Con người có xác thân tức phải
tranh đấu để mưu cầu sự sống cho thân: Ăn mặc ở. Tiếng khóc chào đời là bước
đầu tranh đấu, rồi mỗi nhịp cầu thời gian lại càng giục thúc chúng ta phải
tranh đấu nhiều hơn, mãnh liệt hơn để thỏa mãn cho ngũ quan như: mắt thì ưa màu
sắc tốt đẹp, tai thích nghe những giọng nói tao nhã thanh bai, mũi thì ưa mùi
thơm hơi ngọt, lưỡi thích nếm vật lạ món ngon, thân ham vợ đẹp hầu xinh … Bởi
cái thích ưa ham muốn ấy, mới tạo ra lòng ham mê, hễ vừa lòng thì yêu, nghịch ý
thì chán. Bởi cái yêu và cái chán đó mà con người mãi dạt trôi theo dòng thác
lũ khổ đau của cuộc đời.
1. Đời là gì?
Đời là xã hội, hằng ngày chúng ta
sống chung đụng với nhau gần gũi như vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, chính
sợi dây liên hệ đó ta định cái ăn cái mặc, cái ở. Đối với người bình thường
chưa giác ngộ, thì phương sống họ định theo danh vọng, tước quyền, bạc tiền, tình
ái, miễn sao cho thỏa mãn cái thân vì chỉ những thứ đó nó mới đem lại hạnh phúc
an vui cho cuộc đời của họ, ngoài những thứ đó ra họ đâu có biết thứ gì khác
hơn như Đạo đức. Thoảng như có ai nói đến từ thiện, thì họ cười và cho là mông
lung, trừu tượng xa thực tế, và còn nói đến thiên đường hay địa ngục thì họ cho
là giả tưởng, mê tín vị đoan.
Đó là quan niệm về cuộc đời của
phần đông nhân thế, ngoài những thứ đó ra không có cái nào quí hơn cả.
Còn chúng ta là người tu hành, chúng
ta nghĩ gì về cuộc đời? Cuộc đời là chi, phải chăng chỉ có bấy nhiêu đó thôi
sao??? Các vị chơn tu giác ngộ và các Đấng Thiêng Thiêng Liêng thường dạy rằng:
“Cuộc đời nầy luôn luôn biến đổi như dòng nước, như chòm mây. Nước thì khi có
cạn có sâu, khi lặng lờ, khi sóng vỗ; Mây khi tan khi hiệp, khi mỏng lúc dày. Cuộc
đời cũng thế lúc thạnh hồi suy, bỉ thới dần xoay, chớ nào phải luôn luôn bằng
phẳng như mặt nước hồ thu”.
Cuộc đời đâu phải ai ai cũng luôn
luôn toại nguyện, an lạc thái hòa. Thỉnh thoảng gia đình cũng có nạn nọ tai kia,
nào là đau ốm, kiện tụng, gia đình trên dưới bất hòa, láng giềng đối chọi, tử
biệt sanh ly v. v… Nếu nói rằng cuộc đời là lý tưởng như mộng đẹp mơ hoa thì
tại sao người ta không hạnh phúc mà phần đông người ta đều than rằng: “Phước
bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”. Bất hạnh thì nhiều hơn an vui. Vả lại, kiếp
người là tạm mượn, vật chất thì phù du luật ấy vẫn tự nhiên.
2. Đời đáng yêu hay đáng chán?
Phần đông thế nhân tưởng rằng
mạng sống đời nầy vĩnh viễn, là trường sanh bất tử nên mới cho vật chất hiện
hữu nầy là thật, là bền là trường cửu nên ôm chầm lấy nó, rồi đặt nó thành lý
tưởng duy nhứt của cuộc đời. Do đó, khi được nó thì người ta yêu thích, đam mê
thụ hưởng, nhưng đến khi xa nó hay mất nó, thì bực tức khổ đau.
