Ác tính (hay ác ý) là một thực
thể trong tâm hồn của mỗi con người phàm tục. Riêng thú vật thì chỉ có thú
tính, chứ không có "ác tính". Nhưng đối với Phật Giáo, thú tính tương
đương với "ác tính". Nó không phải do một đấng toàn năng hay một
quyền lực siêu nhiên nào “thổi vào” mỗi sinh linh có thân tứ đại (đất, nước,
lửa, khí) hết. Nó chỉ là kết quả tất nhiên của đôi "nguyên ủy sống"
là danh và sắc (nãma rùpa).
Hễ có một chúng sinh luân hồi ra
đời, là có một ác tính nằm sẵn trong “vô thức” (một tình trạng sâu hơn tiềm
thức) của chúng sinh ấy. Nó vừa là sự tham sống, vừa là “động lực” phiêu lưu,
đòi hỏi thỏa mãn sự tham sống ấy. Kết quả là phải chịu đựng muôn ngàn cảnh khổ.
Cũng như hễ có một con người tiến
hóa hiện hữu, thì ở đó có thể có một ý chí thoát khổ, hay một giác tánh, một
“vị Phật”. Và dĩ nhiên "đối thủ" của ác tính là thiện tính (hay giác
tính, khởi đầu của Phật Tính). Ðức Phật khi còn tại thế, đôi khi đã gọi ác tính
là "ma vương" (mãra). Chính Ngài trước khi hoàn toàn giác ngộ, cũng
đã thường xuyên trực diện với những ác tính (thô thiển lẫn vi tế), hằng nhiễu
nhương trong sắc thân ngũ uẩn của Ngài. (Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng
uẩn, hành uẩn và thức uẩn).
Tuy nhiên, Phật Giáo không quan
niệm ác tính như một thực tế nhất định hay bất trị. Nghĩa là nếu ác tính hằng
có một “đối thủ” lợi hại là thiện tính, trực diện và song hành với nó, thì nó
vẫn có thể sớm muộn gì cũng bị hóa giải, tiêu diệt. Ðây chính là cái lý do căn
bản của nhà Phật, để "quan niệm" về một con người. Ðức Phật đã dạy
các hàng Phật tử phải cố gắng "không làm mọi điều ác, làm tròn đủ việc
lành, và giữ tâm thanh tịnh", để có thể nhìn thấy cái sắc thân của mình,
đúng thực trạng của nó (Yathãhũmitaŋ).
Nguyên văn tiếng Phạn, của mấy câu Phật ngôn
ghi trên là:
"Sabbapãpassa akaranaŋ,
Kusalassa upasampadã,
Sa cittapariyo dapanaŋ...."
Thói thường, người ta thích quan
sát rất kỹ những ác tính của kẻ khác, mà không bao giờ xác nhận cái ác tính của
chính mình. Tệ hơn nữa là khi người ta nhận thấy một số ác tính của bản thân
quá hiển nhiên, thì người ta liền không ngần ngại biện hộ, là bởi như thế này
hay bởi như thế khác, để cuối cùng qui trách nhiệm về một nguyên nhân nào đó.
Và đây chính là nguồn gốc đưa đến đau khổ, đưa đến vô minh, và đưa đến tà kiến,
tin tưởng vào thánh đế hay thần linh.
Trong Trung Bộ Kinh (Majjhima
Nikãya Sutta), đức Phật cũng từng nói: "Có nhiều vị giáo chủ vẫn còn nhầm
lẫn, không nhận ra sự khác biệt giữa đêm và ngày, là do pháp hành của vũ trụ,
mà cứ đổ diệt hiện tượng ngày đêm ấy là do Thượng Ðế sắp đặt" (Maj.N. I,
trang 21).
