Trong đời sống hàng ngày, chúng
ta có rất nhiều vọng tưởng. Vọng tưởng là một danh từ trong đạo Bụt có nghĩa là
tri giác sai lầm (wrong perception). Chúng ta là người trần mắt thịt, tuệ giác
của chúng ta còn yếu kém, và trong đời sống hàng ngày, chúng ta hay có những
tri giác sai lầm, thấy sợi dây tưởng là con rắn.
Nhiều khi tâm ta nghĩ tay phải mà
miệng ta lại nói tay trái. Đôi khi người kia không hề có ý đó mà ta lại nghĩ
người kia có ý đó. Ta tưởng người kia cố tình nhục mạ ta, khinh thị ta, làm khổ
ta. Bị nhốt vào trong những tri giác sai lầm đó, ta tạo ra nỗi khổ niềm đau cho
chính ta và đem nỗi khổ niềm đau của chúng ta trùm lên người ta thương nhất
trên đời. Nghi ngờ, hiểu lầm, đó là những chuyện xảy ra hàng ngày. Cho nên tôi
rất không muốn bất cứ một ai trong thính đường này lâm vào tình trạng của chàng
Trương và của thiếu phụ Nam Xương.
Lần sau mỗi khi đau khổ, nếu quý
vị nghĩ rằng niềm đau nỗi khổ của mình là do người mình thương nhất tạo ra thì
xin quý vị hãy cẩn thận. Quý vị đừng nên đau khổ một mình. Quý vị phải tới với
người ấy và phải thực tập câu linh chú thứ tư: ''Em ơi, anh đang đau khổ, em
phải giúp anh mới được. Em phải cắt nghĩa cho anh tại sao em đã nói như thế?
Tại sao em đã làm như thế?'' Nếu ta tới được với người ta thương mà cầu cứu như
vậy thì ta sẽ tránh được thảm kịch có thể xảy ra giữa chúng ta. Chúng ta có thể
làm khổ cho nhau và chúng ta làm khổ cho các con của chúng ta, vì những vụng
dại mà chúng ta có thể mắc phải trong đời sống hàng ngày.
Bụt dạy những tri giác sai lầm,
những vọng tưởng điên đảo ấy là cái hàng ngày chúng ta thường mắc phải. Thưa
quý vị phía sau cái áo thun thứ tư có một câu tiếng Anh: ''In true love, there
is no place for pride''. (Trong tình yêu chân thật không có chỗ đứng cho tự
ái). Đừng để cho tự ái chận đường thì lúc đó tình thương của ta mới là tình
thương chân thật. Lần sau nếu ta khổ thì ta phải nhớ tới với người ta thương
nhất trên đời để cầu cứu. Nếu không tới với người ấy thử hỏi ta sẽ tới với ai?
Xin hãy thực tập
Bốn câu linh chú chúng ta vừa học
phát xuất từ sự tu tập chánh niệm. Thực tập bốn câu linh chú này, ta phải có đủ
năng lượng niệm, định và tuệ. Vì vậy tập thở, tập đi, tập ngồi, tập ăn cơm
trong chánh niệm trong đời sống hàng ngày là quan trọng. Có thực tập như thế
thì mới làm phát sinh được năng lượng niệm, định và tuệ. Thực tập bốn câu linh
chú này sẽ đem lại cho quý vị nhiều hạnh phúc và chuyển hóa được mọi khổ đau.
Chúng ta không cần thực tập những câu linh chú này bằng tiếng Phạn hay tiếng
Tây Tạng. Ta chỉ cần thực tập bằng tiếng mẹ đẻ. Thực tập trong vài ngày, tình
trạng đã có thể thay đổi rất lớn. Chúng ta hãy thực tập trong đời sống hàng
ngày và phải dạy cho các cháu biết cách thực tập.