
Vô minh là cội nguồn của muôn
kiếp khổ đau - Con người có mặt trên cõi đời này do vô minh chủ động, nên khi
ra đời đã mang sẵn chất keo đau khổ. Vô minh là gì mà đày đoạ con người lắm thế?
Vô minh là nhận hiểu sai lầm về con người và muôn vật. Về con người, thân này
là cái không thể giữ mà cố giữ, cái sắp bại hoại mà muốn không bại hoại, cái
tạm bợ mà tưởng lâu dài, cái nhơ nhớp mà tưởng đẹp đẽ; các cảm giác là hư ảo mà
tưởng chân thật, cảm giác là vô thường mà tưởng lâu dài, cảm giác là là đau khổ
mà tưởng hạnh phúc; nội tâm vọng tưởng là ảo ảnh mà chấp là tâm mình, chân tâm
bất biến thì lơ là không biết đến. Và muôn vật, những sắc hình hào nhoáng,
những âm thinh sanh diệt, những hương vị tạm bợ mà mê say đắm đuối, khao khát
thèm thuồng đuổi bắt suốt đời không biết mệt mỏi.
Từ những nhận hiểu sai lầm này,
con người không bao giờ toại nguyện, không bao giờ được như ý, không bao giờ
thấy hạnh phúc; mà luôn luôn thấy bất mãn, bất như ý, bất hạnh...là nguồn gốc
khổ đau. Cái nhận biết sai lầm này gắn chặt vào chúng ta từ đòi này sang kiếp
nọ, mãi mãi không rời, cho nên khổ đau do nó gây ra không biết lấy đâu làm ngằn
mé, chỉ còn cách diễn tả "nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển
cả".
Mặc dù vô minh hiểm nguy như thế,
song một phen giác ngộ chúng đều tiêu tan. Như ngôi nhà tối ngàn năm chỉ còn
thắp ngọn đèn sáng lên thì bóng tối tan mất. Cái mê lầm u tối tạo thành muôn
ngàn sợi dây nghiệp khổ; trói buộc lôi kéo con người lăn lộn trong vạn nẻo luân
hồi, tưởng chừng như không có cách gì thoát khỏi, đâu ngờ ngọn đèn giác ngộ vừa
bừng sáng lên, chúng liền lui mất không còn tung tích. Thấy được việc này, đức
Phật không nở nụ cười an lành sao được.
Chúng sinh si mê tranh dành sắc,
tài, danh, lợi, đấm đá nhau, sát phạt nhau, lừa đảo nhau, hận thù nhau ... biến
cảnh nhân gian thành bãi chiến trường. Kẻ thắng thì được hoan hô thăng thưởng,
được vật chất dẫy đầy; người bại thì bị khinh miệt chê đè, bị thân tàn nghèo
đói. Một bên hạnh phúc, một bên khổ đau hiện bày trước mắt mọi người. Vì thế,
bất cứ ai có mặt trên trần gian đều sẵn sàng cầm kiếm xông vào trận mạc để mong
dành phần thắng về mình. Nhưng nơi chiến trường đâu phải ai cũng là kẻ thắng.
Có người thắng là có kẻ bại, có hạnh phúc là có khổ đau. Ðôi khi kẻ bại phải
tan thân mất mạng đã đành, mà người thắng cũng thương tích đầy mình. Hạnh phúc
rất ít mà khổ đau quá nhiều.
Mặc dù là thế, ở đời có ai chịu
nhường bước cho ai. Những chiếc xe tranh nhau qua mặt gây tại nạn, hàng ngày
xảy ra nhan nhản trước mắt, mà các chú tài xế ít khi chịu nhường tránh nhau để
mình và người được an toàn. Tranh đấu đã trở thành qui luật của con người. Song
kẻ thắng người bại kết cuộc sẽ thành cái gì? - Một nấm mồ hay một nhúm tro tàn!
Ðời người là diễn viên đang diễn
xuất những vở bi hài kịch trên sân khấu của kịch trường. Dù đóng vai người tài
danh lỗi lạc hay đóng vai kẻ ăn mày cùng khổ ở xó chợ đầu đường, khi hạ màn kết
thúc đều không. Trong lúc giả trang tạm thời ấy, mọi sự được mất thành bại ...
