Sự chuyển hóa nội tâm

Chúng ta được sanh ra trên cuộc đời này, để bảo đảm an toàn cho cuộc sống, tất cả mọi người đều đang phấn đấu vươn lên, nỗ lực tìm cầu cho bản thân mình sự bình an, yên vui, hạnh phúc. Ai ai cũng mong muốn được thỏa mãn những nhu cầu về hai phương diện cả vật chất lẫn tinh thần.

Hầu như đó là một qui luật chung tự nhiên trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển của mọi sinh vật, đặc biệt là xã hội loài người. Trong cuộc mưu sinh đó, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, con người đã học hỏi và tích lũy được vô số những kinh nghiệm để cải tạo bản thân, cải tạo hoàn cảnh và luôn trau dồi phát triển về mặt kiến thức. Cả hai mặt vật chất và tinh thần, mặc dầu được dồi dào, phong phú, tinh vi, nhưng kết quả không đưa đến cho ta một sự thỏa mãn, sự bảo đảm an toàn.

Chúng ta lại tiếp tục đi tìm cầu một sự đáp ứng mới khác. Thế nhưng càng mong muốn tìm cầu, chúng ta lại càng gặp những điều rắc rối, mâu thuẫn, đấu tranh, và xung đột. Để rồi cuối cùng chúng ta rước lấy thêm nhiều thất bại, sự bất mãn, bất an, và thêm nhiều đau khổ chất chồng không lối thoát. Đến chừng ấy con người mới tự ý thức rằng cái mà chúng ta đang nỗ lực tìm cầu để được thụ hưởng, được thỏa mãn, đó chỉ là những cái giả dối, hư vọng, tạm bợ, và nhất thời. Càng bám víu, chấp chặt vào những thứ phù hoa giả tạo đó thì càng bị trói buộc và đau khổ thêm thôi.

Hạnh phúc chân thật và sự bình an vĩnh cửu là một cái gì khác hơn, cao thượng hơn, trong sáng nhẹ nhàng hơn. Đó là sự chuyển hóa và phát triển về tâm linh!

Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu để khám phá ra lẽ thực đó ngay trong đời sống này nơi mỗi người chúng ta, để làm một cuộc chuyển hóa.

Chúng ta đang đi tìm gì?

Hầu hết mọi người chúng ta đều đang đi tìm. Đang hướng tâm đeo đuổi một mục đích nào đó, đang mong muốn tìm cầu một sự đáp ứng thỏa đáng nào đó đến với mình. Mọi người đang ra sức phấn đấu tìm cầu và đang mong mỏi chờ đợi một kết quả ở tương lai. Chúng ta luôn luôn sống với những ước vọng, với sự đuổi bắt và không bao giờ cảm thấy hài lòng thỏa mãn với cái hiện có.

Không bao giờ biết an phận, biết đủ, biết dừng. Thành quả của sự mong cầu này vừa được đáp ứng, chúng ta lại rượt đuổi theo sự mong cầu khác. Cứ hết nắm bắt, buông bỏ, rồi lại rượt đuổi theo những ảo ảnh của tiền trần. Chúng ta luôn luôn đi tìm những cảm giác mới lạ có tác dụng cao hơn, chất lượng hữu hiệu hơn, sự kích thích thị dục mạnh mẽ hơn.

Mục đích của những ước vọng đeo đuổi tìm cầu đó là gì?

Nghĩa là mọi người đều đang mong muốn được hưởng thụ một thứ hạnh phúc nào đó, một sự bình an nào đó, một nơi trú ẩn an toàn hay một nơi nương tựa vững chắc. Nhất là giữa thời buổi xã hội đầy những biến cố tao loạn này, đầy những sự kiện phức tạp và khủng hoảng về mọi mặt trong cuộc sống bấp bênh này. Mọi người đều cố phòng thủ bảo vệ mình.

