Tâm là gì?

Tu tại tâm” mà không rõ biết “Tâm là gì?” thì có khác nào người bị mù mà lại khẳng định “Tôi sẽ đi tìm và hái lấy vài ngôi sao trên trời”.

Đã không nhận biết được “Tâm ở đâu?” thì làm sao rõ biết “Tâm là gì?”. Những câu hỏi dường như đơn giản mà nhân loại mê mờ không thể cho những câu trả lời thỏa đáng. Đó cũng chính là đầu mối dẫn đến sự rối ren của xã hội loài người, sự bất ổn trong nội tâm con người trong cuộc sống hiện đại về vật chất nhưng lại thiếu đi sự hiểu biết về nguyên nhân có được sự tồn tại của loài người và muôn vật trong vũ trụ.

Tâm có hình trạng gì? Có màu sắc gì? Là xanh đỏ hay tím vàng? Là nhỏ bé hay to lớn? Là tròn đầy hay rỗng không? Tâm có chứa đựng vật gì hay không có vật gì? Làm cách nào để nhận biết được tâm?

Tất cả những câu hỏi gợi ý trên có giúp bạn nhận ra hay suy lường được “Tâm là gì?” hay không? Quả thật con người không dễ nhận biết tâm mặc dù họ cảm nhận “Tâm rất gần gũi”, “Không một ai có thể tách rời tâm mà tồn tại”.

Trở lại cuộc tranh luận của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm:

Chủ nghĩa duy tâm cho rằng con người không phải chết là hết. Tùy theo sự hiểu biết của các vị giáo chủ mà những tôn giáo khác nhau có những giả thuyết khác nhau về “Điểm đến” của con người sau khi chết. Một số tôn giáo cho rằng con người sống lương thiện sẽ lên thiên đàng ở mãi mãi trên đó. Người có lối sống xấu xa, gian ác, ích kỷ,… thì sẽ vĩnh viễn xuống địa ngục chịu đựng sự hành hạ, giày vò,… Số tôn giáo khác tin rằng con người chết rồi sẽ luân hồi trở lại, làm người ở kiếp sau. Loài vật như chó mèo, gà vịt,… chết rồi sẽ lại luân chuyển trở lại hình dạng chủng loài mà chúng đã hiện diện trước đó,…

Nếu những giả thuyết trên là chuẩn xác thì con người đâu cần phải cầu nguyện, cúng bái mà làm gì? Một khi con người vấp phải sai lầm, làm chuyện xấu ác thì vĩnh viễn chịu đọa đày ở địa ngục. Đấng quyền năng tạo ra con người và muôn loài sẽ dõi mắt xem con người chịu đựng sự hành hạ trong địa ngục với tâm trạng ra sao? Vui hay buồn? Ý nghĩa của việc tạo ra loài người và muôn loài sao lại tầm thường đến vậy. Còn nếu con người và mọi loài chết rồi lại quay trở lại mang hình hài của kiếp trước. Vậy tại sao con người phải chết đi? Chết hay không chết có gì khác biệt? Riêng giả thuyết về “Điểm đến” cho mọi chúng sinh sau khi chết của đạo Phật là luân chuyển trong 3 cõi 6 đường tùy theo việc làm tội phước mà tự mỗi chúng sinh có sự thọ lãnh nghiệp quả khác nhau và có một con đường giải thoát hoàn toàn, thoát khỏi luân hồi.

Ngay thời Phật tại thế, Ấn Độ đã có rất nhiều tôn giáo. Điều này thể hiện rõ việc con người tin rằng: Con người không phải chết là hết. Mặc dù vậy giáo lý, kinh điển các tôn giáo lại chứa đựng ít nhiều sự khiếm khuyết dẫn đến những cuộc tranh luận giữa các tôn giáo khiến cho lòng người rối ren không biết tin vào chủ thuyết của tôn giáo nào. Việc phần lớn tôn giáo cho rằng Đấng quyền năng đã tạo ra con người, trói buộc con người tin vào số phận; Việc cầu nguyện, cúng bái bị lợi dụng,… Phật thành đạo, nhìn rõ vạn pháp, thấu rõ nỗi khổ đau trong nhân loại - Con người muốn được giải thoát khỏi bể khổ, khỏi sự luân hồi, khỏi địa ngục tối tăm,… Phật đã nhập thế thuyết pháp giúp muôn người thoát khổ, được về Niết bàn.

