
Những tiến bộ dường như phép lạ
trong công nghệ truyền thông hầu như có một tính chất thần thoại. Những báo cáo
gần đây cho ta biết rằng trong thế giới thịnh vượng ngày nay người ta đã xây
dựng hàng ngàn căn nhà đóng một vai trò song hành với vai trò của người quản
gia, vì chúng được cài đặt chương trình để bật đèn hoặc tắt đèn, để đun nóng
nước, để tiếp nhận các thông điệp và báo cho cảnh sát biết trong trường hợp có
trộm cắp. Những tiến bộ về công nghệ cũng đã mang lại những khái niệm mới về
sức khỏe và vệ sinh, và những phép lạ về phẫu thuật đang hàng ngày đã kéo dài
tuổi thọ của con người.
Mặc dù có mọi sự tiến bộ này thế
giới đang bị xáo trộn về mỗi mực độ. Cuộc chạy đua vũ trang đã mang lại cho
chúng ta viễn ảnh hủy diệt khủng khiếp sự sống trên hành tinh.
Trong phạm vi nhiều biên giới
quốc gia, bóng ma khủng bố, bạo lực của các giáo phái và sự xung đột tương tàn
đang làm u ám đi cuộc sống của mọi người. Ở mức độ cá nhân, sự vong thân, bức
xúc và cầu bất đắc đã tạo ra những cơn dịch làm bại hoại tâm trí mà trước nay
ta chưa từng biết tới. Việc nghiện ma túy và do đó gia tăng tội ác, những hoạt
động mafia trên toàn thế giới và bạo lực diễn ra trên đường phố đang trở thành
một phần của xã hội đô thị hóa quá nhiều trong chúng ta. Sự tham nhũng tràn lan
là hậu quả tất yếu của một xã hội dựa trên lòng tham. Chủ nghĩa tiêu thụ và lối
sống cạnh tranh song hành với sự suy đồi các giá trị. Những mối bất hòa cá nhân
và những sự căng thẳng trong nội bộ gia đình đã trở nên nhức nhối hơn do xu
hướng thịnh hành trong sinh hoạt xã hội.
Tình hình này của thế giới chứng
tỏ rõ ràng điều mà Malinowski có nói theo đó sự tinh xảo về công nghệ không hàm
ý sự ưu việt về đạo đức hoặc sự cao siêu về trí tuệ. Vấn đề của con người đương
đại không phải là vấn đề chính trị, kinh tế hoặc xã hội, vì không một giải pháp
nào được đề ra trong bất kỳ của ba địa hạt nêu trên mà lại có thể cung ứng một
phương thuốc hữu hiệu chống lại được những khuynh hướng tồi tệ này. Vì họ không
biết được những yếu tố tâm lý ẩn bên dưới và không thể khơi dậy được những tiềm
năng sâu xa của con người cho nên họ không thể hóa giải được sự suy đồi của xã hội.
Ngay tận tâm khảm của tình trạng
hiện nay là sự thật chúng ta không giáp mặt với một vấn đề công nghệ, định chế
hoặc tổ chức; chúng ta đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng sâu sắc về văn
hóa. Cuộc khủng hoảng này không bắt nguồn từ môi trường xung quanh và cấu trúc
của xã hội mà biểu diễn một sự bất cập sâu sắc trong tinh thần của con người.
Việc tìm ra những con dê tế thần trong một phân bộ nào đó của xã hội hoặc trong
những nguyên nhân ngoại tại chỉ đánh lạc chú ý của ta đối với cội rễ của vấn đề
vốn ở trong tâm thức của con người. Vì thế cho nên ta cần phải khảo sát kỹ
lưỡng khái niệm về sự tiến bộ.
Vấn đề văn hóa chỉ liên quan tới
tâm trí con người thôi. Ý nghĩa của việc làm người chính là năng lực tự biết về
mình và đánh giá được bản chất của vai trò con người trong sự vận động của cuộc
sống. Sự đánh giá lệch lạc ắt trách nhiệm về đủ thứ việc tự mình làm khổ mình
mà con người đang phải chịu.
Đức Phật có nhắc tới điều này.
Theo cách trình bày của Edwin Arnold thì ngài có dạy rằng:
“Tự con làm con đau khổ. Đâu có
ai khác bắt buộc con hoặc khiến cho con phải sống hay chết. Rồi trôi lặn theo
bánh xe sinh tử luân hồi, cứ đắm đuối ôm ghì lấy những cái căm khổ sở của nó”.
