Có một câu hỏi rất thú vị về trí
nhớ của con người: "Từ khi sinh ra cho đến bây giờ, bạn nhớ nhất điều
gì?" Câu trả lời rất đa dạng. Người thì nói họ nhớ nhất người thân: cha
mẹ, vợ chồng, con cái; Người bảo nhớ quê hương, trường học, thầy cô, bạn
bè...Người thì nhớ mối tình xưa, kỷ niệm đẹp, quà tặng, nụ hôn đầu, thi đỗ,
trúng số, kiếm việc, thoát nạn... Người khẳng định nhớ nhất lần thi trượt, bệnh
nặng, tai nạn, thất tình, mất tiền, tan vỡ...Nếu tin vào cấu trúc "ngũ uẩn"
và ý nghĩa "tự hoàn thiện" của mỗi người, bạn sẽ nhận ra 3 nỗi nhớ
lớn nhất của con người, chính là:
(1) Nỗi nhớ thứ nhất: Nhớ tới Bản
Ngã. Cái thứ bản chất cụ thể mà lại vô hình cứ đeo đuổi ta. Ta là ai? Tại sao
ta được sinh ra? Cuộc sống có ý nghĩa gì với ta? Ta sẽ đi về đâu? Đâu là bản
chất của ta? Tại sao ta gặp người này, không gặp hoặc phải rời xa người kia?
Tại sao cuộc đời ta lại thế này?...
(2) Nỗi nhớ thứ hai: Nhớ cách
thoả mãn dục vọng của Bản Ngã. S. Freud gọi đó là thị dục huyễn ngã, lớn kinh
khủng: lòng tự trọng, muốn khẳng định mình. Ta nhớ đến lúc nghe người khác ca
tụng, gọi ta bằng cái danh to, ông này bà nọ, thấy có oai không? Nghe có sướng không?
Lưu danh muôn đời ư?...
(3) Nỗi nhớ thứ ba: Nhớ tới cái
Tôi (giả ngã). Điều này thấy rõ khi ta nhìn một bức ảnh tập thể. Ta luôn tìm
xem mình có đó không, mặt mình thế nào, trông mình ra sao? Cái "tôi"
đó ám ảnh ta và thúc đẩy ta "tôi luyện", khẳng định cái tôi, cái
riêng có...Ta nhớ lắm cái dục vọng bản năng con người và cách thức thoả mãn dục
vọng đó...
Như thế, 3 nỗi nhớ ấy của con
người rất lớn, lớn khủng khiếp. Ở trạng thái tiêu cực, nỗi nhớ bộc lộ
Tham-Sân-Si. Ở trạng thái tích cực, nỗi nhớ đó hướng về Chân-Thiện- Mỹ. Dù nhận
ra hay không, nỗi nhớ đang thường trực trong tâm trí ta, có thể ở dạng ROM
(read-only) hay RAM (random-access). Cái đó thật khó quên. Nếu quên tất cả, có
lẽ đã xong một kiếp người!