Tâm kiêu mạn còn sinh ra một khát
vọng ghê gớm hơn, chính là tham vọng quyền lực. Đây cũng là một bản năng rất
sâu kín của con người, rất nguy hiểm. Sở dĩ người ta muốn có quyền lực bởi vì
quyền lực cho người ta được quyền quyết định số phận của người khác, được người
khác phải vâng phục, sợ hãi, cung kính.
Để tranh giành quyền lực, con
người đã tưới máu khắp cả hành tinh này. Ở mức độ tranh giành quyền lực nhỏ,
người ta chỉ công kích nói xấu nhau chút đỉnh. Nhưng ở mức độ tranh giành quyền
lực lớn như cỡ quốc gia, sự tình không hề đơn giản, người ta sẵn sàng giết nhau
không thương tiếc.
Nếu thích người khác phải nghe
lời mình, chúng ta cũng đang ngấm ngầm có tham vọng quyền lực rồi đấy. Người tu
đúng thích nghe lời người khác để diệt bản ngã, nhất là được vâng lời những kẻ
trí tuệ đạo hạnh thanh cao. Người không biết tu thì thích được người khác vâng
lời mình. Đó là dấu hiệu của kiêu mạn, tham vọng, ngã chấp, và dĩ nhiên là tội
lỗi.
Kiêu mạn tàn phá công đức, nhân
cách
Ở mức độ thấp, kiêu mạn phá dần
những đức tính tốt của mình, làm cho mình trở nên xấu đi. Ngay cái ý niệm tự
cho mình hơn người khác cũng là xấu rồi.
Còn ở mức độ lớn, kiêu mạn lộ ra
bên ngoài khiến ta làm nhiều chuyện ác độc, có thể đọa địa ngục về sau.
Kiêu mạn luôn dẫn đến ô nhiễm, đó
là nguyên lý tuyệt đối đúng! Ô nhiễm được biểu hiện ra 5 điều sau đây:
Nóng nảy – Tham ái – Tham dục –
tham vật chất – Chuộng hình thức
Thứ nhất là nóng nảy. Khi có ngã
mạn, chúng ta thường nỗi nóng dễ dàng khi có chuyện trái ý nghịch lòng.
Không phải người tu lúc nào cũng
xuề xòa buông xuôi thụ động, mà đôi khi phải có thái độ rõ rệt trước việc làm
sai trái của người khác. Nhưng khi la rầy, người nỗi nóng và người không nỗi
nóng khác nhau rất xa. Người trầm tĩnh có thể nghiêm mặt để buộc kẻ có lỗi phải
biết sợ, nhưng trong lòng không bị “bốc hỏa”. Còn người nổi nóng thì tâm bị
“vỡ", có cảm giác bốc hỏa thật sự trong lòng. Thái độ người này sẽ có vẻ
dữ, hung hăng, đôi khi lóc chóc, có thể làm người ta sợ nhưng không phục lắm.
Tâm khiêm hạ làm chúng ta bình tĩnh,
và có uy, có thể im lặng nhìn mà vẫn làm kẻ có lỗi phải sợ. Tâm kiêu mạn làm
chúng ta nổi nóng, kém uy đức, khiến người khác không phục lắm.
Thứ hai là tham ái. Thứ ba là
tham dục. Tham ái và 2 tham dục khác nhau một chút.
Tham ái là tình cảm thương yêu
giữa nam và nử. Tham dục là sự ham thích về nhục dục. Thông thường thì tham ái
đưa đến tham dục, ví như nam nử yêu nhau rồi tiến đến hôn nhân. Nhưng cũng có
khi không cần tình cảm vẫn có tham dục, ví như những trường hợp mua bán dâm mà
báo chí vẫn đăng tải.
Khi kiêu mạn tràn đầy thì tham
dục và tham ái sẽ từ từ hiện diện, dù trước đó chúng ta giữ được trong sạch. Có
những người tu luyện theo một tông phái đặc biệt có thể phát triển loại thần
thông chữa bệnh, tiên tri, thay đổi hoàn cảnh. Nhưng vì không khéo giữ tâm
khiêm hạ nên người này dần dần bị kiêu mạn chi phối. Và theo quy luật khắc
nghiệt của tâm lý, kiêu mạn xuất hiện thì tham ái và tham dục sẽ nối theo.
Thứ tư là tham vật chất. Trước
kia chưa kiêu mạn, chúng ta có thể sống thanh bai giản dị, không cần vật chất
nhiều, dễ dàng bố thí, sống bình an trong hiện tại, không bận tâm tới thiếu đủ
của ngày mai, không thích tích lũy. Nhưng nếu có kiêu mạn hiện diện trong tâm,
mọi cái sẽ từ từ thay đổi. Chúng ta sẽ cảm thấy tiền bạc là quan trọng, thích
giàu có, tích lũy, tham lam. Đó chính là dấu hiệu của ô nhiễm.
