Trong cuộc sống hằng ngày, chúng
ta gặp không ít người thường xuyên tự gây khó dễ cho mình bằng cách lặp đi lặp
lại những sai lầm đã phạm, làm những việc trước đó đã đem lại đau khổ cho bản
thân và cho người khác, nhắm mắt sa đà vào các mối quan hệ mà mình biết rõ là
sẽ chẳng đem lại điều gì tốt đẹp...
Nhưng đáng nói hơn là những người
này luôn khăng khăng một điều rằng mọi nguyên nhân nằm ngoài con người họ, rằng
họ không hề có bất cứ ảnh hưởng nào đến các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời
mình. Là những người ở vị trí quan sát thuận lợi, chúng ta lấy làm ngạc nhiên
và đặt ra câu hỏi, tại sao họ có thể thường xuyên lặp lại sai lầm đã phạm phải
như vậy để sau đó họ trở về với vạch xuất phát mà nhiều lần họ đã đúng và nhiều
lần tự hứa là sẽ không bao giờ làm điều ngốc nghếch tương tự. Những gì vừa nêu
đối với một người bình thường thật khó hiểu.
Bởi lẽ, nếu một cuộc hôn nhân với
anh đàn ông thích rượu có thể được coi là sự xốc nổi của cô gái mới lớn chưa có
kinh nghiệm, chứ thật khó lòng hiểu nổi vì sao cách giải thoát bản thân khỏi
cuộc đính hôn bất hạnh lại là đám cưới vội vã với cô gái có tính cách đàn ông
nổi trội, tìm mãi chẳng thấy một biểu hiện nữ tính nào và sự giải thoát tiếp
theo lại là rượu chè hay ma túy. Cuộc đụng độ với sếp lần đầu có thể là vì chưa
có kiến thức cần thiết về luật chơi. Nhưng nếu chuyện này được lặp lại nhiều
lần ở những cơ quan tiếp theo khiến một chuyên gia giỏi cứ sau một thời gian
ngắn lại lặng lẽ cắp cặp ra đi thì lời giải thích của anh ta về chuyện không
hợp với thủ trưởng không làm cho ai tin nữa.
Nhà tâm lý học Ba Lan Zofia
Milska - Wrzosinska đã kể lại câu chuyện như sau. Trong một cuộc liên hoan, bà
có dịp trò chuyện với người đàn ông không còn trẻ trung nữa và được ông ta trút
bầu tâm sự, rằng ông đã có đến ba người bạn đời, hai người là vợ và một người
thuộc loại “già nhân ngãi non vợ chồng”. Cả ba người phụ nữ đều bị ông mô tả là
trẻ con, thụ động, không có ý định tự lập. Người đối thoại với bà vì lý do đó
mà tỏ ra rất thất vọng, bởi từ lâu ông mong muốn mình ràng buộc với người phụ
nữ có tư tưởng độc lập, người phụ nữ muốn chia sẻ với ông trách nhiệm về gánh
nặng gia đình.
Nhà tâm lý học đã hỏi, tuy hơi
thẳng thừng, là chuyện gì đã xảy ra, đến nỗi ông ba lần chọn bạn đời mà cả ba
lần đều không đúng như mong muốn của mình. Cách đặt vấn đề đã “gãi đúng chỗ
ngứa”, khiến người đàn ông không kiềm chế được nỗi tức giận: “Bà nghĩ là tôi đã
chủ ý chọn cho mình những bụi cây gai góc ấy sao? Tôi đâu phải người theo chủ
nghĩa khổ hạnh cho nên tôi luôn đi tìm một người phụ nữ biết chấp nhận tôi, chứ
không phải người lúc nào cũng đu người trên cổ mình. Tôi cũng không hiểu tại
sao tôi toàn thất bại. Chẳng lẽ giữa đàn ông và phụ nữ có sự khác nhau lớn đến
thế hay sao? Hay là tất cả phụ nữ sau lễ cưới đều làm như vậy cả?”. Nhưng ngay
sau khi cuộc chuyện trò có phần hơi gay gắt kết thúc, nhà tâm lý học đã nhìn
thấy người đàn ông đó chìm đắm trong cuộc đối thoại với cô gái kém ông chừng 15
tuổi. Cô nàng, mắt lúng la lúng liếng, say sưa nuốt lấy từng lời nói của ông về
những thành công ông đạt được gần đây.
