Trong thế gian này thì quan niệm
về thưởng phạt của thiện ác thay đổi tùy theo địa phương, hoàn cảnh xã hội,
khoảng cách thời gian và giá trị đạo đức…Vì tất cả đều mang tính cách tương đối
bởi vì cùng một hành động mà có người cho là đúng còn kẻ khác nói là sai. Những
người lãnh đạo chánh quyền luôn luôn cố gắng tìm sự công bằng cho xã hội, nhưng
thật ra từ xưa tới nay cái công bình do con người tạo ra bằng những khuôn mẫu
pháp luật chỉ đạt được kết quả giới hạn mà thôi.
Chẳng hạn như có một bộ lạc bán
khai có tục lệ giết một trinh nữ mỗi năm để làm lễ tế thần. Mặc dù cô gái được
chọn cũng cảm thấy vinh dự về sự hy sinh của mình và đối với họ hành động này
là thiện trong khi những dân tộc khác thì cho hành động này là man rợ, độc ác.
Một ví dụ khác là chúng ta rầy la con cái để chúng siêng năng học tập. Hành
động này mới thấy thì có vẻ bất thiện, nhưng về sau nếu con của chúng ta trở
thành người tốt thì việc làm của chúng ta ngày nay là việc thiện.
Có một câu chuyện thần thoại nói
về sự phân biệt giữa thiện và ác. Lúc đó có hai ông tiên, một già, một trẻ
xuống trần thăm dân cho biết sự tình: Địa điểm đầu tiên mà hai vị đi tới là một
dinh thự nguy nga lộng lẫy để xin ngủ qua đêm. Nhà thì rộng mà chủ nhà chỉ cho
tá túc ở dưới basement lạnh lẽo. Trên đường xuống nơi tạm nghỉ, vị tiên già
thấy một lỗ trống trên tường nên dùng phép để lấp lại. Đêm kế tiếp, hai vị ghé
căn nhà của một cặp vợ chồng nghèo sanh sống nhờ vào một con bò và khu vườn
nhỏ. Cặp vợ chồng này tiếp đãi hai vị tiên nồng hậu. Hai vị tiên được mời ăn
uống và họ nhường cái gường của mình cho hai vị tiên ngủ. Sáng hôm sau, khi mọi
người thức giấc thì thấy con bò bị chết. Cặp vợ chồng khóc nức nở nhưng chẳng
than Trời oán Phật chi cả. Thế rồi hai vị tiên ghé một sòng bài để giải trí.
Trong sòng bạc có một người đang say mê đánh bài. Lúc đó anh ta thắng liên tục
với đống tiền rất to trước mặt. Vị tiên già tới gần và vô tình đụng vào ly rượu
trên bàn người đánh bài làm ly rượu rớt xuống đất bể tan. Người đánh bài tức
giận mắng chửi vị tiên già rồi ôm đống tiền bỏ đi và phàn nàn rằng:”Mình đang
thắng mà tới phá phách làm cho người ta xui”.
Khi về đến thiên giới, vị tiên
trẻ nói với vị tiên già bằng một giọng bực bội rằng:” Tôi chẳng hiểu đầu óc của
anh dạo này làm sao ấy. Tưởng đi với anh để học được chuyện khôn ngoan, đạo đức
nào ngờ thấy toàn là những chuyện trái tai gai mắt không à. Tại sao anh lại
giúp tên nhà giàu bần tiện đối xử bạc đãi với anh em mình? Hắn cho anh em mình
ngủ dưới hầm lạnh lẽo mà anh lại lấp lỗ tường dùm cho hắn? Còn cặp vợ chồng kia
thì họ rất tử tế với mình mà anh không dùng quyền phép cứu con bò để họ làm kế
sinh nhai? Còn chuyện người đánh bài đang thắng có đụng chạm gì tới anh đâu mà
anh lại hất ly rượu của ông ta xuống đất? Vậy là thế nào?
