Ngắm núi đồi hùng vĩ, biển cả
mênh mông, ngước nhìn bầu trời bao la, bí ẩn, tôi thấy mình thật bé nhỏ, giới
hạn trong một xó xỉnh của vũ trụ lớn lao vô tận. Nói chi đến vũ trụ bao la, chỉ
cần nhìn dòng người qua lại trên phố phường, tôi cũng đã thấy mình không khác
gì con cá cơm trong đại dương. Rồi nhìn chính mình, tôi cũng không hiểu nổi,
ngay cả khối óc trong tôi giúp tôi suy nghĩ, phát biểu những điều này.
Tại sao tôi có mặt trên cõi đời
này? Tại sao tôi có mặt nơi này mà không phải nơi khác trong vũ trụ? Tại sao
quãng đời ngắn ngủi của tôi lại diễn ra lúc này mà không phải lúc khác trong
dòng thời gian vĩnh cửu? Nhìn mọi phía, tôi thấy thật vô tận và mình chỉ là một
hạt bụi, một thoáng qua không bao giờ trở lại. Tôi biết chắc chắn trước sau gì
tôi cũng phải chết, nhưng điều tôi ít biết nhất lại là cái chết mà tôi vô
phương né tránh.
Vì không biết mình từ đâu tới,
nên tôi cũng không biết rồi sẽ đi về đâu. Tôi chỉ đoán rằng khi lìa đời tôi sẽ
mãi mãi đi vào cõi hư vô, hoặc vào tay một Đấng Thượng Đế nào đó. Đó là tình
trạng của tôi, đầy dẫy yếu đuối và bấp bênh.
Mà thôi nghĩ gì cho mệt, tôi cứ
sống từng ngày một, không cần biết gì về số phận của mình. Có thể tôi sẽ tìm ra
giải đáp cho những điều mình nghi ngờ, nhưng việc gì phải bận tâm khám phá
những điều ấy!
Bạn nghĩ gì khi đọc những lời
trên? Không thể chấp nhận một thái độ sống dửng dưng như vậy, tôi muốn tìm ra
câu giải đáp cho tình trạng khốn cùng của mình. Thế nhưng tôi nhận ra rằng dù
không phát biểu như trên nhưng tôi lại lẩn tránh, trốn chạy tình trạng thất bại
của mình như bao người: tiêu phí biết bao thì giờ, công sức, suy tính tìm tòi
những giá trị tầm thường, những thú tiêu khiển chóng qua… Nói chung tôi chỉ
xoay quanh chính mình, với tiền của, danh lợi, tình dục, nghệ thuật, âm nhạc,
thể thao, du lịch… Cuối cùng chẳng thấy đâu là hạnh phúc, ý nghĩa đích thực của
cuộc đời, chỉ thấy một thế giới kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, lừa dối, lo âu,
buồn chán, tội ác, bệnh tật, chết chóc và trống rỗng!
Có thể bạn cho là vơ đũa cả nắm
khi ghép chung những tay anh chị, những kẻ tư kỷ chỉ biết hưởng lạc với những
người đã hy sinh cho tha nhân, cho xã hội, những nhà tu hành, những người đạo
đức luôn tìm kiếm điều thiện… Vâng, tôi có nghĩ đến điều đó và tự hỏi, phải
chăng vì đã tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời nên họ đã sống như vậy,
hay họ chỉ mong đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa bằng cách sống ấy? Nếu họ đã tìm
thấy thì tôi ao ước biết được bí quyết để có một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa,
nhưng nếu họ đang đi tìm thì họ cũng chỉ đang đi trên con đường dẫn đến đau khổ
mà thôi. Vì khi càng cố sống cho phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của
điều thiện bao nhiêu, con người càng ý thức một cách đau khổ rằng mình không có
khả năng làm được điều mình muốn bấy nhiêu. Thế nên, cuối cùng của cuộc đời
chân thành theo đuổi nếp sống đạo đức sẽ là mặc cảm tội lỗi và tuyệt vọng.
Pascal đã nói rằng muốn tìm kiếm
giải pháp cho những bế tắc, cho tình trạng khốn cùng của con người thì con
người phải nhận biết Thượng Đế. Bạn có đồng ý với ông ta không? Bạn có thấy vấn
nạn của đời sống mình có liên hệ với sự nhận biết Thượng Đế không?