Còn ông, ngập chìm trong cơn sóng
thán phục của cô gái, mỗi lúc vào vai người thành đạt, người có uy tín lớn, một
tốt hơn. Có thể tin rằng một hai năm nữa, mà cũng có thể chỉ vài tháng nữa
thôi, người đàn ông đó lại nói với nhà tâm lý học rằng người phụ nữ tiếp theo
của cuộc đời ông té ra chỉ là một kẻ rất thực dụng, một người chưa đủ độ chín,
vì thể không thể nào tạo ra mối quan hệ mang tính bạn đời với cô ta được.
Việc tự mình tạo ra những thất
bại cho chính mình từ lâu đã là lĩnh vực quan tâm của tâm lý học trị liệu.
Phương pháp điều trị này đã đề xuất nhiều quan điểm khác nhau để hiểu rõ cái
hiện tượng thoạt nhìn tưởng rất vô nghĩa, một sự vô nghĩa dựa trên việc con
người ta rất hay làm lại từ đầu những gì đã làm và sau đó đau khổ vì hậu quả
những hành động của mình.
Vậy đứng về mặt khoa học mà xét,
chúng ta tự gây khó dễ cho mình như thế nào? Tự mình làm khổ mình là có những
hành vi bất lợi trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc đời sống.
Các kết quả nghiên cứu của Lee đã cho thấy mức độ phổ cập của hiện tượng này:
Có tới 313 trong số 317 sinh viên Mỹ nhận ra là mình có hành vi kể trên. Trong
các nghiên cứu tiến hành với đối tượng là sinh viên ở Ba Lan, hầu như không có
sinh viên nào, lúc này hay lúc khác, không có những biểu hiện về việc “thân làm
tội đời”. Khó kể ra tất cả các loại hành vi tự mình làm khổ mình một khi những
biện pháp để tìm ra chúng còn có ít nhiều hạn chế. Nhưng từ khía cạnh xác suất
xuất hiện những bất lợi, có thể chia thái độ tự mình hủy hoại bản thân thành
mức độ nặng - tức là trực tiếp đe dọa sức khỏe và cuộc sống - và mức độ nhẹ -
tức là tiềm ẩn sự đe dọa và mức độ nữa là tiềm ẩn sự gây hại nhưng lại đồng
thời có thể mang lại một số tác dụng thiết thực nào đó.
Có nhiều cấp độ “thân làm tội
đời”. Mức độ cao nhất là tự tử, tự sát thương, sa vào con đường nghiện ngập
(nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện dùng tân dược, nghiện thuốc lá), nằm trong
mức độ trung bình là một số hình thức hạn chế dinh dưỡng như nhịn ăn, làm mất
cảm giác ngon miệng, các hình thức “nhẹ nhàng” hơn là chơi bài, chơi các môn
thể thao mạo hiểm, nghiện mua sắm hay nghiện Internet. Sự chấp nhận các thái độ
tự mình hủy hoại mình ở mức tương đối gồm: Trước bất cứ cái gì cũng tỏ ra bất
lực, chủ ý gây khó dễ cho mình, chủ ý thất bại, không kiên quyết vươn tới thành
công, cố tình coi thường sức khỏe của mình, coi thường những quy định liên quan
đến an toàn lao động, thiếu mạnh dạn, thái độ cứng nhắc và cố tình lặp lại sai
lầm.
Hai thái độ được nêu ra sau cùng
có thể liệt vào loại “thân làm tội đời” gián tiếp, trong đó xuất hiện khoảng
cách giữa hành vi và những hậu quả bất lợi của nó. Trong nhận thức chủ quan của
những người được nghiên cứu, tự tử xuất phát từ việc đánh mất hy vọng, còn gián
tiếp phá hoại bản thân có nguồn gốc từ việc tự mình không ủng hộ mình, sự thiếu
ý chí và thói quen chăm lo cho bản thân mình. Horney liệt cách sống tự hủy hoại
mình và hành động từ bỏ công việc đang làm vào thái độ gián tiếp phá hoại bản
thân một khi chúng bắt đầu mang lại lợi ích thì đồng thời cũng chầm dứt quan hệ
với những người khác và buộc những người này phải lo lắng và đau khổ vì mình.