Thành quả của sự tìm kiếm mà chúng ta thâu hoạch được trên thế gian này không gì khác hơn là của cải, tài sản, sự nghiệp, danh vọng, địa vị, quyền thế. Mong muốn được ăn no mặc ấm và thỏa mãn mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống.

Song song với những thành quả mà chúng ta tìm được đó - lại là sự lo lắng và sợ hãi. Mặc dù đang vui vẻ, đang sống cuộc sống bình thường nhưng sự âu lo và sợ hãi vẫn có mặt. Chúng ta sợ mất mát, sợ thua sút mọi người, sợ mất chiếc ghế danh vọng, sợ người ta khinh dễ xem thường mình, sợ nghèo, sợ đói v.v...

Thế nhưng giá trị của những thành quả mà ta thâu tóm được đó, những gì mà chúng ta tích lũy dành dụm đó, không có gì bảo đảm lâu bền và toàn vẹn. Tất cả đều chóng phôi pha và phai tàn theo thời gian. Những gì mà mình gọi là yêu thích, quý mến, sẽ không bao giờ giữ mãi được trong tầm tay của mình. Tất cả những mong muốn, hy vọng của chúng ta dù được đáp ứng thỏa mãn, nhưng nó chỉ có giá trị nhất thời mà thôi, không có gì gọi là lâu bền chắc thật. Ngay cả tấm thân ta đang mang giữ đây được gọi là ta, là của ta nó cũng đang bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt gặm nhấm trong từng giờ, từng phút, từng sát na và một ngày nào đó sẽ tan rã trở về với cát bụi.

Tất cả mọi người chúng ta đều đang sống trong sự vô thường hủy diệt. Thế nhưng ít có người biết thức tỉnh thấy được cái mong manh tạm bợ của kiếp người. Họ cứ lo tranh đua giành giựt và sát phạt lẫn nhau, hơn thua với nhau từng tiếng nói, từng cử chỉ hành động, để rồi làm khổ cho nhau. Và đó cũng là chánh nhân tạo nghiệp trầm luân sanh tử mãi không có ngày dừng.

Đức Phật dạy rằng: “Chúng ta đang sống trong sự hủy diệt. Nếu tất cả mọi người đều biết mình đang sống trong sự hủy diệt, thì họ sẽ không còn đủ thời giờ để đấu tranh, cãi lẫy hơn thua và sát phạt lẫn nhau.” (pháp cú).

Quả thật, đã từ vô lượng kiếp rồi, chúng ta là những kẻ lữ hành, lang thang trên dặm đường sanh tử qua bao kiếp sống trầm luân, phiêu bạt lênh đênh giữa dòng đời nghiệt ngã, trôi giạt đó đây trong cơn sóng gió bão bùng giữa đại trùng dương chơi vơi của vòng luân hồi mênh mông mịt mù tăm tối. Trên bước đường viễn du đó, chúng ta là lữ khách phong trần viễn xứ tha phương, sống lây lất hết quán trọ này đến quán trọ khác. Chúng ta xuất hiện dưới nhiều hình thức. Lúc thì đội mão mang hia, quần nhung áo gấm; Khi thì đầu tro mặt đất, khố rách chân trần. Lúc thì lầu son gác tía, bè bạn ngựa xe linh đình yến tiệc; Khi thì lê lết nơi đầu đường xó chợ rên rĩ, khóc lóc kêu than. Cũng có khi phải mang lông đội sừng trong đẫy da bẩn thỉu. Âu sầu ngạ quỷ, ảm đạm ngục hình.

Trên bước đường viễn du đó, chúng ta đã từng gặp nhau qua nụ cười và nước mắt, đã từng sống chung với nhau trong sung sướng và đau khổ. Rồi chia tay nhau với nỗi sầu tê tái với luyến tiếc buồn thương, với khối tình đời đầy lệ chảy chứa chan.

Trong vòng lẩn quẩn đó, ra đi rồi gặp lại, chia tay rồi họp mặt, vì thay dạng đổi hình nên khó nhận ra nhau. Có ai biết được trong vòng luân hồi vô tận này, chúng ta đã từng là thân bằng quyến thuộc với nhau. Khó tìm đâu ra một chúng sanh nào chưa từng là cha, là mẹ, là anh, là chị em, là con của chúng ta rồi.