Rồi đức Phật lại tiếp:
"Nhưng Như Lai nhờ chứng đắc toàn giác, đã biết rõ vì sao có ngày, vì sao
có đêm, vì sao có ánh sáng, và vì sao có bóng tối, một cách không dư sót. Và
Như Lai cũng hằng khuyên chư thiện nam tín nữ hãy giữ mình cho thanh tịnh, toàn
thiện, để nhận thức đúng đắn như thế".
Theo câu Phật ngôn trên đây, thì
rõ ràng Phật Giáo đã thẳng thắn xác nhận: Trong cái thế giới sinh tồn có điều
kiện này, hễ ác tánh có ở đâu thì thiện tính có ở đó. Duy một điều là nếu thiện
tánh (sáng) đưa chúng sinh đi lên (tiến hóa), thì ác tính (tối) kéo chúng sinh
đi xuống (thoái hóa, sa đọa). Thiện tánh tăng thì ác tính giảm, thiện tánh tỏa
sáng thì ác tính tiêu tan, bóng tối biến mất, chứ thiện tánh không do một đấng
toàn năng nào ban cho, cũng như ác tính không do một quyền lực nào nổi giận,
giáng vào ta cả.
Tuy nhiên, đối với một số tôn
giáo, thì thiện tánh và ác tánh là do sự hành xử của một đấng tối cao. Bất cứ
ai chịu phục tùng và vâng lời đấng tối cao ấy, thì tất nhiên sẽ được
"ngài" ban cho ánh sáng thiện tánh (?). Còn kẻ nào dám nghịch mệnh,
thì sẽ bị “Ngài” giáng vào linh hồn dẫy đầy những ác tánh (bóng tối), để chịu
thống khổ đời đời trong sa đọa, hay hắc cảnh địa ngục.(?)
Cũng theo các tôn giáo này, thì
địa ngục là một cảnh giới do đấng toàn năng kia dựng lên, có đầy đủ cực hình,
để trừng phạt những ai không chịu nạp mình, qui phục và vâng lời đấng toàn năng
ấy. Do đó, ngày nay tuy loài người đã bước vào thời đại nguyên tử, du hành
trong không gian, nhưng các định kiến về một đấng tạo hóa tối cao vẫn còn.
Kết quả, khi đối thoại với khoa
học, những người tin tưởng vào quyền lực toàn năng, đã không tránh được một
tình trạng bế tắc. Còn khi đối thoại với đạo Phật, một số vấn đề, với tâm thanh
tịnh có thể được lý giải, thì họ bị lúng túng, cầu cứu vào “lòng tin”. Họ bảo
rằng “tin là đủ, không cần soi sáng chứng minh”. -Và Phật giáo chủ trương thanh
tịnh để lý giải, không phải để đề cao học thuyết của mình, hay hạ thấp kẻ khác,
mà chỉ để cống hiến một cách xây dựng, một phương pháp giải trừ sự lầm lạc của
người đời mà thôi.
Theo các nhà thần học thuộc những
tôn giáo này, thì thế gian và muôn loài vạn vật, đều do một đấng duy nhất toàn
năng, toàn tri và toàn kiến tạo ra. Bất cứ ai không chịu phục tùng, hay chối bỏ
cái quyền lực thánh đế ấy, tất sẽ bị đày vào ác đạo đời đời.(!?).
Phật Giáo soi sáng một điều: Nếu
mọi sinh vật trên cõi thế, mà được tạo ra bởi một chúa tể có ba phẩm tính, là
toàn năng, toàn tri, và toàn kiến, thì các ác tính trong những sinh vật ấy từ
đâu ra? ( Si Deus Bonus Unde Malum?). Thật là nghịch lý để chúng ta có thể kết
luận rằng: "Các ác tính có thể phát xuất từ trong tác phẩm sáng tạo, của
ba thánh lực toàn năng, toàn tri, và toàn kiến hợp lại"?