Văn hóa có hàm ý là nhận thức
đúng đắn được vai trò và mối quan hệ của chính mình với các biến cố, với những
con người và với cuộc sống phức tạp để rồi hành động theo nhận thức đó một cách
trong sạch và đầy phẩm cách. Đó là tri thức có ý thức về mối quan hệ và các giá
trị. Người có văn hóa phản ánh được các giá trị trong mọi tư tưởng, lời lẽ và
tác phong của mình.
Trong bất kỳ xã hội nào thì đại
đa số con người đều biểu diễn một cách vô ý thức những tiêu chuẩn và những kiểu
mẫu ứng xử hiện hành. Sự thích ứng vô ý thức đó đối với những kiểu mẫu qui ước
không phải là một biểu lộ có ý nghĩa văn hóa. Ananda K. Coomaraswamy có nêu rõ:
“Con người thật ra đâu chỉ là một con thú sống theo thuyết ứng xử bản năng . .
. sự tung tăng của những con chim cho dù quyến rủ đến đâu đi nữa cũng chưa phải
khiêu vũ”. Đó là vì khiêu vũ đòi hỏi phải có một sự hữu thức điều động năng lực
của cơ thể để có được nhịp điệu và sự duyên dáng v. v. . .
Mặc dù thật đa năng, thiên nhiên
vẫn thể hiện được một sự hài hòa và trật tự nhiệm mầu. Những nhà thấu thị thời
xưa ở Ấn Độ đã nhận thức được điều này và ngất ngây ca tụng cái Trật tự thiêng
liêng mà họ gọi là nghi thức. Nhờ nghiên cứu về sinh thái học và những điều rối
rắm của Thiên nhiên, con người hiện đại đang khám phá ra sự tương thuộc kỳ diệu
của nhiều dạng sự sống và một sự quân bình vốn duy trì được các quá trình trong
vũ trụ. Nhà vật lý David Bohm nêu ra quan điểm theo đó trật tự là nền tảng của
thế giới hiện tượng; các nhà sinh vật như nhân vật Wald đoạt giải Nobel cũng
ủng hộ định đề này. Vì sự hài hòa và trật tự là nền tảng của những quá trình
thiên nhiên trong cơ tiến hóa cho nên ở địa hạt này không có nảy ra những vấn
đề quan hệ. Mọi tạo vật khác hơn con người đều đóng trọn vẹn chức năng riêng
của mình theo một bản năng bẩm sinh vốn chẳng có gì klhác hơn là trí thông tuệ
tận trong tâm khảm của chính vũ trụ. Sự hài hòa của những mối tương quan trong
Thiên nhiên đó không hề tạo ra văn hóa.
Đặc điểm của con người là phải
khám phá ra sự hài hòa và trật tự để rồi biểu diễn chúng trong những mối quan
hệ và hành động của mình. Đây chính là những mối quan hệ và những hành động.
Đây chính là lý do ẩn sau lời tuyên bố của các bậc thánh hiền theo đó được sinh
ra làm người là một đặc quyền quí báu và phi thường. Pháp Cú Kinh có tuyên bố
như sau:
“Thật khó thay khi được sinh ra
làm người; thật khó thay khi sống cuộc đời của một con người; thật khó thay khi
được nghe giảng chánh pháp; thật khó thay khi chư Phật giáng sinh”.
Kiếp người là một mối quan hệ.
Tồn tại có nghĩa là quan hệ. Ngay cả kẻ nào xét theo bề ngoài không chịu hành
động thì xét theo bên trong vẫn tiếp tục có quan hệ với hằng hà sa số yếu tố
thông qua tâm trí của mình. Suy gẫm về bản chất của những mối quan hệ và những
giá trị bao hàm trong việc biểu hiện mối quan hệ đó chính là văn hóa theo nghĩa
rộng nhất của từ này.
Trong tác phẩm nổi tiếng Hiện
tượng Con người, Teilhard de Chardin có nói rõ:
“Con người theo như khoa học ngày
nay có thể tái tạo lại được chỉ là một con thú giống như những con thú khác –
xét về mặt giải phẫu cơ thể, nó ít tách rời khỏi loài khỉ giống người đến nỗi
mà những phép phân loại hiện đại của các nhà động vật học lại quay về với lập
trường của Linnaeus và bao gồm con người cùng với loài khỉ giống người trong
cùng một siêu họ, tức là homonidae. Thế nhưng, khi đánh giá theo những kết quả
sinh học của việc con người xuất hiện thì thực ra chẳng lẽ y lại không phải là
một điều gì đó khác hẳn hay sao ?” . . .
Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn
đề về ‘tính ưu việt’ của con người đối với loài thú (và rất cần giải quyết nó
vì ích lợi của khoa đạo đức về sự sống cũng như để phục vụ cho tri thức thuần
túy) thì tôi chỉ có thể thấy một cách thức tiến hành – dẹp qua một bên tất cả
những biểu lộ thứ yếu và lập lờ về hoạt động nội tâm trong cách ứng xử của con
người và đi thẳng vào hiện tượng trung tâm tức là sự suy gẫm.
Mạng lưới những mối quan hệ của
con người thật là phức tạp và tinh vi. Quan hệ bao gồm chẳng những là sự tiếp
xúc bên ngoài với những người khác mà còn là những thái độ không nói nên lời
trìu mến hoặc oán ghét, sợ hãi, lững lờ v. v. . . và vô số những động cơ thúc
đẩy ẩn giấu đâu phải lúc nào cũng biểu hiện ra. Quan hệ thật là đa dạng và bao
gồm sự ứng đáp của con người đối với thiên nhiên, cây cỏ, thú vật, nước chảy,
rặng núi, quả đất, bầu trời và những ngôi sao. Còn có ý nghĩa hơn nữa là quan
hệ của con người với những ý tưởng và niềm tin của mình, với những điều mà mình
ưa và ghét – nói cách khác là với những gì chất chứa trong tâm trí của chính
mình. Trong một mức độ lớn lao quan hệ của con người với chính mình chế định
những mối quan hệ khác của y. Sự cầu bất đắc bên trong nội tâm y rõ rệt là làm
ô nhiễm tác động của y đối với những người khác. Tầm nhìn của y đã bị mờ ám đi.
Vì vậy, thật là quan trọng ở tầm mức sống còn khi một người cần biết được những
đáp ứng và những phản ứng của chính mình.
Ta xin trích dẫn de Chardin một
lần nữa:
‘Kẻ nào vốn là đối tượng suy tư
của chính mình thì do chính sự hồi quang phản chiếu đó trong chớp mắt có thể
vươn lên tới một lãnh vực mới mẻ”
Khi không có việc tự quan sát thì
những mối quan hệ sẽ ràng buộc con người và làm vô hiệu hóa tầm nhìn và sự hiểu
biết của y. Mọi vấn đề đều nảy sinh từ một tâm trí không tự biết mình. Việc
dính mắc vào gia đình hoặc cộng đồng, vào vợ con, thường là một hàng rào ngăn
cản những ái lực rộng lớn hơn. Những sự dính mắc đó không khuyến khích được sự
nhạy cảm của xúc cảm, vốn là cốt yếu cho sự phát triển văn hóa. Con người trở
nên người nguyên thủy hoặc người bộ lạc khi những dính mắc của y giam hãm y
trong phạm vi chật hẹp. Những hình thức tinh vi của các bộ tộc vốn ẩn khuất
đằng sau những bề mặt có vẻ đúng làm cho các cuộc xung đột trên thế giới và
ngay trong cộng đồng trở nên rộng lớn hơn. Khi sự nhạy cảm không còn bị hàng
rào che chắn nữa, thì nó tự biểu lộ trong mối quan hệ với vạn vật – với con
người, với thú vật, với chính quả đất nữa. Văn hóa biểu hiện ra hoặc vắng mặt
trong mọi tư tưởng, lời lẽ và hành động.
Từ ngữ ‘thẩm mỹ’ biểu thị nhận
thức về sự hài hòa và đẹp đẽ trong thiên nhiên và trong nghệ thuật. Chính vì
một dạng nhạy cảm thẩm mỹ nào đó biểu hiện ra trong nghệ thuật cho nên người ta
thường coi nghệ thuật là đồng nhất với văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa có một ý
nghĩa rộng lớn và sâu sắc hơn hẳn nghệ thuật. Nó có liên quan mật thiết với sự
đơm hoa kết trái của những năng lực nội tâm, vốn là tiêu chuẩn tiến bộ của con
người. Văn hóa có thể tồn tại mà không cần nghệ thuật, trong khi nghệ thuật chỉ
là sự biểu diễn một phần của cái sự nhạy cảm toàn diện vốn chính là văn hóa.