Vị tiên già từ tốn và hiền hòa
đáp: “Thấy vậy mà không phải vậy đâu chú ạ”. Sự thật là như thế này: Thứ nhất,
vì ông nhà giàu mà ích kỷ không biết thương người, không muốn tạo thêm phước
đức nên mặc dầu có đống vàng ở trong nhà mà cũng không hưởng được. Bởi vì trong
lỗ hổng có giấu vàng mà hắn không tạo phước nên ta lấp lại cho hắn không thấy
thì hắn không hưởng được. Như vậy phước đức chính là kho vàng trong nhà của
mình đó mà không thấy. Chuyện thứ hai lúc ta đang ngủ trên giường của cặp vợ
chồng nghèo khổ kia, ta thấy thần chết tới lấy mạng của người vợ nên ta đã cho
thần chết con bò để thế mạng cho người vợ. Còn chuyện người đánh bài, vì cờ bạc
mà ông ta vay mượn nhiều người làm cho vợ con đói khổ chẳng có tiền mua thức
ăn. Ta thấy anh ta sắp thua trở lại nên làm cho anh ta “xui” để anh ta đem tiền
về đưa cho vợ mua thực phẩm cho gia đình và trang trải nợ nần.
Tuy con người có quan niệm khác
nhau về sự thưởng phạt của thiện ác, nhưng Luật Nghiệp Báo thì lúc nào cũng đại
diện cho sự công bình tuyệt đối vì đó là sự thưởng phạt công minh và không bị
biến thiên theo hoàn cảnh. Thật vậy, những gì một người làm cho kẻ khác dựa
theo luật Nghiệp Báo thì nó sẽ đền bù trở lại cho họ một cách công bình, chắc
chắn và hợp lý.
Một thí dụ là có một tay buôn bán
ma túy số lượng lớn bị bắt và bị kết án chung thân. Nói theo luật pháp thì hắn
ta đã nhận lấy hậu quả của tội lỗi mình một cách thích đáng, nhưng còn Luật
Nghiệp Báo sẽ đối xử với hắn ta ra sao? Sau khi chết hắn sẽ tái sinh vào một
gia đình mà cha mẹ là những kẻ nghiện ngập ma túy nằm trong đường dây buôn lậu
của hắn ta từ kiếp trước. Sau đó cha mẹ hắn ta phạm tội rồi bị tống giam và hắn
ta bỗng nhiên trở thành kẻ lêu lỏng rồi biến thành người nghiện ma túy. Hắn cần
tiền để thỏa mãn tính nghiện ngập nên đi cướp bóc và bị bắn chết. Tuy vậy cái
nghiệp ma túy của hắn chưa hoàn toàn chấm dứt, nên nhiều đời sau hắn ta lại
tiếp tục tái sinh vào những gia đình có người nghiện ngập. Cái sa đọa đau
thương mà hắn đã gieo rắc cho kẻ khác đã trở thành cái màng nhện quấn lấy hắn
ta trong nhiều kiếp luân hồi.
Thí dụ trên cho thấy cái bản án
của luật pháp dành cho kẻ phạm tội không phản ảnh trung thực được cái quả báo
của Luật Nghiệp Báo. Rõ ràng Luật Nghiệp Báo chứng tỏ rằng kẻ vào tù chưa phải
là đã trả xong nợ cũ bởi vì luật pháp xã hội của con người chỉ là một khía cạnh
nhỏ mà Luật Nghiệp Báo mới thật sự biểu hiện một cách khách quan cho ân oán
phân minh.
Chính Luật Nghiệp Báo rất phù hợp
với lương tâm của con người nên không nhất thiết chúng ta là người Phật tử mới
thấy nó hợp lý mà ngay cả những người không có khuynh hướng tín ngưỡng cũng
chấp nhận sự thật của chân lý này. Họ tin rằng có một sự công bình mầu nhiệm
chi phối đời sống của con người để người tốt sẽ hưởng được nhiều may mắn và kẻ
ác tất nhiên phải gánh chịu nhiều tai vạ.
