Khủng hoảng gốc

Chắc hẳn bạn không xa lạ với những câu chuyện vẫn xảy ra trong cuộc sống sau đây. Tuy vậy, mình chân thành mời bạn cùng đối diện với khúc mắc ở cuối mỗi câu chuyện.

++

Đứng trước hiện tượng ngộ độc thức ăn và sự xuất hiện của những căn bệnh quái lạ ngày càng nhiều, người phóng viên trẻ quyết định đến một làng miền quê để làm phóng sự về tình trạng thực phẩm. Xưa nay khi nói đến đồng quê, người ta vẫn liên tưởng đến những người nông dân hiền lành thật thà chứ không phức tạp như nơi phố thị bon chen. Anh phóng viên gặp một phụ nữ bán rau tuổi chừng tứ tuần, một mẫu người chất phác. Qua nghiên cứu, anh phát hiện ra rằng sự xanh tươi mơn mởn bắt mắt của các loại rau chị ta đang đóng thùng gửi về thành phố để bán là do tác dụng của các loại hoá chất khá độc hại phun lên rau. Anh phóng viên hỏi chị ta: “Chị bán rau như thế lỡ người khác ăn vào rồi bệnh thì sao?”

“Anh này nói chuyện buồn cười,” chị ta thản nhiên đáp lại, “tôi có ăn đâu mà lo. Mà tôi cũng chẳng rảnh lo chuyện thiên hạ….”

Không biết có khi nào chị nghĩ một người bà con của chị ở thành phố mua trúng rau này không? Hay là một ai đó ăn rau của chị sẽ gặp và lập gia đình với con cháu của chị trong tương lai?

Tại sao một người miền quê chất phác lại trở nên vô tâm như vậy, bạn nhỉ?

++

Từ ngàn xưa, truyền thống “tôn sư trọng đạo” là nét cao quý trong nhân bản. Tiên học lễ – hậu học văn. Thầy cô là người cha người mẹ thứ hai trong đời. Ai cũng kính nể trân trọng. Bỗng một hôm, cả khu phố xôn xao vì một học sinh đuổi đánh thầy giáo ngay trong sân trường. Mới đầu ai cũng bị sốc mạnh và quyết liệt lên án hành động phản đạo đức này. Thời gian dần trôi qua, thỉnh thoảng người ta nghe thêm một vài vụ như thế. Đến ngày hôm nay, tin tức “học sinh hành hung thầy cô giáo” chỉ là một trong những tin tức người ta lướt qua trên báo đài.

Chuyện gì đã xảy ra vậy? Tại sao lại có thể bi thảm như thế được?

++

Hầu như năm nào thiên tai lũ lụt cũng xảy ra trên quê hương thân yêu. Ai đã từng ở trong cảnh màn trời chiếu đất, đói khát bệnh tật sẽ hiểu được nỗi khổ đó kinh khủng như thế nào. Một chén gạo, một lọ muối, một gói mì tôm để tiếp tục duy trì sự sống quý giá vô cùng. Mỗi lần thiên tai, đồng bào đồng loại khắp nơi hy sinh chắt góp mồ hôi nước mắt gửi về chia sẻ với những anh chị em đau khổ cùng cực ấy, cầu mong họ qua được cơn hiểm nghèo. Thế mà vẫn có chuyện ăn xén ăn gian ăn cắp ăn trộm ăn cướp những trợ giúp tình nghĩa dành cho người nghèo khổ. Buồn cười… ra nước mắt!

Tại sao có những người nhẫn tâm như thế?

++

Tuổi học trò là thời vun chăm nhân cách, xây đắp những kỉ niệm dễ thương hồn nhiên, bạn nhỉ! Thế mà dưới mái nhà trường quê tôi hôm nay, học sinh chợt thấy khó hiểu tại sao thầy cô lại dạy bao dung trong khi giữa các đồng nghiệp giáo viên có hiện tượng “bung dao” đều đều. Học sinh cảm thấy rối trí khi một đàng thầy cô dạy rằng phải sống tốt lành quảng đại một đàng lại dạy rằng con người chỉ là một động vật bậc cao, “chết là hết” và các giáo lý dạy ăn ngay ở lành của Chúa của Phật là những thứ mê tín nhảm nhí phản khoa học….

Hôm nay, đi học mà không copy nhìn trộm bài là bất thường, đi thi mà không “đem phao” là ngu xuẩn. Đương nhiên không ai trên đời này muốn bị mang tiếng là bất thường hay ngu xuẩn, kể cả các học sinh có thành tích không cao lắm. Bao nhiêu lần báo chí tường thuật việc gian lận, quay cóp như một quốc nạn. Tường thuật thì tường thuật, biện pháp thì biện pháp, sau nhiều năm tình trạng vẫn thế, thậm chí ngày càng tệ hơn.

Tại sao lại có những chuyện như thế xảy ra ngay trong một môi trường dành riêng cho việc đào tạo nhân cách?

++

Cách đây ba mươi năm, người học sinh trung học quyết định trở thành cảnh sát để bảo vệ giữ gìn đời sống bình yên cho nhân dân. Những năm mới ra trường, anh hăng say phục vụ quên mình. Trong mắt mọi người, anh là mẫu gương cho lý tưởng những thanh niên khác. Bỗng một hôm người ta phát hiện ra anh cảnh sát năm nào đã nhiễm thói quen nhận hối lộ. Thậm chí anh còn tìm cách “làm tiền” người dân bằng các thủ thuật khá chuyên nghiệp.

Năm nay anh cũng gần đến tuổi nghỉ hưu. Thôi thì thế hệ của anh cũng sắp qua rồi. Nhân dân cũng có phần bớt lo. Nhưng điều đáng lo lắng nhất là những thế hệ trẻ sau anh muốn vào ngành cảnh sát không phải để phục vụ mà để có quyền, có quyền thì dễ có tiền. Báo chí gọi hiện tượng này là “thoái hoá” hoặc “biến chất”.

Tại sao lại có hiện tượng này?

++

Con người có thực sự muốn sống chung với nhau? Theo thống kê, chi phí cho các cuộc chiến tranh trên thế giới – tức là chi phí để con người có phương tiện giết hại lẫn nhau – năm 2009 vào khoảng 1.536 tỷ mỹ kim. Từ năm 2000 cho đến 2009, chi phí cho chiến tranh tăng 49%. Năm 2010, chi phí này là 1.630 tỷ mỹ kim.

Trong khi đó, chỉ cần 30 tỷ mỹ kim (tương đương 1 tuần chi phí cho chiến tranh) là có thể giải quyết nạn đói đang hoành hành trên toàn thế giới. Con người là loài đủ thông minh để chinh phục vũ trụ, chế tạo các loại máy móc hiện đại trong đó có những thứ vũ khí tối tân thì chắc chắn con người cũng đủ thông minh để hiểu rằng hoà bình hoà hợp với nhau mới là thứ đem lại hạnh phúc đích thực.

Hiểu như thế, nhưng tại sao vẫn đầy chiến tranh chết chóc khổ đau?

++

Bạn có biết câu chuyện nào tương tự không? Mời bạn góp lời kể.

Previous Post
Next Post