Theo ý nghĩa thông thường của từ
này thì nghệ thuật là năng lực chuyên biệt để làm bộc lộ ra một khía cạnh mỹ lệ
nào đó qua việc trau dồi một hình thức đặc thù. Mọi nghệ thuật chân chính đều
hàm ý là có sự hài hòa. Mỗi hình thức nghệ thuật đều có những hạn chế của riêng
mình để biểu lộ được vẻ đep, bản thân hình thức này là một thể loại hạn chế.
Theo nghĩa rộng nhất thì nghệ
thuật phải bao gồm cả sinh hoạt vì lúc bấy giờ thì ta mới có thể đồng nhất hóa
được nó với văn hóa. Những tài năng hoặc ngay cả thiên tài của một nghệ sĩ
không nhất thiết khiến cho y hiểu được nghệ thuật sống, và thường thì cuộc đời
của các nghệ sĩ lại biểu hiện ra cái sự bất cập bi thảm này.
Trong quá trình tiến hóa, không
cần phải có sự chuyên biệt hóa hình thức hoặc chức năng. Sự chuyên biệt hóa của
một giống loài trở thành sự hạn chế của nò, vì nó giới hạn giống loài đó bên
trong biên giới của sự chuyên biệt hóa. Chẳng hạn như sự cồng kềnh của những
con vật thời tiền sử đã khiến cho nó bị tuyệt chủng. Cho dù sự chuyên biệt hóa
ở nơi tốc độ hoặc tầm nhìn, hoặc bất kỳ năng lực nào khác, thì nó cũng trở nên
một sự tù hãm. Đạo Đức Kinh cổ điển của Trung Hoa có cảnh báo rằng:
“Kẻ nào đứng trên đầu ngón chân
ắt không đứng vững được;
Kẻ nào bước đi những bước dài
nhất ắt không đi được nhanh nhất . . .
Kẻ nào khoe khoang điều mà mình
sẽ làm được ắt chẳng thành đạt được điều gì;
Kẻ nào kiêu hãnh về công việc của
mình ắt chẳng thành tựu được điều gì lớn.
Những giới hạn của việc chuyên
biệt hóa tồn tại đối với một cá nhân, một chủng loại cũng như đối với một quốc
gia và một nền văn minh. Cánh cửa mở ra những sự nhận thức rộng lớn hơn và sự
phát triển khoáng đạt hơn ắt bị khép chặt lại khi năng lượng được dẫn truyền
theo một hướng độc đoán. Sự chuyên biệt hóa có thể là một cách thức phủ nhận
tiềm năng tiến bộ mà cho đến nay người ta chưa biết được và chưa triển khai
được.
Thật là thú vị khi nhận thấy rằng
mọi nền văn minh đều tiến tới mức nào đó để rồi bắt đầu suy thoái. Chính những
công trạng khiến cho nó trở nên lỗi lạc lại cản trở nó phát triển thêm nữa. Sự
thành công nhằm đối phó với một vài sự thách đố vốn dựa trên những năng lực đã
được chuyên biệt hóa. Khi những sự thách đố thuộc một loại khác xuất hiện thì
những tài năng trước kia vốn hữu dụng lại trở thành những chướng ngại nếu những
người có tài năng đó không thể vứt bỏ những khuôn mẫu tư tưởng và hành động cố
định của mình để đương đầu những sự thách đố với một sức sống mới. Sự suy vong
của các nền văn minh đều có một đặc điểm là sự thất bại về mặt văn hóa này.
Toynbee có nêu rõ rằng: “Dường
như thể hiếm có những sự đáp ứng sáng tạo nào đối với hai hoặc nhiều hơn nữa
những sự thách đố liên tiếp trong lịch sử của một nền văn minh mà cùng một
thiểu số người lại có thể thành đạt được. Thật vậy, cái phe vốn nổi bật lên khi
đương đầu với một thách đố này thì thường thất bại thảm hại khi cố gắng đương
đầu với một cố gắng kế tiếp”.
Các nền văn minh bị suy vi vì
người ta cứ say đắm với quá khứ. Do thỏa mãn với những thành tựu trước kia họ
tỏ ra thờ ơ và bất tài khi đương đầu với sự thách đố trong hiện tại. Rõ rệt là
quan trọng khi ta phải giữ cho tâm trí và tâm hồn mình rũ bỏ được những gánh
nặng và những hoài niệm thành tựu trong quá khứ; những sự chuyên biệt hóa
nguyên là vốn quí trong quá khứ ắt không còn hữu dụng để tiến bộ thêm nữa.
