Cho đến nay, chúng ta đã tìm hiểu
từ những đoạn trước rằng để tiến đến một cuộc sống thực hành theo Giáo pháp
thực tiễn của Đức Phật, chúng ta cơ bản phải phát triển đạo đức, kỷ luật hay là
Giới (Sila), Định (Samadhi) và Tuệ (Panna).
Có ba phương pháp đơn giản hơn để
thực hành Phật pháp. Chúng là: Bố thí, trì Giới và hành thiền. Bố thí (Dana) có
nghĩa là đóng góp hay hy sinh cái gì đó để vì lợi ích của kẻ khác. Bố thí phải
được thực hành mà không có bất kỳ động lực thầm kín hoặc sự vị kỷ. Vậy mục đích
của việc bố thí là gì? Thái độ chân chính của người Phật tử khi bố thí là không
phải cho đi để hy vọng sẽ được đền ơn đáp nghĩa, mà là để giảm bớt lòng vị kỷ.
Chúng ta phạm nhiều lỗi lầm nghiêm trọng và quấy rầy người khác vì lòng ích kỷ
của chính chúng ta. Vì vậy khi chúng ta đóng góp một cái gì đó cho lợi ích của
người khác, chúng ta thực sự làm giảm những ham muốn ích kỷ của chúng ta và
thay vào đó chúng ta ta phát triển tình thương, lòng tốt và sự hiểu biết. Ðó là
cách thức để khởi đầu lối sống theo Phật giáo cho sự phát triển tinh thần của
chúng ta.
1. Giới
Giai đoạn thứ hai là Giới (Sila).
Như chúng ta đã biết Giới có nghĩa là phát triển hạnh kiểm, đạo đức như chúng
ta đã nói trước đây. Có năm giới quan trọng mà người cư sĩ phải giữ. Đó là
tránh không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng các chất gây nghiện.
Khi chúng ta tuân giữ những nguyên tắc cao thượng đó, chúng ta không chỉ vun
bồi cách sống theo tôn giáo mà còn giúp ích hơn cho người khác qua việc để cho
họ được sống an vui. Bằng cách sống một cuộc sống thanh tịnh theo Bát chánh
đạo, tự chúng ta trở nên cao thượng và cuộc sống sẽ trở nên có nhiều ý nghĩa.
Những ai có trình độ phát triển tinh thần cao, thấy việc sở hữu của cải vật
chất và quyền lực thế gian là vô nghĩa, họ từ bỏ cuộc sống thế tục và giữ thêm
nhiều giới hơn nữa, những người này sẽ có được thanh thản và hạnh phúc nhiều
hơn.
Nhiều người tuân theo những điều
răn hay những luật lệ trong tôn giáo với một niềm tin kiên định rằng nếu họ vi
phạm bất cứ điều răn nào như vậy, đấng thiêng liêng sẽ trừng phạt họ. Sợ đấng
thiêng liêng hay sợ bị trừng phạt vì vậy sẽ giống như một cái hàng rào (ngăn
không cho họ không làm những điều bất thiện) và đó cũng là lý do chính khiến họ
phải tuân theo các luật lệ của tôn giáo họ. Do vậy họ làm "việc tốt"
không phải vì bản chất của họ tốt, xuất phát từ một cái tâm thanh tịnh, mà do
họ muốn đè nén những suy nghĩ bất thiện vì sợ bị trừng phạt.
Không hiểu rõ nguyên nhân của
chúng, những ý nghĩ bất thiện chỉ bị đè nén mà không hoàn toàn bị diệt tận, chúng
vẫn ngủ ngầm trong tâm của chúng ta. Vì vậy những ý nghĩ này tự nó sẽ sinh khởi
bất kỳ lúc nào nếu tâm của chúng ta không được phòng hộ. Nếu một người nào đó
nói là họ không thích giết hại chỉ vì sợ đấng thiêng liêng trừng phạt, điều này
cho thấy rằng người đó chưa hề tu tâm dưỡng tánh để làm giảm sự độc ác, sân hận
và vì vậy chưa phát triển lòng từ bi đối với chúng sanh khác.
Các phẩm chất nhân đạo như vậy sẽ
không có mặt nếu trong con người đó vẫn còn hiện hữu niềm sợ hãi không ngừng về
sự trừng phạt từ một vị thần. Người ấy sợ vì sự an ninh của chính mình với một
động lực vị kỷ. Khi người Phật tử giữ giới "không giết hại", họ không
bận tâm đến một sự trừng phạt nào nhưng họ nghĩ đến cái nguy hại của sự độc ác
và khổ đau mà họ tạo ra cho chúng sanh khác. Bằng cách quan tâm đến sự nguy hại
của hành động giết hại, người Phật tử, vì lẽ ấy, kiềm chế không giết hại. Như
vậy họ còn tạo cho tâm cơ hội để trau dồi những đức tính tốt như tử tế, từ bi,
đồng cảm và hiểu biết. Họ cũng giữ tất cả các nguyên tắc của Phật giáo với một
tinh thần tương tự như vậy.