Đức Phật dạy rằng: “Nếu có người chặt hết cây cỏ trên thế gian này gom lại thành đống, rồi nhặt lên từng món mà nói: đây là mẹ tôi, đây là mẹ của mẹ tôi. Thì có thể nhặt hết đống kia mà chưa thể kể hết tất cả các bà mẹ của mẹ mình.”

Qua bao kiếp sống lang thang, với những bước thăng trầm, quả thật là một cuộc lữ hành bi thảm. Những gì mà ta góp nhặt được gọi là yêu thích là sung sướng là hạnh phúc, rốt cuộc nó cũng chỉ là trá hình của khổ đau và buồn chán. Những gì ta tích lũy được, sẽ biến mất qua tay. Tài sản sự nghiệp mà ta trìu mến bao nhiêu, thân bằng quyến thuộc mà ta yêu quý bao nhiêu, sẽ không đi theo ta. Chắc chắn là như vậy. Cho đến cái thân xác này mà ta gọi là ta, là của ta cũng vậy, từ cát bụi nó đến, nó sẽ trở về cát bụi. Danh vọng hão huyền, vinh quang trống rỗng, tất cả đều sẽ tiêu tan theo mây khói. Rồi vẫn một thân một mình ta lủi thủi ra đi.

Những kiếp sống vô số kể, những khổ đau vô cùng tận mà chúng ta đã trải qua trong quá khứ được đức Phật nhắc lại như sau: “Nếu có thể gom lại xương của một người trong vòng luân hồi, và nếu xương ấy còn nguyên vẹn, thì nó sẽ như một thạch trụ, một chồng, một đống khổng lồ bằng quả núi Vepulla.

Đã lâu rồi con đau khổ vì cái chết của một người cha, người mẹ, người con, người anh, người chị, và trên con đường dài, mỗi khi đau khổ là con đã khóc, khóc mãi như vậy trong cuộc hành trình xa xôi, nước mắt đã rơi, còn nhiều hơn nước trong bốn biển.

Đã lâu rồi, máu con đã đổ giọt khi bị chặt đầu, trong những kiếp sống dưới hình thức trâu, bò, cừu, dê v.v...

Đã lâu rồi con đã bị cầm tù vì tội trộm cắp, cướp giựt, hay dâm loàn và đã bị hành quyết.  Trong cuộc hành trình xa xôi, máu con đã đổ ra còn nhiều hơn nước trong bốn biển.

Và như vậy, đã lâu rồi con đã chịu biết bao là đau khổ, biết bao là bứt rứt dày vò, biết bao là vận xấu và choáng đầy biết bao nhiêu nghĩa địa. Đã lâu rồi con bất mãn với hình thức sinh tồn. Đã lâu lắm rồi, đã quá lâu, quá đủ để bây giờ con có thể ngoảnh mặt quay lưng, tìm một con đường khác để lánh xa tất cả.”

Quả thật như thế thưa các bạn, như lời Đức Phật dạy và tự thân quán sát. Hôm nay chúng ta đã ý thức được sự mong manh tạm bợ của cuộc đời đau thương huyễn mộng, đầy khổ lụy của trần gian, trong vòng luân hồi thê lương ảm đạm.

Trải qua một cuộc viễn du trong cuộc hành trình vô tận, với kiếp sống bèo mây tan họp, chợt khóc chợt cười, khi khổ khi vui. Lữ khách phong trần bỗng giật mình thức giấc, mở tròn đôi mắt long lanh như vừa chợt tỉnh cơn say giữa đêm trường mộng ảo, mặt hướng nhìn về một phương trời cao rộng để chờ đón một ngày mai tươi đẹp trong nắng ấm bình minh. Nhận thấy trò chơi sanh tử không còn gì hấp dẫn nữa. Bao nhiêu cạm bẫy ru hồn, Tất cả mọi đam mê túy lúy trong biển trần dục vọng không còn đủ sức quyến rũ nữa.

