Suy niệm cuộc đời ngắn ngủi

Cao bá Quát, một thi tài lỗi lạc của văn học Việt Nam thế kỷ 19, trong bài “Uống rược tiêu sầu đã viết”:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

để diễn tả ý niệm về cuộc sống ngắn ngủi của con người. Tiền tải, danh vọng mà con người suốt đời vất vả bon chen tìm kiếm cũng chỉ như bọt nổi, mây trôi. Tất cả đều tiêu tan theo mây khói, chẳng có gì còn lại khi con người nằm xuống, hai tay buông xuôi. Và như trong văn chương truyền khẩu cũng đã đề cập:

Đời người chẳng khác loài hoa,
Sớm còn, tối mất, nở ra lại tàn.

Sinh ra ba tiếng ua oa,
Trần gian giả tạo như là chiêm bao.

Cuộc sống của con người như chiêm bao, như giấc mộng. Giấc mộng nào rồi cũng tàn, cho dầu là một giấc mộng lớn. Và khi con người tỉnh giấc là bắt đầu sự chết. Như vậy, sống và chết chỉ là sự tiếp nối nhau không ngừng, chỉ là một sự thay đổi bình thường, nhịp nhàng của cái lẽ biến hóa nói trên. Cũng như buổi sáng mặt trời mọc, buổi chiều mặt trời lặn. Bình minh và chiều tà là hai trạng thái thời khắc nối tiếp của một ngày; mộng với tỉnh là hai trạng thái tâm lý nối tiếp của một chủ thể.

Chúng ta thử so sánh: Có phải đời người cũng giống cái bóng mặt trời thoáng qua. Buổi sáng, mặt trời ló lên ở phương Đông, vừng hồng càng lúc càng lên cao, tỏa ánh sáng rực rỡ, gieo rắc niềm vui sống đến vạn vật. Đó là con người lúc mới sinh ra, từ tuổi thiếu niên tới tuổi thanh niên, cả một thời thanh xuân tươi đẹp. Mặt trời càng lúc càng lên cao, vươn cao hơn, phát năng lượng, giúp sự tăng trưởng cho mọi loài.

Chẳng khác con người vào tuổi trung niên, tuổi mà con người trở nên đứng đắn, suy nghĩ và hành động chín chắn trong mọi công việc: từ việc xây dựng sự nghiệp. công danh, đến góp phần tích cực xây dựng xã hội, cộng đồng. Rồi buổi chiều, mặt trời xế bóng, càng lúc càng xuống thấp, ánh sáng trở nên yếu ớt, mong manh và cuối cùng nhường chỗ cho hoàng hôn cuối ngày lên ngôi ngự trị. Đó là lúc con người tuổi đời ngả bóng về chiều, sức lực cường tráng của tuổi thanh xuân dần dần ngày một yếu. Tuổi già đến và bệnh tật, cái chết theo sau. Tiền bạc, tài năng, danh vọng, người thân tất cả rồi cũng rời xa, tan biến khi con người nằm xuống hai tay buông xuôi.

Trăm năm nào có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.
Nguyễn Gia Thiều

Ngay cả những vật vô tri, vô giác trong vũ trụ như gỗ đá, hay nhỏ nhoi thấp hèn như loại côn trùng, kiến, sâu, hoặc to lớn, hùng vĩ như núi rừng, sông, biển, tất cả cũng đều bị chi phối bởi định luật hủy hoại như thân xác con người. Ý niệm về cuộc đời ngắn ngủi là thế, thân phận con người mong manh là thế. Vạn vật không có gì trường tồn, vĩnh viễn.

Nhưng cũng như mặt trời đem ánh sáng chiếu soi vạn vật, giúp muôn loài tăng trưởng, phát triển, kiếp sống con người cũng khôn phải là vô nghĩa lý vì biết sống Hữu Ích và sống Yêu Thương. Con người với hai phần thể xác và linh hồn. Sự sống hay là linh hồn vốn bất diệt. Khi linh hồn hay sự sống ở trong thể xác thì làm các tế bào của thể xác rung động, sinh hoạt. Khi linh hồn rời khỏi thể xác thì thể xác trở nên bất động mà ta gọi là “chết”.Lúc bấy giờ linh hồn lại trở về nơi mà từ đó linh hồn đã xuất phát. Như vậy, sống nơi thế trần chỉ là tạm gửi, chết mới là nơi chốn trở về của linh hồn: “Sinh ký, tử qui”.

Thế tại sao con người không lợi dụng kiếp sống ngắn ngủi: Ba vạn sáu ngàn ngày để cùng chung vai sát cánh, đoàn kết, tương thân, xóa đi những quan điểm dị biệt về cuộc sống, về nhân sinh quan để có thể sống gần gũi và cảm thông với nhau. Nhờ đó, cuộc đời nơi trần thế sẽ bớt nỗi đau thương và việc chuẩn bị cho cuộc hành trình trở về được đầy đủ, không bị thiếu sót.

Sống tạm ở trần gian ai cũng lo ăn, lo mặc, lo nhà cửa, xe cộ, lo cách cư xử cho phải đạo đối với mọi người, huống nữa là về quê thật “đời đời, vĩnh viễn” lại không lo sao được!

Nguồn: nshaitrieu.blogspot.com
Previous Post
Next Post