Trong tinh thần đó, có người
ngước mắt lên trời hờn trách oán than rằng: “Tạo hóa trớ trêu, Trời già cay
nghiệt. Tạo vật khéo lá lay sắp bày chi cảnh tình oan trái”. Cũng có người khác
vì quá khổ đau bèn lấy cái chết để kết liễu cảnh đời đau khổ đó. Phải chi họ có
tâm hồn gíác ngộ để biết rằng kiếp sống nầy vô thường, là tạm bợ, nay còn mai
mất, lúc hiệp rồi tan, giàu sang phú quí tợ phù dung, sớm nở tối tàn. Nếu biết
rõ như vậy thì người ta đâu có ôm chầm lấy nó để rồi khi mất nó lại khổ đau, lại
buồn chán.
Chúng ta đã sanh vào trong cõi
Hậu Thiên, nhị nguyên đối đãi nầy, thì lẽ dĩ nhiên không làm sao thoát khỏi qui
luật: Thành, trụ, họai diệt của cuộc đời. Nếu chúng ta đã hiểu như vậy rồi thì
đâu đòi hỏi cuộc đời phải đứng yên một chỗ để cho nhan sắc chẳng tàn phai, để
cho tuổi đời khỏi xế bóng. Nếu được như vậy thì cuộc đời nầy chẳng còn có chi
là đáng yêu hay đáng chán. Hễ có yêu thì có chán, hễ có có thì có không, hễ có
hiệp thì có tan, hễ có được thì có mất. Ngược lại, hễ không yêu thì không chán,
không có thì không không, không vui thì không khổ, không được thì có cái chi là
mất đâu.
3. Phải có tâm hồn giác ngộ
Phải có tâm hồn giác ngộ thì mới
vượt qua khỏi vòng mê hay chán. Đã là người học đạo tu hành phải ý thức giác
ngộ, phải nhìn cuộc đời bằng cặp mắt giác ngộ. Bởi chúng ta đến cõi đời nầy chỉ
trong mấy mươi năm, rồi cũng sẽ từ giã nơi nầy mà đi vào nơi khác. Cuộc đời chỉ
là trạm dừng chân trên con đường tiến hóa, nó là cõi tạm. Từ nhà cửa ruộng vườn
vàng bạc châu báu cũng đều là giả cả. Thậm chí đến tấm thân tứ đại nầy cũng giả
luôn, đến lúc nó hư hoại, ta cũng không có quyền cầm giữ nó lại được.
Thế nên ta đừng nuông chìu nó, đừng
để nó xúi giục ta làm điều trái đạo để đến nỗi gây nhiều nghiệp lực làm cho ta
đọa lạc trầm luân. Tạm thời ta chấp nhận cái giả thân nầy làm phương tiện mà
bồi công lập đức, trau luyện thân tâm cho trở nên người có đức hạnh, có âm chất,
đem lòng nhân rải khắp muôn phương, dùng đạo đức mà tế nhân lợi vật để cho xứng
đáng là một kiếp người. Lúc bấy giờ tâm hồn ta trở nên phong khoáng tự do, khinh
thoát, thơ thới an nhiên, không có một ngoại cảnh có thể câu nhử hay ràng buộc
ta được bởi vì chúng ta biết nó không có thật tướng, đó là giả tướng huyền ảo, tạm
chấp nhận để làm phương tiện tu hành.
Chúng ta thử nhớ lại xem, lúc cha
mẹ sanh ra ta chỉ có tấm thân trần trụi không có mảnh vải che thân. Đến khi lớn
lên vào đời ta tạo lấy của cải vật chất, nhà cửa bạc tiền để làm sự sống tạm. Rồi
nay như có mất những thứ đó thì cũng trả về hư ảo, chớ ta đâu có mất cái chi
đâu mà đau, mà khổ, mà chán. Còn mạng sống của chúng ta cũng vậy, nó chỉ là hư
ảo. Khi chúng ta mới mở mắt chào đời còn nằm trong nôi chơi vơi vô thức, lúc đó
nếu gặp phải bất trắc gì làm cho chúng ta chết một cách dễ dàng, thì bất quá
trở về hư vô. Nay chúng ta còn sống thêm mấy mươi năm tại cõi trần nầy cho đến
ngày nay, kể ra cũng khá lắm rồi. Nay nếu cái chết có đến mang chúng ta đi thì
hư không lại huờn hư không, có chi đâu mà ta phải bận tâm lo sợ.