Còn nhà nghiên cứu Suchanska của
Ba Lan, khi phân loại những hành vi gián tiếp tự hủy hoại mình thường xuyên xảy
ra nhất đã liệt kê những hành vi như chủ ý gây đau khổ cho mình, sự không suôn
sẻ tiếp theo nhau, sự thất bại, sự bất lực (khước từ một hoạt động có thể làm
thay đổi tình hình), các hành vi mang tính mạo hiểm, các hành vi thể hiện mình
bị kích động và bị lôi kéo, tự gây khó dễ cho mình, những thói quen xấu, sự nghiện
ngập và thiếu ý thức chăm lo bản thân (chẳng hạn như khi làm theo chỉ dẫn của
bác sĩ hoặc những thứ liên quan đến an toàn lao động).
Rất nhiều hành vi loại này là
nhằm thực hiện các chức năng mang tính tình thế, tức là chúng mang lại những
lợi ích nhất thời. Chúng trở thành hành vi tự hủy hoại mình khi chúng được coi
là chiến lược ưu tiên, được sử dụng không cần biết đến cái giá phải trả.
Một số người cứ lặp đi lặp lại
hành vi rất bất lợi cho mình bởi vì họ không biết cách khước từ những thứ họ
cho là thoải mái, dễ chịu vốn đồng hành cùng họ từ lâu hoặc không biết cách
giải tỏa căng thẳng. Đó là kiểu nghiện điển hình của anh nghiện rượu hay ma
túy, song đây là kiểu nghiện ngập không chỉ dừng lại ở sự ràng buộc với một hợp
chất hóa học. Đôi khi sự thoải mái, dễ chịu này cũng chính là sự nhẹ nhõm có
được nhờ giải tỏa những xúc cảm. Ai đó có thể trải qua rất nhiều bực tức đến
mức không tự kiềm chế được, phải thể hiện ra bằng thái độ tàn nhẫn cho dù anh
ta biết là điều này có thể dẫn đến việc anh ta bị trừng phạt nặng nề, chẳng hạn
như bị đuổi việc, bị vợ con bỏ rơi hoặc thậm chí bị tuyên án tử hình.
Sự thoải mái, dễ chịu do giải tỏa
được nỗi bực tức ở đây lớn hơn nỗi sợ phải gánh chịu hậu quả. có nghĩa là hung
hãn đó không thể kiểm soát được hành vi của mình. Ngược lại, nói chung kẻ hung
hãn đó có tính toán hẳn hỏi để lựa chọn cách giải tỏa nỗi bực tức mà vẫn tránh
được sự trừng phạt.
Chuyên gia tâm lý học Ba Lan, bà
Malgorzata Marszalek kể rằng có lần bà đã tư vấn cho người phụ nữ thường xuyên
gây sự với ông chồng vốn dĩ phải chịu nhiều đau khổ vì bà vợ tai quái. Người
phụ nữ này đã tìm mọi cách thanh minh rằng bà ta không thể nào không nổi cơn
tam bành khi thấy ai đó dám chống lại mình. Nhưng chuyên gia tâm lý cũng đã kịp
để ý thấy là người phụ nữ kia trước đó, tại phòng thường trực của Trung tâm, đã
không hề nổi nóng khi nhân viên ở đây nói với bà rằng bà hẹn gặp chuyên gia tư
vấn vào giờ khác chứ không phải vào giờ bà đã nghĩ. Khi được hỏi tại sao bà đã
rất bình tĩnh trong chuyện này, bà ta đã nhìn nhà tư vấn với vẻ ngạc nhiên và
nói: “Nếu tôi cũng cư xử ở đây giống ở nhà mình thì chắc các vị đã lập tức gọi
xe cấp cứu đưa tôi đến bệnh viện tâm thần”.
Đối với một số người, cách giải
tỏa căng thẳng họ coi là tối ưu là tình dục. Những người có cách suy nghĩ ấy bao
giờ cũng trở thành nạn nhân của những ham muốn tình dục đến bất chợt của mình.
Sự không cưỡng lại được mình đã dẫn đến trường hợp một anh chồng, có tình yêu,
có đức hy sinh hẳn hoi, vẫn phải chịu cảnh hôn nhân với người vợ trước đổ vỡ,
sau vì cay cú mà sa đà vào chuyện yêu đương với cô bạn cùng cơ quan. Trong
chuyện với người vợ cũ, như cách lý giải của anh, thỉnh thoảng “gặp lúc công ty
có chuyện không hay” anh đã qua lại văn phòng môi giới tình dục. Chuyện vỡ lở,
anh đàn ông này đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy vợ anh nghĩ đến chuyện chia tay
một cách nghiêm túc. “Suy cho cùng thì cái chuyện kia có ý nghĩa gì đâu, nó chỉ
như việc người ta đi vệ sinh mà thôi. Đơn giản là khi tôi điên tiết vì lý do
này nọ, tôi buộc phải giải tỏa một chút, chứ thậm chí tôi thích đến chỗ vui
chơi có thưởng gần đấy, bắn mấy phát súng thể thao còn hơn. Khốn nỗi không có
chỗ nào để tôi làm cái mình muốn...” - anh nói.
