Đồng tiền và mạng sống

Thế giới ngày nay bắt đầu chuyển sang giai đoạn cạnh tranh quyết liệt, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, bất đồng quan điểm không chịu ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tốt đẹp; chính vì vậy mà chiến tranh cứ liên tục xảy ra không có ngày kết thúc. Con người sống không có tình thương yêu và hiểu biết nên đam mê, sa đọa, luôn tranh chấp gây oán hận, thù hằn, tạo ra nỗi khổ, niềm đau cho nhân loại.

Ngày xưa, tại một nước nọ có một vị vua tên là Nhân Lực. Một hôm trong lúc đi săn, ông tình cờ ghé ngang qua một tháp Phật và phát tâm hoan hỷ nên đã cúng dường năm xu. Vô tình một người đi ngang trông thấy bèn vỗ tay tán thán và khen ngợi, “hay thay phước lành! Hay thay phước lành!Nhà vua nghe qua tưởng người đó cố ý châm chích, mỉa mai mình cúng dường quá ít nên tức quá cho quân lính bắt hắn ra lệnh xử trảm vì mang tội khi quân. Người đó sợ quá xin phép nhà vua được trình bày nguyên nhân, sau dù có chết cũng cam lòng. “Được, nhà ngươi cứ nói, nếu đúng sự thật thì ta sẽ tha tội chết cho ngươi”

“Dạ muôn tâu bệ hạ, con từ khi làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình, mỗi khi thấy ai cúng dường con đều hoan hỷ tán thán công đức tốt lành. Cách nay 3 năm về trước, do con hiểu biết thấp kém và sai lầm nên nghĩ chết là hết, không có nhân quả nghiệp báo, không có đời sau; do ham muốn hưởng thụ nhiều và đam mê chơi bời trác táng nên con đã hành nghề cướp giựt của thiên hạ. Có lần, con chặn một người đi đường và cướp hành lý của họ, khi xét kỹ mới thấy ngoài hai bộ đồ chẳng có thứ gì khác; nhưng lạ thay, anh ta luôn nắm chặt bàn tay như giấu vật gì quý giá lắm. Con bèn dùng dao uy hiếp bảo hắn thả tay ra mới an toàn mạng sống nhưng hắn nhất quyết không chịu. Cuối cùng, con phải đánh hắn bất tỉnh mớiphát hiện trong bàn tay chỉ vỏn vẹn một đồng xu. Con cảm thấy ăn năn và hối hận vô cùng về hành động tàn bạo của mình. Chỉ có một đồng xu nhỏ mà anh ta thà chết chớ không chịu buông tay ra. Từ đó, con ăn năn hối cải sám hối lỗi lầm, quyết dứt khoát từ bỏ con đường lầm lỗi, cướp giựt. Sau này, nếu thấy ai làm việc phước thiện con đều tán thán, khen ngợi hết lòng không kể người giàu hay nghèo”. Nhà vua nghe qua liền tha tội chết cho anh ta.

Câu chuyện trên làm chúng tôi nhớ lại những việc năm xưa khi còn ở ngoài đời. Khi chưa đi tu tôi thường chơi thân với những tên đầu trộm đuôi cướp và thường nghe kể lại các phi vụ cướp giựt kinh hoàng. Mã Trường Ghì là một tên đàn anh nổi tiếng những thập niên 90, anh ta nghiện ma túy, đam mê cờ bạc và ham đá gà, chuyên cho vay nặng lãi. Vì quá đam mê cờ bạc nên anh thiếu nợ đàn anh của mình; túng thế, anh đã mở phi vụ cướp giựt các chủ sạp vải Chợ lớn. Một hôm, sau khi me được một con mồi cỡ bự, nếu thành công thì dư sức trả nợ.