“Nào lợi danh, nào tài sắc
Từ xa nhìn chúng óng ánh lung linh,
Trẻ thơ đua nhau tranh giành đuổi bắt,
Vớt được rồi nhìn lại chỉ tay không,
Chúng vốn là những chòm bọt trên sông,
Còn chi đâu chỉ toi công nhọc sức...”
(Hòa Thượng Thanh Từ)

Khách bồi hồi ngao ngán, với nỗi buồn mênh mang cho cuộc đời biến loạn của trần gian mộng ảo. Khách dừng bước phiêu lưu, khước từ tất cả những luyến ái buộc ràng, mọi đa mang vướng víu, quay lưng trở gót để bắt đầu cho một cuộc hồi hương.

Con đường viễn xứ tha phương tưng bừng nhộn nhịp bao nhiêu, thì con đường trở về lại càng đìu hiu vắng vẻ bấy nhiêu.

Chúng ta phải biết rằng con đường trở về cũng không phải dễ dàng, mà con đường trở về đầy chông gai trắc trở, núi cao chớn chở, sỏi đá gập nghềnh, rừng hoang cô tịch, dốc đứng cheo leo, chúng ta phải đi một mình, bước một mình trong âm thầm lặng lẽ, trong vắng vẻ cô đơn. Nhưng đó lại là con đường dẫn về bảo sở, con đường đưa đến sự bình an vĩnh cửu, để thoát khỏi nanh vuốt và cạm bẫy của ma vương.

Đường ra đi có đông đảo bạn bè, có ngựa xe tấp nập, có phố chợ ồn ào, có lâu đài tráng lệ, có cổ tiệc linh đình, có tình yêu chan chứa. Bao nhiêu thú vui mà con người tìm được, cho đó là hạnh phúc, là yêu thích, nó chỉ có giá trị nhất thời, nhưng mặt trái của nó thì quá ê chề, đầy xấu xa tội lỗi. Thực chất của nó là chia rẽ đấu tranh, là chen lấn giựt giành, đầy áp bức bất công, đầy tham lam ích kỷ. Gây ra bao cảnh đau thương tang tóc, đói khổ lầm than, chiến tranh thù hận dẫy đầy. Bởi sự tham chấp không biết đủ biết dừng, cho nên chúng sanh cứ tạo nghiệp trầm luân mãi không có ngày cùng. Cái vui rộn ràng chạy theo ngũ dục thế gian chỉ là trá hình của sự đau khổ mà thôi.

Hãy dừng lại, chúng ta không thể nào tiếp tục bước đi với những bước phiêu lưu trong mê lầm và hư hỏng. Để rồi phải sa đọa vào hố sâu, vực thẳm của tăm tối vô minh.

Hãy dừng lại và quay lưng với tất cả để hướng về con đường sáng vinh quang cao thượng. Con đường hào quang rực rỡ mà chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ, chư Sư đã đi, đang đi và sẽ đi.

Bây giờ để tiến đến đạo quả giải thoát, chúng ta cũng đi con đường đó, chứ không có con đường nào khác hơn.

Đức Phật dạy: “Đêm rất dài với kẻ mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng vậy, sanh tử sẽ tiếp nối không ngừng với những kẻ buông lung không biết nhiếp phục tâm mình. Hãy tinh tấn lên để tìm sự giải thoát, hỡi những người rất thân yêu của ta.”

Giải thoát là đường về quê hương muôn thuở của chính mình. Tuy nhiên, con đường trở về với những bước ban đầu cũng lắm vất vả gian truân, đòi hỏi con người phải có đầy đủ ý chí, nghị lực, phải can đảm gan dạ dũng mãnh tiến lên vượt qua mọi gian lao thử thách. Hành giả phải có tâm đại hùng đại lực, luyện cho mình trở thành thân kim cang bất hoại, rèn cho chân cứng đá mềm để san bằng mọi trở ngại chướng duyên.

