Quýt chua quýt ngọt vì đâu?

Sách Cổ học tinh hoa của cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có kể chuyên Án Anh đi sứ bị vua quan xứ người bày trò đưa tên ăn trộm người nước Tề ra để “bôi bác” nước Tề của Án Anh. Vua họ còn ra vẻ ngơ ngác hỏi Án Anh “sao người nước Tề hay ăn trộm vậy?” Án Anh điềm nhiên trả lời: “Giống quýt ở đất này ngọt, đem trồng ở đất khác thì chua. Tại thổ nghi vậy. Người nước Tề ở nước Tề không ăn trộm, sang nước Sở thành ăn trộm. Cũng tại “thổ nghi” chăng?”.

Chưa có điều kiện tra cứu lại, tôi chép câu chuyện theo trí nhớ. Chép lại vì vừa đọc hai trang báo Lao Động Cuối tuần số 2 năm 2013 này nói về “trái đắng đạo đức” khi nhà trường không dạy làm người. Hai nhà báo đưa ra những ứng xử đạo đức đáng phàn nàn ở cả người có học cao lẫn người học thấp. Hai nhà báo còn trích dẫn lời một nữ giáo sư khả kính cả về địa vị xã hội lẫn tuổi tác khẳng định rằng việc dạy người hiện nay nhà trường ta không làm được như việc dạy kiến thức v.v...

Cạnh bài đó còn có bài của một chuyên gia tư vấn tâm lý kêu rằng “dạy đạo đức chưa đụng đến trái tim người học”. Vấn đề thực ra thường được nêu ra và than phiền từ lâu. Rất nên làm rõ những điều còn không được hiểu rõ và nhất trí trong chuyện này.

Nhà trường chúng ta chỉ dạy chữ mà không dạy người hoặc dạy không tốt? Nói như vậy là chưa hiểu về giáo dục và cả chưa hiểu về “làm người”. Con người khi học kiến thức là được dạy cả cách suy nghĩ tìm tòi kiến thức và cách vận dụng nó để có thể tồn tại được trong thế giới tự nhiên. Thế đã là “dạy làm người”. Trẻ lại còn được học “sống với cộng đồng”, được "xã hội hóa". Thế thì ngay cả việc dạy các gương kiếm tìm kiến thức tự nhiên thôi đã là “dạy làm người” với các phẩm chất “người” cần có rồi!

Tách việc “dạy kiến thức” với việc “dạy làm người” đâu có được! Ngay như dạy chữ “chay” kiểu dạy làm bốn con tính thôi thì nói cho chặt chẽ vẫn là “dạy làm người”. Dù nói theo Nguyễn Du “chữ tâm bằng ba chữ tài”, phần “tài” vẫn chiếm 25% con người thì việc dạy chữ để có tài vẫn cứ là “dạy làm người” chứ! Chỉ những giáo viên non yếu và những lãnh đạo lơ mơ mới không hiểu thực chất dạy người trong việc tổ chức dạy chữ!

Cần phải nói về chuyện “dạy làm người” theo cách hiểu hẹp là “dạy đạo đức”, đào tạo ra một loại người có những phẩm chất “vừa ý” . Thật ra nếu chỉ “dạy làm người” bằng các bài đạo đức lý thuyết và thực hành (kể cả thực hành độc đáo như dạy đấm bốc để thực hành về dũng cảm”!) thì con người làm sao hình thành đầy đủ như yêu cầu của xã hội! Chưa nói đến chuyện cái lý thuyết về “đức” không dựa trên kiến thức tự nhiên xã hội vững chắc dễ là cái đức giản đơn mù mờ rất dễ dẫn đến ký đại, gật bừa. Những kiến thức về đạo đức là thứ khó dạy cho có hiệu quả trong cái nghĩa “dạy làm người”.

Như vậy là việc dạy lý thuyết đạo đức khó chạm đến trái tim người học cũng là điều không khó hiểu. Không hoàn toàn do thầy cô kém về phương pháp. Cái khó ở lý thuyết đem ra dạy là một (dù có truyền dạy với nhiệt tình và niềm tin thực sự). Việc rèn luyện kỹ năng - những kỹ năng sống nữa - như là thứ thực hành cũng không hề đơn giản. Cách “huấn luyện” và kiểm soát đánh giá theo kiểu dùng các hình thức khen chê, thưởng phạt… cũng không dễ thành công vì cũng khó thực chất.

