
Thật không còn một trò thể thao
nào tàn bạo dã man hơn khi con người dùng tài đấu bò khéo léo của mình để giết
một con bò vô tội. Ðám khán giả vô tâm ngồi quanh đấu trường vỗ tay vang dội để
cổ võ cho trò giết bò man rợ, dã man của người đấu bò. Một đôi khi bò húc trúng
người đấu bò và gây thương tích trầm trọng cho anh ta. Con bò nhắm vào màu đỏ
máu mà húc không phải vì tính nó tàn bạo. Nó húc vào màu đỏ vì bản năng trời nó
sinh như thế. Nhưng người đấu bò dùng kiếm đâm cho bò chảy máu ra cho tới khi chết
là một hành động chủ ý khát máu dã man không nên có ở loài người, một loài có
lý trí nhưng đôi khi không có tình thương dành cho đồng loại hay súc vật.
Tuần trước tại Barcelona
thuộc cộng đồng Catalonia
ở phiá Ðông bắc Tây Ban Nha đã có luật cấm đấu bò được ban bố. Bên bảo vệ thú
vật hô to khẩu hiệu “đả đảo độc ác” trong khi phe ủng hộ đấu bò hô hào “tự do
muôn năm”. Phó chủ tịch Rovira của cộng đồng tự trị ủng hộ dự luật bị đả đảo là
độc tài. Những người chống đấu bò quấn vải tưới nước đỏ tượng trưng cho máu bò,
họ giương khẩu hiệu lên án chuyện giết bò khi thi đấu là độc ác và tố cáo sự dã
man cuả những người khán giả ngồi xem.
Tại thủ đô Madrid
của Tây Ban Nha, có mấy chục người chống đấu bò tập trung ở trung tâm thành phố
mở Champagne
ăn mừng chiến thắng dự luật chống đấu bò. Sau nhiều trăm năm môn thể thao đấu
bò được thịnh hành, đã đến lúc người Tây Ban Nha đã nhìn thấy sự tàn bạo dã man
của môn đấu bò và đưa ra dự luật ngăn cấm trò thể thao tàn bạo dã man này.
Ngoài môn đấu bò ở Tây Ban Nha, trên thế giới còn có trò thể thao dùng chó săn
săn chồn ở Anh cũng không kém phần tàn bạo và sau cùng môn quyền Anh là một môn
thể thao tàn bạo nhằm huỷ hoại cơ thể con người và cũng nên có luật để ngăn cấm
môn thể thao nguy hại này.
Ngoài môn đấu bò ở Tây Ban Nha, ở
bên Anh có một môn thể thao không kém phần tàn bạo là dùng chó săn đuổi săn
chồn và xé xác chúng ra. Những người đi săn chồn ngồi trên lưng ngựa, dẫn theo
một đoàn chó săn. Ðoàn chó săn khi gặp một con chồn thì ráo riết đuổi cho đến
khi con chồn hết sức chạy để rồi bị đoàn chó săn phanh thây chồn một cách tàn
baọ. Chó săn phanh thây chồn nhưng người đi săn đóng vai chủ đạo điều khiển chó
làm chuyện tàn bạo ấy nên trách nhiệm thuộc về người chứ không phải của chó
săn. Người đi săn chồn không chủ ý ăn thịt chồn sau khi săn mà chỉ muốn tận
hưởng cái cảm giác thích thú khi nhìn thấy đàn chó săn hung hãn săn đuổi và xé
xác con chồn vô tội. Một con người có lương tâm không ai nỡ làm như thế cả !
Nhưng rồi lương tâm người Anh cũng
thức tỉnh nên vào năm 2005, toà án kháng cáo Anh xác định chuyện cấm dùng chó
săn để săn chồn ở xứ Anh và xứ Wales .