Thứ năm là chuộng hình thức. Khi
còn khiêm hạ, chúng ta chỉ chú trọng nhiều vào nội dung thực chất, vào tâm hồn
trí tuệ. Hình thức dĩ nhiên cũng cần phải có nhưng không được quan tâm nhiều.
Ví dụ đối với ngôi chùa, ta sẽ quan tâm nhiều về việc tu học của đại chúng hơn
là tô điểm cảnh quan; ví dụ đối với việc làm từ thiện, ta sẽ quan tâm đến người
cần giúp hơn là phô bày.
Khi nào chúng ta còn giữ được tâm
khiêm hạ thì 5 cái ô nhiễm này tạm thời tránh xa mình một chút. Một chút thôi
chứ không phải mất luôn. Rồi đến khi nào tâm ta xuất hiện kiêu mạn thì 5 cái ô
nhiễm này ập tới liền. Vì vậy người tu phải khéo léo giữ gìn tâm khiêm hạ suốt
đời để đừng bị ô nhiễm xâm chiếm. Chúng ta phải cảnh giác thường xuyên đối với
tâm kiêu mạn, phải làm sao nhanh chóng nhận ra ý niệm kiêu mạn ngay khi nó vừa
mới manh mún. Cái khả năng nhanh chóng nhận ra ý niệm kiêu mạn ngay khi nó vừa
mới manh mún chính là trí tuệ. Trí tuệ trong đạo Phật chính là khả năng kiểm
soát tâm niệm sai lầm của mình; còn những hiểu biết kiến thức chỉ là nền tảng
ban đầu mà thôi.
Như chúng ta đã nói, đỉnh cao trí
tuệ trong đạo Phật chính là vô ngã. Chúng ta phải luôn luôn nhắm đến cái đỉnh
này để giữ lộ trình tu tập của mình không bị sai lệch. Có khi chúng ta rẽ phải
một chút, có khi chúng ta rẽ trái một chút, nhưng lúc nào chúng ta cũng nhắm
đến cái đỉnh Vô ngã đó, và sẽ không sợ lạc đường.
Tuy nhiên vô ngã không đơn giản
chút nào. Có người tu tập thiền định đắc được sơ thiền, thấy tâm mình rỗng rang
như là không còn gì trong đó nữa, thấy tâm mình như hố thẳm không đáy, có cảm
giác như mình buông tay không còn nắm giữ điều gì, nên nghĩ mình đã chứng vô
ngã. Thật sự lúc đó bản ngã vẫn còn rất lớn. Rồi đến như nhị thiền tắt sạch
vọng niệm, tâm như trời đất bao la khiến hành giả không còn nghi ngờ rằng mình
đã chứng rất cao. Đâu ngờ rằng bản ngã vẫn mỉm cười ngạo nghễ.
Chúng ta phải hiểu rằng vô ngã
tức là trở thành toàn thể vũ trụ.Ý nghĩa này rất lớn. Vì vậy đừng bao giờ xem
thường sự tồn tại nguy hiểm của bản ngã, cũng như đừng bao giờ xem thường giá
trị siêu việt của vô ngã.
Thật ra chúng ta vẫn nghe giảng
dạy về ý nghĩa vô ngã và đôi khi ngồi thiền có quán vô ngã một chút bằng cách
quán thân này hư ảo không phải là ta, những tư tưởng tiếp nối thay đổi này là
hư ảo không phải là ta. Chúng ta hy vọng quán vô ngã như vậy sẽ đi đúng đường
về vô ngã. Nhưng thật ra tu vô ngã như vậy là thiếu căn bản. Vì sao? Vì chưa
khéo léo đi xuyên qua việc tu tập tâm khiêm hạ.
Quán vô ngã như trên cũng tốt,
cũng làm thân tâm nhẹ nhàng, vẫn nhiếp tâm được. Nhưng điều rất lạ là kiêu mạn
vẫn tiềm tàng tồn tại. Đây quả là điều rất lạ. Chính vì vậy mà chúng ta nói,
nếu không tu tập khiêm hạ thì quán vô ngã như trên vẫn chưa kỹ.
Kiêu mạn chỉ là một ý niệm không
có thực thể, nhưng chi phối được tâm hồn nhân cách của con người. Đó chỉ là một
ý niệm tự cho mình hơn người. Khi quán thân tâm này không thật, chúng ta không
đánh thẳng vào ý niệm tự cho mình hơn người đó. Vì vậy tuy thấy tâm hồn có nhẹ
nhàng hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa gỡ ra được ý niệm tự kiêu.
Do đó, chúng ta phải khôn ngoan
đi qua con đường tu tập khiêm hạ để diệt trừ ý niệm kiêu mạn thầm kín đó trước
khi đi sâu vào quán vô ngã. Tu tập khiêm hạ để thấy mình tầm thường nhỏ bé như
cát bụi cỏ rác, chưa phải là đỉnh cao trí tuệ, nhưng vô cùng cần thiết.