Tôi hoàn toàn đồng ý với Pascal
vì:
NẾU KHÔNG CÓ THƯỢNG ĐẾ thì…
Đáp lại câu hỏi “Tôi là ai? Tôi
có mặt trong cõi đời này để làm gì? Rồi tôi sẽ đi về đâu?” những người vô thần
sẽ trả lời như sau: “Con người là một sản phẩm tình cờ của thiên nhiên, một kết
quả từ vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên”. Vì là ngẫu nhiên tình cờ nên
sự hiện diện của con người không có lý do, không có mục đích. Tất cả những gì
con người đối diện chỉ là sự chết.
Con người giống như những sinh
vật phải chết. Không có hy vọng gì vào cõi trường sinh, cuộc sống chỉ hướng đến
mồ mả. Đời người chẳng khác một tia sáng chợt loé lên trong bóng tối vô cùng
tận, rồi tắt lịm mãi mãi. So với thời gian vô tận, thì đời người chỉ là một
thoáng qua không đáng kể, sống vài năm hay vài chục năm thật ra không khác gì
nhau. Bây giờ tôi biết mình đang tồn tại trong cõi đời này, rồi một ngày kia
(ngày nào tôi không biết) tôi sẽ chết, không còn hiện hữu nữa.
Nếu không có Thượng Đế thì không
có sự bất diệt. Nếu chết là hết, con người không còn hiện hữu khi qua đời, thì
ý nghĩa cuối cùng của đời người là gì? Việc người ấy có mặt trên đất này vài
giờ hay vài chục năm có gì quan trọng, có giá trị gì không? Có thể cho rằng
cuộc sống người ấy là quan trọng vì đã gây ảnh hưởng đến người khác, đến tiến
trình của lịch sử nữa. Thật ra, nếu không có Thượng Đế thì ảnh hưởng ấy có
nghĩa gì? Khi mọi sự kiện chỉ là vật chất tình cờ xảy ra thì việc tác động trên
biến cố, trên sự kiện ngẫu nhiên ấy có ý nghĩa gì? Phải chăng nhân loại cũng
chỉ như một đám ruồi muỗi hay một bầy gia súc, vì tận cùng đều như nhau? Quá
trình ngẫu nhiên đã sản sinh thì cũng ngẫu nhiên biến mất.
Nếu thật vậy thì những đóng góp
của các nhà khoa học để gia thêm tri thức cho con người, những công trình
nghiên cứu của các bác sĩ để làm giảm bớt bệnh tật, đau đớn; những nỗ lực của
các nhà ngoại giao để tìm kiếm hoà bình cho thế giới; những hy sinh của biết
bao người để làm thăng tiến mức sống con người; những mồ hôi nước mắt của các
nhà giáo dục… tất cả đều luống công. Rốt cục họ cũng chẳng tạo được điều gì
khác biệt. Vì cuộc đời con người cuối cùng là vô nghĩa nên mọi hoạt động trong
cuộc đời cũng vô nghĩa. Thời gian dùi mài kinh sách, làm việc, nghiên cứu, tình
bằng hữu… phân tích cho cặn kẽ, mọi thứ đều vô nghĩa. Và vì tận cùng của con
người không có gì cả nên con người không là gì cả.
Giả định rằng con người không
chết, con người có khả năng tồn tại mãi mãi thì còn kinh khủng hơn nữa. Vì nếu
không có Thượng Đế, nếu con người chỉ là sản phẩm của vật chất, của ngẫu nhiên,
nếu cuộc sống không có mục đích, không có ý nghĩa thì tồn tại mãi để làm gì? Có
một câu chuyện khoa học giả tưởng kể rằng một nhà du hành vũ trụ bị bỏ rơi trên
một thiên thạch khô khan cằn cổi, lạc lõng ngoài không gian. Anh ta đã đem theo
hai ống thuốc. Một ống thuốc độc và một ống thuốc trường sinh. Khi nhận thức
được tình trạng bi đát của mình anh ta quyết định chọn liều thuốc độc, nhưng
khủng khiếp thay anh ta đã uống nhằm liều thuốc trường sinh! Nghĩa là anh ta sẽ
phải kéo lê cuộc sống vô nghĩa ấy đến mãi mãi vô tận.
Xét về tính chất một sản phẩm vô
tri của vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên thì con người có hơn gì loài
giun dế vì cũng đều là kết quả của mối tương tác vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu
cầu. Nói thế thật khó nghe, nhưng nếu không có Thượng Đế thì đó là sự thật. Nếu
không có Thượng Đế thì bạn và tôi chỉ là một kết hợp tình cờ của thiên nhiên,
đột nhiên xuất hiện trong một vũ trụ vô mục đích để sống một cuộc đời vô mục
đích.
