Giới hạn nào của chúng ta?

Tôi là người Việt Nam, với tất cả ý nghĩa của khái niệm này. Trong tôi, hội tụ cả những đức tính tốt đẹp vốn có của người Việt cũng như những giới hạn cố hữu mà đã là người Việt ai cũng có.

Khi còn trẻ thơ, tôi tự hào mình là người Việt. Năm tháng qua đi, khi có thêm nhiều trải nghiệm, tôi bắt đầu nhận ra những hạn chế xót xa của bản thân mình, của những người sống quanh mình.


Có nhiều ý kiến viết về đề tài Người Việt xấu xí, tôi không phải là người mở đầu, càng không phải là người kết thúc cho chủ đề này. Sáng nay trở dậy, trên màn hình máy tính hiện lên vài dòng chia sẻ bức xúc của một anh bạn : “Tại sao vẫn có nhiều người không quan tâm lắm đến cách thay đổi hành vi của mình với cộng đồng nhỉ?” và “có nhiều người không chấp nhận thực tại của xã hội nhưng vẫn cố lách hoặc làm sao đó cho qua ngày tháng” rồi “nếu họ biết đưa ra những lý luận tốt để nhiều người cũng tiến bộ thì hay hơn nhỉ”… Thế là những suy nghĩ, cảm nhận về tính tốt – xấu của người Việt thôi thúc tôi gõ bàn phím…

Vậy, người Việt xấu hay tốt?

Không thể trả lời theo cách nhất nguyên. Cũng giống như mọi tộc người trên thế giới, người Việt có cả tính tốt và tính xấu. Nhưng nói về những tính tốt để làm gì khi bản thân nó đã tốt? Nếu cứ khăng khăng cho rằng, nhất định phải nói, thể nào cũng phải nói, thì chúng ta đang chứng minh một tật xấu khó che giấu: thói háo danh (thích nghe những lời ngọt ngào để tự ru ngủ, mê hoặc chính mình).

Vậy nên, tôi chọn chỉ nói về tính xấu của người Việt, theo cách nhìn, cảm nhận và sự hiểu biết của cá nhân. Tôi cũng không đến mức hoang tưởng để cho rằng mọi ý kiến của mình là chân lý, nhưng chắc chắn, đó là những suy nghĩ thành thực, dựa trên những quan sát, suy nghĩ và trải nghiệm của bản thân tôi, ít ra cho đến lúc này.

Thời thanh niên, tôi được dạy rằng, khi ta cố che giấu điều gì đó, có nghĩa là ta hoàn toàn không tự tin, không đủ sức mạnh để đối diện nó. Nghĩa là ta yếu đuối, ta sợ hãi và chưa vượt qua được nó. Qủa đúng là như vậy. Một ví dụ đơn giản như chẳng may, một ngày nào đó, bỗng xuất hiện cái mụn, hoặc cái sẹo vào vị trí dễ thấy trên gương mặt, không ít người trong chúng ta hốt hoảng tìm cách hoặc lấy tóc che, hoặc trang điểm lấp đi, hoặc thậm chí không dám ra khỏi nhà để không ai thấy. Âý là sợ xấu. Vậy thì chúng ta đang tự sợ rồi. Có thêm cái mụn ấy vẫn là chúng ta thôi. Chúng ta đang cho thấy sự thiếu tự tin ghê gớm của chính mình. Khi đã không thể tránh thì chẳng việc gì phải loay hoay tránh? Không đến mức đi đâu cũng chỉ lên mặt rồi hô to cho mọi người thấy “Này tôi đang có cái mụn mới mọc trên mặt”. Chỉ có kẻ điên mới làm vậy. Nhưng cũng chẳng cần che giấu, vì nó mà lúng túng, mất tự tin. Cứ đàng hoàng sống như trước: bình thản và hồn nhiên…

Vậy người Việt có tự tin không?

Không. Người Việt chúng ta hay tự ti.