Trước ngõ cụt ấy, một số nhà thần
học bảo thủ liền vội vàng giảng nghĩa. Họ đã viết hàng ngàn cuốn sách để biện
luận cho định kiến của mình. Toàn thể những lý luận của họ có thể tóm lược như
sau:
-Thứ nhất, ác tính chỉ có khi con
người va chạm với ngoại cảnh, chứ trong bản tánh của mọi sinh linh “từ đầu”
không có ác tính. Như vậy phải chăng khi con người sống hoàn toàn cô lập với
mọi vật, thì họ sẽ không có ác tính? Ðiều này thiết nghĩ cần xét lại, vì xuyên
qua những thí nghiệm, người ta đã kết luận rằng: Một đứa bé dù nuôi nấng riêng
biệt, tách rời khỏi xã hội, nhưng các tật xấu thuộc về vị kỷ của nó vẫn xuất
hiện, như tất cả trẻ con khác, sống chung giữa cộng đồng.
(Ở đây cần lưu ý để phân biệt ác
tính và thói quen cộng nghiệp. Ác tính là lòng tham cố hữu. Và thói quen là do
xã hội tạo ra. Đành rằng có một số (rất hiếm) thói quen, hay phong tục tập quán
“tốt”, làm cho con người “chịu” sống chung hòa bình với nhau. Nhưng các thói
quen hay “phong tục tập quán tốt” đó vốn không thanh tịnh, không có khả năng
giải trừ được lòng tham cố hữu, nếu không muốn nói ấy cũng chỉ là một dạng khác
của lòng tham cố hữu mà thôi. -Đó là lòng tham sự sống an ổn, tham sung túc cho
bản ngã!).
-Thứ hai, ác tính chỉ là một sự
tưởng tượng, hay ảo chấp của con người với ngoại cảnh, chứ trên thực tế, ác
tính là một điều không có. Ðối với thượng đế, tất cả sinh linh đều chỉ mang một
tâm hồn «bình đẳng” bất diệt, và vô nhiễm trước khi chào đời, cũng như sau khi
lìa bỏ xác thân phàm tục này. (?)
-Thứ ba, ác tính chỉ là một
"phương tiện" mà đấng toàn năng dùng để phản ảnh và gìn giữ
"chân tánh" của tất cả linh hồn do "ngài" tạo ra. Ví như
"nếu không có đêm, thì người ta không làm sao biết được ngày", cũng
như "nếu không có xấu, thì người ta không thể đánh giá được tốt". Như
vậy, trong mỗi tác phẩm của "tạo hóa", chỉ có cái "tốt" chứ
không có cái "xấu", và cái xấu (ám chỉ ác tính) vốn chỉ là một phương
tiện bên ngoài, để người ta "xác nhận" được cái tốt hằng có của
"thượng đế", qua cuộc sống thường ngày mà thôi. (?)
Hai luận cứ thứ nhất và thứ ba có
vẻ rất được các nhà thần học hiện đại hài lòng, vì “ác tính” chỉ có trong đời
sống thể xác, chứ không có trong lĩnh vực tâm linh, nghĩa là nếu cầu xin
“Thượng Đế” đại dung tha thứ, thì hết tội, Như vậy họ tin là có thể cắt nghĩa
được vấn đề ác tính, mà không làm phương hại đến uy danh của thượng đế.(?)
Tuy nhiên, khi trực diện với thực
tế, các luận cứ ấy cũng không được nghiệm đúng, trước sự đau khổ của tất cả
chúng sinh, nhất là trước sự khốn nạn của một số trẻ con mới chào đời, đã bị
tật nguyền. Những trẻ con này tâm thức chưa bao giờ có dịp va chạm với cuộc
sống, mà phải chịu đầy bất hạnh vô lý. -Như thế phải chăng "thượng
đế" đã dùng sự tàn tật của các em như những phương tiện để phản ảnh cái
tốt trong "tác phẩm" của Ngài? -Và xin hỏi ấy là cái tốt gì?
Chưa kể ngay những người tin theo
luận cứ này trước sau gì cũng bị hoang mang và xét lại, bởi những khám phá cụ
thể không thể chối cãi được, của khoa học thực nghiệm!