Tổ Hoàng Bá cũng đã từng cảnh tỉnh và sách tấn chúng ta qua bài kệ: “Trần lao quýnh thoát sự phi thường Hệ bả thằng đầu tố nhất trường, Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt, Tranh đắc mai hoa phóc tỷ hương.” Nghĩa: “Muốn thoát trần lao việc chẳng thường, Đầu dây nắm chặt giữ lập trường, Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt, Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.”

Muốn thoát ra khỏi cảnh trần lao sanh tử đó không phải là việc tầm thường. Phải luôn luôn giữ vững lập trường và đừng để thối khuất, lui sụt tâm chí thanh tịnh ban đầu. Phải không ngừng tinh tấn trong sự tỉnh thức. Nếu chẳng một phen trải qua mùa đông lạnh lẽo thấu xương, chịu đựng bao khó khăn gian khổ, thì đâu có ngày thong thả thanh nhàn để ngồi thưởng thức mùi hương thơm dịu của hoa mai. Đó là con đường chuyển hóa nội tâm.

Cuộc chuyển hóa nội tâm đó được bắt đầu bằng con đường hướng nội. Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng triệt để bằng sự phản tỉnh nội tại. Bởi vì con đường hướng ngoại là con đường của ý thức phân biệt, nó được sinh ra từ một niệm bất giác, là cảnh giới của vô minh mê lầm.

Con đường hướng nội là con đường tỉnh thức trong thực tại bằng trí tuệ quán chiếu sâu, thấy đúng sự thật về bản chất của con người và sự vật, (nhân sinh và vũ trụ) đưa đến một cuộc sống đúng như thật. Con đường chuyển hóa để đưa đến Niết Bàn, con đường này mỗi người phải tự đi, không ai có thể đi thế cho ai được, và phải đi trong cô đơn trong âm thầm lặng lẽ, chứ không phải đi trong chỗ tấp nập ồn ào rộn ràng huyên náo. Như hai câu thơ của Thiền Sư Huyền Giác diễn tả trong Chứng Đạo Ca”:“Thường độc hành, thường độc bộ Đạt giả nhàn du Niết Bàn lộ”

Nghĩa: “Thường một mình, thường tản bộ Đạt giả lại qua Niết Bàn lộ” Thường đi một mình, thường bước một mình đó là cuộc hành trình của hàng thức giả trên con đường trở về bảo sở. Chính Đức Phật cũng đã từng tuyên bố: “Ta chỉ là Đạo Sư dẫn đường, các con mỗi người hãy tự đi.” Trước khi nhập Niết Bàn, Đạo Sư ân cần khuyên dạy: “Này các đệ tử, từ nay hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy giáo pháp của ta làm đuốc, hãy theo giáo pháp của ta mà tìm sự giải thoát, đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, ở một nơi nào khác ngoài các ngươi.” (kinh pháp cú)

Như vậy, chân lý giải thoát và đạo quả giác ngộ nằm sẵn bên trong mọi người chúng ta. Đức Phật dạy mỗi người hãy tự quay về, đừng tìm cầu ở bên ngoài, hoặc mong đợi từ ân sủng của một kẻ nào khác, một đấng tối cao nào. Sự giác ngộ giải thoát cũng không phải ở một phương trời xa lạ nào, không phải ở một cảnh giới huyền bí nào, hay một thượng đế quyền năng siêu nhiên nào có thể mặc khải và ban bố cho ta sự giác ngộ đó.

Thật vậy: “Tự mình làm ô nhiễm, Tự mình làm thanh tịnh, Thanh tịnh không thanh tịnh,
Đều do tự mình làm, Không ai thanh tịnh ai.” (Lăng Già)

Đôi điều để sẻ chia. Kính mong quý vị cố gắng tinh tấn, trao dồi để con đường mà ta bước không còn phải chênh vênh, bềnh bồng……!

Thượng tọa Thích Tuệ Giác
Previous Post
Next Post