Lúc bấy giờ, Ấn Độ cũng có vài chủ thuyết cho rằng con người chết là hết. Nếu chết là hết thì cần gì phải sống thiện lương? Cần gì phải học hỏi sự hiểu biết? Cần gì phải xây dựng phát triển xã hội loài người? Vì lẽ dù là người thông minh, tài giỏi hay ngu ngốc, hạ tiện, xấu xa,… thì chết là hết. Với sự hiểu biết con người dễ dàng nhận ra: Những con người sống nhẫn nhịn, hiền lành thường bị những người tham lam, gian xảo,… giành giật lấy những phần hơn về vật chất và quyền lợi. Khi mà những người thuộc giai cấp lãnh đạo rõ biết “Chết là hết” thì họ cần gì phải bảo vệ quyền lợi những người khốn khó, họ tiếp tay với những thành phần cơ hội, xấu ác nhằm thu đoạt của cải, tài sản nhằm có được cuộc sống sung túc, giàu sang. Trách nhiệm, lương tâm, danh tiếng - Chết đều không thể mang theo. Khi ý thức, nhận thức loài người dựa trên nền tảng “Chết là hết” thì phải chăng lòng tham và sự hiểu biết vượt trội sẽ biến loài người thành chủng loài sinh vật hiểm độc, hung ác bậc nhất? Xã hội loài người sẽ là nơi chứa đựng đầy máu, nước mắt và sự khổ đau, thù hận sẽ huỷ hoại loài người cùng trái đất. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân Phật đã phải rời bỏ lối sống tĩnh lặng, tự do và đi rộng truyền chánh pháp.

Nhưng nếu thật chết là hết thì con người và muôn loài sao phải sinh ra rồi chết đi? Ai đã tạo ra việc làm vô nghĩa đó? Có chủ thuyết tự nhiên sinh cho rằng con người và vạn vật do tự nhiên sinh. Nếu chấp chặt vào thuyết tự nhiên sinh thì từ thuở đất trời còn sơ khai tự nhiên đã có loài người và muôn vật. Tự nhiên là cái gì mà lại có thể làm được điều không tưởng đó. Và nếu thật là tự nhiên sinh thì con người và mọi loài ngày nay tại sao phải cần có cha mẹ mới nhào nặn nên hình hài. Lẽ ra con người ngày nay phải tự nhiên có mặt như là người xưa đã từng tự nhiên có mặt,...

Tóm lại, tất cả những chủ thuyết dựa vào bằng tư duy, lý luận,… của các vị giáo chủ đương thời đều vướng vào nhận thức, tư duy chủ quan, lầm lạc, phiến diện,... Vì thế tri thức con người không tìm ra được nguyên nhân hình thành loài người cùng muôn vật và cũng không tìm ra được “Điểm đến” của con người cùng muôn loài sau khi chết. Con người một khi bị trói vào những kiến chấp, những chủ thuyết sai lạc thì không ngừng tranh luận, công kích lẫn nhau. Kết quả của những cuộc tranh luận đó là không đi đến đâu, không giải quyết được vấn đề về nguồn gốc con người. Phật Thích Ca đã ví những cuộc tranh luận của các chủ thuyết trên như là hình ảnh con kiến bò quanh miệng một cái bát. Con kiến bò mãi, bò mãi,… dù trải qua hàng vạn kiếp thì cũng chỉ là quanh quẩn ở miệng cái bát mà thôi. Do vướng vào những hiểu biết sai lạc con người sẽ luân hồi trong 3 cõi cũng giống như là con kiến bò quanh miệng bát.

Chủ nghĩa duy vật cũng cho rằng con người chết là hết. Qua giáo lý kinh điển, những người theo chủ nghĩa duy vật nhận ra các tôn giáo cho rằng con người chết ở nơi này sẽ đi thọ sinh ở nơi khác. Điều này thể hiện có sự đến và đi, đồng nghĩa với việc có “Cái gì” để đến và đi. Dựa vào khoa học, chủ nghĩa duy vật đã tiến hành hàng loạt những cuộc nghiên cứu tìm hiểu nhằm chứng minh con người chết sẽ không còn gì, không có sự luân hồi, không thiên đàng, địa ngục,… Kết quả những nhà khoa học đã thu được qua các máy quay, các máy kiểm tra hiện đại là không có “Cái gì” cho thấy có sự đi ra hay đi vào ở cơ thể con người ngay thời điểm con người chết. Từ đó tri thức nhân loại khẳng định: Chết là hết. Mục đích của chủ nghĩa duy vật nhằm khẳng định thế giới tâm linh là sự sai lầm của tri thức con người, là sự mê tín cần phải xóa bỏ.