Nói chung những hành vi tự hủy
hoại mình bằng tình dục hoặc thái độ hung hãn với danh nghĩa phương thức giải
tỏa căng thẳng là những hành vi điển hình của những người có cấu tạo tính cách
mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là borderline, tức là công khai chấp nhận. Nhưng
cũng có sự sung sướng thành nghiện, song tốt đẹp hơn về mặt tâm lý so với tình
dục và tốt đẹp hơn thể hiện tính hung hãn. Chẳng hạn như một số chị em phụ nữ
có thể đôi khi chọn cho mình người bạn thuộc đối tượng tệ nạn xã hội, bị xã hội
vứt ra lề đường, bởi chính điều đó mang lại cho họ cảm giác thực thi sứ mạng
đặc biệt, còn những thất bại lặp đi lặp lại trong việc “phục hồi nhân phẩm” cho
“các chàng trai cá biệt” này, nếu phải chịu, chỉ làm gia tăng ở chị em cảm giác
về đạo đức cao thượng của bản thân.
Sự bắt buộc phải lặp đi lặp lại
các hành động và các mối quan hệ mang tính tự mình phá mình có thể gắn liền với
những khó khăn trong việc tiến hành sự thay đổi. Nếu từ nhiều năm chúng ta duy
trì các mối quan hệ trong đó chúng ta bị coi là đối tượng thì rất có thể chúng
ta sẽ khó quyết định thay đổi các quan hệ của mình, cho dù bản thân chúng ta
cảm thấy vô cùng chật chội, ngột ngạt khi phải sống trong các mối quan hệ đó.
Ngược lại, những người luôn sẵn sàng gánh vác trách nhiệm sẽ không thể hình
dung cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu thiếu việc hoàn thành những trách
nhiệm nói trên, cho nên họ thà gánh vác trách nhiệm vẫn thấy thoải mái hơn.
Nguyên nhân của việc tự mình làm
khổ mình ở đây là nỗi lo sợ trước một cái gì đó mới mẻ, tức là cái có thể gây
trục trặc cho sự mất thăng bằng tâm lý vốn tồn tại bao năm trong mỗi con người
chúng ta. Những người thuộc nhóm này, khi đáp lại bất cứ sự thuyết phục nào
cũng đều huy động những khả năng không hạn chế của mình vào việc sử dụng mẫu
câu theo công thức “Vâng, nhưng”. Chẳng hạn họ nói: “Tôi đã cố gắng nói với
chồng tôi chuyện tôi muốn đi nghỉ hè ở đâu, nhưng anh ấy chỉ cười mỉa mai tôi.
Vậy tôi có thể làm gì hơn khi mà đằng nào thì anh ấy cũng chẳng coi tôi ra gì?”
hay “Em khuyên anh đừng làm thay công việc của cả phòng và đừng ở lại cơ quan
sau giờ làm việc thì dễ, nhưng nếu không hoàn thành đúng thời hạn công việc được
giao thì trách nhiệm sẽ đổ lên đầu ai? Rõ ràng là đổ lên đầu anh. Em nghĩ rằng
trong hoàn cảnh thị trường lao động như hiện nay anh có thể cho phép mình hành
động thế được sao?”.
Và ở đây lại xuất hiện những câu
hỏi khác: “Tại sao chúng ta lặp đi lặp lại đúng các hành vi này mà không phải
là các hành vi khác? Tại sao việc hiện thực hóa những khuôn mặt không mang tính
xây dựng lại đem lại cho chúng ta sự nhẹ nhõm, sung sướng hoặc cảm giác an
toàn?
Câu trả lời của Ronald Fairbairn,
chuyên gia tâm lý trị liệu xuất sắc trong cái lĩnh vực gọi là quan hệ với những
thành phần thuộc loại cá biệt, vẫn không bị mất tính thời sự. Ông ta nói rằng,
cái mà chúng ta trải nghiệm trong thời kỳ thơ ấu, chúng ta coi như những quy
luật tồn tại, khắp mọi nơi nên chúng ta tiếp nhận chúng một lần cho mãi mãi.