Nói như vậy không phải là nói
liều để an vui mà quả thật là như vậy. Nếu chúng ta sợ cái già, cái bịnh, cái
chết thì nó vẫn lù lù đi tới chớ chúng nó nào có tội nghiệp hay thương hại gì
ta, hay dung dưỡng chút gì cho ta đâu. Nếu chúng ta quá sợ sệt, quá hoảng hốt, quá
khổ đau thì cũng không thoát khỏi cái định luật sinh diệt vô thường ấy đâu, nếu
ta sợ chỉ có hại mà thôi. Hễ mất bình tĩnh thì tâm hồn rối loạn, hễ rối loạn
thì tăm tối, hễ tăm tối thì lạc đường sa vào lục đạo luân hồi.
Thế nên Đạo Đức Kinh có nói: “Không
sợ cái chết thì ngại chi cái tâm lý sợ chết”. Chi bằng ta bình tĩnh hồn nhiên, sẵn
sàng đón nhận với tinh thần bình thản, như nhiên. Khi chúng ta sẵn sàng tinh
thần chuẩn bị đón nhận đó rồi thì chúng ta không còn thấy khổ đau hay hốt hoảng
nữa. Nhờ đó mà tâm hồn của chúng ta bình an.
Sở dĩ chúng ta có mặt trên cõi
đời nầy là do nhân, duyên, nghiệp, quả, trả vay. Dù xấu hay tốt, vui hay buồn, sung
sướng hay đau khổ, đáng yêu hay đáng chán cũng là do nghiệp lực đã an bài cho
số phận. Nhưng ta khộng biết làm chủ nội tâm, để cho hoàn cảnh chi phối, để tâm
xúc động vì đối cảnh thì tai hại vô cùng, hễ tâm xúc động là gieo hột chủng tử
luân hồi rồi đó. Điều tốt hơn hết là trước ngoại cảnh, ta phải điềm nhiên, đồng
thời lo tu bồi âm chất để chuyển xấu thành tốt, chuyển động thành tịnh, chuyển
phiền não thành giác ngộ bồ đề, chuyển sanh tử thành niết bàn, chuyển đọa thành
siêu. Vậy dứt khoát là ta không để bị ảnh hưởng do những cái đau buồn, do
nhữnng điều rủi ro bất hạnh của đời, ta cứ bình thản lo tu lo học trước độ kỷ
sau độ tha, để cùng nhau giải thoát.
Tóm lại, biển đạo rộng mênh mông,
giáo lý nhiều tợ như lá cây rừng không sao hiểu hết. Tuy vẫn biết đời là cõi
tạm, kiếp người có giới hạn, nhưng nó vẫn có lý do chánh đáng của nó, chúng ta
hãy chấp nhận nó để làm phương tiện tu học, hành đạo để tiến hóa phổ độ chúng
sanh, dấn thân vào cảnh khổ với tình thương vô tư bất vụ lợi, vị tha, bác ái, công
bằng, khơi mạch lòng nhân khai thông hạnh đức (Hạnh Bồ Tát ). Khi Hạnh Bồ tát
được mở rộng và luôn mãi mở rộng hơn, đó là ngày mà chúng ta ung dung tự tại
giải thoát tại trần nầy rồi vậy. Lúc bấy giờ thân còn nương náu cõi đời, nhưng
tâm hồn đã vuợt khỏi những ràng buộc của đời. Đó là trạng thái thung dung khinh
thoát, tự tại an nhiên, ví như sen trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Và như
vậy, Thánh Thần Tiên Phật cũng là a còn gì nữa!
Cuộc đời nó dĩ nhiên là thế !
Giữ tâm bình đừng để chán yêu,
Chồi nhân chăm sóc chắt chiu.
Dung phân tưới nước sáng chiều đừng lơi.
Trước tự độ nên người giải thoát.
Rồi độ tha an lạc như mình
Nương đời tồn dưỡng tâm linh.
Vào đời chẳng nhiễm nhục vinh cuộc đời.
Ấy tâm đức sáng ngời vô ngại.
Ấy hạnh nhân tự tạị tiêu diêu,
Thõng tay vào chợ mai chiều,
Có chi mà mà gọi: Chán yêu cuộc đời!
(Huệ Chơn)
TM Nguyễn thị Mỹ Nga