đều là trò chơi. Người diễn viên thông minh đóng kịch, dù bi kịch hay hài kịch,
khi sân khấu buông màn liền nở nụ cười, đây là trò đùa trên sân khấu, không có
một chút hối tiếc hay lo buồn. Ðúc Phật đã giác ngộ viên mãn, thấy rõ cuộc đời
ảo hóa, khi từ giã cuộc đời tự nhiên ngài hé môi cười nhẹ.
Những thứ suy tư nghĩ tưởng trong
nội tâm, mỗi con người chúng ta đều thừa nhận là tâm của mình, hoặc nhận là mình.
Tôi suy tư thế này, tôi nghĩ tưởng thế kia, hoặc tôi nghĩ tôi tưởng. Do thừa
nhận chúng là mình, nên chúng ra oai tác quái tạo đủ thứ nghiệp, cột trói lôi
kéo mình lăn tròn trong lục đạo không có ngày thoát khỏi. Hằng ngày các thứ ấy
lăng xăng lộn xộn bủa vây che đậy trong nội tâm chúng ta không một chút giây an
ổn. Có khi chúng nó ồn ào náo loạn khiến đầu óc ta nóng rực bất an, cố van xin
chúng cho cho ta được vài phút an lành, nhưng chúng nó nào có chịu tha, cứ tha
hồ quậy, buộc lòng ta phải dùng thuốc an thần để chống cự.
Thậm chí những nhà tu hành cũng
bực bội sự náo loạn của chúng, phải chạy tìm "pháp an tâm". Có vị sợ
sự trói buộc vô hạn định của chúng, phải đi cầu xin "pháp giải
thoát". Gặp bậc thầy cỡ lớn, nhà tu hành liền đem ra hỏi "pháp an tâm".
Ông thầy nghiêm nghị bảo "đem tâm ra ta an cho". Nhà tu hành sửng sốt
phản quang soi lại thì bọn giặc ồn ào đã biến đâu mất, đành thưa "con tìm
tâm không được". Bậc thầy nhếch mép cười bảo "ta đã an tâm cho ngươi
rồi. Nhà tu hành bỗng dưng thấy bọn giặc ấy là một đám khói mây. Nhà tu hành
khác thao thức lo sợ sự trói buộc của đám phiền não này đi cầu thầy dạy
"pháp giải thoát". Ông thầy cỡ lớn chỉ hỏi "ai trói buộc
ông?". Nhà tu hành tìm lại không thấy có gì trói buộc, liền thưa "không
có ai trói buộc". Ông thầy cả cười bảo "cầu giải thoát làm gì?"
Nhà tu hành bỗng dưng thấy trăm dây ngàn mối trước kia nhất thời đã biến đâu
mất.
Khi thấy tột bản chất ảo hóa của
các thứ tâm lăng xăng lộn xộn này, đức Phật chỉ có cười với chúng mà thôi! Nếu
ai còn lầm nhận chúng là mình thì bị chúng ra oai tác quái, trái lại người biết
rõ bản chất hư ảo của chúng thì không bị chúng lừa gạt và khả năng lôi kéo của
chúng cũng bị hạn chế. Thấy rõ các thứ tâm hư ảo rồi, đức Phật còn nhận ra tâm
thể chân thật nơi mỗi con người là thênh thang trùm khắp, chưa bao giờ bị sinh
diệt vô thường. Xả bỏ thân khổ đau nhớp nhúa, tạm bợ, thể nhập pháp thân thanh
tịnh bất sanh bất diệt (niết bàn), nhẹ nhàng an lạc biết mấy, thì đức Phật làm
sao chẳng hé nở nụ cười an lành thanh thản. Không những Phật mà các Thiền sư đệ
tử Phật khi từ giã cuộc đời cũng cười. Tôn giả Pháp Loa khi sắp tịch diệt để
kệ:
Dịch âm:
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Na biên phong huyệt cách man khoan
Dịch nghĩa:
Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi
Bên kia trăng gió rộng thênh thang
Ðeo mang thân này là đeo mang
gông cùm, bệnh tật, bại hoại, khổ đau, buông xả được nó thì nhẹ nhàng thảnh thơi
an lạc. Xả bỏ thân này đâu phải là hết, mà còn bầu trời mênh mông có trăng
trong gió mát, còn gì thích thú bằng, nên Thiền sư cười.