp gỡ, chia sẻ với người khác. Hạnh
phúc chỉ có thực khi được trao ban, chứ không thể chiếm đoạt, nó chỉ nảy sinh
từ lòng vị tha.
Ví dụ: người cha, người mẹ yêu
thương con cái do mình sinh ra là vô hạn. Niềm hạnh phúc lớn nhất của họ là
kiếm tiền bằng công sức lao động chính đáng nuôi nấng con cái. Họ chứng kiến
chúng trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội và gia đình. Hạnh phúc
của người làm cha, làm mẹ được xác lập ngay bằng những động cơ đi kiếm tiền
nuôi con và kết quả kiếm được tiền nuôi con họ. Đó là hạnh phúc.Khi về già, họ
chứng kiến con cái trưởng thành và vui vẻ. Cây đã đơm hoa quả đã kết trái, họ
cũng hạnh phúc.
Tương tự như một người công chức
lương thiện đi làm. Họ mong được tuyển dụng làm việc đúng với bằng cấp của họ
có, được làm công việc mà họ giỏi nhất và có nhiều sáng kiến nhất..và họ được
tôn trọng làm việc để nhận những đồng lương xứng đáng do công sức của họ bỏ ra.
Chuỗi hạnh phúc được xác lập khi họ được tuyển dụng đúng, được trả lương đúng
và được tôn trọng với các sáng kiến làm việc. Và hạnh phúc sẽ thăng hoa khi họ
hiểu sáng kiến đó giúp được cho nhiều người được hưởng lợi. Hạnh phúc dung dị.
Nếu bất kỳ ai có dịp tiếp xúc và
sống với những con người hạnh phúc đều hiểu rõ gương mặt hạnh phúc chỉ rực rỡ
và lan tỏa ra bên ngoài để gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ người khác. Hạnh phúc
thực sự là sự vị tha, sự chia xẻ và trao tặng.
Khó ai chiếm đoạt lòng tốt và và
sự tử tế của người khác bằng cách ban ơn cho cơ hội kiếm sống cho ai đó, sau
khi dồn đẩy họ vào chỗ đường cùng khốn khó và lối thoát duy nhất do mình nắm
giữ (nôm na là BAN PHÁT SỰ BIẾT ƠN) gọi là hạnh phúc được.
Khi chủ động để tâm làm cho người
khác được hạnh phúc thì chính mình cũng được hạnh phúc, nên người hạnh phúc
nhất là người đã tạo được hạnh phúc cho nhiều người khác. Trái lại, sự bất hạnh
sinh ra từ lòng vị kỷ.
Từ đó, ta mới xác tín rằng thời
gian của hạnh phúc là ngay bây giờ, và nơi chốn của hạnh phúc là chính tại đây.
Nó hệ tại ở nụ cười, với tâm hồn lạc quan yêu đời, và ở sự chia sẻ nồng thắm
của ta với những người chung quanh. Tất cả những cái gì bên ngoài chỉ góp phần
nẩy sinh hạnh phúc chứ không bao giờ là nguồn đem lại hạnh phúc cho ta, mà
chính ta mới là nguồn hạnh phúc cho mình. Chỉ khi dần dần ý thức nội tâm lớn
mạnh, ta mới nhận thấy ở nơi mình một thứ hạnh phúc đích thực, không lệ thuộc
vào ngoại vật, cũng không lệ thuộc vào người khác, nhưng lệ thuộc vào chính
mình. Để từ đó, ta biết chấp nhận mình, bằng lòng với mình, cảm thấy luôn đầy
đủ cho mình: “Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc. Tri nhàn, tiện nhàn, đãi
nhàn, hà thời nhàn” (Nguyễn Công Trứ).
Hạnh phúc là như thế, nó thuộc về
những người biết tự đủ cho mình, chứ không phải nằm chờ ở những mơ ước xa xôi,
cũng không trông đợi vào những hoạch định lớn lao hay những công trình sáng giá
trước mặt người ta: “Xót xa biết bao khi tìm hạnh phúc qua đôi mắt của người
khác” (Shakespeare). Hãy trở về với lòng mình, nơi khởi nguồn hạnh phúc.
Thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng đã
cho ta cái cảm nhận về hạnh phúc như sau: “Hạnh phúc thật ở trong tâm hồn của
mỗi người, và con người có thể luôn hưởng được nó, nơi huy hoàng tráng lệ của
cung điện hoàng gia, hay trong tăm tối thâm u của chốn ngục tù”.
Lạ thay, những tư tưởng lớn lại
thường gặp nhau. Trong Phật giáo cũng có câu: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.