Sự tự do của tâm trí thật cốt yếu
để cho văn hóa đơm hoa kết trái được. Một tâm trí tự do không chỉ nhìn qua một
khung cửa chật hẹp mà có một tầm nhìn toàn vẹn không biên giới. Một nền văn
minh vốn giam hãm mình bên trong những biên giới đã biết của tri thức và kinh
nghiệm ắt trở nên trì trệ và sẽ tự mình bị suy vong.
Toynbee có nhận xét rằng sự
chuyển dịch từ một xã hội nguyên thủy sang một nền văn minh cao siêu hơn là sự
chuyển tiếp từ một tình trạng tĩnh tại sang sinh hoạt năng động. Không thể có
được động lực trong một dân tộc mà tâm trí và năng lực đã bị kết tinh thành ra
sự bảo thủ và thiếu khoan dung. Nền văn minh Ấn Độ đã mất đi thiên tài đồng hóa
và tổng hợp của mình khi động lực của nó bị xói mòn đi và những định chế xã hội
trở nên xơ cứng. Hệ thống giai cấp (thoạt tiên dựa vào guna và nghiệp quả) đã
mất đi tính linh động của mình để rồi theo thời gian trở thành một gánh nặng
chết cứng. Tương tự như vậy, tôn giáo đâm ra bao gồm những hình thức nghi lễ
rỗng tuếch, và việc truy tìm điều chưa biết (vốn là cốt tủy của tinh thần tôn
giáo) đã nhường chỗ cho sự súng bái điều đã biết và vì thế cho nên tục thờ cúng
ngẫu tượng mới sinh sôi nảy nở.
Nền dân chủ hiện đại của Tây
phương nảy sinh từ lòng ham mê tự do, bình đẳng và tình huynh đệ mà nó nghĩ
rằng ắt đưa lối mở đường cho một trật tự mới của xã hội. Nhưng chẳng bao lâu
sau, các quốc gia lại sa lầy vào cuộc đấu tranh để chiếm độc quyền tài nguyên
và những tham vọng đế quốc của chúng đã làm biến mất sự chân chính của việc
chúng ủng hộ những lý tưởng nêu trên. Trong cuộc chạy đua vì bá quyền quốc gia,
sự bình đẳng và tự do đã bị tổn thất. Tương tự như vậy, nước Nga cách mạng tràn
đầy khí thế, tìm cách chấm dứt quyền tư hữu vì coi như đó là phương tiện để
thống trị và xiển dương bản ngã, nhưng nó đã làm mất đi lý tưởng của mình với
cái chiêu bài đặc thù là khủng bố và tập thể hóa. Người ta giả định rằng quốc
gia sẽ phải ‘tàn lụi’ đi vì tự do và phúc lợi của nhân dân, thế mà nhà nước lại
biến thành một con quái vật tàn bạo.
Trong những nền văn minh khác
nhau, các định chế dự tính dùng làm phương tiện để giải phóng được năng lực của
nhân dân và hỗ trợ cho phúc lợi của nhân dân thì cứ bị đông cứng đi đông cứng
lại thành ra một sự cứng ngắt bóp nghẹt sáng kiến, sức sống và phẩm giá của
nhân dân. Các định chế đều bị xơ cứng và các cấu trúc xã hội trở nên cứng ngắt,
vậy là làm cho nền văn hóa càng mau bị suy vong. Cũng giống như vậy, những
người nào cứ bám lấy những thói quen tư tưởng và hành động, những người nào cứ
bị các tiên kiến và những dính mắc làm cho không thoát khỏi những ý tưởng và
những ý niệm đã lạc hậu, thì những người đó đã mất đi động lực tiến bộ và không
thể đối phó được với những tình hình và thách đố mới với một óc sáng tạo mà
không có nó văn hóa không thể thịnh vượng được.
Như vậy, lịch sử đã cảnh báo
chúng ta đừng quan trọng hóa và vĩnh cửu hóa các hình thức đến nỗi quên mất đi
những giá trị vốn mang lại sức sống cho những hình thức đó. Các giá trị mới là
có thực và bất diệt, còn hình thức sẽ mất đi sự đúng đắn của mình và theo thời
gian ắt phải biến đổi hoặc suy vong. Khi hình thức trở nên quan trọng hơn nội
dung thì nền văn hóa ắt suy sụp.
