Khổ đau đến với chúng ta không
phải từ hoàn cảnh và xã hội mà từ những phiền não nơi tâm thức của chúng ta.
Càng tham lam ta lại càng bị lún
chìm vào khổ đau, càng sân hận thì khổ thọ trong ta càng tăng lên và càng cố chấp
thì cuộc sống của ta lại càng chật hẹp và lại càng ganh tỵ đối với người khác,
thì cuộc sống của ta lại càng trở nên nghèo nàn và cô độc.
Tâm tham càng làm cho ta đau khổ
bao nhiêu, thì tâm xả càng làm cho ta hạnh phúc bấy nhiêu, tâm sân làm cho ta
khổ đau bao nhiêu, thì tâm từ bi làm cho ta hạnh phúc bấy nhiêu, tâm cố chấp
làm cho đời sống của ta chật hẹp bao nhiêu, thì tâm bao dung làm cho cuộc sống
của ta rộng lớn bấy nhiêu, tâm ganh tỵ và đố kỵ với người khác làm cho ta nghèo
nàn và cô độc bao nhiêu, thì tâm tùy hỷ lại làm cho ta giàu có và tươi vui bấy
nhiêu.
Như vậy, nguyên nhân khổ đau
chính là do các phiền não trong tâm thức ta tác động lên hoàn cảnh của ta và
tạo ra hoàn cảnh khổ đau cho ta.
Nguyên nhân hạnh phúc của ta
không đi từ những ân sủng được ban phát từ ngoại giới mà đi từ chất liệu tốt
đẹp, thánh thiện ở trong tâm thức ta.
Bồ đề tâm là tâm thức tốt đẹp ở
nơi mỗi chúng ta. Tâm thức ấy có nội dung của tuệ giác, của từ bi và của hỷ xả.
Chính tâm thức ấy, tác động lên mọi hoạt động của ta, tạo ra hoa trái và hoàn
cảnh hạnh phúc cho ta.
Ta không thể tránh khỏi những sầu
muộn, khổ đau khi ta tràn đầy phiền não.
Biết vậy, để ta không còn dong
ruổi tìm cầu những hạnh phúc mơ hồ ở bên ngoài hay đổ thừa những khổ đau của ta
phát sinh từ xã hội, mà khổ đau hay an lạc đều phát khởi từ nơi tâm thức của
chúng ta.
Ta hãy trở về và chăm sóc tâm ta
khiến cho mọi phiền não trong ta lắng yên và bồ đề tâm trong ta hiện khởi. Hạnh
phúc đối với ta không còn là mơ hồ và khổ đau với ta không còn là ngoại cảnh.