Nhưng nếu thành công là phương thức duy nhất để một cậu bé có thể gây sự chú ý
của người mẹ thì cậu ta, khi đến tuổi trưởng thành, sẽ hết sức cố gắng để chiếm
cảm tình của phụ nữ bằng những thành công của mình, với hy vọng chị em sẽ dành
cho cậu sự quan tâm của người mẹ trước đây. Một cô bé, dù nhỏ tuổi, khi đã học
được một điều rằng nhiệm vụ của cô trong gia đình là làm con búp bê giải tỏa
căng thẳng cho các thành viên còn lại thì cô bé sẽ thực thi cái vai trò ngu
ngốc ấy suốt nhiều năm sau đó mà không hề nhận ra rằng việc làm này gây hại cho
cô nhiều hơn là lợi.
Tất nhiên hình ảnh các thành viên
gia đình, vì ăn sâu trong trí nhớ trẻ em, không phải khi nào cũng mang tính
khách quan. Nếu một cậu bé dăm ba tuổi đêm nào cũng phải nghe các cuộc cãi cọ
của bố mẹ trước khi ân ái nhau vì họ cho rằng không có cãi cọ thì không có sinh
hoạt tình dục đúng nghĩa, cậu ta có thể hiểu sai rằng bố mẹ cậu ghét nhau và
muốn làm điều xấu với nhau. Ở những nước không thuộc loại khá giả, trước kia
cũng như hiện nay, có nhiều người đàn ông bỏ đi nước ngoài vài năm để kiếm tiền
nuôi sống gia đình. Con cái họ có thể phải chịu đựng những thiệt thòi về mặt
tình cảm vì sự thiếu vắng người cha và dần dần chúng không coi cha chúng là
người có trách nhiệm với gia đình. Nhưng thậm chí cách nhìn không phù hợp với
thực tế một khi đã ăn sâu trong trí óc, về mặt tình cảm, có thể trở nên sâu sắc
và gây ảnh hưởng tiêu cực trong suốt cả cuộc đời. Để trả lời câu hỏi, bạn có
nằm trong số những người “thân làm tội đời” không, bên cạnh mỗi câu dưới đây,
bạn hãy đánh dấu bằng một trong bốn chữ cái, trong đó:
A - chắc chắn là như vậy,
B - có lẽ như vậy,
C- tôi không dám chắc,
D - Chắc chắn là không.
- Cuộc sống luôn đầy rẫy những
khó khăn.
- Đôi khi tôi có cảm tưởng là
mình không quan tâm đến việc cái gì sẽ xảy ra với mình
- Tôi thường đem lòng yêu thương
những người không đáng được yêu thương.
- Tôi hay làm những việc mà chính
tôi cũng không biết là chúng sẽ tốt cho tôi hay không.
- Tôi có cảm tưởng rằng tôi luôn
phạm phải những sai lầm đã mắc trước đó.
- Tôi thường đưa ra những lời hứa
để sau không bao giờ giữ đúng.
- Tôi hay chậm chân trong những
vấn đề quan trọng.
- Việc đội mũ bảo hiểm có thể lấy
đi của tôi toàn bộ sự thoải mái khi đi xe máy.
- Rất dễ trở thành người bị xúc
phạm suốt cả cuộc đời.
- Tôi không hoàn toàn không biết
tiền của tôi chi vào những việc gì.
- Sử dụng các biện pháp tránh
thai gây phiền toái.
- Tôi có xu hướng chống lại những
người có uy tín lớn.
Các câu trả lời là A và B đều chỉ
ra xu hướng thiếu xây dựng đối với bản thân mình. Nếu bạn chọn nhiều câu trả
lời loại này thì có thể bạn đã đi theo chiều hướng tự mình gây khó dễ cho cuộc
sống của mình bằng cách lặp đi lặp lại những sai lầm tương tự như nhau. Không
nhất thiết phải như vậy. Đã có nhiều bài viết giúp cho bạn hiểu rõ và trả lời
câu hỏi: Xu hướng này từ đâu mà ra và cần phải chống lại nó như thế nào.