Mặc dầu Phật có dạy đời là biển
khổ, nhưng trong nhân gian ai ai cũng cố bám vào sự sống. Có những người nghèo
khổ, sống lây lất ở hè phố qua ngày không có mái nhà để che thân, còn kẻ khác
thì vướng bệnh hiểm nghèo mà họ vẫn xem sự sống là một cái gì thật vô cùng quý
giá. Thế nên hành vi tước đoạt mạng sống của kẻ khác được xem là sa vào một tội
ác nghiêm trọng.
Nếu một kẻ giết người thì đối với
luật pháp xã hội đôi khi có thể chỉ lãnh khoảng mười năm đến hai, ba mươi năm
tù, nhưng Luật Nghiệp Báo sẽ quyết định về tương lai của hắn ta một cách công
bình và hợp lý. Nếu trong khi bị giết mà nạn nhân khởi niệm căm thù và muốn trả
oán thì những tư tưởng đó sẽ biến thành hành động cho đời sau và do đó chắc
chắn người nạn nhân này sẽ trở thành thủ phạm ở đời sau. Một lần nữa Ý Nghiệp
đời này sẽ chuyển thành Thân Nghiệp cho đời kế tiếp. Tuy nhiên có những trường
hợp mà nạn nhân không có ý niệm trả thù bởi vì lúc đó họ chỉ chú tâm nghĩ đến
người thân, tiền tài của cải …hoặc có thể họ đạt được hạnh nhẫn nhục cao độ thì
đời sau thủ phạm sẽ bị giết bởi một người khác hoặc có thể họ bị một tai nạn
như lật xe, rớt máy bay, bị sét đánh…
Nếu có kẻ đã giết người quá nhiều
thì quả báo dành cho họ là thường xuyên bị giết hại ở nhiều kiếp về sau. Tệ hại
là có thể bị hãm hại khi còn ở trong bụng mẹ nhiều lần. Đây là ứng dụng vào
những vụ phá thai. Thêm nữa, khi giết người chồng có nghĩa là người vợ và những
đứa con sẽ bơ vơ, côi cút và nghèo khổ do đó cái quả báo dành cho tên sát nhân
là đời đời sinh ra bị bỏ rơi, nghèo khổ, lang thang và dốt nát. Đó là chưa kể
khi giết một người tức làm đổ vỡ những sự nghiệp của người đó đang cố gắng xây
dựng thì quả báo dành cho tên sát nhân là thường xuyên gặp thất bại ở đời sau.
Chưa hết, một người bị giết sẽ làm cho nhiều người thân đau khổ thì cái quả báo
dành cho tên sát nhân là thường xuyên rơi vào tâm trạng tuyệt vọng đau khổ
giống như những kẻ bị bệnh hoang tưởng tâm thần.
Tuy nhiên không phải hễ giết
người là phải hứng chịu lấy quả báo như nhau. Việc thọ nhận quả báo vẫn còn tùy
thuộc rất nhiều tùy theo giá trị và hoàn cảnh của người bị giết. Chẳng hạn như
người bị giết là một công dân lương thiện làm được rất nhiều lợi ích cho xã hội
hay là một vĩ nhân thánh thiện như thánh Gandhi, người đã từng đem lợi ích lớn
lao cho nhân loại thì quả báo mà thủ phạm phải trả là cực kỳ đau khổ. Hắn sẽ bị
đày đọa hành hạ ở vô số kiếp, có khi làm súc vật bị đánh đập giết hại và có khi
làm người bần tiện khốn cùng bị giết chết.
Ngược lại nhân viên cảnh sát
trong lúc đang thi hành nhiệm vụ đã bắn chết một tên cướp nhà băng nguy hiểm
đang gây án. Tên cướp này đã từng giết người cướp của gây kinh hoàng cho mọi
người thì tội giết người trong trường hợp này không đáng kể. Chẳng những thế
khi không còn tên cướp thì xã hội sẽ được bình yên hạnh phúc vì thế anh cảnh
sát sẽ hưởng thêm một số phước đức. Đây chính là sự công bình của Luật Nghiệp
Quả.