Vì sao? Vì chúng ta mang trong mình quá nhiều nỗi sợ: Sợ bị chỉ trích, sợ bị đánh giá là kiêu ngạo, khoe khoang, sợ người khác biết mình còn hạn chế, dốt nát, sợ bị thiệt quyền lợi cá nhân, sợ bị trù dập, sợ… và sợ…

Và TẤT NHIÊN, để trốn tránh nỗi sợ của mình, người Việt thường hay ngộ nhận biểu hiện tự ti kia là ‘khiêm tốn” – một sự đánh tráo khái niệm vô cùng nguy hiểm. Bởi lẽ, sau một thời gian sống trong khái niệm giả, chúng ta không còn khả năng tự phân tích, mổ xẻ chính mình nữa, chúng ta ngỡ mình khiêm tốn thật. Và lúc đó, chúng ta không thể biết rằng sự khiêm tốn của mình chỉ là thứ của giả.

Cứ nhìn xem cách tiếp xúc của người Việt thì thấy. Trong lớp, bất cứ đứa trẻ nào hay phát biểu ý kiến (ý đúng) thì cũng sẽ bị kì thị như một kẻ thích chơi trội. Nhiều người cho rằng, tôi cũng có ý đúng, nhưng tôi có suốt ngày lên tiếng đâu? Rõ ràng bạn như thế là khoe khoang, thích thể hiện rồi… Vấn đề là, ai cũng im lặng, không bày tỏ hoặc không dám bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, thì sao có thể biết đúng/ sai? Phải có tôi sai thì mới biết anh đúng và ngược lại chứ? Và trong số những người im lặng kia, có bao nhiêu người đã có ý đúng mà im lặng? Tôi cũng tin, trong số người im lặng, sẽ có người biết mà không nói (phần nhiều vì lý do nhút nhát, hoặc có một nỗi sợ nào đó), còn phần đông là những kẻ chẳng biết gì nhưng mà ngậm miệng để được tiếng thơm ‘khiêm tốn”.

Trong cuộc họp cơ quan cũng thế, không phải mọi ý kiến đều được đem ra trao đổi. Những cá nhân dám bày tỏ chính kiến sẽ trở thành tâm điểm trấn áp của lãnh đạo, hoặc của phe chống đối, còn phần đông những người ngồi tham dự ở đó đều đợi ý kiến của lãnh đạo để hùa theo hoặc im lặng. Tâm lý bầy đàn còn phổ biến lắm trong cách hành xử của người Việt. Chúng ta chưa dám đưa ra quan điểm cá nhân, bảo vệ và chịu trách nhiệm với chính nó. Hoặc khi đi ra nước ngoài, không ít người Việt có tâm lý co cụm, ngại giao lưu với những cộng đồng sinh viên khác. Vì sao vậy? Có vô vàn lý do được đưa ra nào là tinh thần dân tộc, nào là thấy đỡ nhớ quê, nào là chia sẻ…

Tôi không nghi ngờ tất cả điều ấy, nhưng có một điều phải nhắc đến một cách sòng phẳng là: chúng ta không đủ ngôn ngữ và trình độ văn hóa để mở rộng giao lưu. Giao lưu sao được khi không thể làm chủ được ngoại ngữ? Giao lưu sao được khi kiến thức về phim ảnh, hội họa của chúng ta không hơn gì lũ trẻ mẫu giáo? Thì đành im lặng mà nghe (cũng chỉ bập bõm, không hết) thôi. Mà cả buổi chỉ ngậm hột thị thì làm sao mà hứng thú cho được? Tìm chỗ khác chơi là tâm lý phổ biến. Người Việt có xu hướng tìm môi trường phù hợp với mình (của hiện tại) chứ không có xu hướng khắc phục tự nâng mình lên cho phù hợp với đòi hỏi của hoàn cảnh. Thế là tự tin hay tự ti? Thế là khôn ngoan hay ngu dốt?


Previous Post
Next Post