Anh tính toán đường đi nước bước của con mồi một cách rành rẽ, chỉ chờ thời cơ thuận lợi là ra tay hành động. Con mồi đã rơi vào thế sắp đặt của anh, thế là anh nhanh tay cuỗm đi cái túi xách gần cả tỉ đồng gia chủ dùng trả tiền hàng; nhưng không ngờ, người bị nạn là dân miền Trung chánh gốc nên cô ta không chịu buông tha mà la toán lên dữ dội dù bị anh khống chế bằng mọi cách. Điểm đặc biệt của người miền Trung đa số thà chết chớ không bỏ của, đó là kinh nghiệm của giới giang hồ thứ thiệt. Biết nuốt không trôi nên anh đành phải ngậm bồ hòn quăng lại túi xách và bỏ chạy, nhờ vậy anh thoát được vòng vây truy nã của nhiều người.

Thường thì các tay giang hồ đàn anh đã có số má trong trường đời rất khôn khéo, họ nhắm ăn không được liền bỏ con mồi không luyến tiếc. Sở dĩ có rất nhiều các vụ án cướp của, giết người hay thường xảy ra là vì những tay giang hồ dỏm còn non nớt, không phải là đàn anh thứ thiệt nên sợ bị phát giác, tố cáo và bị pháp luật trừng trị mà ra tay hành động để bịt đầu mối; như trong chuyến đi giảng cuối năm tại Cà Mau của chúng tôi vừa rồi cũng có một người gọi điện thoại tới nói chuyện trong cơn hốt hoảng, “thầy làm ơn cứu con thầy ơi?” Chúng tôi mới hỏi có chuyện gì không may đã xảy ra thì người ấy nói, “con mới vừa giết một người vì chúng đã bắt cóc con gái của con. Con bây giờ phải giết thêm một mạng người nữa để bịt đầu mối và cứu đứa con gái của con”.

Tôi nói, “đâu thể được, giết người là đã mắc tội mạng phải đền mạng, nặng thì tử hình, nhẹ thì cũng từ 15 năm cho đến án chung thân. Anh muốn cứu con mình thì ngay bây giờ hãy nên ra đầu thú thì họa may mới bảo tồn mạng sống và có thể cứu con anh được. Nếu vì sợ mà phải giết thêm người nữa thì luật pháp không bao giờ tha thứ và con gái của anh cũng khó bảo toàn mạng sống. Anh tin lời tôi nói không?” “Dạ, con tin thầy.” “Nếu muốn cứu con mình thì anh phải thành khẩn khai báo và thú tội, chính quyền và pháp luật sẽ cho anh hưởng chính sách khoan hồng, như thế anh vẫn còn cơ hội hy vọng gặp được con”. Nghe đến đây, anh ta mới sực tỉnh và nói một câu rất chân thành, “con rất cám ơn thầy, nhờ ơn thầy chỉ dạy, sau khi ra tù con sẽ tìm đến gặp thầy”. Tôi chúc anh được nhiều may mắn và cố gắng học tập cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Từ đó, tôi không còn nghe anh ta gọi tới nữa.

Các bạn thấy chưa, vì một phút si mê nóng lòng việc con mình bị bắt cóc mà anh ta đã giết chết một mạng người. Không hiểu sao tại sao anh ta lại biết số điện thoại của chúng tôi mà gọi tới nhờ lời khuyên. Âu cũng là phước duyên của anh. Dù không còn liên lạc với anh được nữa, chúng tôi lúc nào cũng luôn cầu nguyện Tam bảo thường xuyên gia hộ cho anh không bị án tử hình và vững niềm tin trong cuộc sống mà sám hối, ăn năn lỗi lầm để còn hy vọng có ngày gặp lại người thân.

Thật ra, trong cuộc đời này con người thường bị vô minh che lấp nên khó làm chủ bản thân khi có sự cố xảy ra. Vì muốn bênh vực người thân mà nhiều vụ án giết người rất dã man xảy ra làm đau lòng nhân thế. Lòng si mê tham ái bám víu vào người thân khiến con người dễ sinh mù quáng như người cha kia vì thương tiếc đứa con gái bị bắt cóc mà trở thành kẻ giết người. Khi lòng tham tiếc của ta đã lớn mạnh rồi thì con người bất chấp luân thường đạo lý, không còn bình tĩnh sáng suốt bởi nóng lòng người thân nên giận dữ bộc phát, dẫn đến có thể giết người trông chốc lát. Sở dĩ con người dễ vướng vào vòng tội lỗi vì si mê, chấp ngã quá lớn.

