Ai đã ví kiếp phù dung cho bóng
hồng vất vả, mà vẫn đứng giữa vườn nhắc nhớ những cảm thương. Hoa hữu sắc cũng
là hoa vô sắc, dẫu đổi màu - không sắc khác gì nhau, bởi bao hỷ, nộ, ái, ố,
thương đau, nào ai biết cuộc đời mình phía trước…
Hoa phù dung (芙蓉花)còn
có tên gọi khác là mộc phù dung, địa phù dung, tuý phù dung, mộc liên, để phân
biệt với loài thuỷ phù dung là hoa sen, hoa súng…
Danh pháp của phù dung là
Hibiscus mutabilis, gần với loài thuộc họ Hibiscus là hoa mộc cận (Hibiscus
syriacus - râm bụt), nên một số người đã nhầm hoa mộc cận với phù dung. Rõ
ràng, tuy có cùng họ Hibiscus nhưng hoa mộc cận không đổi màu, còn hoa phù dung
thì đổi màu ba lần trong ngày.
Buổi sáng hoa phù dung trắng băng
trong làn hơi sương, buổi trưa hoa như say nắng phớt hồng đôi má, buổi chiều
hoa đượm hồng tỏa hết tinh anh và lặng lẽ rũ cánh khi hoàng hôn vừa tắt.
Do đặc tính ấy, mà người ta ví
phù dung với dòng chảy vô thường, chóng tàn phai của kiếp người. Phù dung
thường được trồng ở chùa, và các nhà sư vẫn luôn ngắm hoa này để quán chiếu vô
thường.
Cũng có người không thích sự đổi
màu của phù dung mà bảo đó là vẻ đẹp dễ nhạt phai của người con gái. Các nhà
nho xưa quan niệm “tạo vật đố toàn”, “hồng nhan đa truân”, nên thường khi khát
vọng hoá thân của đời hoa, dù đã dài hơn một giấc chiêm bao nhưng vẫn bị cho là
bạc bẽo, ngắn ngủi. Lòng trời còn đổi thay như mây cuộn, mưa mù, huống hồ trách
chi hoa trắng hồng cho hết nhẽ.
Ai đã ví kiếp phù dung cho bóng
hồng vất vả, mà vẫn đứng giữa vườn nhắc nhớ những cảm thương. Hoa hữu sắc cũng
là hoa vô sắc, dẫu đổi màu - không sắc khác gì nhau, bởi bao hỷ, nộ, ái, ố, thương
đau, nào ai biết cuộc đời mình phía trước…
Thế nên, thiền sư Phù Dung mới
nói: “Sống không thích thiên đường, chết không ngán địa ngục” (Sinh bất ái
thiên đường, tử bất phạ địa ngục). Còn như vua Trần Thánh Tông thì bảo: “Sống
như mặc áo, chết tựa ở trần” (Sinh như trước sam, tử như thoát khố).
Mới hay:
Mong manh là dáng muôn đời,
Phù dung thoáng một bóng người xa xăm...
Tác giả bài viết: Thích Thanh
Thắng