Chuyện cấm dùng chó săn chồn cũng gây ra sự chống đối cho rằng làm như thế là
hạn chế những quyền tư do dân sự và sẽ làm mất đi công ăn việc làm ở những vùng
thôn quê. Những người ủng hộ dự luật cấm săn chồn cho rằng môn thể thao có hàng
trăm tuổi này tàn ác với loài chồn, đáng lẽ chúng phải được đối xử nhân đạo
hơn. Lương tâm dân chúng Anh đã thức tỉnh để dự luật cấm dùng chó săn săn chồn được
hình thành và loài chồn ở xứ Anh từ nay sẽ được sống trong yên ổn, thanh bình,
không còn phải e sợ bị lũ chó săn do ngươì đi săn điều khiển săn đuổi cắn xé
chúng nưã.
Nhà văn Bernard Shaw có câu nói
so sánh khá hay và sâu sắc, “Khi con người giết một con cọp thì gọi đó là một
trò thể thao. Khi con cọp muốn giết anh ta thì gọi đó là sự dã man tàn bạo” (When
a man wants to murder a tiger, it is called sport. When the tiger wants to
murder him, it is called ferocity)
Thật là bất công và oan ức cho
loài thú, một loài chỉ sống vì bản năng. Chúng tấn công người đôi khi chỉ vì
kiếm ăn trong khi người tấn công chúng đôi khi chỉ vì thú vui săn bắn chứ không
phải đói ăn.
Nói chung chuyện đấu bò ở Tây Ban
Nha và chuyện người dùng chó săn chồn ở Anh là chuyện “người đòi máu súc vật”.
May mắn thay loài người dần nhận ra đó là những môn thể thao thiếu đạo đức, tàn
bạo, vô lương tâm nên đã ra lệnh cấm. Ðó là một chuyện làm đẹp đẽ và đạo đức
đáng tuyên dương. Tuy nhiên trong thế giới loài người còn tồn tại một môn thể
thao “ người đòi máu người “ thật dã man, xấu xa. Ðó là bộ môn quyền Anh (mà
danh từ bình dân gọi là “ đánh bốc” (boxing)). Ðã có nhiều thương tổn về thể
xác cũng như sự chết chóc mà môn thể thao tàn bạo này đem lại cho những võ sĩ
lên đài.
Năm 1982, võ sĩ quyền Anh người
Nam Hàn tên Kim Duk Koo chết vì bị thương tích sau một trận dấu với võ sĩ vô
địch quyền Anh là Ray Macini trong một trận đấu ở Las Vegas . Ðiều đau thương và bi thảm tiếp
theo là bà mẹ của võ sĩ Kim Duk Koo quá đau khổ vì cái chết tàn bạo của con,
nên đã quyết định tự tử chết theo con. Rõ ràng là môn quyền Anh đã dính máu hai
mẹ con võ sĩ Kim Duk Koo và vết máu oan nghiệt này sẽ không bao giờ phai cho
đến khi môn quyền Anh ngu xuẩn và tàn bạo này bị cấm vĩnh viễn.
Vaò ngày 20 tháng 6 năm 1980, Võ
sĩ Cleveland Denny bị võ sĩ Gaetan Hart đánh vào chỗ hiểm ở đầu gây ra thương
tích trầm trọng cho óc. 17 ngày sau, Võ sĩ Denny qua đời
Vào năm 2000, Võ sĩ hạng lông
Paul Ingle, sau một trận đấu quyền Anh ở Shefield, Anh quốc bị rơi vào tình
trạng hôn mê và phải chiến đấu để giành giật sự sống qua một cuộc giải phẫu ở
bệnh viện để gỡ bỏ một cục u máu trong đầu.
Năm 2007, một Võ sĩ Nam Hàn khác
tên Choi Yo Sam bị đánh hư não và rơi vào hôn mê sau trận đấu. Ông ngã xuống
sàn vào khoảng 5 giây trước khi hiệp thứ 12 chấm dứt. Ông bị Võ sĩ Heri Amol
của Indoneisa đấm một cú mạnh vào hàm bên phải để rồi từ đó gây ra thương tích
như đã nói trên.