Không chỉ có những người theo chủ thuyết duy vật vướng vào việc dò tìm “Cái gì” sẽ đi ra khỏi cơ thể người chết mà ngay cả những người tin vào sự hiện diện của thế giới tâm linh cũng rơi vào tà kiến đó. Mỗi khi có người trút hơi thở sau cùng họ cố tìm xem hơi ấm cơ thể người chết dịch chuyển theo hướng nào. Cụ thể là từ chân lên đầu hay từ đầu xuống chân. Cuối cùng họ sẽ cố cảm nhận xem “Cái gì” thoát ra khỏi cơ thể ở vị trí nào nhằm ước đoán cõi giới mà người chết phải thọ lãnh. Đây là việc làm “Lừa người dối mình”. Vì thực tế sẽ không có “Cái gì” đi ra hay đi vào cơ thể người chết cả.

Do dựa trên góc nhìn, tư duy hạn hẹp, phiến diện,… tri thức nhân loại đã phạm sai lầm cơ bản và ngớ ngẩn - Bị ngôn ngữ đánh lừa.

Tại sao tôi nói "Tri thức nhân loại bị ngôn ngữ đánh lừa?”

Thật vậy tri thức nhân loại đang bị trói vào ngôn ngữ. Khi nhân loại nói có thì phải là có “Cái gì”? Khi nói không thì sẽ là không có “Cái gì”? Vì thế khi nói có đến có đi thì phải có “Cái gì” đến đi. Nếu không nhận biết, nhìn thấy “Cái gì” thì sẽ không có sự đến đi. Việc này đồng nghĩa với việc “Cái gì” đó phải có thể nhìn thấy, tiếp xúc, nhận biết được,… Đây là sự ngớ ngẩn do tâm trí, nhận thức u mê gây ra và con người đã tự trói buộc vào tri thức lầm lạc đó. Chính vì sự lầm lạc mà con người có quan niệm chỉ tin vào những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe, miệng có thể nếm, mũi có thể ngửi, tay có thể chạm đến,… và những gì nằm ngoài những quan niệm trên thì sẽ không tồn tại.

Nhưng thật sự không phải vậy. Bởi vì khoa học vẫn thường nói về không gian, chân không, hư không, không khí,… Trong không gian, chân không, không khí có “Cái gì”? “Cái gì” đó có thể nhìn thấy được, nắm bắt,… được không? Nếu không thể nhận biết, chỉ rõ thì phải chăng “Cái gì” đó không có. Nếu đã không có “Cái gì” sao lại có tên gọi là chân không, không khí, hư không, không gian,… Nếu thật không có không khí, không gian thì có sự sống, có tồn tại mọi sự vật, đất nước, núi sông không? Chủ nghĩa duy vật và khoa học nên chăng xét lại góc nhìn của tri thức nhân loại ở thời điểm hiện tại?

Hơn nữa, sự khác biệt nào giữa người sống và xác chết? Xác chết thì nằm im, bất động và hư hoại. Còn người sống thì có thể đi đứng, nằm ngồi, thấy nghe và hay biết. Con người khi ở trạng thái thiền định - dừng lặng cái thấy nghe hay biết thì có khác với cái xác chết không? “Cái gì” đã tạo nên sự khác biệt đó. “Cái gì” đó - nhân loại có thể nhận biết, cầm nắm, nếm ngửi,… không?

Vấn đề có phần hơi sáng rõ - Ngay cả thời điểm con người còn sống mà nhân loại vẫn không thể nhận biết “Cái gì” đó có hình dạng, màu sắc ra sao? Đến khi con người thành xác chết thì làm sao có thể nhận biết được “Cái gì” đó có đến, có đi hay không được? Dựa vào cơ sở không nhìn thấy “Cái gì” để khẳng định - Chết là hết - có còn hợp lý nữa không?

Tâm là gì?

Sẽ không ít người cho rằng cái thấy nghe hay biết, vui buồn,… chính là tâm. Vậy khi dừng lặng không suy nghĩ, hoặc là khi ngủ thì con người sẽ “Đánh mất” tâm - như là xác chết? Khi thức dậy, suy nghĩ thì tâm sẽ hiện diện - con người sống lại. Sự việc lại trở nên điên đảo vì lẽ con người lúc thì sống, lúc thì chết rất khó phân biệt.

Chính việc lầm lạc nhận định cái thấy nghe hay biết, sự vui buồn, hơi thở,… làm tâm mà Phật Thích Ca đã khẳng định: Chúng sinh trong 3 cõi 6 đường u mê, điên đảo “Nhận giặc làm con”. Từ đó mê loạn trôi lăn trong luân hồi sinh tử, không biết được ngày ra.