Giữa văn hóa và các giá trị có
một mối liên hệ bất khả ly. Vấn đề giá trị đã được quan tâm rất nhiều cả ở
phương Tây lẫn ở phương Đông. Khái niệm về purusharthas, tức là các mục đích
sống, vốn có liên quan tới những giá trị kể từ giá trị thuần túy duy vật, chẳng
hạn như artha và kama , tức là của cải và vui
sướng, cho tới giá trị kém duy vật hơn và có tầm nhìn xa hơn được hàm ý trong
thuật ngữ dharma. Nhưng ngoài tầm giá trị này, từ giá trị thô thiển tới giá trị
tinh vi hơn, ta còn có những giá trị có bản chất tuyệt đối. Paramapurushartha
là việc mưu tìm giá trị tối thượng.
Các giá trị có tính chất hoặc là
thực nghiệm hoặc là siêu việt. Giá trị là thực nghiệm vì chúng có liên quan tới
những lợi ích vật chất, thuộc về địa hạt mà ta có thể áp dụng thang bậc đo
lường. Mỗi xã hội loài người đều có thang bậc của riêng mình, không nhất thiết
là đúng nhưng thuận tiện cho cấu trúc quyền lực hoặc thích hợp với tính khí của
nhân dân. Vậy là họ đã được nhồi sọ để phải vâng lời hoặc phải thành công, phải
bằng lòng hoặc phải chinh phục, và điều đó trở thành một phần phong cách của
họ. Đối với mỗi tập hợp những con người và đối với mỗi cá nhân thì một trong những
giá trị thuộc thang bậc nêu trên dường như là quan trọng hơn giá trị khác. Sự
ưu ái vốn dựa vào sự thuận tiện và lợi ích ngay trước mắt, nảy sinh ra từ tầm
nhìn thiển cận.
Vượt lên trên mọi sự đo lường
thuộc loại này cũng như vượt lên trên mọi hạn chế và thiên kiến thuộc cá nhân
hoặc chủng tộc, ta có giá trị thuộc một loại khác hẳn. Những giá trị siêu việt
này vốn không định nghĩa được, vì ta chỉ có thể biết được chúng thông qua sự
trải nghiệm mà thôi. Vui sướng có thể được đo lường dựa trên một thang bậc và
gắn liền với những sự vật mang lại cho ta ít nhiều sự thỏa mãn về xúc động.
Nhưng hạnh phúc (vốn đã được mô tả là cốt tủy của tự tại) không thể đo lường
hoặc định nghĩa được. Một sự mô tả cái trạng thái giải thoát nội tâm đó chẳng
truyền đạt điều gì về kinh nghiệm thực chứng cho kẻ nào chưa chia xẻ trải
nghiệm đó. Việc mô tả cái ghế có thể mang lại cho ta một ý tưởng xem cái ghế
giống như thế nào, nhưng việc mô tả hạnh phúc, tình thương hoặc sự thật không
mang lại mùi vị của thực tại đó. Mặt khác, việc định nghĩa thường trở thành một
điều thay thế gây lầm lạc, thế chỗ cho thực tại. Như vậy ngôn từ đã trở thành
một hàng rào cản trở kinh nghiệm thực chứng.
Văn hóa mang lại cho ta tri thức
thực chứng về những giá trị khôn tả mà tâm thức con người cùng lắm cũng chỉ
chứng ngộ được. Tri thức về điều vô cùng tốt, chân thực và đẹp đẽ chính là văn
hóa đạt đỉnh cao nhất. J. Krishnamurti có diễn tả bằng những lời lẽ minh bạch
như sau:
“Nền văn hóa Ấn Độ hơi khác với
nền văn hóa Âu Tây, nhưng sự vận động bên dưới cũng giống như nhau. . . Sự vận
động để tìm ra hạnh phúc, khám phá xem Thượng Đế và sự thật là gì, khi sự vận
động này ngừng lại thì nền văn hóa bị suy vi (trong xứ sở này thì nó đã bị như
vậy). Khi quyền lực, truyền thống, sự sợ hãi phong tỏa sự vận động này thì ta
có sự suy đồi. Sự thôi thúc để phát hiện chân lý là gì, Thượng Đế là gì, đó là
sự thôi thúc chân thực duy nhất và mọi sự thôi thúc khác đều là thứ yếu. Khi
bạn ném một viên đá xuống mặt nước đang yên tịnh, thì nó lan ra những vòng
tròn. Những vòng tròn lan ra đó là sự vận động thứ yếu, là những phản ứng của
xã hội, còn sự vận động chân thực vốn ở tâm điểm, tức là sự vận động để tìm ra
hạnh phúc, Thượng Đế, chân lý; và bạn không thể tìm thấy nó chừng nào bạn còn
bị sợ hãi, còn bị đe dọa. Ngay khi có một sự đe dọa, một sự sợ hãi nổi lên, thì
văn hóa bèn bị suy đồi”.