Ngược lại với những môn thể thao
khác có mục đích tạo dựng và tăng cường sức khoẻ cho con người, ý định căn bản
của một tay đấm quyền Anh là làm hại đối thủ anh ta, làm cho đối thủ bại liệt,
bị thương tích hay không còn đề kháng nổi nữa.
Ủy hội Y khoa thế giới dùng sự
thương tích cuả Võ sĩ Ingle để nhấn mạnh đến lới kêu gọi ngăn cấm chuyện đấu
quyền Anh. Không thể nào tham dư vào trận đấu quyền Anh mà không bị thương tổn.
Quyền Anh không xứng đáng được gọi là một môn thể thao một cách công bình. Nó
là một kiểu chơi man rợ cần phải được ngăn cấm và huỷ bỏ càng sớm càng tốt.
Có điều đáng buồn là môn quyền
Anh mới đây lại được đưa vào chương trình thi đấu của Thế vận hội muà hè. Người
võ sĩ khi lên đài đấu trong Thế vận hội được mang một mặt nạ bằng ny-lông có
bơm hơi bao kín đầu và hai bên má nhằm giảm sự chấn thương khi bị địch thủ đấm.
Nhưng làm như thế chỉ giảm chứ làm sao có thể loại bỏ sự chấn thương khi bị đấm
được. Ðây là một quyết định ngu xuẩn cuả ủy ban Thế vận hội khi mang trò chơi
thể thao gây thương tích và chết người naỳ vào đường hướng chỉ tiêu thể thao
tạo khoẻ mạnh cho thân thể của Thế vận hội.
Một môn thể thao rất phổ biến ở
Mỹ là môn banh cà na (football) gây nhiều thương tích trầm trọng như bán thân
bất toại hay tê liệt toàn thân cho cầu thủ chơi. Số cầu thủ bị thương tích bởi
môn thể thao này có thể từ những em học sinh trung học, sinh viên đại học hay
là những cầu thủ nhà nghề. Trong những môn thể thao khác như bóng rỗ hay bóng
tròn, sự đụng chạm thân thể của cầu thủ trên sân banh bị coi là phạm lỗi và bị
trọng tài thổi phạt thì trong môn banh cà na, cầu thủ tìm cách húc nhau để cản
trở sự tấn công của đối phương là chuyện thường tình.
Khi húc nhau trong khi chạy với
vận tốc cao, cột sống của cầu thủ thường bị gãy hay hư hại trầm trọng đưa đến
tình trạng cầu thủ bị tê liệt toàn thân hay bán thân bất toại suốt đời. Trên
thế giới chỉ có nước Mỹ là chơi trò chơi banh cà na nguy hiểm và ngu xuẩn này
chứ không thấy nước nào chơi cả. Có lẽ ngươì Mỹ cũng nên cấm môn thể thao banh
cà na tàn bạo gây thương tích này là vừa. Mục đích của chuyện chơi thể thao là
tạo sức khoẻ chứ không phải gây thương tật vĩnh viễn cho cơ thể.
Nhân loại sẽ văn minh và tốt lành
hơn nếu không còn cảnh “người đòi máu vật” hay “người đòi máu người”. Thể thao
thường được đặt ra để biến một trò chơi hấp dẫn thành một hoạt động thể dục có
ích lợi cho sức khoẻ con người. Tiếc thay nhiều môn thể thao đã biến thành trò
chơi ác độc, huỷ hoại, giết chóc loài vật một cách vô lý và vô lương tâm, rồi
có môn thể thao gây nguy hiểm thương tích và chết chóc cho người tham dự. Cần
phải mạnh mẽ huỷ bỏ những môn thể thao tàn ác, dã man này để nhân loại ngày
càng có một cuộc sống và trò chơi lành mạnh và nhân bản hơn.
Trần Viết Đại Hưng
Nguồn: daihung.webs.com