Sự tưởng tượng về thế giới trong
thời thơ ấu có sức mạnh gây tác động kỳ lạ. Thế giới ấy như thế nào là do chúng
ta tự nghĩ. Người phụ nữ vốn là con gái một ông bố hung hãn, không biết điều,
luôn hành hạ cả cô và bà mẹ cô, sẽ giữ mãi trong đầu hình ảnh ông bố ấy, còn
bản thân mình tự coi mình là kẻ bất lực và sẽ mang tính cách của người phó mặc
bản thân cho số phận, cho người sẽ là ông chủ, là vị chúa tể quyền năng của
mình. Kết quả là những người bạn đời của cô, nếu không phải là một, chỉ là một
lũ đểu cáng, thậm chí những người đàn ông bình thường cũng bị cô gây gổ một
cách vô thức để trở thành một lũ đểu cáng.
Tất cả chúng ta đều trung thành
đến mức bi kịch với những nhân vật xấu từ thời thơ ấu và đó là một trong số
những nguồn gốc của cái vòng lẩn quẩn dẫn chúng ta đến bất hạnh. Phụ nữ không
muốn người yêu mình là bất cứ kẻ ba trợn ba trạo nào đó cũng được, song chị em
lại chấp nhận sự lựa chọn của ông bố vốn tàn nhẫn với mình và nói chung không
hề là người tử tế hoặc của bà mẹ đã được lý tưởng hóa thành người hiền lành như
nàng Bạch Tuyết.
Và vì vậy chị em thường tự coi
mình đã làm được việc thần kỳ là đem lại hạnh phúc cho một cô gái vô cùng lạc
hậu, vẻ mặt lúc nào cũng như đưa đám, chỉ vì cô gái ấy làm thức dậy trong lòng
chị em hồi ức về bà mẹ không bao giờ tươi cười, khó gần về mặt tình cảm người
mà chị em cũng hay mơ đến chuyện dùng tình yêu và sự săn sóc của mình để biến
những chàng trai nhút nhát, yếu đuối thành siêu nhân theo cách hiểu và quan
niệm của mình, tức là anh ta sẽ giống như người cha bị mẹ hành hạ suốt cả cuộc
đời, không bao giờ biết cách đứng ra bảo vệ ai. Bởi vì mãi đến khi chính một
người như thế yêu ta, mọi chuyện mới vỡ lẽ. Còn nếu do run rủi, chúng ta gắn bó
với một người mà quan hệ êm đẹp là điều hoàn toàn có thể thì khi đó điều không
toại nguyện lại thôi thúc chúng ta đi tìm những đối tượng không theo quy tắc,
không phù hợp và gây lo ngại. Tất nhiên ở đây chúng ta đã đưa vào tư tưởng lãng
mạn về cuộc gặp gỡ với một tâm hồn đồng điệu hay một tình yêu duy nhất mà vì nó
chúng ta phải hiến dâng tất cả.
Chúng ta cũng có những phương
thức khác để hủy hoại các mối quan hệ vốn luôn đem lại sự hài lòng, thoải mái
cho mình. Nếu sẽ xuất hiện trong thời kỳ trưởng thành của chúng ta một người
nào đó đầy hứa hẹn so với các đối tượng gây thất vọng mà ta còn nhớ rõ hình ảnh
từ thời thơ ấu thì chúng ta có thể ngay lập tức bắt đầu đòi hỏi ở người đó cái mà
hồi trước lẽ ra ta được hưởng.
Một cô gái mồ côi cha từ nhỏ có
thể đòi hỏi ở người con trai mình yêu rất nhiều thứ, đôi khi chỉ là sự biểu
hiện bên ngoài của tình yêu, chẳng hề có ý nghĩa gì. “Anh chẳng nhìn vào mắt em
khi chúng mình chia tay trước khi anh đi làm! Chắc anh hết yêu em rồi!”, đến
mức anh ta vì bị hành hạ bởi những đòi hỏi vô lý của cô, bắt đầu giữ khoảng
cách, một hành động bị cô coi là bi kịch vì mình bị bỏ rơi lần thứ hai. Bằng
cách đó, ai lúc đầu không có tính cách của người sống thiên về nội tâm, không
có những thăng trầm thời thơ ấu, để đối phó, sẽ cố tình xây dựng hình ảnh không
có thật của mình và sẽ thủ một vai diễn không hợp với mình. Sự hủy hoại mình
hằng ngày chính là diễn lại như với những bi kịch thời thơ ấu và sự đánh mất
khả năng nhận ra một điều rằng thế giới hiện tại không phải là cái thế giới đã
tồn tại trong gia đình mình trước đây, còn chúng ta thì đã trưởng thành nhiều
rồi và chúng ta không bắt buộc phải lặp lại những vai diễn. Hành động như thế
là chúng ta làm cái mà khi xưa từng là phương cách tồn tại khả quan nhất trong
những hoàn cảnh đặc biệt thời thơ bé của chúng ta.