Cái khó thực sự trong giáo dục đạo đức - trong đó các vấn đề về hệ giá trị và các kỹ năng sống cần có - lại là tạo ra “Niềm Tin” vào những điều truyền dạy. Việc này cần có môi trường xã hội thuận lợi. Các nhà khoa học chỉ ra rằng các niềm tin đạo đức xã hội hình thành trong quá trình “xã hội hóa” của con người. Môi trường gia đình, môi trường “nhóm xã hội” của trẻ có vai trò quan trọng trong sự hình thành đó. Cũng quan trọng là môi trường xã hội rộng lớn hơn trong đó có vai trò của những “người lớn” trong tầm quan sát, hiểu biết của các em. Những hình thức kiểm soát bằng trừng phạt, khen thưởng… thực tế không có hiệu quả cao trong kiểm soát xã hội như người ta nghĩ.

Không lạ gì khi xã hội “xuống cấp”, “rệu rã “khủng hoảng niềm tin” thì con người lớn bé bị tha hóa không chỉ ở “một bộ phận”! Cũng nên nói thêm rằng trẻ em và cả người lớn vốn rất dễ học theo cái xấu vì con người ta không phải là “tính bản thiện” mà thiên về “tính bản ác” hơn vì cái ác gần với bản năng tham sân si hơn, dễ thực hiện hơn. Khi thấy những người lớn ở cơ quan bảo vệ pháp luật hẳn hoi vẫn thuê côn đồ trả thù bạn, vẫn chiều ý kẻ xấu thuê côn đồ giúp kẻ xấu phá nhà dân mở lối vào nhà xưởng… chúng dễ học theo.

Thật ra những “quả đắng” đạo đức xuống cấp không phải tại nhà trường không dạy tốt cái môn gọi  là “dạy làm người” kia. Bảo rằng nhà trường phổ thông không chịu dạy trẻ làm người để đến nỗi thế thì rất khó thuyết phục! Lớn đấy, đức tài cũng đến độ “đức hạnh khả phong” đấy mà cái đạo làm người nhiều khi vẫn cứ bất ổn đầy ra! Cá nhân này nhẹ thì bị bêu riếu, nặng thì bị mang áo số. Tập thể kia chỗ thì mất uy tín, chỗ thì nhận  kỷ luật bí mật hay công khai.

Xã hội từ lâu đã hiểu rõ hiệu quả của kiểu kêu gọi dạy dỗ. Dạy làm người không làm được tử tế theo kiểu không chia tách phần trăm đức phần trăm tài đúng cách và không củng cố bằng kỷ cương luật pháp thì người được “làm” ra cũng khó mà làm được người tốt vì sự nhũng nhiễu, sự khống chế, sự vấy bẩn của kẻ xấu mà thôi!

Vậy thì dạy làm người là công việc không chỉ của nhà trường. Nó phải là việc của từ gia đình đến xã hội, mà quyết định, bao trùm nhất lại là xã hội. Không được tiếp xúc tôi rèn trong một xã hội văn minh, công bằng, dân chủ thì khó thành được người đúng như đạo lý nêu ra. Và cái đạo đức phẩm chất ấy không phải chỉ là sự biểu hiện biết ứng xử “đúng” trong mọi quan hệ. Mà phải là biểu hiện trong toàn bộ các công việc cần đến Năng-lực-Người với sự hướng thiện, sự đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Nhà trường sẽ có đóng góp tích cực nhờ vào năng lực được tập hợp đúng hướng của nó nhưng không thể hoàn toàn tự nó quyết định. Đơn giản là nó không tách rời với tất cả quan hệ nhằng nhịt trong xã hội, nó cứ phải hít thở và đắm mình trong cái bầu không khí ô trọc hay thanh khiết của xã hội.

Lê Xuân Mậu (GVPT nghỉ hưu)
Previous Post
Next Post