Việc phát hiện ra những giá trị
tối hậu khôn tả này phục hồi lại cho con người nhân phẩm không thể vong thân và
khiến cho y có thể viên mãn được vận mệnh của mình. Theo lời của Kabir thì:
“Tận trong thâm tâm, tôi yêu quí hơn bất cứ thứ gì khác cái tình thương khiến
cho tôi sống một cuộc đời vô hạn trên thế giới này”. Các bậc thánh hiền, các
đấng thiêng liêng, đều là gương mẫu tối cao của văn hóa khi đạt tột đỉnh. Sự
thức tỉnh văn hóa là cửa ngõ dẫn vào sự chứng ngộ tâm linh tức là sự phát triển
đa chiều của tâm thức con người cùng với năng lực sẵn có nơi con người. Văn hóa
là sự đáp ứng nhạy cảm vốn thấu hiểu được cái tinh vi cũng như cái thô thiển,
cái bên trong cũng như cái bên ngoài, cái đại đồng chứ không phài là cái đặc
thù.
Một tâm trí đờ đẫn và tự mãn
không thể đạt được các giá trị có bản chất cao siêu. Tâm trí sẽ lọt vào cạm bẫy
khi nó gán giá trị cho những khái niệm và những hành động dựa vào sự xoay sở
chụp giựt và tự tư tự lợi. Muốn trau dồi được sự nhạy cảm đó thì điều cốt yếu
là phải có một óc điều tra cảnh giác. Sự điều tra không được tự giới hạn mình,
tâm trí cũng không được tự đánh lừa mình nếu nó muốn phát hiện ra giá trị theo
nghĩa chân thực nhất. Qui ước và truyền thống không được hạn chế tâm trí dấn
thân vào một sự truy tìm như thế cho dù đó là tâm trí của một cá nhân hoặc một
dân tộc.
Nhà khoa học hiện đại đang dấn
thân theo đuổi kiến thức, nhưng sự điều tra và nghiên cứu của y tất nhiên là
chỉ hạn chế vào môi trường xung quanh bên ngoài. Y hoàn toàn không biết tới bản
chất bên trong của sự sống và vì vậy quan điểm khoa học đã được mô tả là không
có giá trị. Chính vì nó thờ ơ với những giá trị cho nên thế giới ngày nay (vốn
bị thống trị bởi óc khoa học) mới là một thế giới hủy diệt và độc ác không thể
trị nỗi.
Văn hóa có liên quan tới tri thức
về bản chất của sự sống – cái bản thể vốn ẩn tàng đối với đầu óc thô thiển,
nhưng lại bộc lộ ra đối với tâm trí nào biết cách trau dồi năng lực nhận thức
và không hề thỏa mãn cho tới khi nó phát hiện được điều vốn ở tận thâm tâm của
vạn vật dù là có tri giác hay vô tri vô giác.
Như vậy, văn hóa có những hàm ý
sâu xa về đạo đức. Hiển nhiên là nghệ thuật không tự động khơi dậy được cái tri
giác đạo đức đó. Nghệ thuật đòi hỏi phải có kỷ luật, nhưng kỷ luật này đã bị
chuyên biệt hóa. Việc phát hiện ra những giá trị cốt yếu tạo ra một loại kỷ
luật nội tâm khác vốn làm nảy sinh những mối quan hệ đúng đắn. Kỷ luật bên
ngoài (cho dù dưới dạng các bộ luật đạo đức, các qui ước xã hội, các kỹ thuật
hoặc những khuôn mẫu khác được áp đặt từ bên ngoài) sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ
và tiềm thức sẽ nổi loạn chống lại những kỷ luật đó, tạo ra những sự mất thăng
bằng cưỡng chế. Mặt khác, kỷ luật vốn bắt nguồn từ bên trong do việc nhận thức
rõ ràng được những giá trị đúng đắn sẽ mang lại sự ổn định cùng với một trạng
thái giải thoát và hạnh phúc. Nó hồn nhiên điều khiển mọi tư tưởng, lời lẽ và
hành động, vì tất cả những thứ này đều xuất phát từ cái trạng thái tâm thức hài
hòa đó.