Mục đích của thiền định là đem lại sự bình an sâu xa cho tâm hồn, nhưng điều đó
không cần nữa khi mọi hoàn cảnh của cuộc sống không còn làm náo động và lung
lạc tâm hồn. Một tâm hồn ung dung tự tại giữa những thăng trầm thay đổi, để
không có gì và cũng không có ai có thể lôi kéo, chế ngự hay lèo lái những cảm
nghĩ chân thật và trong sáng của mình. Đó mới thực là một tâm hồn chứa chan
hạnh phúc trong mọi lúc, vì nó được bình an và vững vàng trong mọi sự.
Hạnh phúc là một tâm thái, nên
hạnh phúc cũng là một lựa chọn: một sự lựa chọn sống yêu thương, hòa hợp, cởi
mở, thoải mái với chính mình và mọi người, không bị cản trở bởi thái độ hay cái
nhìn của người khác. Mỗi người đều có quan điểm và cách đánh giá riêng của họ.
Điều quan trọng để sống hạnh phúc là ta biết lựa chọn một thái độ chân chính,
một cái nhìn chân thật, phát xuất từ chính chân tâm của mình giữa những những
ngổn ngang và phức tạp của lòng người, để làm đẹp cuộc sống từ chính sự hiện
diện thân thiện của mình. Hạnh phúc không phải là ở trên mọi người, mà là ở tấm
lòng thanh thản, gần gũi với mọi người. Không thể tránh được những người không
chấp nhận mình, nhưng điều kiện cơ bản của hạnh phúc là mình biết chấp nhận họ,
mà không đánh giá, không xếp loại.
Điều này xem ra có vẻ khó khăn,
nhưng hãy nhớ rằng hạnh phúc là một sự lựa chọn, mà lựa chọn thì đòi hỏi phải
từ bỏ, quên mình: “Bí ẩn của hạnh phúc con người không nằm trong sự tìm kiếm
bản thân, nhưng trong sự quên mình” (Theodore Reik). Sự tiến triển trong đời
sống tinh thần là phương sách hữu hiệu để khơi nguồn hạnh phúc. Nó đòi hỏi việc
tu luyện và chỉnh đốn bản thân liên tục, chứ không phải muốn là được. Những chủ
trương sống dễ dãi chỉ là trò đùa. Đâu thể lấy tiền giả để mua đồ thật. Hạnh
phúc là điều cao quí phát xuất tự thâm tâm, nên nó cũng đòi một tính cách cao
quí trong mọi hành động của con người.
Có một nhà tư tưởng người Đức đã
đưa một bí quyết sống hạnh phúc như sau: “Người quan trọng nhất trong lúc này
là người đối diện với ta; giờ phút quan trọng nhất trong lúc này là giây phút
hiện tại; công việc quan trọng nhất là việc bổn phận ta đang làm. Chỉ chú ý vào
người đối diện, vào giờ hiện tại, vào công việc ta đang làm, đó là bí quyết
sống hạnh phúc”.
Người Nga cũng có một châm ngôn
tương tự: “Chỗ quan trọng nhất là chỗ bạn đang đứng lúc này; công việc quan
trọng nhất là công việc bạn định làm lúc này; con người quan trọng nhất là con
người đang đứng trước mặt bạn và đang cần bạn”.
Những ai đang thao thức làm đẹp
cuộc đời mình thì đều có những quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện những điều mình
đã đưa ra. Nhưng sức người có hạn, “lực bất tòng tâm”, nếu cố sức bằng mọi giá
có khi lại thành người duy ý chí, đè nén chỗ này thì lại bung chỗ nọ, có thể
sinh ra chán nản rồi bỏ cuộc, thế là đâu lại hoàn đó.
Hãy sống giây phút hiện tại với
tất cả tinh thần lạc quan và phó thác, đó mới chính là quyết tâm hiện thực mà
ta có thể làm ngay trong giờ phút này một cách hữu hiệu. Hãy đón nhận từng giây
phút đang đến như từng viên ngọc quí mà Vũ trụ và cha mẹ sinh thành trao ban
cho ta. Hãy hưởng nếm những niềm vui nho nhỏ ngay trong từng giây phút sống của
mình, và trao vào tay những người thân yêu đang chung sống cùng với ta lúc này.
Với lòng tin tưởng như thế, ta hãy buông xuống mọi lo âu. Đừng hát nữa bài ca
than vãn, chỉ gây chán chường thôi, mà hãy cất lên lời tri ân ca ngợi vì giây
phút hiện tại này.