Còn một vấn đề nữa. Nếu không có
Thượng Đế không có sự bất diệt, chết là hết; nếu cuộc đời chấm dứt ở nấm mồ,
cuộc sống không có mục đích nào thì có gì khác biệt khi người ấy sống như một
kẻ gian ác hay như một vị thánh. Nhà văn Dostoyevsky đã viết: “Nếu không có sự
bất diệt thì chúng ta đều có phép làm mọi sự”. Và rất có lý khi ca tụng tính
ích kỷ, hãy sống cho chính mình, vì cuộc đời quá ngắn ngủi nên đừng liều lĩnh
thực hiện bất cứ điều gì không phải là tư lợi; hy sinh cho người khác là dại
dột.
Nếu không có Thượng Đế thì chẳng
có tiêu chuẩn tuyệt đối nào để thẩm định đúng sai, phải quấy. Ai có thể nói giá
trị nào đúng, giá trị nào sai? Quan niệm đạo đức mất tất cả ý nghĩa trong một
vũ trụ không có Thượng Đế. Có nghĩa là không thể lên án chiến tranh, áp bức,
tội ác, ma tuý, đĩ điếm và kể đó là điều ác được. Cũng không ai có thể ca ngợi
tình huynh đệ, bình đẳng và tình yêu để coi đó là điều thiện. Vũ trụ không có
Thượng Đế thì thiện ác không tồn tại, mà chỉ như Jean Paul Sarte nói: “Tất cả
những gì chúng ta đương đầu chỉ là những thực tế trơ trọi, vô giá trị”. Nếu
không có Thượng Đế thì cuộc sống vô nghĩa, vô mục đích, vô giá trị!
Bạn có hiểu tầm mức quan trọng
của sự lựa chọn bày ra trước mặt chúng ta hay không? Vì nếu Thượng Đế hiện hữu
thì còn có hy vọng cho con người, cho bạn, cho tôi. Nhưng nếu không có Thượng
Đế thì chúng ta tuyệt vọng. Bạn có hiểu tại sao vấn đề Thượng Đế hiện hữu lại
quan trọng đối với con người như thế không? Một nhà văn đã viết: “Nếu Thượng Đế
đã chết thì con người cũng chết”.
Thật ra chưa hề có ai sống đúng,
sống chân thật với niềm tin “không có Thượng Đế”.
Ai cũng muốn chứng minh đời mình
có giá trị, cuộc sống mình có ý nghĩa, có mục đích vì ai cũng muốn mình hạnh
phúc. Thế nhưng khi tìm kiếm những điều này thì họ đã mâu thuẫn với niềm tin
“không có Thượng Đế”, mọi sự chỉ là ngẫu nhiên kia mà!
Bạn có biết vì sao người ta luôn
cố gắng chứng tỏ mình tài giỏi, mình thành công, mình đẹp…? Và nếu được thì còn
hơn người khác nữa. Vì sao người ta cảm thấy khốn khổ khi không được người khác
yêu thương, khen ngợi? Vì sao con người lại sợ cô đơn, sợ bệnh tật, sợ lừa dối,
sợ chết…? Vì sao người ta cố gắng sống thiện lành để đức lại cho con cháu? Vì
thật ra người ta không thể sống đúng với quan niệm rằng mình chỉ như con giun
con dế, một sản phẩm của ngẫu nhiên tình cờ và rồi một ngày nào đó không còn là
gì cả.
Tại sao người ta lên án chiến
tranh, chế độ nô lệ, sự phân biệt chủng tộc, kỳ thị giai cấp? Tại sao người ta
lên án sự lừa dối, phản bội, độc tài, độc đoán? Tại sao chấp nhận lấy chuột,
thỏ làm vật thí nghiệm mà lại lên án khi đem người làm vật thí nghiệm? Tại sao
người ta không chịu ngồi yên khi Đức Quốc Xã giết hàng triệu người Do Thái, khi
Pôn-pốt tiêu diệt hàng triệu đồng bào của ông ta? Vì con người không thể sống
thành thật với quan niệm cho rằng giá trị con người chỉ là kết quả của sự tác
hợp vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Người ta không thể sống thành thật với
quan niệm cho rằng vấn đề thiện ác, đạo đức chỉ là sở thích cá nhân… Nhưng như
vậy là đã mâu thuẫn, là đã phản bác điều họ vẫn tin “không có Thượng Đế” mất
rồi!