Là người Việt Nam thì không ai quên được cuộc
chiến kéo dài bao năm trên đất nước khổ đau này. Nếu người chiến sĩ chiến đấu ở
tuyến đầu để bảo vệ sự an bình cho người dân ở hậu phương thì việc bắn giết là
điều không thể tránh. Nhưng cái tội đó có thể được bù đắp bởi công lao đã giữ
gìn cho sự yên ổn của rất nhiều lương dân ở sau chiến tuyến. Chỉ khi nào người
chiến sĩ nằm trong quân đội đi xâm lăng nước khác thì lúc đó tội của anh ta mới
lớn.
Sát hại con người thì như thế còn
sát hại thú vật thì Luật Nghiệp Quả định đoạt như thế nào?
Khi giết một con vật thì nghiễm
nhiên chúng ta đã tước đoạt sự sống của nó, do đó chính mình đã tạo nên nghiệp
rồi. Nhưng tùy theo giá trị của con vật mà có sự phân biệt nặng nhẹ giữa tội và
phước.
Khi con người nuôi súc vật để lấy
thịt như bò, heo, gà, vịt…thì cái phước nhỏ ở đây là cung cấp thực phẩm cho
nhân loại, nhưng cái tội lớn là giết hại biết bao mạng sống của con vật. Thêm
nữa, con người càng ăn thịt thì họ sẽ sinh ra nhiều bịnh tật như đau tim, ung
thư, nhiễm thú tính…vì thế họ đã gây ra một số tội nghiệp nữa rồi. Một cái
phước nhỏ mà phải đổi lấy bao cái tội lớn thì Nghiệp Báo của họ sẽ khủng khiếp
về sau. Trong xã hội hiện nay, chúng ta đôi khi nghe có người làm nghề giết
thịt như mổ bò, heo, gà, vịt…Đến khi gần chết họ bỗng trở bệnh kêu la rên xiết
như heo và thấy ảo ảnh có vô số thú vật đến cắn xé, đòi mạng. Ngay cả con cháu
đứng kế bên đâu có thấy gì mà họ cứ gào thét. Thật là bi thảm. Khi mạng chung
để chuyển qua kiếp sau thì chắc chắn họ phải đọa làm thú để chịu cảnh đau đớn
khi bị mổ giết. Dù chỉ hành nghề trong một đời, mà đã giết hại quá nhiều thú
vật nên họ phải đọa làm thú liên tiếp nhiều kiếp về sau để trả cho hết oan trái
ngày xưa. Thân người mà phải đọa làm thú thì thật là thê thảm.
Vậy còn có những trường hợp nào
khác mà con người sẽ bị đọa làm thú vật ở kiếp sau?
Thông thường những kẻ nào tạo
những nghiệp thấp hèn, đê tiện làm mất nhân phẩm và giá trị sẽ bị đọa làm thân
thú vật ở đời sau để gánh chịu sự khinh rẻ, coi thường.
Trước hết là phạm vào tà dâm,
loạn luân và phá vỡ luân thường đạo lý của xã hội loài người. Nếu con người
không thể kìm chế dục vọng của mình, tà dâm không tiết độ thì rõ ràng hạnh
nghiệp tương đương với dục vọng của loài thú rồi.
Có người đời trước thọ nhận rất
nhiều tài vật của người khác một cách bất chính như trộm cướp, giật nợ hoặc tu
sĩ nhận cúng dường nhưng không giới hạnh cộng thêm với tư cách ích kỷ hèn kém
thì kiếp sau họ sẽ bị đọa làm các loài lao động như trâu, bò, ngựa…để trả nợ.
Còn nếu họ chỉ mắc nợ tài vật mà có tư cách tốt thì đời sau vẫn được làm người
nhưng phải lao động quần quật để trả nợ. Do đó chỉ những tài sản được tạo nên
từ công lao của mình một cách chân chính, dù ít hay nhiều, thì mới thật là
thành quả đền bù của cuộc sống và sẽ không lo sợ trả nợ về sau. Đây mới là sự
công bình thật sự trong cuộc đời.
