Hỏi: Kính thưa Thầy! Thiểu dục, tri túc như con hiểu là để bớt công sức
tạo ra vật chất bồi đắp cho mình và bớt công sức tiêu hao vật chất mà mình thu
nhận vào thân.
Câu hỏi của Từ Tuệ.
Đáp: Đúng vậy, con đã hiểu được
phần thứ nhất thuộc về phần tiết kiệm công sức của thân và tâm. Còn phần thứ
hai, thứ ba và thứ tư thuộc về tâm khiến cho tâm con buông xả mọi vật chất (các
pháp trần), dù trong hoàn cảnh nào, tâm vẫn thấy đủ, đó là cách thức xả tâm,
diệt ngã.
1- Phần thứ nhất là tiết kiệm công
sức, để vun đắp năng lực cho sự xả tâm, ly dục, ly ác pháp.
2- Phần thứ hai cũng thuộc về
tâm, nhờ sống ít muốn biết đủ nên tâm dần dần ly dục, ly ác pháp, không còn ham
muốn vật chất thế gian (các pháp), nên lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và
vô sự.
3- Phần thứ ba thiểu dục tri túc
là một Thánh hạnh, một đức hạnh buông xả giải thoát mà người phàm phu không thể
sống nổi, không thể làm được. Nhất là hạnh thiểu dục tri túc, ba y một bát của
một vị Tỳ Kheo đệ tử của đức Phật thì ít có ai sống và làm được.
Nói đến hạnh thiểu dục tri túc là
nói đến một tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Trên đời
này, không còn có một vật gì ràng buộc tâm hồn của họ được. Đi hay ở tùy thích,
không có chùa to, Phật lớn, không có nhà cao cửa rộng. Nhất là họ đã thoát ra
khỏi kiếp nô lệ tiền bạc, vì họ không cất giữ tiền bạc. Trên đời này khó mà có
ai sống như họ được. Có như vậy mới gọi là hạnh thiểu dục tri túc, ba y một
bát.
Nếu một người tu theo Đạo Phật mà
không sống hạnh thiểu dục tri túc, không ba y một bát thì cuộc đời tu hành của
những người này không bao giờ tìm thấy sự giải thoát chân thật, dù trong một
phút, một giây cũng không có. Tâm hồn họ còn nặng nề và đang bị trói buộc bởi
các pháp thế gian (dục và ác pháp).
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích: Đường Về Xứ Phật tập III