Lẽ ra cần có một ngày như thế. Để
chúng ta được/phải sống thành thực với chính mình và gia đình, bè bạn...
Hình như chưa bao giờ sự dối trá,
lừa lọc hoành hoành ngang nhiên và trắng trợn như bây giờ. Những gói hàng cứu
trợ người nghèo quá đát. Những kẻ có tiền, lập những hồ sơ gian dối để tranh
mua những căn hộ giá rẻ dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp để kiếm
lời. Những công trình xây dựng bị bòn rút. Những kẻ cơ hội kiếm bằng được cho
mình một tấm bằng dỏm bằng bất cứ giá nào để tiến thân. Rồi những câu chuyện về
sự dối trá của những đứa trẻ bỏ trốn khỏi nhà mở tỉnh Đồng Nai, sự dối trá của
của “cô Lượm” khiến chúng ta đau đớn và bàng hoàng. Lòng tốt, sự chân thành hóa
ra thành một thứ dễ bị qua mặt, và hơn thế, nó đang có nguy cơ bị sự dối trá
giễu cợt, và biến thành trò cười. Mà lẽ ra, sự dối trá không nên; thậm chí
không được phép tồn tại.
Người bạn tôi kể: anh đã từng rất
bất bình vì sự thành thực của mình bị nghi ngờ và xúc phạm. Chuyện chỉ đơn giản
là một hôm, khi đến quán café X. cùng một người bạn, anh tình cờ nhặt được một
chiếc điện thoại. Anh đã cầm chiếc điện thoại lên, hỏi những người trong quán
xem có ai đánh rơi hay không. Nhưng không một ai nhận. Anh vào danh mục điện
thoại, tìm kiếm cuộc gọi gần nhất, và nhấn số. Khi đầu dây bên kia lên tiếng,
anh lập tức thông báo về việc mình vừa nhặt được điện thoại, và anh nhờ họ
thông tin cho chủ nhân của chiếc điện thoại bị rơi đến lấy lại. Chỉ một thời
gian ngắn sau, chiếc điện thoại báo có cuộc gọi đến. Đó chính là chủ nhân của
chiếc điện thoại. Cô ta vừa nhận được thông tin từ người bạn nên lập tức gọi
lại cho anh.
Với giọng nói nghi hoặc và dè
chừng, cô ta hỏi anh về chiếc điện thoại, về việc tại sao anh nhặt được nó. Anh
thêm một lần nữa trình bày về việc mình nhặt được chiếc điện thoại ra sao, và
việc mình đã cố liên lạc để mong chủ nhân của chiếc điện thoại nọ đến quán café
để nhận lại. Vài phút trôi qua, điện thoại lại rung bần bật. Lần này là một
người khác, tự xưng là bố của chị A.; chủ nhân chiếc điện thoại. Cuộc đàm thoại
diễn ra khá lằng nhằng, và người bạn tôi lại nhẫn nại tiếp tục tường trình về
việc nhặt được điện thoại, và việc muốn trả lại vật không thuộc sở hữu của
mình, không kèm theo bất kì điều kiện nào. Người ở đầu dây bên kia nghe xong
tắt máy.
Một lúc sau, lại có người gọi
đến, tự xưng là anh trai của chị A.; chủ nhân chiếc điện thoại. Cuộc trò chuyện
diễn ra không khác gì một cuộc hỏi cung, khiến bạn tôi nổi khùng. Vậy mà sự
việc vẫn chưa dừng lại ở đó. 15- 20 phút sau, lại có một cuộc gọi đến, truy vấn
về chiếc điện thoại. Đến lúc này thì người bạn tôi không chịu đựng nổi việc
mình đang bị xúc phạm. Anh ngồi ở quán café đến gần nửa đêm, chỉ chờ để trả lại
chiếc điện thoại, nhưng đã không một ai đến nhận. Thay vào đó là những cuộc gọi
nghe ngóng, thăm dò và cật vấn. Do quá muộn, do không đủ kiên nhẫn, người bạn
tôi đã gửi lại chiếc điện thoại nơi người chủ quán và ra về.
Hôm sau, anh trở lại quán café,
và được thông báo là tối khuya của ngày hôm đó, đã có một tốp thanh niên, tay
cầm gậy gộc, hằm hằm đến quán để “xin điện thoại”. Chủ quán tỏ thái độ bất ngờ
trước bộ dạng hiếu chiến của đám người nọ, thì được thanh minh rằng: sợ có kẻ
kiếm cớ nhặt được điện thoại để tống tiền nên mới phải thế. Ông chủ quán – dù
là người ngoài cuộc, cũng phải phẫn nộ thay cho bạn tôi, rằng người ta tốt như
thế, vậy mà những kẻ thô tục và thiển cận lại nghĩ sự việc méo mó và tệ hại đến
như thế sao? Chẳng lẽ cuộc đời này, lòng tốt và sự chân thành không còn đất sống
nữa hay sao?