Đời sống mỗi người đều có những
chỗ khuyết, chỗ hụt, những mất mát, yếu kém không thể bù đắp, nên ở đời có vẻ
chẳng có ai được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc hạnh phúc nhất, cũng có điều
làm ta bận lòng. Cuộc sống hiện thế có những tương đối của nó. Hạnh phúc nào mà
chẳng phải mua với ít nhiều đau khổ. An vui nào mà lại không phải đổi chác với
ít nhiều công khó. Sách Sử Ký đã ghi: “Họa hề phúc sở ỷ, phúc hề họa sở phục;
ưu hỉ tụ môn hề, cát hung đồng vực” (Họa thì phúc nương theo đó, phúc thì họa
nằm sẵn trong đó; buồn và vui cùng nhóm một cửa; may với rủi cùng ở một nơi).
Câu chuyện “Tái ông thất mã” cũng
cho chúng ta thấy như thế. Tuy nhiên, hạnh phúc đích thực luôn nằm trong trạng
thái ung dung giữa mọi cảnh đời thuận lợi hay bất lợi, ngang trái hay êm xuôi.
Dù trái nghịch nhau về hình thức và hậu quả bên ngoài nhưng lại hòa hợp nhau về
ý nghĩa và giá trị bên trong để hoàn thiện hóa cuộc sống, giúp con người biết
tương đối hóa mọi sự kiện để biết nuôi dưỡng đời sống tinh thần, hướng đến một
chiều kích siêu việt.
Do đó, hạnh phúc không có nghĩa
là không có đau khổ trong đời. Đó là điều không tưởng, và cũng thật là phi lý
và vô nghĩa. Con người phải lớn lên trong cuộc sống về mọi phương diện để kiện
toàn chính mình, thì đau khổ, nghịch cảnh, trái ngang… và những giới hạn của
kiếp sống phải là điều đương nhiên, như một phương cách để thanh luyện và triển
nở, và cũng là một kiểm nghiệm tối cần để để cảm nếm hạnh phúc một cách sâu xa
hơn. Vì thế, Diêu Thuấn Mục có viết: Sự tình ngổn ngang và phức tạp để kiểm
nghiệm ta thực sự có tài năng không? Xã hội không tốt để kiểm nghiệm ta có thực
sự tiết tháo hay không? Gian nan khốn khó để kiểm nghiệm tư tưởng của ta có
vững vàng kiên định không? Đấu tranh xung đột để kiểm nghiệm con người của ta
có bản lãnh không? Nhục nhằn oan khiên để kiểm nghiệm ta có phải là người khoan
dung không?”.
Còn chúng ta là những con người
của trần thế, trần tục và đương đại…đau khổ cũng là những chuỗi việc làm không
đúng bắt đầu từ tinh thần và ham muốn không đúng. Khi ta đau khổ, ta thấu hiểu
nỗi đau và ăn năn để thay đổi. Ta quyết tâm thay đổi, ta sẽ tìm lại mọi vui vẻ
ở cuộc sống những con người yêu thương ta, chịu sống cùng với ta những ngày ta
khốn khó, lầm lạc và giúp ta trở nên bản lĩnh và có ích cho gia đình và xã hội
hội hơn. Hạnh phúc cũng tự thế mà trở nên có giá trị với ta theo năm tháng hiện
tại và tương lai.
Xin mượn bài thơ “Suy nghĩ về
hạnh phúc” của Đỗ Trọng Thân để kết luận cho bài viết này:
Ta đốt đuốc đi tìm hạnh phúc
Lửa chỉ sáng nửa con người phía trước
Nửa phía sau bóng đen,
Ta quay đuốc bốn bên
Cái bóng không rời ta nửa bước
Quay đuốc về phía trước
Bóng vật về phía sau
Hạnh phúc ở đâu ?
Trong cuộc đời ta sáng tối liền nhau...
Người đời xưa tưởng trái đất như cánh đồng
Magien Lăng đi tìm trái đất
Và loài người từ đó bắt đầu chóng mặt
Trên đầu ta mặt trời không bao giờ tắt
Mà cuộc đời vẫn nửa trắng nửa đen.
Dẫu vòng tay người ôm tròn trái đất
Thì một nửa trắng ngần một nửa lọ lem.
Cuộc đời nào không qua những bóng đêm?
Cái thai nghén của một thời ánh sáng
Quả ngọt trên môi qua một thời chát đắng
Và hạnh phúc nào không bắt đầu từ những khổ đau...
Ôi, cái hạnh phúc hàng đầu thế
giới…kia đấy! Có đáng “tự hào” không nhỉ? Thực chất thì ai cũng thấy rõ như ban
ngày: Hạnh phúc ở đâu? Của ai? Và cho ai?
Tô Văn Trường
Theo Bùi
Văn Bồng blog