Ngay bây giờ đây, chứ không phải ở ngày mai

Ta có ký ức vì ta có kỷ niệm. Ta có kỷ niệm vì ta trốn sống. Ta không sống thật với tất cả nhiệt thành của con người thật, mà ta chỉ sống trên tên gọi, nhãn hiệu, biểu tượng, sống bằng sách vở, bằng kinh nghiệm của người khác. Cuộc sống dang dở để lại một kỷ niệm cũng như củi cháy dang dở để lại tro tàn. Kỷ niệm chồng chất lâu ngày kết lại thành bản ngã. Con người chúng ta là kết tinh của bản ngã ấy, nghĩa là của quá khứ vậy.

Với cái ngã ấy càng ngày càng được củng cố, con người càng biệt lập với loài người, biệt lập và loại trừ ra ngoài tất cả những gì chẳng phải là mình, tất cả cái phi ngã. Đó là đầu mối của mọi sự tranh chấp ray rức con người, từ nội giới đến ngoại cảnh, xã hội, loài người. Cái ngã ấy càng cứng rắn bao nhiêu thì cái phi ngã càng khủng khiếp bấy nhiêu. Con người đâm sợ, sợ mất cái ngã, và tất cả những gì là sở hữu của ngã. Sợ, con người cần tự vệ. Muốn tự vệ, cần tấn công. Tấn công để chiếm hữu.  

Sự chiếm hữu không phải chỉ nhắm vào những của cải vật chất (tiền bạc, ruộng đất) mà còn bao gồm luôn những sở hữu tinh thần (học vấn, văn bằng) và tình cảm (yêu đương, uy tín, v.v...).   

Khi tinh thần chiếm hữu đi vào đoàn thể, thì "cái tôi" được thổi phồng lên thành "cái chúng ta" mang đủ màu sắc kỳ thị: đó là tinh thần bộ lạc, quốc gia, chủng tộc. Hai trái bom Hiroshima đủ vạch trần bộ mặt của cái chúng ta ấy, chung qui đều vì sợ mà tự vệ và tấn công vậy. Và mọi cuộc xung đột, bạo động, chiến tranh, cách mạng, đều là hiện thân của lòng vị kỷ tập thể ấy nung sôi đến cực độ để bảo vệ cái tôi tập thể ấy.

Toàn thể nền văn minh hiện đại đều xây dựng trên cái tôi ấy.   

Cái tôi bắt nguồn từ quá khứ, nên mọi hành động của con người đều phản bội lại hiện tại, chối bỏ cuộc sống, trốn tránh sự thực. Càng vùng vẫy, con người càng chìm đắm thêm giữa mâu thuẫn và khổ đau, càng cảm thấy thấm thía hơn tất cả nỗi phi lý của kiếp người.   
Sống là phi lý. Làm gì cũng là phi lý. Mà chết quách đi cũng là phi lý. Tất cả đều là phi lý: đó là tiếng nói của thời đại - của cái tôi. Vậy bài toán đặt ra là giải thoát con người khỏi cái phi lý ấy - mà cũng đừng thay thế vào đó bằng cái hữu lý nào khác.

Nói một cách khác, chỉ đả phá chứ không xây dựng, chỉ phủ nhận chứ không chấp nhận lại, vì lẽ trên quan điểm hiện thực, phủ nhận tức là chấp nhận, đả phá tức là xây dựng, không làm gì hết là làm tất cả, hiện tại tức là toàn thể thời gian, cái không tuyệt đối bao gồm luôn cái có tuyệt đối.   

Do đó, con đường giải thoát là con đường vô vi: không đuổi theo thời gian mà dừng lại ở hiện tiền. Cái hiện tiền ấy tự nó là viên mãn, nên thân chứng vào cuộc sống không đòi hỏi chút công khó hoặc thời gian nào. "Anh có thể được giải thoát, nhưng phải ở hiện tại, ngay bây giờ đây, chứ không phải ở ngày mai". "Ngay bây giờ đây" là đoạn tuyệt với quá khứ nằm ở ký ức, ở bản ngã, và nhất là ở tâm thức con người.

Trúc Thiên
Previous Post
Next Post