Còn theo quan niệm của Phật Giáo thì sao? Vấn
đề ác tính Phật Giáo phân tích như thế nào?
Như trên soạn giả đã nói: Phật
Giáo không nhìn nhận có một đấng toàn năng, toàn tri và toàn kiến, dựng lên cái
thế gian hiện hữu đầy ô nhiễm này. Thay vào đó, Phật Giáo xác nhận một sự thật
hằng nghiệm đúng, là sự thật hóa sinh luân hồi có điều kiện, và nằm trong vòng
tan hợp của pháp hành, ảnh hưởng lên toàn thể chúng sinh, hay luật biến dịch =
vô thường).
Trên căn bản đó, Phật Giáo luôn
luôn mạnh dạn tuyên bố: "Thế gian điên đảo không do một quyền lực toàn
năng, toàn tri, toàn kiến nào tạo ra cả, mà nó chỉ là kết quả trụ hình, hữu
thời và duy động của những vòng biến dịch từ luân hóa vô biên xứ đến nhị nguyên
vô viên cực”.
Ðúng ra, tác phẩm của một đấng
toàn năng, toàn tri và toàn kiến phải là trường cửu, lành mạnh, và hạnh phúc,
chứ không thể nào là vô minh, tạm bợ, xung đột, bất thiện, ô trược, và thoái
hóa như thế gian được! Và nếu thượng đế không làm hoàn hảo nổi "tác
phẩm" của mình, thì phẩm cách toàn năng, toàn tri, và toàn kiến của Ngài
biểu lộ ở đâu?
Người học Phật ngay thẳng chẳng
bao giờ mang tâm trạng bi quan, tiêu cực, sợ sệt phạm thánh, rồi cố ý phủ nhận,
hay giải trôi thực tế của ác tính. Vì nếu chúng ta chối bỏ sự hiện hữu của ác
tính, như nguyên nhân gây ra đau khổ trong con người của mỗi chúng ta, thì
chúng ta không bao giờ đặt vấn đề giải quyết, hay tìm kiếm phương pháp để diệt
trừ tận gốc cái ác tính ấy.
Chúng ta lại càng không cần phải
rán sức, tận dụng mọi sắt bén của tư tưởng, của óc thông minh để hợp lý hóa sự
có mặt của ác tính, vì làm như thế tức là chúng ta đã vô tình bảo vệ và nuôi
dưỡng mầm thoái hóa cho chính mình! Trái lại Phật Giáo khuyên con người nên xác
nhận có ác tính, xem ác tính như một thực tế, tuy nguy hiểm nhưng khả dĩ, để
rèn luyện tinh thần, hầu giải thoát tinh thần ra khỏi ảnh hưởng của nó.
Ví như khi chúng ta đang cố gắng
lội ngược chiều giòng nước, để không bị trôi phăng ra biển, tâm trạng buông
xuôi là một thực tế trong chúng ta, chúng ta cần nhìn nhận, mới có thể dứt
khoát dẹp bỏ nó được, để ngoi mình tiến tới, chứ chúng ta không thể nào biện
luận rồi hợp lý hóa cái tâm trạng buông xuôi ấy, là không phải do ta mà là do
số mệnh "trời định ra" như thế.
“Nhìn nhận” có cái xấu (tức ác
tính hay tập đế, nguyên nhân của mọi điều khổ) trong bản thân mình, theo Phật
Giáo không phải để xấu hổ, tự ty mặc cảm, làm nhụt ý chí, mà là để nhìn thẳng
sự thật, hầu rèn luyện sức mạnh trí tuệ, đưa đến giác ngộ, và đưa đến giải
thoát tối thượng.