Một cô gái bị chính ông bố độc ác
lạm dụng tình dục chắc chắn sẽ học được một điều rằng ôm ấp chỉ là phương pháp
duy nhất để tránh bạo lực, thậm chí để dành lấy những ưu ái nhất định mà thôi.
Đến khi trưởng thành, cô gái ấy sẽ chấp nhận các mối quan hệ có tác dụng tiêu
cực với những người đàn ông, bởi vì các quan hệ đó đem lại cho cô niềm hy vọng
tồn tại, mà cũng có thể đem lại hy vọng vào một hình thức kiểm soát sự hung hãn
của ông. Người con trai cả trong nhà do bố mẹ đòi hỏi trách nhiệm quá sớm sẽ
luôn nhận về mình những trách nhiệm không phải của mình và luôn cố gắng làm
thay đổi mọi người, đến mức sớm muộn cũng phải vào bệnh viện vì thoát vị đĩa
đệm các khớp xương.
Tuổi thơ êm đẹp mang lại sự tự do
trong việc xây dựng những mối quan hệ muôn màu muôn vẻ, không bắt buộc phải lặp
lại hoàn toàn mô hình mối quan hệ thời thơ ấu. Tuổi thơ đau buồn sẽ giữ lại
những hành vi máy móc học được và cứ thế lặp đi lặp lại. Quá khứ thường giữ
chặt chúng ta trong cái gọng kìm chắc khỏe của nó. Đôi khi không chỉ có chúng
ta tái hiện ở tuổi trưởng thành của mình các mối quan hệ không mang tính xây
dựng mà thậm chí chúng ta cứ dùng chúng để xử sự trong quan hệ với cha mẹ và anh
chị em. Cái gọi là gia đình đầu tiên ấy trở thành mối quan hệ cơ bản để xuất
phát.
Chẳng hạn như đối với một người
đàn ông bốn mươi tuổi, người chưa bao giờ được ông bố có tính nghiêm khắc thừa
nhận, thì niềm vui quan trọng nhất - nhưng không bao giờ đạt tới được - của anh
ta chính là sự thừa nhận của ông bố đã ở tuổi thất thập kia, chứ không phải
tình yêu của người vợ hay sự công nhận về chuyên môn ở nơi làm việc. Người phụ
nữ trưởng thành, khi bà mẹ quở trách vì những chuyện rất vụn vặt, cũng lấy làm đau
khổ, còn hơn sự đau khổ về chuyện cô con gái nhỏ của chị trở thành đối tượng
bắt nạt ở trường, đến mức đêm nào nó cũng có ít nhất một cơn ác mộng về trường,
về các bạn.
Những người kể trên suốt cả cuộc
đời chỉ mong ước có được tình yêu của bố mẹ, nhưng họ lại luôn tin rằng sẽ
chẳng bao giờ họ có được điều mình mong muốn. Mà càng không có được, họ càng
chiến đấu để giành cho bằng được. Một nhà tâm lý trị liệu quan tâm đến nỗi đau
của con người không chóng thì chầy sẽ phải đối mặt với câu hỏi: “Thôi thì cơ
chế là vậy, nguyên nhân là vậy, nhưng cuối cùng thì mớ lý thuyết kia đem lại
cho chúng ta cái gì? Liệu chúng có thể giúp chúng ta xoay xở được không?”. Câu
trả lời thật không dễ dàng chút nào. Bởi vì lặp đi lặp lại cùng một bi kịch đã
trở thành sự thể hiện một hy vọng không bao giờ thành hiện thực nhưng lại luôn
sinh động, chỉ vì cách nhìn thế giới của chúng ta không còn thích hợp nữa, còn
muốn cho bi kịch này chấm dứt là dĩ nhiên chúng ta phải bỏ niềm hy vọng đó cũng
như phải từ bỏ cách hiểu cuộc sống mà từ trước đến nay chúng ta vẫn hiểu. Đây
là một quá trình chia tay với những ảo tưởng chứa đựng không ít khó khăn, thậm
chí đau khổ, song không thể có cách nào khác được.