Tại sao lại phải cố gắng đấu
tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ? Thiên nhiên thế nào cũng đúng cả mà, phụ
nữ có khác gì một con gà mái hay một con dê cái? Có ai sống nổi với quan niệm
như vậy không?!
Tại sao chính những người vô
thần, những người tuyên bố “không có Thượng Đế” lại lên án những kẻ tư kỷ chỉ
biết hưởng thụ vui chơi? Tại sao họ lại ca ngợi những người biết dốc lòng cho
thế hệ mai sau? Vì tự thâm tâm họ hiểu điều họ nói - chết là hết - là không
đúng. Con người chết chưa phải là hết, không thể nào kết cuộc những năm tháng
sống trên đời, dù gian ác hay thiện lành, rồi chỉ là một nấm mồ, không còn gì
sau đó nữa. Không thể thế được. Không đúng thế.
Tại sao lại phải nỗ lực giáo dục
trẻ thơ biết tôn trọng người khác, biết lễ nghĩa hiếu kính…? Xin bạn cho biết
vì sao.
Trong một thế giới mà công lý con
người luôn luôn thay đổi, chỉ có tính tương đối và thường lầm lẫn, bạn có thể
sống nổi với quan niệm rằng sự tàn ác, gian dối của con người rồi sẽ qua đi mà
không hề bị trừng phạt, cũng như không có sự ban thưởng cho người ngay lành?
Hồng y Newman, nhà thần học người Anh, nói rằng: “Nếu tôi tin rằng mọi điều ác
và bất công trên đời này qua suốt cả lịch sử không được trình ra trước mặt
Thượng Đế ở đời sau thì thà tôi làm người điên còn hơn”.
Trong sinh hoạt thực tế hằng
ngày, con người đã tự kiểm chứng rằng niềm tin “không có Thượng Đế” là sai lầm,
không thể chấp nhận. Khi cố tình không muốn nói đến Thượng Đế thì người ta lại
phải tìm cái khác để thay thế. Zeldovich và Novikov, hai nhà vật lý tên tuổi
người Nga, khi quan sát tính chất vũ trụ đã đặt câu hỏi tại sao ‘thiên nhiên’
đã tạo dựng vũ trụ như thế này mà không như thế khác. Ngôn ngữ này thật khó
tin, nhất là đối với các nhà khoa học Mác-xít vốn được coi là vô thần. ‘Thiên
nhiên’ đã trở thành một cái gì thay thế Thượng Đế, thực hiện vai trò và chức
năng của Thượng Đế. Trong tác phẩm ‘Nguồn gốc của mã di truyền’ Francis Crick
đã viết hoa chữ Thiên Nhiên, ở những chỗ khác ông nói đến sự đào thải thiên
nhiên là khéo léo và biết suy nghĩ. Đối với Carl Sagan chữ Cosmos (vũ trụ) luôn
được viết hoa và cho thấy vũ trụ đóng vai trò thay thế Thượng Đế. Còn rất nhiều
người dầu nói rằng không tin Thượng Đế nhưng họ lại đưa vào cái thay thế Thượng
Đế, bởi vì họ không thể sống trong một vũ trụ mà mọi thứ đều là kết quả ngẫu
nhiên của các lực phi thân vị.
Thế giới quan vô thần không thể
hội đủ điều kiện để sống cuộc đời hạnh phúc. Không ai có thể sống với niềm tin
‘không có Thượng Đế’ vì cuộc đời từ chối Thượng Đế không có ý nghĩa, không có
mục đích, không có giá trị. Khi chối từ Thượng Đế người ta nghĩ rằng mình được
‘giải phóng khỏi áp bức’ để sống tuỳ ý mình thích; nhưng thực tế cho thấy khi
gạt bỏ Thượng Đế, con người đã tự phủ nhận chính mình.
Từ đầu đến giờ tôi đã đặt chữ NẾU
‘Nếu không có Thượng Đế’. Tại sao lại nếu? Chỉ vì để dễ thấy sự phi lý của niềm
tin ‘không có Thượng Đế’.
Đúng ra chúng ta không cần phải
nói NẾU như thế, vì chứng cứ hiển nhiên nhất cho sự hiện hữu của Thượng Đế ấy
là chính Ngài đã ‘lên tiếng’, đã tự bày tỏ cho chúng ta.
Thượng Đế đã tự bày tỏ cho chúng
ta bằng nhiều cách: qua sự kỳ diệu, trật tự của thiên nhiên, vũ trụ; trong
lương tâm của mỗi người; trong những vấn đề đạo đức thiện ác; quy luật nhân
quả…