Văn chương bình dân Việt Nam cũng đã có các câu:
"Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng,
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Sen tuy có cái hương sắc tinh
khiết siêu trần của nó, nhưng sen không phủ nhận là "mình" đã từ
trong bùn chui ra. Câu thơ sau cùng phải chăng đã phản ảnh rất trung trực ý
nghĩa "không chối bỏ ác tính" của Phật Giáo. Xin nhấn mạnh ở đây
"không chối bỏ" tức là để dứt khoát cảnh giác, tự ta phải doạn tuyệt
với dục vọng để ngoi lên, chứ không có một đấng nào có thể giúp ta làm được
việc đó!
Nhiều học giả Tây phương cũng đã
nhầm lẫn cho rằng "Phật Giáo nhìn nhận thế gian đầy ác tính, tức là luôn
luôn nhìn cuộc đời chứa đựng sự đau khổ, và nhìn đời bằng khía cạnh đau khổ tối
tăm, tức là bi quan”.(?)
Các học giả này phát biểu như thế
là vì họ chỉ căn cứ vào chổ phân tách của Phật Giáo về bản chất luân dịch có
điều kiện của vạn vật (vô thường, khổ não, vô ngã (aniccã dukkhã anattã), chứ
họ không chịu nghiên cứu sâu xa hơn, về phương diện tiến hóa của đạo Phật.
Trong một cuốn bách khoa tự điển
nọ, nói về tôn giáo và đạo đức (Encyclopaedia Of Religion And Ethics), có một
đoạn vị soạn giả Tây phương, tỏ ra không biết gì về đạo Phật. Bằng chứng là ở
phần nói về thiện và ác (articles on Good and Evil) trong bộ tự điển, soạn giả
ấy đã không ngần ngại cho rằng: "Sự hiện hữu trên thế gian đối với Phật
giáo là một điều tội lỗi" (?) (Existence….seemed to the Buddha to be
evil).
Rõ ràng là tác giả của đoạn văn
nêu trên, đã hoàn toàn hiểu sai đức Phật. Vì rằng không có một chỗ nào trong
Tam Tạng kinh điển ghi lại, mà chúng ta tìm thấy đức Phật từng phát biểu như thế.
Trái lại, điều mà đức Phật thường
xuyên nhắc nhở chúng ta, là tất cả các pháp hành trong cõi hiện hữu này, đều
luôn luôn có hai mặt đối nghịch (nhị biên tương đối): Ðó là mặt tốt (assãda) và
mặt xấu (àdìnava). Nói cách khác là mặt thiện pháp và mặt ác pháp (tương đương
với hai chiều tiến hóa và thoái hóa trong sinh vật lý học). Hơn nữa, đức Phật
cũng không phải chỉ phân tích suông hai mặt như thế, mà tiếp theo Ngài còn
chứng minh rõ ràng mặt nào chúng sinh càng cố gắng bồi đắp, nó càng lợi lạc,
bền vững, và càng thấy gần cứu cánh. Còn mặt nào con người càng đuổi bắt, nó
càng chạy xa, càng biến đổi như ảo mộng, và càng bất định!
Vì thế trong cuộc đời, kẻ nào
tinh thần thường thanh tịnh mở rộng, thì ý thức tự nhiên tiến hóa, con đường
giải thoát cảnh khổ dần dần hiện rõ. Ngược lại, kẻ nào lòng dạ càng tham lam
ích kỷ, thì ác tính càng gia tăng, vật chất ảo dụng của thế gian càng được, thì
cái đích thỏa mãn càng không đến. Ðúng như câu tục ngữ "túi tham không bao
giờ có đáy".
Xem thế đủ thấy rằng Phật Giáo
chẳng phải bi quan mà chính là "lạc quan", lạc quan trong thanh tịnh,
không lạc quan trong lời nói! Và ngoài cái nhìn của Phật Giáo ra, không một
chân lý nào khác có thể soi thấu được sự thật, để từ đó kẻ tu học có thể bước
đúng vào con đường chân hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không có điều kiện, không
chứa đựng xung đột, và không bị nhân quả cột trói vào tù ngục.