Có người lòng dạ thật ích kỷ đã
biến thành hành vi tranh giành cấu xé đồng loại không thương tiếc thì cũng
giống như loài thú. Nhiều người vì quá ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, không ngại
dùng mọi thủ đoạn hiểm độc để bức hại kẻ khác để thủ lợi cho mình thì tư cách này
chẳng khác chi loài thú chỉ biết sống theo bản năng ích kỷ, tranh giành. Hành
vi giống thú thì quả báo đọa làm thú là điều không tránh khỏi.
Khi nóng giận, có người hay chửi
mắng kẻ khác là trâu, bò, chó, heo…Lời nói ác độc này được lập đi lập lại nhiều
lần trong suốt cuộc đời sẽ đủ sức kết thành quả báo để đọa họ làm thân thú vật
ở đời sau. Do đó ngậm máu phun người dơ miệng mình là như vậy.
Chó thì có chó Tây, chó Mỹ và chó
Việt. Trong khi phần lớn chó Mỹ được cưng chiều, sung sướng còn chó Ta thì đói
khổ mà còn bị con người làm thịt. Tại sao có sự bất bình đẳng này? Quả báo này
có hai nguyên nhân, một là khi còn làm người ở đời trước thì nó có nhiều ân
nghĩa với người chủ và đã giúp đở người chủ đắc lực mặc dầu nó đã gây ra một số
nghiệp bỉ ổi, mất nhân phẩm. Do nghiệp kém nhân cách, nó phải đọa làm chó,
nhưng do ân nghĩa lớn lao với chủ ngày xưa nên nó được cưng chiều như vậy.
Có người nói rằng cây cỏ, rau quả
cũng có sự sống thì người ăn chay có mang tội sát sanh hay không?
Khi cắt một ngon rau tức là chúng
ta đã xâm phạm đến đời sống của sinh vật thì việc tạo nghiệp là hiển nhiên có
nhưng rất nhỏ. Khoa học ngày nay chứng minh rằng thực vật cũng có phản ứng tâm
linh, nhưng những phản ứng về khả năng sinh tồn này quá thô thiển và đơn giản
cho nên nói chung cây cỏ không có những dấu hiệu đau đớn khi chúng ta cắt cây,
tỉa cành hay hái quả. Nếu một người suốt đời ăn chay, tiêu thụ rất nhiều rau
quả thì cái cộng nghiệp này cũng không phải nhỏ, nhưng việc tu hành khiến họ
làm rất nhiều điều phước thiện, giáo hóa để tăng trưởng đạo đức cho kẻ khác thì
những cái phước này sẽ quá dư để bù lại cái tội kia.
Vào năm 1966, ông Backster, nhà bác
học đã chế ra bộ máy điện tử để đo lường nói dối, đã làm một cuộc thí nghiệm
chứng minh rằng khi sống cạnh nhau, cây cối để ý canh chừng nhau. Khi có một
động vật chẳng hạn như con nhện tới gần tạo mối nguy hiểm thì cây cỏ quay sang
canh chừng con nhện. Ngoài ra, cây cỏ còn có trí nhớ để nhận biết những chuyện
phá hoại chúng và chúng còn biết thương yêu người chăm sóc và biết sung sướng
khi người đó trở về.
Cây càng lớn và lâu năm thì năng
lực tâm linh càng mạnh. Ở Việt Nam
có những cây đại thọ mọc ở sau đình. Khi có người muốn đốn nó thì phản ứng tâm
linh của cây đủ sức làm cho người kia mang bệnh mà chết, nhưng người dân không
hiểu thì cho rằng động đến thần linh ở trên cây là tuyệt mạng. Như vậy đốn cây
là tạo nghiệp còn việc trồng cây, bảo vệ rừng là một phước lớn.