Tri giác về giá trị là sự chứng
ngộ được ý nghĩa nội tại của vạn vật trong cuộc sống cũng như của toàn thể cuộc
sống. Cái lối sống cạnh tranh hướng về vui sướng như ngày nay ắt khuyến khích
một thái độ thực dụng vốn biến mọi chuyện thành ra một đối tượng của vui sướng,
lợi nhuận và sự chiếm hữu. Nhưng vô số biểu lộ của sự sống tự thân chúng vẫn
tồn tại mà không chỉ là đối tượng để cho con người sử dụng và mưu tìm vui
sướng. Trong sơ đồ tổng thể của cuộc sống thì mỗi thứ đều có ý nghĩa và chủ
đích cố hữu của riêng mình. Một con chiên không phải là đối tượng để nấu ăn, ý
nghĩa của cái cây không chỉ hạn chế vào việc dùng nó làm gỗ. Cái tâm trí tự tư
tự lợi vơ vét cho bản thân, mưu tìm sự viên mãn và thỏa mãn của riêng mình ắt
không thấy được ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Có nhiều điều mà ta cần phải suy
gẫm về tiêu chuẩn trong Áo Nghĩa Thư vốn phân biệt preyas (điều mang lại vui
sướng) với sreyas (điều thiện). Cái tâm thức hướng về vui sướng ắt bỏ qua bản
chất quí báu của tự tại, vẻ đẹp, giá trị và sự thật của nó.
Mặc dù các giá trị tối hậu dường
như là đa dạng, song thật ra chúng chỉ là một, vì một có vẻ là cả chân lẫn
thiện và mỹ. Tình thương và trí tuệ dường như ở tận gốc rễ của sự biểu lộ. Khi
suy đoán về lực điều động sự tiến hóa, nhà sinh vật học lỗi lạc, ngài Alister
Hardy có nêu định đề rằng lực đó là tình thương. Nhà vật lý học Hoyle có gợi ý
rằng trí tuệ vốn không tách rời khỏi vũ trụ. Theo quan điểm toàn diện thì giá
trị cao nhất chính là cái sự đơn nhất vốn bao gồm mọi giá trị tuyệt đối khác.
Tri giác được tính đơn nhất thể
hiện thành ra sự quan tâm quên mình và hành động mang lại phúc lợi cho đại đồng
thế giới. Cao và thấp biến mất dưới ánh sáng của sự nhất quán với vạn vật, ngay
cả với các dạng tồn tại vô tri vô giác hoặc dường như là vô nghĩa. Một tâm hồn
đầy ắp sự quan tâm như thế ắt che chở cho không những là con người mà còn là
con thú, con chim, cây cỏ, ngay cả trái đất, nước và không khí nữa. Những nguy
cơ ô nhiễm tàn phá trái đất, tàn nhẫn sát hại các loài động vật hoang dã ắt
không tồn tại trên thế giới nếu văn hóa theo đúng nghĩa đã thấm nhuần tâm thức
con người. Thái độ chung của mọi người trên thế giới là bỏ mặc cho những nhà cầm quyền, những
nhà quản trị và những người khác chăm lo cho xã hội. Người ta cứ nghĩ rằng mình
thật bơ vơ vì họ đâu có muốn chấp nhận trách nhiệm. Mặt khác, sự trau dồi nội
tâm của bất kỳ cá nhân nào cũng biến y thành ra một trung tâm an bình và hạnh phúc.
Nếu các thành viên của một cộng đồng không đem lại sự hiểu biết và văn hóa cho
cộng đồng đó, thì xã hội không thể làm thăng tiến được phẩm chất sống của họ.
Xã hội không thể tự thân nó tồn tại được; nó được cấu thành bởi những mối tương
quan của mọi người hợp thành nó.
Nếu ta không xem xét cuộc sống
một cách toàn diện, thì các phần tử không thể có được giá trị đúng đắn vì ta
không thấy được thực chất của chúng là những khía cạnh cố hữu của toàn thể.
Điều này dường như thể người ta phải tách ra một nốt nhạc hoặc một phân đoạn từ
một bản nhạc rồi cố gắng thấu hiểu ý nghĩa rời rạc của nó. Cốt tủy của văn hóa
chính là việc biết được ý nghĩa và vẻ đẹp của toàn thể cũng như giá trị và ý
nghĩa cố hữu của mọi bộ phận.
Bản Dịch Chơn Như