Về hành động giết hại Ðức Phật
dạy: "Nếu ông không thể hiểu tại sao giết hại chúng sanh khác là bất
thiện, ông hãy xem xét như thế này: Khi một người nào đó đến và cố gắng giết
ông, hãy nghĩ xem ông sẽ cảm thấy thế nào ngay trong lúc đó. Ông sẽ cố gắng thế
nào để tránh bị sát hại và những nỗi đau về thể xác nào mà ông phải chịu đựng?”
Lời dạy của Đức Phật thật là quá đủ để cho bạn hiểu tại sao giết hại là bất
thiện. Nếu bạn không hiểu tại sao trộm cắp là bất thiện, hãy nghĩ xem bạn sẽ
cảm thấy như thế nào khi có người đến lấy đi của cải của bạn? Khái niệm đó được
tóm tắt trong kinh Pháp Cú như sau:
Ai cũng run sợ trước gậy gộc
Ai cũng sợ chết
Cân nhắc việc này
Ta không nên đánh dập
Hoặc gây ra sự giết chóc.
Ðây là một phương pháp tu tập
thực tiễn cho cuộc sống hàng ngày và không nên xem nó như là một học thuyết hay
là một điều răn từ một người có thẩm quyền hay một chúng sanh tối thượng, kẻ
vừa là người trừng phạt vừa là người ban thưởng. Bằng cách sử dụng kiến thức
của loài người, chúng ta nên hiểu những quả xấu là kết quả của những hành động
tội lỗi. Một số người có thể nói rằng họ bị cấm không được làm một số điều nào
đó chỉ vì tôn giáo của họ nói như vậy. Nhưng đó không phải là cách (đúng đắn)
để cho một người trưởng thành tuân theo cái gì phải làm và cái gì không nên
làm. Khi chúng ta giữ giới, chúng ta không nên nghĩ rằng chúng ta đang giữ
chúng vì lợi ích riêng tư của chúng ta. Khi bạn ngưng giết hại và làm phiền
người khác, họ có thể kỳ vọng rằng mình sẽ được sống yên ổn bởi vì bạn không
tạo niềm sợ hãi trong tâm của họ. Một sự đóng góp tuyệt vời đến nhường nào cho
những người chung quanh bạn! Khi bạn không trộm cắp, không nói dối và lừa đảo
người khác, họ có thể có sự an toàn, hạnh phúc và bình yên hơn. Nếu mọi người
trong đất nước này có gắng giữ mình theo các nguyên tắc cao quí về hạnh kiểm và
đạo đức này, (cuộc sống) sẽ hạnh phúc biết bao!
2. Tại sao cần có tôn giáo?
Con người tự bản chất đôi khi
không đáng tin cậy và vì vậy họ vi phạm các nguyên tắc. Đó là lý do tại sao tôn
giáo cần phải có để dạy dỗ con người. Trong quá khứ chúng ta sợ hãi những hiện
tượng thiên nhiên như sấm chớp, dã thú, ma và quỷ. Sau này chúng ta nhận ra
rằng nhiều niềm tin của chúng ta vào ma, quỷ là không có cơ sở và chỉ là do
tưởng tượng. Ngày nay chúng ta không để ý đến chúng nữa.
Cái mà chúng ta cần phải sợ thật
ra chính là những con người nhẫn tâm, họ đang sai lầm khi phá hoại hòa bình và
hạnh phúc của chúng ta. Thật là khó khăn để cải tạo con người để làm cho họ
thành những người đáng tin cậy. Về một phương diện nào đó, động vật được coi là
đáng ngưỡng mộ hơn con người. Mặc dù động vật không theo một tôn giáo nào,
chúng sống theo thiên nhiên. Chúng chỉ được hướng dẫn bởi bản năng để sống còn
và không bao giờ tấn công những con vật khác ngoại trừ trường hợp tự bảo vệ hay
vì miếng ăn. Chúng không có sự lừa dối.
Chính tâm của con người cần phải
có một tôn giáo để suy ngẫm và để hiểu biết. Con người cần các chuẩn mực đạo
đức để giúp làm giảm sự ích kỷ và dối trá. Con người có thể nắn, bóp tâm của
mình vì mục đích riêng cũng như vì lợi ích cá nhân của mình. Ðể làm cho thẳng
cái tính quanh co của tâm con người, tôn giáo rất cần thiết. Albert Einstein đã
từng nói: "Năng lực nguyên tử đã làm rung động và thay đổi tất cả thế
giới; nhưng ngay cả năng lực nguyên tử mạnh như vậy cũng không thay đổi được
bản chất của con người". Tâm của con người vẫn quanh co, không đáng tin
cậy, và nguy hiểm như thưở con người mới hiện diện trên trái đất này. Nhưng tôn
giáo có thể thay đổi cái tâm này cho một mục đích tốt đẹp hơn nếu con người
thực sự tôn trọng các nguyên tắc tôn giáo.