Hẳn là bất kỳ ai trong nhân loại đều có những giây phút dừng lặng không nghĩ suy hơn thua, được mất, không cảm giác vui buồn, yêu ghét,… Một trạng thái tĩnh tại, lặng yên. Từ trạng thái tĩnh lặng đó, mắt thấy cảnh đẹp, người đẹp sinh lòng ưa thích rồi tham đắm mong muốn được gần gũi chiếm làm vật sở hữu, dùng những toan tính, những thủ đoạn,… để giành về. Nếu việc thành công thì vui sướng, mừng rỡ,… còn việc không thành thì lo lắng, sầu khổ,… Ngược lại, cũng từ trạng thái tĩnh lặng đó con người gặp những cảnh trái ý nghịch lòng rồi dính mắc, chất chứa muộn phiền, oán thù, ganh ghét, tị hiềm,… Sự tham đắm, si mê, sân hận,… sẽ não hại con người. Với tinh thần, tâm trí lầm lạc con người sẽ lại dễ dàng làm những việc sai trái - Những việc làm thiếu sự tỉnh táo, sáng suốt,… sẽ gây thêm khổ đau cho họ và mọi người xung quanh.

Có một thực tế, cảm giác của con người là không thật. Khi con người vui sướng cùng cực thì cũng chính là lúc cảm giác vui đó giảm và mất dần. Cũng lại như vậy khi cảm giác buồn bã, tuyệt vọng đạt mức cao nhất thì cũng chính là lúc những đau đớn trên chuyển sang một trạng thái cảm giác khác. Đó chính là tính chất vô thường của cảm giác. Dù cho con người thường sống trong sự vui buồn, yêu ghét, tranh giành hơn thua,… thì cũng có lúc cảm giác dừng lặng, không nghĩ suy toan tính,… sẽ làm chủ tâm trí của con người. Chỉ cần khách quan tư duy, lắng lòng suy nghĩ con người sẽ nhận ra trạng thái dừng lặng mới chính thật sự là “Ông chủ” của ngôi nhà thân xác.

Từ một “Ông chủ” tự tại, lặng yên con người đã để tâm dính mắc vào cảnh rồi tham đắm, si mê chất chứa muộn phiền, đau khổ. Cụ thể, mắt thấy hình, tai nghe tiếng, mũi nhận biết mùi hương, miệng nếm món ăn, tay chân và thân thể cầm nắm, xúc chạm,… rồi sinh lòng ưa ghét dẫn đến hàng loạt cảm giác không thật xâm chiếm lấy tâm trí như vui buồn, hờn giận, ghét thương,… đánh mất dần sự an lạc, tự tại, tĩnh lặng.

Nhưng các sự vật cũng không thật, cũng vô thường. Ví như con người thường rất yêu thích mùa xuân vì xuân về có trăm hoa đua nở, khí trời dịu mát, lễ hội vui chơi,... Nhưng mùa xuân không thường tại, xuân sẽ qua đi nhường lại cho những cơn mưa “Như trút nước” của mùa hè. Đôi khi, con người buồn, tiếc nuối,… khi mùa xuân qua đi và thầm nhủ “Sẽ đợi chờ mùa xuân sau”. Thời trai trẻ, con người thường ngắm mình qua chiếc kính, lặng lẽ tự hào “Gương mặt ta ưa nhìn, thân hình ta đẹp và cân đối, giọng nói thì êm dịu, ngọt ngào,…” nhưng ngày tháng cứ trôi, ta nhận ra - Ta không còn trẻ đẹp, không còn khỏe mạnh, rắn rỏi. Ta cố gắng níu giữ lại những gì son trẻ bằng đủ mọi hình thức như rèn luyện thể thao, phẫu thuật, dùng mỹ phẩm,… Cho dù con người rất cố gắng níu giữ tuổi trẻ, sức khỏe,… nhưng con người sẽ già đi. Do không chấp nhận thực tại thường đổi thay con người đã sống trong khổ đau, nuối tiếc,…

Tri thức nhân loại đang huyễn hoặc, lừa dối lại chính con người. Tâm phân biệt nhốt con người vào xác thân không thật, luôn biến chuyển và sẽ tàn hoại. Con người đang sống trong cảnh không thật, si mê tham đắm tạo ra những cảm giác không thật rồi vui buồn chất chứa nhưng chúng cũng không thật. Vậy mà con người đang vì những thứ không thật đó đã gây khổ não cho loài người và muôn vật. Sống trong tham đắm si mê, sân hận, hoài nghi và kiêu mạn, tạo ra oan trái, oán hờn ở gia đình cũng như ngoài xã hội. Chiến tranh, hận thù, khổ đau được nuôi lớn và trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra mối họa lớn - Đe dọa sự tồn tại của trái đất.

Ghé thăm Blog Một thóang phương Đông xem tiếp: Phần 2; Phần 3
Previous Post
Next Post