Câu chuyện chiếc điện thoại của
người bạn khiến tôi chợt nhớ lại một câu chuyện mà mình từng gặp phải. Chuyện
về một một người phụ nữ già vẫy xe đi ở cạnh đường ray, nơi hàng ngày tôi vẫn
đi làm qua.
Người phụ nữ ấy, tôi chưa bao giờ
gặp. Nhưng đúng hôm ấy, bà xuất hiện. Bà đứng rúm ró cạnh đường ray, kẹp bên
nách là một chiếc túi vải cáu bẩn, mái tóc xơ xác buộc vội. Bộ dạng người phụ
nữ ấy trông mệt mỏi và ủ rũ. Bà đứng bên đường ray, và vẫy tay ngỏ ý xin đi nhờ
những người qua đường. Chỉ là một đoạn đường ngắn thôi. Đến chân cầu vượt thôi.
Chân bà đang đau. Bà không có tiền. Và bà có việc phải đến chỗ ấy nhanh nhất có
thể. Gặp ai bà cũng trình bày một nội dung như thế. Lời trình bày khẩn khoản,
đến độ thành van xin. Cho đến lúc gặp tôi, bà đã gần như tuyệt vọng. Giọng bà
đã lạc đi. Bà bảo: “chỉ là một đoạn đường thôi, làm ơn”. Nhưng tôi đã giả bộ
như không nghe thấy. Mặc dù nơi tôi dừng xe chỉ cách chỗ bà đứng chưa đến một
mét. Và khi có hiệu lệnh qua đường, tôi đã lao xe đi thật nhanh, mặc cho người
phụ nữ ấy đang cố sức gọi với theo. Tôi xấu hổ trước hành động tẩu thoát của
mình. Nhưng tôi đã không thể làm khác.
Đơn giản vì tôi sợ. Những câu
chuyện mà tôi được nghe, được đọc ở trên mạng hàng ngày, thì những cuộc xin quá
giang ấy, là những cái bẫy đang được giăng ra chờ những con mồi dại khờ sa bẫy.
Vì chỉ cần ngồi được lên xe, người tốt bụng “không đề phòng” kia bỗng nhiên sẽ
bị mụ mị, bị dẫn dắt đến đoạn đường vắng, bị cướp đồ, cướp xe. Thậm chí đến
tính mạng cũng khó mà giữ được. Đại loại thế. Nghĩa là chẳng có gì tốt lành khi
tự nhiên ta mang lòng tốt đối đãi với người khác. Tôi sợ vì tôi đã từng gặp
những người phụ nữ trông bộ dạng hiền lành thật thà rong theo xe mình khi đang
đi trên phố để xin tiền mua xăng. Chuyện phi lý đến khó tin ấy, vậy mà tôi đã
từng bị mắc phải, và rốt cục là chiếc ví không cánh mà bay, dù rõ ràng sau khi
lấy tiền đưa cho cô ta, tôi đã cẩn thận nhét ví vào sâu trong túi xách.
Nỗi sợ khiến tôi cẩn trọng trước
mọi lời nhờ vả bỗng dưng mọc lên trên đường đi. Tốt nhất là tránh càng xa càng
tốt. Bởi vậy, khi nhìn người phụ nữ đứng bên đường ray, với chiếc túi cáu bẩn,
phản xạ đề phòng đã lập tức được tôi bật lên như một lớp áo giáp để tự bảo vệ
mình. Khi đã đi hết đoạn đường ấy, đến chỗ rẽ sang đường, tôi có ý nhìn lại để
tìm người phụ nữ với chiếc túi vải cáu bẩn như xem màn kết một vở kịch. Bà ta
không còn đứng bên đường ray nữa. Hình như người phụ nữ ấy đã hết kiên nhẫn,
hết niềm tin rằng có thể tìm được ai đó tốt bụng để xin đi nhờ xe. Và bà quyết
định tự đi. Những bước đi thập thõm và đau đớn. Cái đau thể xác có lẽ không
thấm vào đâu so với cái đau trong tim của người phụ nữ ấy rằng: một người già
cả, cần sự giúp đỡ nhỏ nhoi dường ấy mà không ai có thể giúp được.
Vấn đề không phải là không một ai
giúp được bà, hoặc sẵn lòng giúp bà. Vấn đề ở chỗ người ta đang ngờ vực sự
thành thực của bà. Người ta, trong đó có cả tôi nữa, nghĩ rằng đó chỉ là màn
kịch được dựng ra để lợi dụng lòng tốt của người khác cho những toan tính xấu
xa. Người ta luôn có những chiếc áp giáp mặc sẵn để biến thành mình thành người
khôn ngoan, tránh được mọi lừa mị. Và đến khi gặp những lời chân thành, những
nỗi éo le thực sự, thì không một ai tin cả. Và chúng ta thấy mình thật đáng phỉ
nhổ vì sự đề phòng thái quá. Chúng ta tự làm tâm hồn mình cằn cỗi, tự giết chết
những hạt mầm của lòng thành thực và nhân ái, và đối đãi với nhau bằng sự xảo
trá và đề phòng.
Đó chẳng phải là những bi kịch mà chính con
người chúng ta sắp đặt cho mình ư?