Ở đây chúng ta phải định nghĩa
tôn giáo có nghĩa là gì. Với người Phật Tử, "tôn giáo" có nghĩa là một
cái gì đó rất khác với ý nghĩa của danh từ này được chấp nhận theo cách thông
thường trên thế giới. Phật Giáo là một tôn giáo xây dựng con người trong tương
lai thành những người có lòng tịnh tính với Giáo pháp của Ðức Phật, họ tu tập
để đạt đến sự tự cứu rỗi bằng cách làm những việc lành thiện và thanh lọc tâm.
Giáo háp của Ðức Phật không đặt bất cứ một sự tin tưởng nào vào sự cầu nguyện,
van xin cũng như các nghi lễ. Đó là lý do tại sao Ðức Phật nhiều lần khuyên
chúng ta hãy nghiên cứu bản chất của tâm. Nhờ vậy chúng ta có thể hiểu được các
nhược điểm của chúng ta nằm ở đâu và chỉ khi đó chúng ta mới có thể tìm thấy
một giải pháp thích hợp để loại trừ các yếu điểm của chúng ta nhằm tự cứu lấy
mình. Phật Giáo dạy chúng ta sự tin cậy vào chính mình.
3. Hành thiền
Giai đoạn cuối cùng hay giai đoạn
thứ ba là Bhavana hay hành thiền để phát triển tâm. Không có thiền chúng ta
không thể đạt được mục tiêu hay mục đích của đời ta. Mục đích của đời ta là
nhìn thấy sự chấm dứt khổ của chúng ta. Vậy thì, thiền là gì? Khi chúng ta phát
triển tâm bằng cách loại trừ những cấu uế trong tâm, chúng ta sẽ đạt được sự
thanh tịnh. Chúng ta tinh tấn dũng mãnh để có thể đạt đến đỉnh cao của chân
thiện mỹ. Con đường duy nhất để đạt đực mục tiêu tối hậu này của chúng ta là
thực hành thiền do Ðức Phật dạy.
Mặc dù chúng ta đã đạt được một
số tiến bộ trong xã hội hiện đại và có thay đổi từ chỗ phấn đấu chỉ để sống còn
đến việc hưởng thụ được các lạc thú và tiện nghi trong một mức độ nào đó; tuy
nhiên về mặt tâm thì chúng ta chưa thực sự có sự phát triển tương ứng. Con
người đã sử dụng kiến thức rộng lớn hơn về thế giới vật chất của mình chỉ để
tạo thêm những sự cám dỗ và kích thích, và họ xem những "khám phá" đó
là sự phát triển. Con người đã tổ chức các hoạt động khác nhau đê phục vụ cho
nhu cầu vật chất của và quảng cáo chúng để tạo ra sự cám dỗ.
Trong quá khứ, người ta không dựa
vào sự thương mại hóa một cách dung tục để tác động tâm nhằm tạo sự ham muốn.
Ngày nay, qua trung gian của truyền hình, rạp chiếu phim, múa khiêu dâm, tạp
chí khiêu dâm và nhiều loại hình vui chơi giải trí khác như vậy, sự kích thích,
hứng thú được tạo ra. Dục vọng của con người tăng lên đến mức các hành vi vô
đạo đức trở nên lan tràn. Những thứ này chẳng có cách gì làm cho tâm an tịnh và
không đưa đến sự yên bình. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải kết án
mọi phương tiện làm vui các cửa giác quan. Chúng ta không thể chối bỏ nghệ
thuật và văn hóa cũng làm vui các cửa giác quan. Chúng làm vui các giác quan,
về một phương diện nào đó, để nâng tinh thần của chúng ta, để chúng ta suy ngẫm
và giúp chúng ta nghỉ ngơi giải khuây.
Mục đích của các hoạt động văn
hóa dân gian như nhảy múa, ca hát, kịch và nhiều loại hình nghệ thuật khác là
để làm cho con người ý thức hơn về sự hiện hữu của mình. Chúng làm thư giãn và lắng
dịu tâm mà không khơi dậy những dục vọng thấp hèn. Chúng ta chấp nhận rằng con
người phải có những cảm xúc. Chúng phải được giải khuây bằng cách cung cấp các
loại hình giải trí thích hợp và lành mạnh, không khơi dậy bản chất hoang dại
tiềm ẩn trong tâm của con người.
Trong thực tế, nếu không có gì
khiến cho tâm bận rộn, tâm trí có thể trở nên rất hung bạo và tàn nhẫn. Câu
châm ngôn “Một đầu óc rảnh rang là xưởng làm việc của ma quỷ” thực sự rất đúng.
Vì vậy, các hoạt động văn hóa đứng đắn nên được đưa vào đời sống để làm dịu tâm
và giúp cho chúng ta có một sự hiểu biết về bản chất của sự tồn tại của chúng
ta. Thật đáng tiếc khi nhận thấy xã hội tiêu thụ hiện đại đã làm ô nhiễm hoạt
động văn hóa và lạm dụng cái đẹp của các tập tục văn hóa cổ xưa như thế nào của
chúng ta như thế nào!
Theo: How to practice the
Buddha's teachings
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Panna
Dipa Tuệ Đăng