Chấp là nguồn gốc của đau khổ, là nguyên nhân dẫn đến bao điều tội lỗi, càng cố chấp “là ta, là của ta” nên tìm cách bênh vực, bảo vệ không được thì sinh ra thù hằn, tìm cách trả đũa. Cuộc đời là một dòng chảy không dừng ở phút giây nào mà ta cứ muốn nắm giữ thì làm sao được? Dù cố bám víu, gìn giữ nhưng giữ có được đâu? Thân này già-bệnh-chết mà chúng ta cứ muốn trẻ mãi không già, muốn sống hoài không chết. Thật ra có thân này là có khổ, già thì gối mỏi lưng còng, đi đứng khó khăn, mắt mờ tai điếc; bệnh thì đau nhức hoành hành, nằm ngồi không yên; chết thì nằm đơ bất động, chẳng còn biết gì. Tuy thân này có khổ nhưng tâm trong sáng, định tĩnh sẽ thường biết rõ ràng như khi hết duyên đời thì vui vẻ nhắm mắt ra đi.

Nhiều người không hiểu cứ nghĩ tiền là trên hết, như kẻ nghèo kia khi bị cướp trấn lột trên tay chỉ có một đồng xu mà thà bị đánh đập, tra khảo, vẫn nhất quyết không buông. Kẻ nghèo ấy quý trọng đồng tiền không đúng chỗ nên bị đánh tơi bời, rốt cuộc tiền mất tật mang. Thay vì từ buổi đầu anh ta cứ đưa đồng xu ra trước thì còn chuyện gì nói nữa, tên cướp dù có tàn nhẫn cũng không thể lấy một đồng xu như vậy. Con người ta vì không hiểu cứ nghĩ tiền bạc làm ra khó khăn phải cố gìn giữ nên dẫn đến mang họa vào thân.

Tiền là vật vô tri do ta tạo ra, tuy cuộc sống cần phải có tiền mới tồn tại được nhưng tiền mất có thể làm kiếm lại, mạng sống nếu mất đi thì coi như mất hết tất cả; do đó chúng ta phải biết quý trọng mạng sống; nhưng cũng đừng nên quá quý trọng thân này mà trở nên tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Có người rất giàu, tiền của dư giả nên mặc tình ăn xài phung phí nhưng thấy người nghèo lại chẳng động lòng thương; họ xin chút miếng ăn để sống qua ngày không cho đã đành lại còn mạt sát đủ điều, giàu như thế có lợi ích gì cho ai; tuy nghèo mà biết nhân nghĩa, sẵn sàng sẻ chia cho người trong cơn nguy biến, hoạn nạn mới là đáng quý, đáng trân trọng.

Cứu giúp một người trong lúc khó khăn thiếu thốn còn hơn xây chín ngôi chùa. Thế gian này sở dĩ xây dựng, mở mang, phát triển nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu để phục vụ cho con người được hoàn thiện, nhưng nhiều khi chúng ta chỉ phát triển về mặt hình thức, bề nổi bên ngoài để phô trương thân thế chứ không phải vì phục vụ con người. Thế giới ngày nay bắt đầu chuyển sang giai đoạn cạnh tranh quyết liệt, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, bất đồng quan điểm không chịu ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tốt đẹp; chính vì vậy mà chiến tranh cứ liên tục xảy ra không có ngày kết thúc. Con người sống không có tình thương yêu và hiểu biết nên đam mê, sa đọa, luôn tranh chấp gây oán hận, thù hằn, tạo ra nỗi khổ, niềm đau cho nhân loại. Nên vì thế, chúng ta cần phải xây dựng mô hình con người tâm linh để thiết lập tình thương chân thật nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Nguồn: tuthienduyenlanh.com
Previous Post
Next Post